Cuộc hội thảo về các Vị Tử đạo
tại Học viện Regina Apostolorum ở Roma

Prepared for internet by Msgr. Peter Nguyen Van Tai
Radio Veritas Asia, Philippines

Cuộc hội thảo về các Vị Tử đạo tại Học viện Regina Apostolorum ở Roma.

 Tin Roma: (Roma 8/12/2000) - Thứ ba mồng 5 tháng 12/2000, tại Học viện "Nữ vương các Thánh Tông đồ" ở Roma, có cuộc hội thảo quốc tế sau cùng của Năm 2000 về Các Vị Tử đạo của Thế kỷ XX , dành riêng cho các Vị Tử đạo tại Châu Phi và Châu Á. Thể kỷ XX vừa kết thúc - như ÐTC Gioan Phaolô II đã nói - là thế kỷ được ghi dấu đặc biệt bằng con số lớn lao các Vị Tử đạo.

 Trong số các vị tham dự Hội thảo, có Linh mục Paul Baettubela Balembo, Viện Trưởng Ðại học công giáo tại Kinshasa (thủ đô Cộng hòa Dân chủ Congo - cụu Zaire), Cha Armand Veilleux, Dòng Trappiste, Viện phụ Ðan viện Scourmont (bên Bỉ), Cha Innocenzo Venchi, Dòng Ða minh, Cáo Thỉnh viên của Dòng ở Roma, Ông Joseph Ming-Chuan-Kung, Chủ tịch "Hội ÐHY Cung Phần Mai" (Cardinal Kung Foundation), từ Hoa kỳ. Ngày bế mạc cuộc Hội thảo, ÐHY Francis Arinze, Chủ tịch Hội đồng Tòa Thánh về đối thoại Liên tôn, đã chủ tế Thánh lễ đồng tế.

 Cuộc Hội thảo vừa qua (5/12/2000) là cơ hội để tưởng niệm và tôn vinh tất cả các Vị Tử đạo của Thế kỷ XX đã hy sinh mạng sống, để trung thành với điều các ngài tin, để tiếp tục con đường do Thiên Chúa đã chỉ vẽ cho các ngài, không coi sao những bạo hành, những cuộc đấu tố vô nhân đạo, những cuộc sát hại dữ dội mà những người cùng quê hương, cùng dòng máu đã gây nên cho các ngài, chỉ vì thù ghét và vì ý thức hệ.

 Sau các Vị Tử đạo Tây ban nha (thời nội chiến giữa hai phe Quốc-Cộng, từ năm 1936-đến năm 1939), Các Vị Tử đạo Mexico (thời Bè nhiệm), Các Vị Tử đạo Brazil và Các Vị Tử đạo thời chế độ Ðức Quồc xã và Cộng sản tại Ðông Âu, cuộc Hội thảo về Các Vị Tử đạo Châu phi và Châu Á đã giúp cho các vị tham dự biết rõ ràng một thế giới, có lẽ ít được biết đến, biết đến thế giới lịch sử và đời sống của nhiều người, nhất là người giáo dân đạo dức, chỉ vì muốn minh chứng chân lý, minh chứng tinh thần hiệp nhất, không muốn bạo động, đã phải trả giá rất cao, nhưng với niềm hân hoan trong tâm hồn, vì được trở nên môn đệ đích thực của Chúa Kitô, Ðấng đã hy sinh sự sống vì yêu thương nhân loại.

 Cha Paolo Scarafoni, Viện trưởng Học viện "Nữ Vương Các Thánh Tông Ðồ" (Regina Apostolorum) đã giải thích như sau: Các Vị Tử đạo đến với chúng ta hôm nay như là như điểm tham khảo rõ ràng cho các tín hữu Kitô. Thế kỷ XX vừa qua đã để lại một số rất đông các người đã hy sinh sự sống vì trung thành với Chúa Giêsu Kitô. Ðây thực là một ơn ban rất lớn lao Thiên Chúa đã làm, bởi vì Các Vị Tử đạo là một gia tài rất quan trọng và như Học giả Tertuliano, đã nói: "Máu các ngài là hạt giống sinh ra nhiều tín hữu mới". Các Vị Tử đạo là điểm tham khảo rõ ràng, chắc chắn và xứng hợp với mọi người.

