Trả lời cho hai thắc mắc:
Hồng Y Ðoàn có từ bao giờ?
Từ ngày thành lập cho tới lúc này có bao nhiêu Hồng Y?

Prepared for internet by Msgr. Peter Nguyen Van Tai
Radio Veritas Asia, Philippines

Trả lời cho hai thắc mắc: Hồng Y Ðoàn có từ bao giờ? Từ ngày thành lập cho tới lúc này có bao nhiêu Hồng Y?

 Trong thế kỷ XX, có người định nghĩa một cách khôi hài rằng: Hồng Y Ðoàn là một câu lạc bộ quốc tế độc nhất hơn hết trên thế giới này. Trong thế kỷ vừa qua đi, đã có 583 vị Giáo sĩ cao cấp, thuộc 79 quốc gia khác nhau, trở thành Hội viên của Câu Lạc bộ đặc biệt này.

 Trong Giáo hội, Hồng Y Ðoàn thường được gọi như là một "Nghị viện" (Senat ), gồm các vị Cố vấn và Cộng tác thân cận nhất của ÐTC trong việc quản trị Giáo Hội hoàn cầu. Từ thế kỷ XII, các Hồng Y cũng được chọn ngoài Roma. Hồng Y Ðoàn, nhất là sau Công đồng Vatican II, mỗi ngày được quốc tế hóa thêm và con số cũng gia tăng theo nhu cầu và tính cách hoàn vũ của Giáo hội.

 Hồng Y Ðoàn được thành lập từ lúc nào? Năm 1159, thời Ðức Eugenio III (1143-1153 ), Hồng Y Ðoàn được thành lập, ngoài các thành viên, gồm một vị Ðứng đầu gọi là Decano (Niên trưởng), không phải là vị tuổi tác hơn cả, nhưng là vị do sáu Hồng Y Giám mục (nghĩa là các Hồng Y được tước hiệu sáu Giáo phận chung quanh Thành Roma) bầu lên - một vị Phó Niên trưởng và một Vị Quản lý tài sản Giáo hội, khi trống ngôi Giáo Hoàng, vị này được gọi là Vị Hồng Y Nhiếp Chính (Camerlengo). Hiện nay, Hồng Y niên trưởng là Ðức Bernardin Gantin (người Bénin, Phi Châu), cựu Tổng trưởng Bộ Giám mục, Vị phó Niên trưởng: Ðức HY Ratzinger (nguời Ðức), Tổng trưởng Bộ Giáo lý Ðức tin và vị HY Quản lý tài sản Tòa Thánh: Ðức HY Eduardo Martinez Somalo, (người Tây ban nha), Tổng trưởng Bộ Tu sĩ.

 Trước khi thành lập Hồng Y Ðoàn, nghĩa là từ năm 1059, thời Ðức Nicolo II (1059-1061) các ngài đã được chỉ định là những cử tri duy nhất bầu Giáo Hoàng, là những Cố vấn và những người công tác thân cận nhất của Ðức Giáo Hoàng. Từ lúc thành lập tới nay, con số Hồng Y khoảng 3 ngàn.

 Về việc bổ nhiệm Hồng Y - Vì những tình hình riêng biệt và khó khăn, có lúc Ðức Giáo Hoàng phải giữ kín tên các vị được bổ nhiệm. Các vị được bổ nhiệm như vậy được gọi là "in pectore". Năm 1911 (thời Ðức Thánh Giáo Hoàng Pio X (1903-1914), lúc Bè nhiệm nắm chính quyền tại Bồ đào nha, Vị Giáo chủ Lisboa (thủ đô Bồ đào nha), ÐHY Antonio Mendez y Bello, đã được bổ nhiệm làm Hồng Y "in pectore". Tên của ngài chỉ được tiết lộ năm 1914, sau đó 3 năm. Năm 1933, dưới Triều Giáo Hoàng Ðức Pio XI (1922-1939), Ðức TGM Federico Tedeschini, Sứ Thần Tòa Thánh tại Tây ban nha (lúc xẩy ra cuộc nội chiến giữa hai phe Quốc-Cộng 1933-1936), cũng được bổ nhiệm làm Hồng Y "in pectore", và được công bố năm 1935. Năm 1969, Ðức Phaolô VI (1963-1978), bổ nhiệm Ðức Cha Stefan Trochta, TGM giáo phận Litomerice, bên Tiệp khắc (dưới chế dộ cộng sản), làm Hồng Y "in pectore". Tên ngài được tiết lộ năm 1973.

