ÐTC chủ tọa lễ nghi
Bế mạc Tuần lễ cầu nguyện
cho hiệp nhất các tín hữu Kitô

Prepared for internet by Msgr. Peter Nguyen Van Tai
Radio Veritas Asia, Philippines

ÐTC chủ tọa lễ nghi Bế mạc Tuần lễ cầu nguyện cho hiệp nhất các tín hữu Kitô.

 Chúa Nhật 21 tháng 1/2001, trong giờ đọc Kinh Truyền Tin với dân chúng tụ họp tại Quảng Trường Thánh Phêrô, ÐTC đã loan báo: Thứ năm 25 tháng 1/2001, ngày bế mạc Tuần cầu nguyện cho hiệp nhất các tín hữu Kitô, ngài sẽ đến Ðền thờ Thánh Phaolô ngoại thành, lúc 11 giờ trưa, để chủ tọa lễ nghi Cử Hành Lời Chúa, với sự tham dự của những đại diện các Giáo hội Kitô khác.

 Trong Ngày khai mạc Tuần cầu nguyện hôm 18 tháng Giêng/2001, chúng tôi đã thuật lại phần thứ nhất bài diễn văn quan trọng của Ðức Gioan Phaolô II đọc ngày 18 tháng Giêng năm 2000, tại Ðền thờ Thánh Phaolô ngoài Thành, sau khi ngài đã cùng với Ðức TGM George Carrey, đại diện Giáo hội Anh giáo và Ðức TGM Athanasios, đại diện Tòa Giáo chủ chính thống Constantinopoli, mở Cửa Thánh. Một lễ nghi ý nghĩa, đầy cảm động, sẽ được ghi lại trong lịch sử của Ngày cầu nguyện cho hiệp nhất các tín hữu Kitô trong Năm Ðại Toàn xá.

 Nhân ngày bế mạc Tuần cầu nguyện, chúng tôi xin thuật lại phần hai của bài diễn văn ÐTC đọc cách đây một năm, trước các vị đại diện của 22 Giáo hội Kitô đến từ khắp thế giới cùng tham dự buổi cầu nguyện cho hiệp nhất.

 Sau khi đã giải thích lời Thánh Phaolô: Giáo hội là nhiệm thể Chúa Kitô, Ðức Gioan Phaolô II đặt câu hỏi: "Vậy một thân thể có thể phân chia không? Giáo Hội, Nhiệm Thể Chúa Kitô có thể chia rẽ không? Ngay từ đầu Giáo hội, các tín hữu Kitô vẫn cùng nhau tuyên xưng: "Tôi tin Giáo hội duy nhất, thánh thiện, công giáo và tông truyền" (Kinh Tin Kính). Cùng với Phaolô, các tín hữu biết rằng: chỉ có một thân thể mà thôi, chỉ có một Thánh Thần mà thôi, chỉ một niềm hy vọng mà thôi, như Thánh Phaolô viết cho Giáo đoàn Ephêsô: "Chỉ có một Chúa, một đức tin, một phép rửa. Chỉ có một Thiên Chúa, Cha mọi người, Ðấng ngự trên mọi người, và hiện diện trong mọi người" (4, 5-6).

