Cô dâu Việt Nam và chú rể Ðài Loan

Coi Chừng Những Thảm Họa

Lm Nguyễn Hồng Giáo, OFM

Một trong những điều tôi muốn tìm hiểu khi đền Ðài Loan công tác, là phong trào người đàn ông Ðài Loan xin cưới "cô dâu" Việt Nam mà báo tuổi trẻ đã đề cập tới cách nay trên vài tháng. Tôi muốn xem, trong mức độ có thể, những điều báo chí viết có "bi đát" đến mức ấy không bởi vì có những điều thật sự rất khó tin. Không ngờ một đôi điều tôi lượm lặt được lại còn bi đát hơn nữa.

Một hôm, nhân có dịp gặp một số cha Việt Nam, tôi hỏi các ngài có biết gì về phong trào nói trên hay không? Thật bất ngờ, đây chính là vấn đề mà các cha quan tâm và biết rất rõ, thậm chí có vị đã cùng với cơ quan hoạt động xã hội giải thoát được một "cô dâu" Việt Nam (như báo chí Ðài Loan quen gọi) bị chồng bắt đi làm điếm. Các cha đã trao cho tôi mấy tài liệu cắt trong báo Ðài Loan, kèm theo bài của Tuổi Trẻ mà một báo Việt ngữ tại California, Mỹ, đã đăng lại gần nguyên văn, và một bài viết của cha X. Các cha dặn tôi: "Về nhà, cha nên tìm cách cho dư luận biết sự thật về chuyện hôn nhân này để tránh cho bao nhiêu cô gái ngây thơ Việt Nam khỏi rơi vào cảnh đau thương, tủi nhục".

1. Những con số đáng sợ

Tờ báo Anh ngữ The China Post, xuất bản tại Ðài Bắc, trong số ra ngày 22.9.1996, cũng như nhiều tờ báo khác, đã đăng tải số liệu do cục kiểm kê Dân sự về hôn nhân dị chủng như sau:
Từ tháng 7.1995 đến tháng 6.1996 đã có 5,545 người Ðài Loan kết hôn với người ngoại quốc, trong số đó 4,273 người là nam và 1,272 là nữ. Bản tin ghi thêm: đa số các cô dâu ngoại quốc đến từ Việt Nam, Inđônêsia và Thái Lan. Các cuộc hôn nhân dị chủng này còn có khuynh hướng gia tăng. Chỉ riêng trong tháng 7.1996 số tăng là 30% so với cùng thời kỳ năm trước. Nên biết dân số Ðài Loan chỉ khoảng trên 20 triệu.

Chắc không phải vô cớ mà Việt Nam được đặt lên hàng đầu trong các nước cung cấp "cô dâu" cho Ðài Loan.

Bản công bố của Văn Phòng Kinh Tế - Văn Hóa Ðài Bắc tại thành phố Hồ Chí Minh, cách nay trên vài tháng cho biết:
Trong bảy tháng đầu năm 1996 có đến 1,600 người Ðài Loan đến Việt Nam lấy vợ, trong lúc còn 2,300 trường hợp chờ phỏng vấn.

Căn cứ vào tài liệu mới nhất của văn phòng này, báo Thanh Niên (ngày 19.10.1996) viết: "Ba tháng qua số hồ sơ xin kết hôn giữa đàn ông Ðài Loan và phụ nữ Việt Nam tiếp tục tăng mạnh. Từ 17.6 đến 4.10.1996 đã có 1,439 hồ sơ đăng ký chờ phỏng vấn. Nếu cả năm 1995. Số cặp kết hôn là 1,500 thì riêng chín tháng đầu năm 1996 một con số này đã lên tới 2,301 cặp, trong số đó có 196 cặp mà chú rể bị thiếu khả năng trí tuệ hoặc dị tật, 90% các cô gái Việt Nam xin lấy chồng Ðài Loan có hộ khẩu thường trú tại thành phố Hồ Chí Minh.

Thử so sánh hai bản thông tin nói trên: bản một cho biết trong bảy tháng đầu năm 1996 có 1,600 hồ sơ, bản hai nói trong chín tháng đầu năm số hồ sơ lên tới 2,301. Nghĩa là chỉ trong hai tháng 8 và 9 có thêm 701 trường hợp. Nếu trong bảy tháng đầu năm, trung bình mỗi tháng là trên 228 hồ sơ thì riêng hai tháng 8 và 9, trung bình mỗi tháng đã là 350 hồ sơ.

