ÐTC tiếp các Giám mục Albania
đến Roma "ad limina"

Prepared for internet by Msgr. Peter Nguyen Van Tai
Radio Veritas Asia, Philippines

ÐTC tiếp các Giám mục Albania đến Roma "ad limina".

 Vatican - 05.2.2001 - Các chuyến viếng thăm "Tòa Thánh" và viếng mộ Thánh Tông Ðồ (Ad limina) của các Giám mục trên thế giới, ---- theo Giáo luật ấn định cứ 5 năm một lần, ---được đình lại trong suốt Năm Thánh, vì công việc quá nhiều của ÐTC. Cả Khóa họp khoáng đại của THÐGM thế giới về các Giám mục, đáng lẽ được triệu tập vào tháng 10 năm 2000 cũng rời lại cho tới tháng 10 năm 2001.

 Năm Thánh kết thúc. ÐTC trở lại tiếp các Giám mục đến Roma "viếng Tòa Thánh" và viếng Mộ hai Thánh Tông đồ Phêrô-Phaolô, để cũng cố lòng trung thành và sự hiệp thông với Vị Kế nghiệp Phêrô, đồng thời tường trình về tình hình chung của Giáo hội địa phương và của từng Giáo phận đã được phú thác cho các ngài.

 Như đã loan tin, vào cuối tháng Giêng 2001, ÐTC đã tiếp các Giám mục Cộng hòa Hungari. Chúng tôi sẽ có dịp tường thuật trong một bài thời sự khác. Hôm nay chúng tôi xin nói đến chuyến viếng thăm "Tòa Thánh" của HÐGM Albania vừa kết thúc hôm thứ bẩy 04.2.2001. Ðây là chuyến viếng thăm "Toà Thánh" lần đầu tiên của các vị chủ chăn Giáo hội tại Cộng hòa Albania. Nói là "chuyến viếng thăm đầu tiên", bởi vì trong những năm dưới chế độ cộng sản, Giáo hội Albania hầu như bị tiêu diệt hoàn toàn. Hàng Giáo phẩm không còn. Nhiều nhà thờ bị phá hủy hoặc bị tịch thu. Các cơ cấu Giáo hội bị tan rã. Sau khi được tự do, Giáo hội phải bắt đầu lại từ đầu và trong thời gian lâu dài. Ngày 25 tháng 4 năm 1993, ÐTC viếng thăm Albania và trong dịp này ngài tấn phong bốn Giám mục, nhưng hầu hết cao niên, nay đã qua đời. Trong số các Vị chủ chăn đến Roma "viếng thăm Tòa Thánh" lần đầu tiên nầy, chỉ có một Vị TGM, Ðức Cha Angelo Massafra, Chủ tịch HÐGM Albania; một vị TGM khác, Ðức Cha Rrock Miridita, không đến được, vì vấn đề sức khoẻ. Còn 4 vị chủ chăn khác đều là các Giám Quản Tông Tòa. Trong diễn văn đọc trước ÐTC, Ðức TGM Massafra đã nói đến tình hình khó khăn Giáo hội đang trải qua, như sau: "Kính thưa Ðức Thánh Cha, cuộc gặp gỡ lịch sử này giữa Phêrô và các giám mục của Giáo hội tại Albania là cuộc gặp gỡ đầu tiên, sau khi lấy lại tự do tôn giáo và sau cuộc tái lập Hàng Giáo phẩm công giáo tại đây".

 Cũng trong diễn văn này, Ðức TGM Chủ tịch HÐGM Albania nhắc lại ý nghĩa chuyến viếng thăm của các Giám mục: bày tỏ một lần nữa lòng trung thành với Giáo hội công giáo, một lòng trung thành đã phải trả bằng máu". Ðức Cha Massafra kể lại những vị chủ chăn bị bách hại và bị giết dưới chế độ cộng sản. Có những Giám mục đã bị xử bắn như: Ðức Cha Frano Gjini và Ðức Cha Gjergj Volaj - Có những vị chủ chăn phải chết rũ tù: Ðức Cha Vinçente Prendushi và Ðức Cha Ernest Coba.