 ÐTC nói tiếp: Ðối với Mầu nhiêïm của hiêïp nhất, một ơn ban từ Thiên Chúa, những chia rẽ nói lên tính cách lịch sử, một tính cách minh chứng những yếu đuối nhân loại của các tín hữu Kitô. Công đồng Vatican II đã công nhận rằng: những yếu đuối này "phát xuất nhiều lúc do những người của cả hai bên" (UR, 3). Trong năm của ơn thánh này, nơi mỗi một người trong chúng ta phải có ý thức mạnh mẽ hơn về trách nhiệm của chính bản thân trong những chia rẽ đang ghi sâu dấu vết trong lịch sử của Nhiệm Thể Chúa Kitô. Ý thức về trách nhiệm này rất cần thiết cho việc tiến đến mục tiêu mà Công đồng đã gọi là "Unitatis redintegratio". (việc tái hòa hợp, sự tái lập sự hiệp nhất của chúng ta). Nhưng việc tái lập sự hiệp nhất này không thể xẩy đến được, nếu không có sự trở lại bên trong tâm hồn, bởi vì sự ước muốn hiệp nhất phát xuất và chín muồi do việc canh tân tâm trí, do việc yêu mến sự thật, do việc xả kỷ và do sự tràn đầy của đức ái. Việc trở lại bên trong tâm hồn và sự thánh thiện đời sống, lời cầu nguyện của mỗi người và của cộng đồng cho hiệp nhất, là như nòng cốt từ đó phong trào đại kết rút kéo được súc mạnh và bản chất của mình. Ước vọng tiến đến sự hiệp nhất đi song song với khả năng sâu xa về "hy sinh" những cái gì là của riêng mình. Với thái độ sẵn sàng hy sinh cho hiệp nhất, nghĩa là mở rộng nhãn giới, chúng ta khám phá ra những khuôn mặt mới của sự thánh thiện, cởi mở nhìn vào những khía cạnh mới của việc dấn thân Kitô. Nếu, được nâng đỡ bởi lời cầu nguyện, chúng ta sẽ biết canh tân tâm hồn chúng ta, việc đối thoại hiện đang có giữa chúng ta sẽ có thể vượt qua được những giới hạn của một việc trao đổi tư tưởng và sẽ trở nên việc trao đổi về ơn trao ban, sẽ thực hiện được việc đối thoại của đức ái và của chân lý, bằng việc thúc đẩy chúng ta tiến bước, cho đến lúc có thể dâng lên Thiên Chúa "của lễ hy sinh lớn lao nhất", của lễ của hòa bình và của sự hòa hợp huynh đệ của chúng ta (xem Thánh Cipriano, De Do.orat., 23).

 Ðức Gioan Phaolô II nói thêm: "Trong Ðền thờ này được xây cất kính Thánh Phaolô, nhớ lại những lời mà Thánh Tông đồ hôm nay chất vấn niềm tin và niềm hy vọng của chúng ta - "chúng ta hết thảy đã được rửa tội trong một Thần Khí để trở thành một thân thể" - chúng ta xin Chúa Kitô tha thứ về tất cả những gì trong lịch sử Giáo hội đã gây hại đến chương trình hiệp nhất của Người. Với tín nhiệm chúng ta hãy xin Người, "Cửa của sự sống, của ơn cứu độ, của hòa bình" nâng đỡ các bước tiến của chúng ta, làm cho những tiến bộ đã thu lượm được trở nên bền bỉ, ban cho chúng ta sức mạnh Thần Khí của Người, để dấn thân của chúng ta luôn chân thành và hiệu nghiệm hơn.

 Anh chị em rất thân mến, lời cầu chúc mà tôi nói lên trong giờ phút long trọng nầy, là: Năm ơn thánh 2000 này hãy trở nên cơ hội đánh dấu sâu xa một thúc đẩy mới cho dấn thân đại kết. Tương lai của việc rao giảng Tin Mừng cho mọi người nam, nữ của thời đại ta tùy thuộc phần lớn vào dấn thân này. Từ Ðền thờ này, nơi chúng ta tụ họp nhau với tâm hồn tràn đầy hy vọng, tôi hướng nhìn về Ngàn năm mới. Lời cầu chúc, phát xuất từ tâm hồn tôi và trở nên lời khẩn xin tha thiết trước tòa Ðấng hằng có đời đời, là: trong tương lai không xa, các tín hữu Kitô, sau cùng hòa giải với nhau, có thể trở lại đồng hành với nhau như dân tộc duy nhất, vâng theo chương trình của Chúa Cha, một dân có khả năng đồng thanh lặp lại, với niềm vui của tình huynh đệ mới: "Chúc tụng Thiên Chúa, Cha của Ðức Giêsu Kitô Chúa chúng ta, Ðấng từ trời cao trong Chúa Kitô đã thi ân giáng phúc cho chúng ta hưởng muôn vàn ơn phúc của Chúa Thánh Thần" (Eph 1, 3).

 Kết thúc bài giảng, ÐTC nói: Xin Chúa Giêsu chấp nhận những ước vọng và lời cầu khẩn tha thiết của chúng ta. Amen! "Unitade, unitade". Tiếng kêu la này tôi đã nghe được tại Bucarest trong chuyến viếng thăm của tôi, nay trở lại với một sức vang dội mạnh mẽ hơn. "Unitade, unitade", Người dân tụ họp nhau trong lúc cử hành Thánh lễ, tất cả các tín hữu Kitô: công giáo, chính thống và tin lành - tất cả hô lên: "Unitade, unitade". Xin cảm ơn tiếng hô này, tiếng hô đầy an ủi này của anh chị em chúng ta. Có thể cả chúng ta nữa, lúc bước ra khỏi Ðền thờ này, hô lên như anh chị em chúng ta: "Unità, unità - Unité - Unity". Xin cảm ơn mọi người!

