Ðại Hội Thánh Thể quốc tế lần thứ 47
"là trái tim, là trung tâm của Ðại Toàn xá"

Prepared for internet by Msgr Peter Nguyen Van Tai
Radio Veritas Asia, Philippines

Ðại Hội Thánh Thể quốc tế lần thứ 47 này "là trái tim, là trung tâm của Ðại Toàn xá".

 Ðại Hội Thánh Thể Quốc tế lần thứ 47 tại Roma kéo dài trong vòng một tuần lễ, từ 18 đến 25 tháng 6/2000. Có thể nói, đây là tuần lễ dành riêng cho việc học hỏi, suy tư và cầu nguyện trước Thánh Thể. Giáo hội hoàn cầu và cả thế giới hướng nhìn về Roma, nơi đang cử hành Ðại Ðại Hội Thánh Thể và Ðại Toàn xá năm 2000.

 ÐTC Gioan Phaolô II gọi Ðại Hội Thánh Thể quốc tế lần thứ 47 này "là trái tim, là trung tâm của Ðại Toàn xá". Lý do thần học thật nhiều và đầy ý nghĩa.

 Trong dịp kỷ niệm 2000 năm Chúa Giêsu sinh hạ tại Betlem và sinh sống tại Nagiareth, nhân tính của Người vẫn hấp dẫn tâm hồn các tín hữu Kitô. "Ngôi Lời nhập Thể, sinh bởi Ðức Trinh Nữ Maria" (Et Verbum, caro factum est - Ave verum Corpus natum de Maria Virgine), ÐTC đã nhắc lại và giải thích, trong bài giảng khai mạc Ðại hội Thánh Thể Chiều Chúa nhật 18/06/2000, lời mở đầu của Phúc Âm Thánh Gioan và bài ca của Giáo hội trước Thánh Thể.

 Ðây tất cả là mầu nhiệm của Tình Yêu Thiên Chúa đối với nhân loại: Người nhập thể để nên giống mỗi một người trong chúng ta. Người trở nên giống chúng ta để làm cho chúng ta nên giống Người. Ðây là phẩm giá cao cả của mỗi một con người.

 Thánh Thể là trái tim, là trung tâm của Giáo hội, của Ðại Toàn xá và của thế giới. Dù muốn, dù không, đây là thực tại có sức biến đổi và canh tân Kitô giáo.

 Không có Thánh Thể, không có Giáo hội và ngược lại: không có Giáo hội, cũng không có Thánh Thể. Chúa Giêsu, Bánh hằng sống - Chúa Giêsu là Sự Sống, trở nên "của ăn" và "của uống" đem ơn cứu rỗi cho nhân loại. Chính Chúa Giêsu Thành Nagiareth đã quả quyết như vậy nhiều lần. Chính Người là sức sống và sự nâng đỡ đích thực của con người.

 Công việc chuẩn bị Năm Ðại Toàn xá đã diễn ra nhân Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần - Việc cử hành Ðại Toàn xá cũng nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần. Ðọc lại những lời kinh chuẩn bị và kinh Năm Thánh do chính ÐTC soạn, chúng ta thấy rõ sự kiện này. Sau Năm Ðại Toàn xá, việc làm chứng cho đời sống Kitô cũng nhân danh Chúa Ba Ngôi cực Thánh. Ðây chính là một cuộc khởi hoàn vinh quang của Chúa Ba Ngôi trong Năm Thánh 2000 này và cũng sẽ là cuộc khởi hoàn vinh quang của Thánh Thể trong Năm Toàn xá. "Thánh Thể là trái tim, là trung tâm của Năm Thánh".

 Các lễ nghi long trọng được cử hành kính Thánh Thể tại Quảng trường Thánh Phêrô và tại các Ðền thờ cả ở Roma trong Tuần lễ này là như bài ca Thánh Thể của toàn Giáo hội tụ họp chung quanh ÐTC, để sống lại cuộc khởi hoàn vinh quang của Thánh Thể trong Năm Ðại Toàn xá này.

 Ðối với Giáo hội đang sống Năm Toàn xá , biến cố Thánh Thể này không những đánh dấu hiện tại mà thôi, nhưng cả tương lai nữa. Tụ họp chung quanh Thánh Thể, Bí tích Tình yêu, tất cả cộng đồng Kitô ở Roma và trên cả thế giới tìm lại được sự hăng say thiêng liêng và sức mạnh của việc rao giảng Tin Mừng.

 Chỉ có Thánh Thể mà thôi mới nêu chỉ cho chúng ta những con đường mới của toàn xá: con đường tiến đến việc thánh hóa bản thân và cộng đồng, con đường tiến đến hiệp thông, chia sẻ và tình liên đới nhân loại.

 Chỉ từ Bánh Thánh này, mới có thể chiếu sáng vào nơi tối tăm của thế giới ngày nay và có thể làm cho chúng ta cảm thấy có một cái nhìn mới về lịch sử, phát xuất từ những biến cố của Betlem, của Nagiareth và của Giêrusalem. Cuộc hành hương Thánh địa của ÐTC không phải chỉ là một sự thõa mãn lòng sùng đạo riêng của ngài, nhưng còn là một bài học nói lên ý nghĩa sâu xa cho mỗi tín hữu Kitô và cho cả thế giới: Trở về nguồn gốc của Kitô giáo, để tái lập mọi sự trong Chúa Giêsu Kitô, Ðấng Cứu thế duy nhất, Chúa của Vũ trụ và của Lịch sử".

 Tất cả các biến cố Thánh địa đã đem lại một bộ mặt mới cho lịch sử. Lịch sử này, là lịch sử con người, đã trở nên lịch sử Thiên Chúa. Như vậy, Thiên Chúa và con người trong Ngôi Lời nhập thể, sinh bởi Ðức Trinh Nữ Maria, đã cùng nhau trở lại đồng hành, khởi sự từ Nhà Tiệc li ở Giêrusalem.

 Cuộc hành trình này sẽ tiếp tục cho đến tận thế. Vì chính Chúa đã hứa như vậy: "Cha sẽ ở lại với các con cho đến tận thế" (Mt 28, 20) và Người ở lại mãi mãi trong Giáo hội, cách riêng trong Bí tích Thánh Thể. "Con tuyên xưng Chúa đã chết đi, đã sống lại và lên trời, cho đến ngày Chúa trở lại trong vinh quang". Ðó là Lời Giáo hội tuyên xứng đức tin sau khi đọc lời truyền Thánh Thể mọi ngày trong Thánh lễ.
 
 


Back to Radio Veritas Asia Home Page