 Ðáp lại diễn văn của Ðức TGM Chủ tịch HÐGM Albania, và sau khi đã nhắc lại giai đoạn lịch sử quá khứ bị bách hại, ÐTC nhấn mạnh đến những vấn đề mục vụ khẩn cấp mà các vị chủ chăn Albania cần quan tâm cách riêng trong lúc này. Trước hết Giới trẻ và Gia đình: đây là mục tiêu không thể bỏ qua của Giáo Hội trong Ngàn Năm thứ ba này. Ngài nói: "Cần phải chuẩn bị các thế hệ trẻ để xây dựng một tương lai tốt đẹp hơn cho Ðất Nước, bằng việc lướt thắng chước cám dỗ ra đi khỏi xứ sở, với mơ ước về những thành công dễ dàng tại nước ngoài. Ðồng thời phải nâng đỡ tinh thần và vật chất các gia đình và chiến đấu chống lại các sự dữ đang gây nên những khổ cực cho Quê hương các Ðức Cha, như nạn phá thai, mãi dâm, a phiến, báo thù, khai thác người phụ nữ và những bạo hành".

 Ngoài ra, ÐTC khuyến khích các Vị chủ chăn hãy can đảm lên tiếng bênh vực sự sống từ lúc thụ thai cho đến cái chết tự nhiên và đừng để mình lãng quên sự dấn thân quan trọng trong việc bênh vực một cách cương quyết phẩm giá con người.

 Ðức Gioan Phaolô II nhắc lại con đường dài của Giáo hội Albania và những thời kỳ đầy khó khăn và bách hại: trước hết dưới quyền thống trị lâu dài của Thổ nhĩ kỳ và sau đó nửa thế kỷ dưới chế độ độc tài của chế độ cộng sản vô thần, một chế độ đã dàn áp tàn bạo, cưỡng bách Giáo hội này sống trong Hang Toại đạo, đến độ - theo sự nhận xét của nhiều người - xem ra cộng đồng công giáo tại đây đi đến chỗ tan rã hoàn toàn. ÐTC nói tiếp: "Trong hoàn cảnh đặc biệt này, tôi muốn cảm ơn toàn Giáo hội tại Albania về chứng tá đã nêu cao cách anh hùng trong những năm bách hại và tôi muốn hiệp ý với Giáo hội này cảm tạ Chúa đã cho tôi được cử hành với các Ðức Cha tại Roma ngày mồng 4 tháng 11 năm 2000, ngày kỷ niệm năm thứ 10 của việc mở lại các nhà thờ và lấy lại tính cách công khai của Giáo hội tại đây".

 Ðức Gioan Phaolô II ghi nhận rằng: Ngày nay, Mùa đông giá lạnh của cuộc bách hại đã chấm dứt. Mùa hy vọng đã khởi sự, với việc xây lại các nhà thờ mới và mở lại các nhà dòng: đây là những điểm tựa cho việc rao giảng Tin Mừng và thăng tiến con người. Cùng với các công việc này, ÐTC nhấn mạnh đến việc gia tăng các ơn kêu gọi và dấn thân về xã hội, giáo dục, y tế, việc cứu trợ các người nghèo khổ, bằng việc xây cất nhà cửa cho những người màn trời chiếu đất và bằng việc cấp phát thực phẩm, quần áo, thuốc men ... Với những công việc như vậy, Giáo hội công giáo tại Albani, đã và đang lấy lại được chổ đứng của mình trong nội bộ quốc gia. ÐTC cũng nhắc lại vai trò hòa giải trong những cuộc xung đột giữa anh chị em trong nước xẩy ra năm 1997. Rồi qua Hội Caritas quốc gia và qua các Tổ chức công giáo không thuộc chính phủ, Giáo hội tại Albania đã giúp đỡ các người tị nạn Kosovo và tổ chức chiến dịch "hòa bình". Và sau cùng, ÐTC ca ngợi công việc đối thoại liên tiếp của Giáo hội công giáo với các Cộng đồng chính thống và Hồi giáo.

