Huấn đức của ÐTC
trong dịp tiếp Hội Ðồng Giám Mục miền Ả rập
đến Roma "viếng Tòa Thánh" (Ad Limina)

Prepared for internet by Msgr. Peter Nguyen Van Tai
Radio Veritas Asia, Philippines

Huấn đức của ÐTC trong dịp tiếp Hội Ðồng Giám Mục miền Ả rập đến Roma "viếng Tòa Thánh" (Ad Limina).

 Sáng thứ bẩy 17.3.2001, ÐTC tiếp chung các Ðức Giám mục thuộc Hội Ðồng Giám Mục miền Ả Rập (Conférence Episcopale Latine dans les Régions Arabes: C.E.L.R.A.) đến Roma viếng Tòa Thánh "Ad Limina". Sau khi Ðức Giáo chũ Latinh Giêrusalem, Ðức Cha Michel Sabbah, đọc bài chào mừng, cảm ơn và tường trình về tình hình chung của Giáo hội trong miền, ÐTC đọc một diễn văn rất dài bằng tiếng Pháp. Sau đây là những điểm then chốt.

 Trước hết ÐTC cảm động nhắc lại cuộc hành hương mà ngài đã thực hiện tại miền này cách đây một năm (trong Năm Thánh 2000): trước hết tại Ai cập, cách riêng cuộc hành hương trên Núi Sinai, nơi Chúa hiện ra với Maisen và truyền ban Thập Giới. Sau đó cuộc hành hương Thánh địa, kính viếng các Nơi Thánh, ghi lại những dấu tích sâu xa của cuộc đời Chúa Giêsu: Nagiaret, Belem, Núi Tám Mối Phúc thật, Giêrusalem, nơi diễn ra Cuộc Tử Nạn và Phục sinh (Nhà Tiệc li, Vườn Cây Dầu, Ðồi Calvario và Mồ Thánh). ÐTC nhắc đến một Cuộc hành hương khác mà ngài sắp thực hiện cũng trong miền Ả rập này như sau: "Tôi cầu xin Chúa ban cho tôi ơn được tiếp tục trong ngày gần đây con đường hành hương của tôi, bằng việc đi đến Siria, tại những nơi ghi nhớ việc trở lại của Thánh Tông đồ Phaolô và sự hăng say truyền giáo của các cộng đồng Kitô đầu tiên".

 Nhắc đến các Cộng đồng Công giáo tại miền Ả rập, ÐTC nói: "Các cộng đồng của các Ðức Cha hiện đang sinh sống như những nhóm thiểu số trong một xã hội mà nền văn hóa và đời sống hằng ngày đã được ghi dấu sâu xa bằng sự hiện diện của các tôn giáo khác. Vì thế các cộng đồng này phải tiếp tục không ngừng đào sâu căn cước Kitô của mình để bảo tồn tính cách đích thực của Phúc Âm". Trước những khó khăn trong việc sống đức tin và trong những hoàn cảnh đầy khó khăn của người công giáo trong miền này, ÐTC khuyến khích các tín hữu hãy ở lại quê hương của mình, đừng ra đi tìm kiếm cuộc đời vất chất dễ dãi. Ngài nói: "Những hoàn cảnh trong đó cộng đồng Kitô tại Trung Ðông phải sống, cách riêng tại Thánh Ðịa, không luôn để cho các thành viên của cộng đồng được có một cuộc sống cá nhân và gia đình bình thản cho chính họ và cho con cái, như họ ước mong. Tôi tha thiết khuyến khích các tín hữu Kitô tín nhiệm nơi chính họ và cương quyết gắn bó với miền đất của họ, cũng là miền đất của tổ tiên họ. Tôi nhắc lại lời tôi đã nói lên lúc kính viếng Belem (22.3.2000): "Anh chị em đừng sợ hãi bảo tồn sự hiện diện Kitô của anh chị em tại chính nơi Chúa Cứu Thế đã sinh ra". ÐTC cũng như các Vị chủ chăn miền này nhận thấy rằng: trong những thập niên vừa qua, vì chiến tranh, nhiều người công giáo đã từ bỏ Quê hương, cách riêng các người công giáo Liban, phải ra đi, bán đất đai, nhà cửa cho người Hồi giáo. Trước làn sóng di tản này, Liban trước đây là một quốc gia đa số công giáo, dần dần trở nên thiểu số. ÐTC đã triệu tập Khóa họp ngoại lệ của THÐGM về Liban trong Nội Thành Vatican, để tìm ngăn chặn những cuộc ra đi này. Từ đó, Giáo hội công giáo tại Liban bắt đầu được ổn định và tiến trên con đường phục hưng.

 ÐTC căn dặn các Vị chủ chăn về sự cần thiết huấn luyện người giáo dân để họ có đủ khả năng tham dự mỗi ngày mỗi nhiều hơn vào đời sống và làm chứng trong những lãnh vực trần thế: chính trị, xã hội, kinh tế, giáo dục, văn hóa, trong hợp tác với các Giáo hội Kitô khác, qua việc đề nghị những cái nhìn đúng về con người, về ý nghĩa của cuộc sống và nêu lên những nguyên tắc có thể hướng dẫn hoạt động của những ai dấn thân phục tha nhân. ÐTC cũng nhấn mạnh đến mục vụ cho Giới sinh viên đại học, để giúp họ sống và đem đức tin vào nền văn hóa, đồng thời chiếm chỗ của mình trong sứ vụ chung của Giáo hội.