 ÐTC chủ tọa lễ nghi cử hành Lời Chúa kết thúc Tuần cầu nguyện cho hiệp nhất các tín hữu Kitô.

 Roma - 25.01.2001 - Như chúng tôi đã loan tin trước đây: Sáng thứ năm 25 tháng Giêng năm 2001, Lễ Thánh Phaolô trở lại, lúc 11 giờ, trong Ðền Thờ Thánh Phaolô ngoài Thành, Ðức Gioan Phaolô II chủ tọa lễ nghi cử hành Lời Chúa kết thúc tuần cầu nguyện cho hiệp nhất các tín hữu Kitô (công giáo, chính thống, tin lành), với sự tham dự của 23 phái đoàn đại diện các Giáo hội và các cộng đồng Kitô đến từ khắp thế giới. Lần này, con số các vị đại diện tham dự cũng đông như Ngày Mở Cửa Thánh Ðền thờ Thánh Phaolô 18 tháng Giêng năm ngoái. Một điều đang vui mừng và hy vọng.

 Các năm trước đây, nhận thấy sự vắng mặt của nhiều đại diện, vì các ngài không muốn tham dự thánh lễ của Giáo hội công giáo trong ngày bế mạc Tuần cầu nguyện cho hiệp nhất. Năm nay cũng như năm ngoái, trong lễ nghi mở Cửa Thánh, ÐTC đã quyết định cử hành Lời Chúa thay vì cử hành thánh lễ. Dĩ nhiên, vì chưa tiến đến sự hiệp nhất và hiệp thông hoàn toàn, các đại diện của các Giáo hội không thể cùng tham dự Bàn Tịệc Thánh. Vì thế, thể thức cầu nguyện chung bằng lễ nghi cử hành Lời Chúa được các vị ưa chuộng hơn. Với kinh nghiệm Năm Thánh và năm nay đây, có thể lễ nghi này sẽ được giữ trong tương lai, cho tới ngày tất cả "trở nên một" như Chúa Giêsu đã cầu nguyêïn với Chúa Cha trước cuộc Tử nạn.

 Giảng trong lễ nghi cử hành Lời Chúa, trước hết ÐTC cảm ơn các phái đoàn đã đáp lại rất tích cực lời mời tham dự đông đảo như vậy vào lễ nghi kết thúc Tuần cầu nguyện cho hiệp nhất các tín hữu.

 Sau đó ngài nhắc đến những biến cố đại kết đáng ghi nhớ trong Năm Ðại Toàn xá: Lễ nghi cùng mở Cửa Thánh Ðền thờ Thánh Phaolô ngoài Thành, với Vị giáo chủ Anh giáo và vị đại diện Tòa Giáo chủ chính thống Constantinopoli - Lễ nghi kính nhớ các vị tử đạo tại Hý trường Roma ngày 7 tháng 5 - các cuộc gặp gỡ giữa ngài và các vị lãnh đạo của nhiều Giáo hội Kitô khác nhau.

 ÐTC nhấn mạnh đến việc cần vượt qua những khó khăn, những trở ngại còn lại, cần phải gột rửa khỏi trí nhớ những vụ đáng tiếc trong quá khứ, cần phải tạo nên một con đường tu đức về hiệp thông, nhất là cần phải cầu nguyện, vì hiệp nhất là một ơn của Thiên Chúa ban, cần thực thi tình yêu thương huynh đệ, cần đối thoại trong đức ái và trong chân lý, cần có những cuộc gặp gỡ huynh đệ và thành thực... nhất là cần quan tâm đến giới trẻ, vì họ là nhũng thế hệ sẽ thay đổi quá khứ và tạo nên một tình hình mới.

 Lễ nghi bế mạc Tuần cầu nguyện cho hiệp nhất kết thúc vào lúc 12:30, bằng phép lành của ÐTC.
 
 


Back to Radio Veritas Asia Home Page