 Trong phần kết thúc diễn văn, ÐTC căn dặn các vị chủ chăn Giáo hội Albania như sau: "Trước những vấn đề khó khăn và phức tạp phải đối phó, các Ðức Cha đừng nản chí. Với các Ðức Cha, cũng như với các Tiên tri đuợc sai đi rao giảng Lời Chúa trong những bối cảnh khó khăn và thù địch, Chúa Phục sinh luôn luôn nhắc lại: "Ðừng sợ hãi chi". Ðược trở nên mạnh mẽ bởi quyền lực của Thánh Giá, các cộng đoàn Giáo hội dưới sự hướng dẫn của các Ðức Cha, như những hạt giống nhỏ bé trong cánh đồng mênh mông của Thiên Chúa, sẽ có thể trở thành những cây xanh tươi và đầy hoa trái".

 Ðức TGM Angelo Massafra, chủ tịch HÐGM Albania, tuyên bố trên đài Truyền hình công giáo Ý về tình Albania:

 Roma - 05.2.2001 - Sáng thứ bẩy 04.2.2001, trước buổi tiếp kiến chung ÐTC dành cho các vị chủ chăn Giáo hội công giáo tại Albania, Ðức Cha Angelo Massafra, TGM giáo phận Scutari, chủ tịch HÐGM Albania, được mời nói chuyện trên đài Truyền hình công giáo Ý, có tên gọi là "Vệ Tinh 2000" về tình hình Giáo hội tại đây. Ðức TGM nói: "Trước hết chúng tôi phải cảm ơn ÐTC về sự ủng hộ của ngài đã dành cho dân tộc Albania trong những năm này. Thời kỳ cộng sản là một thời kỳ khủng khiếp. Sự trung thành với Roma đã phải trả bằng giá máu của các giám mục, hoặc bị xử bắn hoặc bị chết trong tù" Ðức TGM nói tiếp: "Với tự do trở lại, nhờ vào 30 linh mục và khoảng 40 Tu sĩ nam nữ, sống sót, thoát khỏi cuộc bách hại của cộng sản, và nhờ vào sự tiếp tay của nhiều nhà truyền giáo nước ngoài đến làm việc tại Albania, chúng tôi đã có thể bắt đầu con đường mới. Tất cả các công việc này đã tạo nên một sự thức tỉnh, không những tôn giáo, nhưng cả xã hộïi và luân lý nữa".

 Chủ tịch HÐGM Albania nói thêm như sau: "Nhưng các khó khăn hiện nay không thiếu. Nhờ vào các phương tiện truyền thông, người ta biết được những gì xẩy ra bên kia bờ Biển Adriatique. Nhiều người nghĩ rằng : trở thành người Châu Âu có nghĩa là ra khỏi xứ sớ, để kiếm tiền. Sự kiện này đã gây nên những tương phản và những khó khăn trầm trọng. Thí dụ như nạn phụ nữ bị cưỡng ép làm nghề mãi dâm và trở thành nô lệ. Ðây là một tương phản, vì mãi dâm không phải là một thực tại thuộc thành phần của nền văn hóa Albania, đến độ có những trường hợp phụ nữ sa ngã, muốn thay đổi cuộc đời, lại không được gia đình chấp nhận. Hơn nữa vì việc người dân bỏ nước ra đi này, quê hương mất nhiều lực lượng tốt nhất. Nhiều thanh niên ra ngoại quốc, thường bị lừa gạt, có lúc đã phải ngậm dắng nuốt cay. Chúng tôi, các vị chủ chăn, tìm mọi cách tạo công ăn việc làm ngay tại Albania. Và chúng tôi yêu cầu Châu Âu giúp đỡ chúng tôi bằng việc đầu tư các cơ cấu của họ tại chỗ".
 
 


Back to Radio Veritas Asia Home Page