Mặc cho báo chí và dư luận phê phán, thậm chí chế diễu, các cô gái Việt Nam không những không ngưng mà còn đua nhau đăng ký lấy chồng Ðài Loan nhiều hơn.

2. Ðâu là nguyên do?

Theo cha X. tại Ðài Loan: "Về phía Ðài Loan, nguyên do thứ nhất là giới đàn ông Ðài Loan đang rỉ tai nhau rằng Việt Nam có nhiều cô gái trẻ và đẹp. Lý do thứ hai: có nhiều trung tâm làm trung gian giới thiệu cưới vợ Việt Nam được mở ra tại Ðài Loan, Việt Nam và được quảng cáo rất nhiều trên các báo chí Ðài Loan, chi phí thủ tục rất đơn giản. Lý do thứ ba là thủ tục để người Ðài Loan lấy vợ Việt Nam rẻ hơn lấy vợ các nước khác. Và v.v...."

Phong trào người Ðài Loan lấy vợ ngoại quốc chắc không mới mẻ, nhưng từ khi Việt Nam mở cửa, thì đây là một "thị trường" mới, hấp dẫn. Phía Việt Nam, xưa nay bị đóng kín nên nhiều người cứ tưởng tượng rằng ở "bên ngoài" cái gì cũng đều hay cả và rất thích ra khỏi nước. Rồi khi đằng trai cho gia đình đôi ba ngàn đôla, hay một chiếc xe Dream thì cha mẹ, con cái đều hoa mắt lên. Về phía người Ðài Loan, chắc chắn họ cũng nghĩ rằng xét về văn hóa và phong tục, Ðài Loan vẫn gần gũi với Việt Nam hơn với Inđônêxia, Phi Luật Tân hay Thái Lan. Những thuận lợi như thế đã được một giới kinh doanh nào đó sớm nhận ra và khai thác. Hiện nay ước tính có khoảng 140 "cò" làm thủ tục hoàn tất hồ sơ xin kết hôn, đa số giả dạng làm người phiên dịch cho cặp trai gái, mỗi hồ sơ lấy từ 1,000 - 1,200 USD. Giá "trọn gói" cho một người Ðài Loan muốn lấy vợ Việt Nam từ 12,000 đến 20,000 USD, bao gồm dịch vụ mai mối, trả tiền cho đằng gái, vé máy bay v.v.... (theo báo Thanh Niên, số đã dẫn).

Trong xấp tài liệu mà các cha ở vùng Ðài Bắc trao cho tôi, có chụp những ảnh quảng cáo giới thiệu dịch vụ cưới "cô dâu" Việt Nam chỉ mất 38,000 đôla Ðài Loan (1 USD ăn khoảng 27 đôla Ðài Loan). Ðáng chú ý là các bảng quảng cáo này nằm sát bên cạnh những ổ mãi dâm nỗi tiếng của quận Wan Hua.

Ðây có thể là một dấu hiệu cho thấy rằng bọn tội phạm đã có mặt trong phong trào. và đó mới là điều đáng nói nhất.

3. Thực chất của các cuộc hôn nhân Ðài Loan - Việt Nam

Có thể chia các cuộc hôn nhân này ra ba loại.

Loại thứ nhất, là những hôn nhân bình thường, như vẫn xảy ra tại nhiều nơi giữa một số những người khác chủng tộc. Có thể có những cặp hạnh phúc nhưng chắc chắn chỉ là một thiểu số rất nhỏ vì các điều kiện để thành công không chút dễ dàng.

Loại thứ hai, tuy bề ngoài vẫn bình thường nhưng thực chất có vấn đề. Ấy là khi phía người con gái nhận làm vợ một người Ðài Loan bất chấp mọi điều kiện thông thường của hôn nhân, như tuổi tác, ngôn ngữ, trình độ, sức khỏe, thể lý và tâm lý. Một bản công bố của Văn phòng Kinh Tế - Văn hóa Ðài Bắc tại thành phố Hồ Chí Minh đã cho biết:

Phân tích 1,000 trường hợp hôn nhân Ðài Loan - Việt Nam người ta thấy như sau:

