ÐHY Roger Etchegaray
lên đường viếng thăm Trung quốc

Prepared for internet by Msgr Peter Nguyen Van Tai
Radio Veritas Asia, Philippines

ÐHY Roger Etchegaray lên đường viếng thăm Trung quốc.

 Vatican - 10.9.2000 - Chúng tôi vừa được tin ÐHY Roger Etchegaray, Chủ tịch Ủy Ban trung ương Năm Thánh, sẽ lên đường viếng thăm Trung quốc, vào thứ tư tới đây, ngày 13.9.2000, nếu không có gì trắc trở xẩy ra vào phút chót. Cùng đi với ÐHY có Cha Bruno Forte, nhà thần học nổi tiếng, người Ý, giáo sư Giovagnoli, thuộc Cộng đồng thánh Êgidio và Cha Lazzarotto Fumagali, thuộc Hội truyền giáo Italia, có trụ sở tại Milanô (PIME).

 Mục đích chuyến đi của ÐHY đã được chính ngài giải thích trong bài phỏng vấn, với những lời lẽ hết sức dắn đo, cân nhắc từng câu, từng chữõ. Ai cũng hiểu rằng: Chuyến viếng thăm của ÐHY đến vào lúc tình hình rất tế nhị và phức tạp của Giáo hội công giáo tại Trung quốc. Chúng tôi xin dịch nguyên văn bài phỏng vấn này:

 Hỏi - Kính thưa ÐHY, chúng con biết tin: thứ tư này 13.9.2000, ÐHY sẽ đi Bắc Kinh. Vậy ý nghĩa của chuyến ra đi này là như thế nào?

 Ðáp - Tôi muốn trả lời rõ ràng hết sức, vì các người công giáo Trung quốc có quyền biết tôi đến đây làm gì và trong những điều kiện nào. Tôi đến để tham dự một Hội nghị Liên Quốc Gia Italia-Trung quốc (italo-cinese) về đề tài: "Các Tôn giáo và Hòa bình", do Hội văn hóa Tian Xian Yi Jia (dưới cũng một bầu trời, một gia đình) đứng ra tổ chức. Chủ tịch Hội này là Giáo sư Giovagnoli, thuộc Ðại Học Thánh Tâm ở Milano và Phó chủ tịch là Cha Lazzarotto (PIME). Nhưng tôi thấy cần minh xác rằng: tôi không đến để thương lượng một công việc nào cả, nhân danh Tòa Thánh (vì không thuộc sở trường của tôi).

 Hội nghị sẽ diễn ra tại Trụ sở của Viện các Tôn giáo thế giới, một trong các phân bộ của Hàn Lâm Viện về Khoa học xã hội của Bắc Kinh. Tôi phải đọc bài tham luận ngay buổi khai mạc, sau giáo sư Zhuo Xinping, giám đốc Viện.

 Sự hiện diện khiêm tốn của tôi tại một Hàn Lâm viện uy tín của Trung quốc là một sự kiện rất tích cực, tôi cần phải nhấn mạnh điều này, bởi vì không một người nào lại không biết đến những trách nhiệm của tôi trong Giáo hội.

 Hỏi - ÐHY đã được biết đến tại Trung quốc Lục địa... hay sao?

 Ðáp - Ðúng vậy, tôi đã đến đây hai lần rồi, năm 1980 và 1993. Nhất là chuyến đi thứ nhất - lúc đó tôi còn ở Marseille - rất quan trọng vì chuyến thăm kéo dài trong ba tuần lễ, và vì phẩm chất của những cuộc tiếp xúc với các nhân vật cấp cao Trung quốc. Lúc đó tôi là vị Hồng Y thứ nhất viếng thăm Trung quốc cộng sản và tôi đã có thể hiểu được tại chỗ những khó khăn nghiêm trọng Giáo hội đang trải qua, nhưng đồng thời, tôi cũng nhận thấy đức tin dũng cảm của các người công giáo.

 Hỏi - Nhưng, thưa ÐHY, lần này tình hình tôn giáo xem ra còn phứùc tạp hơn nữa...