 Trong mọi thời đại vẫn luôn luôn có các tín hữu Kitô sằn sàng để mình bị giết đi, hơn là từ bỏ đức tin nơi Chúa Giêsu Kitô. Giáo hội hoàn vũ luôn luôn tôn kính các tín hữu anh hùng này, nay trở nên gương mẫu cho mọi người.

 Cả tại Châu Phi, tuy nhiều quốc gia mới lãnh nhận Tin Mừng cách đây hơn một trăm năm, (dĩ nhiên có những nước đã được nghe giảng Tin Mừng từ nhiều thế kỷ, như Angola, các nước Bắc phi...) nhưng cũng có các Vị Tử đạo của mình, xưa cũng như nay, được biết đến hay vô danh. Tất cả đều ca ngợi và đón nhận sự mới lạ của Tin Mừng Kitô. Những thăng trầm của Lục địa này đã để lại một số rất đông nạn nhân, theo ước tính tới khoảng 12 triệu, nhất là trong 50 năm vừa qua, như tại Algérie, Burundi, Rwanda, Angola, Congo Brazzaville, Congo-Kinshasa, Ethiopie, Sudan v.v... Việc rao giảng Tin Mừng thường gây những chống đối, cấm cách, bách hại, bởi vì tính cách mới lạ của Tin Mừng Kitô bị coi là tôn giáo ngoại quốc, hoặc đảo lộn tình trạng văn hóa, xã hội, chính trị ... địa phương, và bởi vì chứng tá luôn luôn liên kết với chứng nhân; việc khước từ chứng tá tức là khước từ chứng nhân... và đây là căn có chính của việc bách hại và của việc tử đạo.

 Phần lớn các Vị Tử đạo Châu phi là những nạn nhân của việc khước từ "những mới lạ" của Kitô giáo, biểu lộ trong một nền luân lý riêng biệt. Các Vị Tử đạo còn là nạn nhân của chính sách chính trị bất khoan dung - Chính sách này tìm cách loại bỏ những ai bênh vực các nguyên tắc về công bình và chân lý. Chỉ cần nhắc lại gương Cha Christian de Chergé, Phụ trách Ðan viện Tibhirine bên Algérie. Trong những năm 1994 và 1995, Mặt trận Quốc gia cứu quốc - (FIS: Front National du Salut) - nổi đậy . Algérie trở nên sân khấu của biết bao bạo động. Số nạn nhân cho tới lúc này lên tới khoảng 200 ngàn. Trong số các nhà truyền giáo, có 18 Ðan sĩ thuộc Dòng Trappiste, bị bắt cóc, đấu tố và sát hại, trong đó có Cha Bề trên Cộng đồng Tibhirine. Trước khi chết, ngài đã để lại một di chúc gương mẫu theo gương Chúa Giêsu trên Thánh giá: tha thứ cho những người sát hại mình và gọi họ là "các bạn hữu của giờ sau cùng". Các Vị Tử đạo này, với những ngày bị giam tù và với cái chết tàn bạo, đã gây xúc động mạnh mẽ tại Châu Aâu và tại chính Algérie nữa.Việc các ngài được tôn phong lên Bậc Chân phuớc hay Hiển Thánh, cho tới lúc này, chúng ta không được biết. Nhưng các ngài là những Vị Tử đạo đích danh, bởi vì các ngài đã chết vì các giá trị của Kitô giáo , của Tình Huynh đệ và của Tình yêu đối với Thiên Chúa và với nhân loại.

 Tại Châu Á, không thiếu những cuộc bách hại dữ dội đối với các tín hữu Kitô: Các Giám mục, Linh Mục, Tu sĩ nam nữ và Giáo dân thuộc mọi lứa tuổi, địa vị trong xã hội và nhiều lúc tất cả gia đình đã bị bách hại, bị giết chỉ vì trung thành với đức tin công giáo, như tại Nhật Bản, Ðại Hàn, Trung quốc, Việt nam, Thái Lan, Kampuchia và hiện nay tại Indonesia...

 Ðể kính nhớ gương anh hùng và để bảo tồn gia tài quí báu của Giáo hội, theo chỉ thị của ÐTC, Bộ Phụng tự đã soạn Cuốn Sách Tử đạo mới (Martyrologium) và sẽ được công bố trong tương lai gần đây.
 
 


Back to Radio Veritas Asia Home Page