 Năm 1976, Ðức Cha Frantisek Tomasek, Giám quản Tông Tòa giáo phận Praha (thủ đô Tiệp khắc), cũng dưới chế độ cộng sản, được bổ nhiệm làm Hồng Y "in pectore", được công bố năm sau 1977.

 Năm 1979, Ðức Gioan Phaolô II bổ nhiệm Ðức Cha Ignatius Kung Pin-mei, TGM Sanghai (Trung quốc) làm Hồng Y "in pectore"; được tiết lộ năm 1991, sau 12 năm, lúc ngài được trả tự do và ra khỏi nước.

 Chúa nhật 28 tháng Giêng 2001, ÐTC đã tiết lộ tên hai vị được bổ nhiệm "in pectore" từ năm 1998, đó là Ðức Cha Jaworski, TGM Lviv, chủ chăn các tín hữu thuộc Lễ nghi Latinh tại Ukraine và Ðức Cha Pujats, TGM Riga, thủ đô Lettonie: cả hai đã là nạn nhân của chế độ cộng sản Liên xô.

 Năm 1960, Ðức Gioan XXIII (1958-1963), cũng đã bổ nhiệm vài vị "in pectore"; nhưng tên các vị này không được tiết lộ. Ngài không để lại bút tích gì về các vị được bổ nhiệm, trước khi qua đời.

 Một sự kiện khác cũng có thể xẩy ra trong giữa thời gian loan báo danh sách và lễ nghi tấn phong: Từ trước tới giờ đã có bốn vị Giáo sĩ cấp cao được bổ nhiệm làm Hồng Y đã qua đời trước khi được tấn phong. Ðó là Ðức Giáo chủ Venezia (Ðông bắc nước Ý), ÐHY Carlo Agostini, qua đời năm 1953 (thời Ðức Pio XII) - Ðức Giám mục Juliu Hossu, người Rumani, nạn nhân chế độ cộng sản, thuộc lễ nghi Bizantin, qua đời năm 1970, được Ðức Phaolô VI bổ nhiệm làm Hồng Y "in pectore" năm 1969 - Cha Hans Urs von Balthasar, nhà thần học, qua đời năm 1988 (thời Ðức Gioan Phaolô II) - Ðức Cha Giuseppe Husac, Tổng thư ký Bộ rao giảng Tin Mừng cho các dân tộc, qua đời năm 1998, ngay sáng Chúa nhật, trước khi ÐTC loan báo trong giờ đọc Kinh Truyền Tin với Dân chúng tại Quảng trường Thánh Phêrô.

 Trong thế kỷ XX, trong 51 Hội Nghị Hồng Y bổ nhiệm các thành viên mới, con số thay đổi mỗi lần khác nhau. Chỉ có một vị được bổ nhiệm lám Hồng Y năm 1912, thời Ðức Thánh Pio X và một vị khác năm 1939, thời Ðức Pio XI. Con số đông hơn cả được bổ nhiệm, 34 vị được loan báo và hai vị "in pectore", thời Ðức Phaolô VI năm 1969. Và lần này (21-22 tháng 2 năm 2001) con số kỷ lục: 44 vị, do Ðức Gioan Phaolô II.

 Về phương diện địa dư, không kể lần sau cùng này (21-22.2.2001), và nếu tính tổng cộng, thì có 403 vị Châu Âu, đến từ 25 quốc gia khác nhau - 109 vị Châu Mỹ, thuộc 19 nước - 36 vị Châu Á, thuộc 15 quốc gia - 26 vị Châu phi, thuộc 19 nước và 9 vị thuộc Châu Ðại dương, đến từ Australia, New Zealand và Ðảo Samoa.