Về tuổi tác:
748 trai Ðài Loan có tuổi từ 30-40
234 người từ 41-50
59 người từ 51-60
16 người từ 61-71
trong lúc đó phía Việt Nam
987 cô dưới 30 tuổi
chỉ có 13 cô trên 30 tuổi

Về trình độ học vấn:
Phía Ðài Loan
từ lớp 1-6: 248 người
từ 7-9: 543 người
từ lớp 10-12: 295 người
Phía Việt Nam:
từ lớp 1-6: 480 cô
từ lớp 7-9: 443 cô
từ lớp 10-12: 190 cô

Về sức khỏe:
Tất nhiên về phía các cô Việt Nam, tối thiểu cũng phải lành lặn, khỏe mạnh và dễ coi rồi. Còn phía Ðài Loan, 75 người bị dị tật tay chân, sáu người bị tâm thần hay trí thông minh chậm phát triển.

Nói chung với những "tiêu chuẩn" như trên (chưa nói tới những chuyện gì khác), các ông Ðài Loan ấy rất khó lấy vợ tại Ðài Loan.

Cha T. một Linh Mục Việt Nam coi một họ đạo nhỏ ở vùng quê miền Bắc Ðài Loan, nói với tôi:
- Ngay ở vùng nhỏ của con, đã có 11-12 cặp hôn nhân Ðài Loan-Việt Nam. Có một cặp đến nhà thờ làm phép hôn phối. Anh chàng chịu rửa tội, song con nghĩ là để chiều ý cô dâu và gia đình cô ta mà thôi, làm gì có thật lòng theo đạo như thế.

Cha T. còn cho biết "trong số mấy chú rể đó, chẳng mấy anh "ra trò" cả!, nhưng cha lại kết luận:
- Lấy phải những anh chồng già hoặc có tật, vậy mà còn may vì thường chỉ phải làm tôi họ thôi, họ còn "quí" mình; còn biết bao anh chồng đểu giả, bắt vợ đi làm điếm nữa kia. Và số đó có lẽ rất đông!

Cha T. muốn nói tới loại hôn nhân thứ ba, thật sự là một tội ác của những băng đảng tội phạm dùng hôn nhân trá hình để đưa gái ngoại quốc vào nghề mãi dâm trong nước.

4. Hôn nhân bịp bợm?

Ðây, nguyên văn lời cha X:
"Rất nhiều trường hợp đau thương đã xảy ra như chuyện những anh ma cô Ðài Loan chuyên nghiệp lợi dụng danh nghĩa lấy vợ Việt Nam để đưa những cô gái Việt Nam hiền lành, dễ thương qua Ðài Loan và biến thành những cô gái mãi dâm chuyên nghiệp kiếm tiền cho bọn chúng".

Cha giải thích: Có những anh nghèo, hoặc thất nghiệp, hoặc nợ nần được bọn ma cô tiếp xúc, đề nghị cho mượn tiền qua Việt Nam cưới vợ. Họ có thể tiêu xài, biếu tặng rộng rãi cho cô dâu và gia đình cô ta khiến họ mắc lừa. Một khi lấy được vợ rồi, hoặc họ phải bắt vợ làm điếm trả nợ, hoặc vợ trở thành người của tổ chức xã hội đen.

Rồi cha X. kể cho tôi nghe câu chuyện thương tâm của cô Nguyễn Thị..., 20 tuổi, theo chồng khoảng 50 tuổi qua Ðài Loan năm 1995. Từ đó mỗi đêm cô được tên chồng giả danh này dẫn đi tiếp khách. Thật may cho cô, lần kia cô gặp một khách làng chơi có lòng tốt, đã động lòng trước hoàn cảnh bi đát của cô ta, anh ta tìm cách liên lạc với một tổ chức xã hội; đến lượt tổ chức này giới thiệu cha X. với anh ta. Thế là trong một lần khác đến "chơi", anh ta đã xin trả tiền "bao trọn đêm" và bằng cách đó, cho cô ta nói chuyện qua điện thoại với cha X. Lúc đầu cô ta rất sợ, nhưng dần dần cô tin tưởng, thổ lộ hết tâm tình, ước muốn. Mọi chuyện được chuẩn bị bí mật. Cuối cùng anh chàng tốt bụng đã tìm cách đưa cô ta ra khỏi nhà chứa, cũng bằng cách thuê bao như lần trước, và giao cho những tổ chức hữu trách lo thủ tục đưa cô trở về Việt Nam đoàn tụ với gia đình.