 Sau Giáo dân, ÐTC lưu ý cách riêng các Giám mục về các linh mục. Ngài nói như sau: "Trong Thừa tác vụ của các Ðức Cha nhằm phục vụ sự hiệp thông, thì các linh mục là những người cộng tác thứ nhất của các Ðức Cha. Qua trung gian các Ðức Cha, tôi tận tình chào thăm các linh mục, và mời gọi họ hãy tín nhiệm không điều kiện vào Ðấng đã gọi họ và không ngừng sống bên cạnh và đồng hành với họ". ÐTC nhấn mạnh đến việc huấn luyện và các chủng việc như là phương thế cần thiết cho việc huấn luyện vững chắc các linh mục tương lai. ÐTC đã nói như sau: "Các Ðức Cha hãy bảo đảm cho họ một sự huấn luyện vững chắc về kiến thức: Thần học, Kinh thánh, Phụng vụ, Mục vụ và Tu đức. Việc huấn luyện này trước hết phải dựa trên sự huấn luyện về con người, để họ trưởng thành, biết quan tâm đến tính cách phức tạp của xã hội trong đó họ sẽ phải rao giảng Tin Mừng".

 Nhắc đến những chia rẽ giữa các tín hữu Kitô trong miền ( công giáo, chính thống, tin lành , rồi công giáo thuộc các lễ nghi khác nhau...), ÐTC nói: "Sự chia rẽ giữa các tín hữu Kitô là một sự bất trung với thánh ý Chúa, làm lu mờ căn cước của các môn đệ Chúa Kịtô. Trong lúc chúng ta bước vào ngàn năm mới, Giáo hội công giáo dấn thân quyết liệt để cổ võ sự hiệp nhất; chúng ta phải ý thức được rằng: nếu chúng ta không nhiệt thành tìm trung thành với lời cầu nguyện tha thiết của Chúa: "Xin cho họ trở nên một", thì chúng ta liều đi đến chỗ làm suy giảm căn cước Kitô của chúng ta và tính cách đáng tin của chúng ta trong việc rao giảng Tin Mừng hòa bình và hòa giải".

 Nghĩ đến các khó khăn và đau khổ của các dân tộc miền này, ÐTC nói như sau: "Cũng như các Ðức Cha sống tại chỗ, tôi hiểu biết những khó khăn lớn lao các dân tộc miền này đang phải đối phó. Tôi muốn bày tỏ cách riêng một lần nữa sự gần gũi và tình yêu mến của tôi đối với tất cả những ai đau khổ và nạn nhân của bạo động. Giáo hội cùng đau khổ với các Ðức Cha và anh chị em trong miền này, trong niềm hy vọng một ngày gần đây được cùng với các Ðức Cha và anh chị em thấy thực hiện một ước mong duy nhất , một ước mong không một người nào có thể từ chối,đó là: hòa bình".

 Sau đó, ÐTC khuyến khích Giáo hội Latinh tại Thánh địa và các miền giáp giới hãy luôn luôn sẵn sàng trở nên người mang đến và hướng dẫn những tâm tình của sự cảm thông hiểu biết nhau, của đối thoại và của tình liên đới. ÐTC nhấn mạnh rằng: việc đối thoại liên tôn cũng là một trong các phương thế đặc biệt để tiến trên con đường hòa bình. Ngài khuyên hãy thực hành những cuộc đối thoại thành thực và tín nhiệm với Do thái giáo, với Hồi giáo và đây cũng là một đóng góp vào tự do tôn giáo, để tránh khỏi những kỳ thị và khai trừ vì tín ngưỡng khác nhau.

 Một điểm khác được ÐTC lưu ý các Giám mục trong miền là làn sóng di cư , tị nạn do những tình hình bi đát tại Irak, việc di tản từ Sudan sang Ai cập, vì cuộc nội chiến giữa hai miền Bắc-Nam Sudan. Cần phải tìm ra những giải pháp để đón tiếp các người di tản này và để giúp đỡ họ hòa đồng với người dân địa phương, cũng như chăm sóc đến phần thiêng liêng của các tín hữu Kitô sống giữa những người di tản này. ÐTC không quên các tín hữu tại Somalie trong quá khứ phải gánh chịu nhiều nạn bạo lực. Và ngài hy vọng rằng: những hoạt động bình thường của Giáo hội sẽ chóng trở lại trong xứ sở này. ÐTC nói: "Với tất cả các cộng đồng công giáo và các dân tộc trong miền, tôi nhắc lại sự quan tâm và tình yêu mến mà Vị Kế nghiệp Phêrô luôn luôn có đối với họ".

 Kết thúc diễn văn dài, ÐTC bày tỏ lòng biết ơn sâu xa của Giáo hội đối với những hy sinh, lòng tận tụy, sự nhiệt thành của các Vị Chủ chăn miền Ả rập đối với các cộng đồng đã được phú thác cho các ngài, hiện phải sống trong những hoàn cảnh thực khó khăn và nhiều lúc trong cô đơn. ÐTC xin các Ðức Giám mục như sau: "Khi trở về, xin các Ðức Cha đem đến cho mọi tín hữu thuộc lễ nghi latinh cũng như đông phương, lời chào thăm, tâm tình yêu mến và phép lành của tôi. Tôi theo dõi mọi người bằng lời cầu nguyện và tôi mời gọi tất cả luôn luôn bảo tồn những giây liên kết về tình yêu thương và về sự cộng tác huynh đệ giữa các cộng đồng công giáo. Ước gì lời cầu chúc này là một sự ũy lạo tốt nhất cho việc trở về lại trong Giáo phận của các Ðức Cha. Tôi phú thác các Ðức Cha và Giáo phận của các Ðức Cha cho sự che chở của Mẹ Maria, Nữ vương hòa bình".
 
 


Back to Radio Veritas Asia Home Page