 Trong số các vị được tấn phong Hồng Y, có nhiều vị đã làm vinh danh Chúa và trung thành với Giáo hội, cho đến việc hy sinh mạng sống, "usque ad sanguinis effusionem", như Ðức TGM giáo phận Saragozza (Tây ban nha), ÐHY Juan Soldevilla y Romero - Ðức HY Emile Biayenda, TGM Congo-Brazaville - ÐHY Juan Posadas Ocampo, TGM Guadalajara (Mexico). Ðức Soldevilla (TGM Saragozza) bị hai người lạ mặt hạ sát ngày 4 tháng 6 năm 1923, lúc ra khỏi một Tu viện, để lên xe về Tòa Giám mục. Sau khi điều tra, lý do của vụ sát hại này là lý do chính trị-tôn giáo. Ðức Biayenda bị những người lạ mặt bắt cóc chiều tối ngày 22 tháng 3 năm 1977, và sau đó ít giờ bị giết, trong thời kỳ Congo có những vụ tranh chấp giữa các chủng tộc. Ðức Posadas Ocampo bị bị bắn chết tại sân bay Guadalajara. Vụ này còn nhiều ám muội. Theo Cảnh sát Mexico: ngài bị bắn chết trong lúc hai phe chuyên buôn bán a phiến xả súng giết hại nhau. Trái lại theo Tòa Giám mục, thì vụ giết Ðức Hồng Y là do chính bàn tay cảnh sát, tức giận do những tố cáo của Ðức Hồng Y chống lại sự lan tràn mỗi ngày mỗi nhiều của tội ác và nạn tham nhũng trong chính quyền.

 Xét về lịch sử việc triệu tập Hội nghị Hồng Y để bổ nhiệm các tân chức: Cho tới lúc này, Ðức Pio XI (1922-1939), trong 17 năm đã triệu tập tới 17 lần (mỗi năm một lần) - Và hầu như đi ngược lại, Ðức Pio XII (1939-1958 - (kế vị Ðức Pio XI), trong hơn 19 năm chỉ triệu tập có hai lần. Khi ngài qua đời năm 1958, chỉ có 58 Hồng Y tham dự Mật Viện bầu Giáo Hoàng mới. Các Ðức Giáo Hoàng khác của thế kỷ XX: Ðức Thánh Giáo Hoàng Pio X, triệu tập 7 lần - Ðức Benedicto XV (1914-1922): 5 lần - Ðức Gioan XXIII (1958-1963): 5 lần (hầu như mỗi năm một lần - Ngài cũng là Vị Giáo Hoàng tôn phong lần thứ nhất trong lịch sử Hồng Y Ðoàn, hai anh em ruột làm Hồng Y: ÐHY Gaetano Cicognani và ÐHY Giovanni Cicognani - Ðức Phaolô VI (1963-1978): 6 lần trong 15 năm Triều Giáo Hoàng và Ðức Gioan Phaolô II, cho tới lúc này: 8 lần.

 Một sự kiện khác cũng nên lưu ý: Một số chỉ là thành viên của Viện Hồng Y trong thời gian rất ngắn: Ðức Jean Balland (9 ngày) - John Glennon (19 ngày) - Clemens von Galen (32 ngày) - Marcelo Spinola y Maestre (40 ngày) - Alberto Bovone (56 ngày).

 Trái lại có những vị tại chức trong nhiều năm, như: Ðức Manuel Cerejeira (47 năm) - Achille Liénart (43 năm) - Franciscus Koenig (42 năm và hiện còn đang sống) - Emile Léger (38 năm) - Leone de Skrbensky và Silva Henriquez (37 năm) - Alessio Ascalesi- Motta de Vasconcellos- Eugène Tisserant và Giuseppe Siri (36 năm) - Corrado Bafile, hiện đang sống, gần 98 tuổi (25 năm)...

 Với 44 Hồng Y được tấn phong ngày 21- 22 tháng 2/2001, Hồng Y Ðoàn gồm 185 vị, trong số này có 50 vị trên 80 tuổi và 135 vị dưới 80 tuổi sẽ vào Mật Viện bầu Giáo Hoàng mới. 135 "đại cử tri" được phân chia như sau: 65 vị Châu Âu - 13 vị Bắc Mỹ - 27 vị Châu Mỹ Latinh - 13 vị Châu Á - 13 vi Châu Phi và 4 vị Châu Ðại dương, dại diện 58 quốc gia khác nhau.
 
 


Back to Radio Veritas Asia Home Page