Ðây là một vụ điển hình.

Theo lời cô ấy kể, từ hơn một năm nay, cô đã thu về cho bọn ma cô trên 3 triệu đồng Ðài Loan (khoảng 120,000 USD), nhưng chúng vẫn không chịu buông tha.

Mới đây xảy ra trường hợp tương tự với một cô Thái Lan. Cô này bị cảnh sát Ðài Loan bắt vì hành nghề mãi dâm. Cô ta khai: Ông tài xế Ðài Loan lừa cô, nói rằng cưới cô qua Ðài Loan làm vợ, nhưng khi tới Ðài Loan rồi thì cưỡng bức cô làm điếm. Còn tên lái taxi thú thật: "Vì túng tiền, bọn ma cô bảo anh ta chỉ cần đứng tên cưới một cô gái qua Ðài Loan là bọn chúng sẽ trả cho một số tiền lớn" (Tài liệu báo chí Ðài Loan).

Không thể xác định được số lượng những cô gái Việt Nam bị lừa qua Ðài Loan làm gái mãi dâm là bao nhiêu, nhưng chắc chắn là tổ chức của bọn tội phạm rất quy mô, cảnh sát khó lòng mà phát giác ra, nói gì tới các cha mẹ của những cô gái này!

Các cô "xấu số" này một khi đã rơi vào tròng bọn chúng, không còn cách nào đào thoát khỏi và nhiều lúc sợ mất thể diện của mình và của gia đình, nên đành nhắm mắt đưa chân. Và cũng vì lý do trên, nên dù có được giải thoát cũng không dám kể lại cho ai biết kinh nghiệm ê chề của mình mà tránh! Và cứ như thế, người ta tuỏng mọi chuyện đều êm xuôi, tốt đẹp, chỉ có báo chí mới làm toáng lên thôi! Nhiều người cho rằng Thái Lan và Phi Luật tân..đã có kinh nghiệm rồi, họ bắt đầu cảnh giác hơn, còn dân ta thì còn dễ tin, cứ đua nhau lao mình vào tròng của bọn ma cô "một cách phấn khởi!" Có những cha mẹ vì ham tiền mà nên mù quáng. Về phía chính quyền ta, có lẽ đây là vấn đề mới lạ, nên chưa quan tâm đầy đủ.

Kết luận

Hôn nhân là việc tự do, không ai có quyền cấm, cản. Nhưng khi nó trở thành một hiện tượng bất thường, thì xã hội phải lưu ý. Lấy nhau bất kể người con trai là ai, miễn là người nước ngoài; lấy nhau với bất cứ giá nào, dù điếc, dù què, dù không hiểu ngôn ngữ nhau, nhắm mắt lấy nhau khi không có những điều kiện tối thiểu bình thường cho một gia đình hòa hợp, hạnh phúc: đó là cuộc hôn nhân có vấn đề. Nhưng cưới vợ về để bắt hành nghề mãi dâm cho mình hay cho một tổ chức tội phạm, đó không phải là hôn nhân, đó là tội ác, và đó là tai họa cho những cô gái nhẹ dạ và cho gia đình của họ. Trước đây có thể vì chưa biết, nhưng nay sau khi báo chí, dư luận trong nước và ngoài nước, ngay cả Văn Phòng Kinh Tế Văn Hóa Ðài Bắc tại thành phố Hồ Chí Minh đã lên tiếng cảnh giác, mà rất nhiều người vẫn cứ bình tâm đăng ký kết hôn với người Ðài Loan một cách ồ ạt, thì chúng ta phải nghĩ gì? Xã hội phải làm gì? Chúng tôi nêu câu hỏi, để gióng thêm một tiếng chuông báo động. Cả trong giới công giáo cũng có những người chạy theo phong trào lấy chồng Ðài Loan và cho đó là may mắn!

Viết bài này, tôi muốn làm một thứ nhiệm vụ, một nhiệm vụ vì bức xúc trước những cảnh thương tâm của bao cô gái Việt Nam đang ở Ðài Loan và cũng vì lòng tự ái dân tộc phần nào bị xúc phạm.

Việt Nam, ngày 25 tháng 10 năm 1996
LM Nguyễn Hồng Giáo, OFM


Back to Vietnamese Missionaries in Taiwan Home Page