Ai cũng biết rằng: việc bổ nhiệm Hồng Y thuộc quyền tuyệt đối của ÐTC, khác hẳn việc bổ nhiệm các Giám mục. Việc bổ nhiệm các giám mục căn cứ vào sự giới thiệu ba ứng cử viên do Hội đồng Giám mục địa phương nhận xét. Hồ sơ mật của các ứng cử viên được gửi về Bộ Giám mục hay Bộ Rao giảng Tin Mừng cho các dân tộc (đối vối các xứ truyền giáo). Tòa Thánh sẽ cứu xét hồ sơ từng vị được giới thiệu theo cấp bậc này: dignissimus (xứng đáng nhất trong ba vị được Hội đồng Giám mục địa phương giới thiệu) - dignior (xứng đáng hơn) và dignus (xứng đáng). Bộ có liên hệ sẽ tường trình lên ÐTC chấp thuận và bổ nhiệm.
Trái lại việc bổ nhiệm Hồng Y khác hẳn: hoàn toàn tùy thuộc quyền tối cao của ÐTC và vì thế lần bổ nhiệm nào cũng có những ngạc nhiên. Ngạc nhiên vì có một số vị được bổ nhiệm không ai nghĩ tới hay ngược lại, những vị được coi là chắc chắn lại không có tên trong danh sách, ít ra lần này.
Năm 1998, trong khi loan báo danh sách các vị được thăng Hồng Y, ÐTC cho biết có hai vị được bổ nhiệm, nhưng tên của các ngài không được tiết lộ, vì lý do này, lý do khác. Các vị được bổ nhiệm trong trường hợp như vậy được gọi là "Hồng Y in pectore" (được giữ kín trong lòng ÐTC).
Năm 1979, ÐTC bổ nhiệm Ðức Cha Ignatius Kung Pin-mei (người Trung quốc nạn nhân của chế độ cộng sản trong nhiều năm) trong thể thức "Hồng Y in pectore". Mãi tới năm 1991, lúc ngài được trả tự do và ra ngoài nước đến Roma, ÐTC mới tiết lộ: Ðức Cha Kung Pin-mei được bổ nhiệm làm Hồng Y từ năm 1979. Trong trường hợp này, Ðức HY Kung Pin-mei được xếp vào lớp các Hồng Y được bổ nhiệm năm 1979, không phải lớp được bổ nhiệm năm 1991.
Trưa Chúa nhật 21 tháng Giêng 2001, trong lúc loan báo danh sách 37 tân Hồng Y, ÐTC cho biết: ngài sẽ tiết lộ tên hai vị Hồng Y được bổ nhiệm năm 1998. Ðây là một trong các ngạc nhiên.
Nhiều báo chí nêu lên mấy ngạc nhiên sau đây trong lần bổ nhiệm danh sách 37 vị Hồng Y mới. Thực ra, đa số các tân Hồng Y đã được nhiều người tiên đoán, thí dụ: các vị đứng đầu các cơ quan của Giáo Triều Roma, như Ðức TGM Giovanni Battista Re, Tổng trưởng Bộ Giám mục, một nhân vật trong nhiều năm đã giữ chức vụ Phó Quốc Vụ Khanh, ngang hàng với Bộ Trưởng Nội Vụ các chính phủ các nước - Ðức TGM Phanxicô Xaviê Nguyễn văn Thuận, chủ tịch Hội đồng Tòa Thánh về Công lý và Hòa bình, nạn nhân của chế độ Cộng sản. Ngài đã bị giam tù hơn 13 năm, một nhân vật được biết đến nhiều tại Ý, Pháp, Ðức, Mexico, Hoa kỳ, Philippines, Ðài Loan, Nam Hàn, tại một số nước Châu phi: Nigeria, Mozambic, Ghana, Cameroun... Mùa Chay năm ngoái Ðức Tổng Thuận đã được ÐTC chỉ định giảng Tuần Tĩnh tâm cho Giáo Triều: một ân huệ lớn lao, một trách nhiệm khó nhọc, nhưng là một dấu hiệu của sự tín nhiệm. Từ đó ngài lại được biết đến nhiều hơn nữa, biết đến qua cả các cuốn sách do ngài soạn ra và cho xuất bản, như Cuốn "5 chiếc bánh và hai con cá - Chứng nhân của hy vọng (những bài giảng Tuần tĩnh tâm tại Vatican) - Trong ít tháng, Cuốn Sách này, ấn bản tiếng Ý, đã tái bản tới lần thứ ba rồi. Ngoài tiếng Ý, còn được in ra bằng các thứ tiếng Anh, Pháp, Tây ban nha, Ðức, Hòa lan, Việt nam, Trung quốc và Ðại Hàn...
