Vài điểm nôi dung
của Bản Tuyên ngôn chung
kết thúc Ðại Hội Tông Ðồ Giáo Dân

Prepared for internet by Msgr. Peter Nguyen Van Tai
Radio Veritas Asia, Philippines

Vài điểm nôi dung của Bản Tuyên ngôn chung, kết thúc Ðại Hội Tông Ðồ Giáo Dân.

 Ðại hội thế giới của Tông đồ Giáo dân, do Hội đồng Tòa Thánh phụ trách Giáo dân, tổ chức trong bố cảnh của Năm Toàn Xá 2000, đã được khai mạc sáng thứ bẩy ngày 25/ 11, và đã bế mạc chiều 30 tháng 11 vừa qua, tại Roma với một Bản Tuyên ngôn rất mạnh mẽ kêu gọi: "Người giáo dân hãy sẵn sàng đem lửa thiêu đốt thế giới".

 Thái độ cương quiyết dấn thân này là việc đáp lại cách hăng say lời kêu gọi của ÐTC gửi cho người giáo dân trong bài giảng Thánh Lễ Chúa nhật 26.11.2000 tại Quảng trường Thánh Phêrô. Ngài nói: "Việc tông đồ của anh chị em rất cần thiết, để Tin Mừng trở nên ánh sáng, muối và men của một nhân loại mới".

 Nhân danh tất cả Cộng đồng Giáo dân trên thế giới, 550 đại diện của các Hội đồng Giám mục và các Phong trào, các Hội đoàn Giáo hội trên thế giới, đến từ năm Châu, tham dự Ðại Hội, và lãnh nhận trách nhiệm đã được Công đồng chung Vatican II và ÐTC, chủ chăn toàn Giáo hội, phú thác cho, cách riêng trong Ngàn Năm mới này. Dấn thân này đã được các Vị đại diện tham dự Hội nghị nhắc lại trong trong bức điện văn gửi lên ÐTC, vào ngày bế mạc. Nội dung bức điện văn như sau: Chúng con muốn đáp lại bằng tất cả nghị lực của người giáo dân lời kêu gọi của ÐTC đã nói với chúng con tại Quảng trường Thánh Phêrô: "Nếu anh chị em sẽ là cái mà anh chị em phải là, thì anh chị em có thể đốt cháy cả thế giới này". Ðây cũng là lời kêu gọi ÐTC gưi cho Giới trẻ tham dự Ngày thế giới Thánh niên lần thứ XV vừa qua, khi họ tụ họp tại khuông viên Ðại học Tor Vergata: "Các con hãy đem lửa thiêu đốt thế giới".

 Vai trò của người giáo dân trong Ngàn năm thứ ba, tuy là thiểu sốâ về phẩm, nhưng là muối đất, là những chứng nhân hiệu nghiệm, sẵn sàng vượt qua mọi thách đố của thời đại. Bản tuyên ngôn kết thúc Ðại Hội đã nói rõ như sau: Chúng ta được mời gọi trở nên muối đất.... Chúng ta hiểu rằng: ơn gọi và sứ vụ của chúng ta ở tại việc biến đổi một thế giới, luôn luôn thay đổi, theo chương trình đầy yêu thương của Thiên Chúa.

 Các tham dự viên Ðại Hội còn nhấn mạnh thêm trong Tuyên Ngôn như sau: Thời đại chúng ta không những bị thống trị bởi nền văn hóa của sự chết: qua việc phá thai, làm cho chết êm dịu, nhưng cũng còn bị đánh dấu bởi một nền văn hóa chống Kitô, với thái độ lãnh đạm, với Thuyết Hư vô và Thuyết tương đối luân lý; Tuy nhiên cũng còn có một sự tìm kiếm hăng say Thiên Chúa và tìm kiếm ý nghĩa sâu xa của cuộc sống. Trong bối cảnh tương phản này, người tín hữu giáo dân lãnh nhận trách nhiệm dấn thân trong công việc huấn luyện và giáo dục về đức tin và nhìn nhận bổn phận đầu tiên của mình là việc xây dựng một xã hội nhân đạo hơn.