 Ðáp - Không ai có thể phủ nhận những khía cạnh tích cực: những khía cạnh này cho thấy rõ cộng động công giáo đang gia tăng dưới sức hoạt động của Chúa Thánh Thần. Nhưng, các tin tức chúng ta nhận được, thực sự nghiêm trọng và gây lo lắng. Thực ra, không bao giờ có thể chặn lại được sự chuyển hành của lịch sử và một tín hữu Kitô biết rõ điều này, khi nhìn lại 20 thế kỷ lịch sử của Giáo hội. Phúc Âm dạy chúng ta luôn luôn nhìn về tương lai "với cái nhìn nhắm thẳng vào Chúa Kitô": Chúa Kitô hôm qua, hôm nay và ngày mai. Mầu nhiệm Phục sinh của sự chết và sống lại, luôn luôn ở trung tâm đời sống hằng ngày của Giáo hội.

 Hỏi - ÐTC đã trao trách nhiệm về Ðại Toàn xá Năm Thánh này cho ÐHY. Vậy ÐHY có nghĩ rằng: sự hiện diện của ÐHY tại Trung quốc sẽ có thể củng cố đức tin của một Giáo hội, đang đau khổ vì những chia rẽ trầm trọng và những xiết chặt bên ngoài của chế độ chính trị không?

 Ðáp - Năm Ðại Toàn xá này phải là một năm đặc biệt cho một sự thúc đẩy của những nỗ lực chung tiến đến một Giáo hội hòa giải và được công nhận hơn nữa, như người mang đến một Tin Vui Mừng, nhằm phục vụ toàn dân Trung quốc. Tôi nghĩ ngay đến sứ điệp của ÐTC Gioan Phaolô II đã gửi ngày mồng 8 tháng 12 vừa qua (1999) cho tất cả các người công giáo Trung quốc, không phân biệt ai cả. Ngài viết: "Với niềm an vui tôi biết rằng anh chị em muốn tặng tôi, như một món quà quí báu nhất của việc cử hành Ðại Toàn xá, món quà sự hiệp nhất giữa anh chị em với nhau và với Vị Kế nghiệp Phêrô. Quyết tâm này chỉ có thể là thành quả của Chúa Thánh Thần, Ðấng hướng dẫn Giáo hội của Người trên những con đường khó khăn của việc hòa giải và hiệp nhất".

 Hỏi - Nhưng, trên thực hành, trong viễn tượng này, ÐHY nghĩ tại Trung quốc phải làm gì để giúp đỡ các người công giáo?

 Ðáp - Tôi không biết trước được. Từ chuyến viếng thăm đầu tiên của tôi, cách đây 20 năm, hằng ngày mỗi buổi tối, tôi cầu nguyện cho Dân tộc Trung quốc và cho Giáo hội tại đây. Tôi ước mong có thể đem lại cho mọi người một dấu hiệu nhỏ bé về hy vọng. Tôi ý thức rõ ràng rằng: những lời nói, những củ chỉ của tôi, cho dù giới hạn, có thể đi đến chỗ hiểu lầm, hoạc giải thích không đúng.

 Những tiếp xúc có thể có, sẽ không thể giải thích như một sự công nhận các cơ cấu giáo hội hiện có (chúng ta hiểu ÐHY có ý nói đến những cơ cấu, tổ chức nào tại Trung quốc hiện nay). Ước mong duy nhất của tôi là có thể minh chứng cách đơn sơ cho mọi người thấy thiện chí thành thực và quả quyết về đối thoại, không giấu giếm gì về sự thật của Giáo hội, do Chúa Kitô thiết lập.

 Tôi xin phú thác hoàn toàn trong tay Chúa và cũng cho sự tín nhiệm, cho lời cầu nguyện huynh đệ của tất cả các người công giáo Trung quốc.

 ÐHY Roger Etchegaray - năm nay 78 tuổi. Thụ phong linh mục năm 1942 - tấn phong Giám mục năm 1969 - TGM giáo phận Marseille (Pháp) năm 1970 - thăng Hồng Y năm 1979 - Chủ tịch Hội đồng Tòa Thánh về Công lý- Hòa bình và Ðồng Tâm (Cor Unum). Ngày 15.11.1994, ÐTC đặt ngài làm Chủ tịch Ủy Ban trung ương Năm Thánh.

 Ngài là một trong các Vị Hồng Y được biết đến nhiều trên thế giới, vì những sứ mệnh khó khăn đã được ủy thác. Ngài đã viếng thăm Liên xô năm 1980, nhân dịp mừng kỷ niệm một ngàn năm Nước Nga lãnh nhận Tin Mừng - viếng thăm Trung quốc (ba lần) - viếng thăm Việt nam (hai lần), và viếng thăm Cuba và Mozambic... Ngoài ra, ngài còn tham dự nhiều Hội nghị quốc về Hòa bình và Tôn giáo.
 
 


Back to Home