Ngoài các vị thuộc Giáo Triều Roma, các vị chủ chăn của các Giáo phận lớn và thời danh trên thế giới, như Torino (Ý), Buenos Aires (Argentina), Bogotà (Colombia), Lima (Perù) - Santiago de Chile, Bombay... và một số Tòa Giáo chủ truyền thống, như São Salvador da Bahia (Brazil) - Lyon (Pháp)- Toledo (Tây ban nha), Lisboa (Bồ đào nha) cũng được ghi vào danh sách các tòa có Hồng Y. Từ mấy tháng nay, báo chí đã nói đến các ngài. Nhưng lần này, có mấy Giáo phận thủ đô, như Tokyo (Nhật), Seoul (Nam Hàn), Nairobi (Kenya), Abuja (Nigeria), Zagreb (Croatie) và Tòa Giáo chủ Armagh (Ái nhĩ lan) lại không có Hồng Y. Sau khi đã loan báo danh sách 37 Hồng Y mới, ÐTC thêm ngay: Còn nhiều nhân vật đối với tôi thật đáng quí mến và có nhiều công sẽ phải chờ đợi vào dịp khác.
Trong danh sách lần thứ nhất, gồm có 37 Tân Hồng Y, có một số vị không được dư luận nhắc đến, hoặc nghĩ rằng: sẽ được bổ nhiệm trong các lần sau. Việc bổ nhiệm các vị này đã gây ngạc nhiên nhiều. Tại Giáo Triều Roma, có Ðức TGM Crescenzo Sepe, người Ý, Tổng thư ký Ủy Ban trung ương Năm Thánh (là vị trẻ nhất trong 37 được bổ nhiệm, ngài mới 57 tuổi,) và Ðức Giám mục Walter Kasper, người Ðức, Tổng Thư ký Hội đồng Tòa Thánh về cổ võ sự hiệp nhất các tín hữu Kitô - Nhưng vị gây ngạc nhiên hơn cả là Ðức Tân Hồng Y Oscar Andrés Rodriguez Maradiaga, Dòng Don Bosco, TGM giáo phận Tegucigalpa (thủ đô Honduras), hiện là Chủ tịch CELAM (Consejo Episcopal Latino-Anericano: Hội đồng Giám mục Châu Mỹ latinh). Ngạc nhiên, vì Tegucigalpa, thủ đô Honduras, một quốc gia nhỏ bé ở Trung Mỹ châu, ít người biết đến, chưa bao giờ có Hồng Y; ngạc nhiên vì tuổi trẻ của vị được bổ nhiệm, 58 tuổi. Ngạc nhiên lớn hơn cả, bởi vì báo chí tức khắc ghi Ðức Tân Hồng Y người Trung Mỹ châu vào sổ một trong các vị có thể được bầu làm Giáo Hoàng trong tương lai (Papabili).