 Ðể thực hiện bổn phận này, người giáo dân sẵn sàng cộng tác với mọi tín hữu Kitô, với các tín hữu của các tôn giáo khác và với mọi người thiện chí. Hoàn toàn sống giữa thế gian, luôn luôn sẵn sàng đối thoại, người tín hữu giáo dân không bao giờ để mất đi "căn cước và sứ vụ riêng của mình". Bản tuyên ngôn viết thêm như sau: Chúng ta sẵn sàng làm chứng cho vẻ xinh đẹp của người tín hữu giáo dân trong Giáo hội và trong xã hội: ở đâu có cuộc gặp gỡ với Chúa Kitô, ở đó có sự thay đổi đời sống con người. Một chứng tá không căn cứ trên con số đông. Dĩ nhiên chân lý của kinh nghiệm Kitô không bao giờ được do lường bằng những con số hay bằng quyền bính. Cái nguy hiểm thực sự không hệ tại ở thiểu số, bất cứ nơi đâu: thiểu số trong một quốc gia vẫn có truyền thống Kitô, hay thiểu số tại những quốc gia vừa được rao giảng Tin Mừng trong thời gian mới đây, nhưng điều nguy hiểm thực sự hệ tại ở việc trở nên không đáng kể hay vô ích cho thế giới này. Vì thế, chúng ta (người tín hữu giáo dân) được mời gọi trở nên muối đất, hoàn toàn ghìm mình trong xã hội và làm cho thực tại riêng biệt của đức tin chúng ta trổ sinh những thành quả tốt đẹp cho thế giới.

 Như vậy, người tín hữu giáo dân không khép kín mình vào những bổn phận thuộc phạm vị giáo hội, nhưng trở nên những tông đồ được sai đi trong thế giới. ÐTC đã nhắc lại cho chúng ta rằng: nhờ dấn thân của các người giáo dân trong các lãnh vực khác nhau của đời sống, mà sự hiện diện của sứ điệp Kitô có thể được thể hiện trong những mơi trường đó. Trong thời đại của những thay đổi tận gốc rễ trong nền văn hóa, chúng ta được mời gọi làm chứng rằng: Giáo hội là một dấu hiệu của sự hiệp thông và hòa giải với Thiên Chúa và với dân tộc. Chúng ta khám phá ra rằng: chúng ta được mời gọi tham dự tích cực vào sứ vụ rao giảng Tin Mừng của Giáo hội. Ðối với chúng ta, người tín hữu giáo dân, sứ vụ của chúng ta là ở giữa thế gian. Việc xây dựng thực sự của Giáo hội là công việc cụ thể của những con người nam, nữ, được mời gọi sống trong sự tự do, nhờ qua cuộc gặp gỡ thực sự với Chúa Kitô.

 Trong phần cuối, Bản tuyên ngôn nhắc lại một lần nữa lời ÐTC căn dặn trong Thánh lễ Chúa nhật 26.11.2000, rằng: "Nếu anh chị em sẽ là cái mà anh chị em phải là, nếu anh chị em sống Kitô giáo đầy đủ, thì anh chị em có thể đem lửa đốt cháy cả thế giới này". Việc đốt cháy này phát xuất bởi một sự khiêm tốn xác tín về công việc của Thiên Chúa trong đời sống chúng ta. Sau 35 năm bế mạc Công đồng chung Vatican II, chúng ta đang thấy một Mùa Xuân mới hé mở. Chúng ta có một hy vọng mới: là trở nên những người được sai đi trong Ngàn Năm thứ ba này với những lời của Chúa Giêsu: "Ta là cây nho, các con là ngành nho. Ai ở trong Ta và Ta ở trong họ, sẽ đem lại nhiều hoa trái tốt lành, bởi vì không có Ta, các con không thể làm nên việc gì " (Ga 15, 5).
 
 


Back to Radio Veritas Asia Home Page