Nhưng chúng ta nên nhớ rằng: Việc bầu làm Giáo Hoàng không do tính toán của loài người. Kinh nghiệm cho thấy: những tính toán này nhiều lần đã không xẩy ra. Tại Roma, trong dịp bầu Giáo Hoàng, nguời ta vẫn thường nói: "Chi entra nel Conclave Papa, uscirà Cardinale" (Ai vào Mật viện đã được tiên đoán là Giáo Hoàng, thì sẽ vẫn còn là Hồng Y lúc ra khỏi). Câu nói này dĩ nhiên không luôn luôn đúng trăm phần trăm. Ðức Pio XII, Ðức Phaolô VI... đã được nói đến nhiều trước lúc khai mạc Mật Viện. Lần này tiên đoán đã không sai. Trái lại Ðức Angelo Giuseppe Roncalli (Gioan XXIII), Giáo chủ Venezia, đã gần 78 tuổi, và Ðức Karol Wojtyla, TGM Giáo phận Cracovia (Ba lan), 58 tuổi, không ai ngờ sẽ là Giáo Hoàng, nhưng các ngài đã được chọn làm Vị kế nghiệp thánh Phêrô và là những vị Giáo Hoàng nổi tiếng trên thế giới. Là người công giáo, chúng ta phải nhìn sự việc với con mắt đức tin. Việc bầu Giáo Hoàng luôn luôn được Chúa Thánh Thần hướng dẫn.
Ngoài ra, còn có 5 vị tân Hồng Y "ngoại lệ", nghĩa là gần hoặc quá 80 tuổi: hai vị giám mục: Ðức Stephanos đệ nhị Ghattas (Ai cập) và Ðức Jean Honoré, cựu TGM giáo phận Tours (bên pháp) và ba nhà thần học: Cha Roberto Tucci, Dòng Tên, người Ý - Cha Leo Scheffczyk, người Ðức và Cha Avery Dulles, Dòng Tên, người Hoa kỳ, cũng là những ngạc nhiên, nhất là cho chính các ngài. Ðức Ghattas, Giáo chủ Alexandria của các tín hữu công giáo theo lễ nghi Copto, tuyên bố: trên Ðài phát thánh Vatican rằng: "Ðối với tôi, việc bổ nhiệm của ÐTC là một cử chỉ tín nhiệm mà ngài dành không những cho tôi, nhưng còn cho cả Giáo hội chúng tôi nữa: Giáo hội công giáo copta, là thiểu số tại Ai cập. Vì thế việc bổ nhiệm này là một khuyến khích cho hết thảy chúng tôi và một lời mời gọi hiệp nhất chặt chẽ hơn nữa với Giáo hội Roma. Chúng tôi cảm tạ Chúa và cảm ơn ÐTC, đã viếng thăm Ai cập năm vừa qua. Ðây là Vị Giáo Hoàng đầu tiên đến nước chúng tôi. Cử chỉ này đã thúc đẩy một sự can đảm mạnh mẽ trong tâm hồn các tín hữu công giáo Ai cập".
Một vị khác trong
số 5 vị ngoại lệ, Cha Roberto Tucci, tuyên
bố cũng trên Ðài Vatican: "Tôi
hơi ngạc nhiên về quyết định
của ÐTC và tôi cũng lúng túng
nhiều về sự công nhận nầy:
cử chỉ của ÐTC xác nhận tâm
hồn của ngài quảng đại như
thế nào. Ngài đã muốn biểu
lộ việc đánh giá cao đối
với việc phục vụ, tự nó
đã là một đặc ân cho tôi
rồi; một phục vụ hoàn toàn hòa
hợp với tinh thần lời khấn
riêng về lòng yêu mến và
phục vụ mà chúng tôi, tu sĩ Dòng
Tên, phải thực hiện đối với
ÐTC". Cha Tucci chỉ phàn nàn là "Từ
nay không thể tiếp tục, --- như tôi
muốn -- gần gũi ÐTC trong việc chuẩn
bị và trong việc thực hiện các
chuyến viếng thăm mục vụ của
ngài ngoài nước Ý. Trong lúc
này tôi sẽ tiếp tục chuẩn bị,
trước ngày 21 tháng 2/2001, các
chuyến viếng thăm tại Syrie và Malta,
như tôi đã chuẩn bị chuyến
viếng thăm tại Ukraine".