Những cuộc hôn nhân trá hình

hay là một hình thức mua bán nô lệ

Prepare for Internet by Vietnamese Missionaries in Taiwan

 

"Tiếc thay cây quế giữa rừng,

Ðể cho thằng Mán, thằng Mường nó leo..."

Tôi đang vùi đầu với đống sách Research Methods trong dáng điệu mệt mỏi và ngái ngủ, thì tiếng chuông điện thoại reo vang. Ở đầu dây bên kia có tiếng cười rất phấn khởi của ông bạn già. Có lẽ hôm nay ông vớ được điều gì may mắn nên ông muốn gọi để chia sẻ điều gì với ông chăng? Tôi bắt đầu:

- "Hello!" 

Bên kia đầu dây, ông bạn già khởi sự:

- "Hôm nay vui quá bạn ơi! Tớ đâu có ngờ có mấy cô nàng Việt Nam tìm đến thăm tớ. Chúng nó đến đây mang theo thức ăn đầy đủ và nấu ăn trưa ở đây. Mình cũng được một bữa thưởng thức những món ăn Việt Nam thật là ngon".

- "Cậu có phúc quá. Cậu ở mãi trên đỉnh núi mà cũng có người lê bước đến thăm. Tớ nằm ở dưới đồng bằng, nhưng chẳng thấy có cô nào đến thăm cả. Nhưng mà được bao nhiêu cô đến thăm nè?"

- "Những sáu cô... ba cô ở vùng tớ đây và ba cô ở Ðài Bắc đến".

- "Các cô có tâm sự gì với cậu không? Các cô sống thế nào?"

- "Mấy cô sống ở vùng tớ thì suốt ngày đi bán bánh chưng với chồng.Cuộc sống khá long đong vất vả, cũng chỉ kiếm đủ tiền để sống qua ngày thôi. Nhưng bây giờ thì sắp có con rồi. Không biết chúng có có nuôi nổi con không. Cái nghề bán bánh chưng thì làm gì khá nổi. Thấy cũng đáng thương hại thật. Mấy cô Ðài Bắc tương đối trẻ trung và đẹp gái hơn, ăn mặc sạch sẽ vàcó vẻ bảnh chọe. Mình có hỏi về tình duyên của họ thế nào? Hầu hết các cô đều lặng thinh. Nhưng có một cô chia sẻ một cách rất thành thực: Cô là con nhà tốt lành và có đạo đức ở Hố Nai. Gia đình Bắc di cư vào Nam năm 54. Cô mới chỉ hai mươi mấy tuổi. Nhưng chồng cô hiện thời là một cụ già cũng gần 65 tuổi rồi. Khi làm giấy tờ sang Việt Nam lấy vợ thì họ bớt tuổi xuống chỉ còn năm mươi mấy tuổi. Làm sao mình có thể yêu một ông cụ như vậy. Cũng ráng chịu đựng vài ba năm. Ban ngày thì nấu cơm nấu nước, lau nhà lau cửa, làm công việc của một người nội trợ. Ban đêm thì chu toàn nghĩa vụ của một người vợ đối với cụ già cho nó yên chuyện. Mỗi tháng họ cho được vài ba trăm đô. Tạm như vậy ít năm để kiếm được số vốn rồi mới giã từ cụ già trở về Việt nam đi lấy chồng khác..."

Ðây mới chỉ là một trong muôn vàn những mẩu chuyện tình gượng ép, khiến chúng ta phải suy nghĩ: Hôn nhân hay là những hình thức mua bán nô lệ?

Cách đây không lâu, tôi có mở TV để xem tin tức. Bản tin có nhắc đến anh chàng thanh niên Ðài Loan sang Việt Nam lấy vợ. Anh ta là một người hào hoa, thích chơi sang kiểu công tử Tàu nên chỉ muốn lấy con gái Việt Nam thôi. Anh có đến những bốn cô vợ Việt Nam, như ng cô nào cũng chỉ sống với anh ta trong một thời gian ngắn, sau đó thì anh ly dị. Cô vợ thứ nhất trong thời gian làm giấy tờ ly dị, người bố anh thấy cô bé xinh đẹp trẻ trung, mới bảo anh: "Mày không thích nữa thì để nó cho tao. Nó tốt lành xinh đẹp như vậy mà bỏ đi thì phung phí của trời cho". Thế là thằng con làm giấy tờ ly dị chuyển sang cho bố. Cô bé này từ tư thế con dâu bây giờ trở thành người mẹ kế. Anh chàng này lại xin giấy sang Việt Nam lấy thêm một cô vợ khác. Nhưng chỉ trong một thời gian không lâu, anh cũng cảm thấy không thích nữa và lại làm giấy ly dị cô ta.. Người anh thấy cô bé đẹp gái dễ thương mới bảo với em: "Nếu mày không muốn nữa thì để cho tao. Tao thấy nó cũng được gái". Thế là anh ta đi làm giấy tờ chuyển sang cho người anh...

Ít lâu sau, anh lại lên đường sang Việt Nam để đi lấy cô vợ khác. Nhưng vốn bản tính đa dâm, lúc nào cũng chỉ muốn hưởng dùng những cái mới, nên cũng chỉ sau thời gian trăng mật, anh ta lại đưa nàng ra tòa để làm giấy ly hôn. Lần này thì đứa em trai của anh thấy cô bé cũng còn khá hấp dẫn, nên mới bảo anh làm giấy để lại cho em. Thế là anh đã trải qua ba lần lấy vợ Việt Nam.

Nhưng chưa tha, anh lại lên đường sang Việt Nam lấy vợ khác. Và dĩ nhiên, vì mục đích của anh là không phải thật tình muốn lấy vợ để cùng nhau chung sống xây dựng một cuộc sống an vui và hạnh phúc gia đình, nhưng là đi tìm những con người đẹp, trẻ trung, tốt lành, đơn sơ để thỏa mãn cho thú tính của anh, nên cũng chỉ trong một thời gian ngắn ngủi, anh lại đưa ra tòa ly dị. Cô vợ thứ tư này không còn ai trong nhà để chuyển giao nữa, nên người bố anh mới nói với anh: "Tao thấy nó cũng dễ thương, xinh xắn. thôi thì mày làm giấy tờ cho nó làm đứa ở trong nhà để nó lo phục dịch cho hết mọi người trong nhà này". Thế là cô dâu thứ tư này từ địa vị là một cô dâu xuống thành một đứa ở giúp việc trong nhà.

Vì anh ra tòa ly dị và làm giấy chuyển giao quá nhiều lần nên chính quyền cũng có đặt vấn đề: Liệu có còn luân thường đạo lý trong một gia đình và một xã hội như thế nữa không?

Nhưng mẩu chuyện lâm li bi đát về những cô dâu lấy chồng Ðài Loan diễn ra mỗi ngày trên hòn đảo bé nhỏ này khiến chúng ta không thể nào không quan tâm đến được.

"Và cũng từ đó người Ðài Loan

biết nhiều hơn về người Việt Nam..."

Ngày hôm qua, tờ báo China Post cũng đăng tin: Một cô dâu Việt Nam có tên là Nguyễn thị L., 30 tuổi, đã uống thuốc tự tử vì bị qúa tuyệt vọng. Cô ta đến Ðài Loan được ba năm rồi, nhưng cuộc sống ngày càng gặp nhiều khó khăn, bởi lẽ chồng cô là một anh chàng bị bệnh thần kinh thường hay nổi cơn điên, đánh đập cô bất cứ lúc nào anh muốn. Hơn nữa, ngôn ngữ bất đồng càng làm cho cuộc sống của cô trở nên bất hạnh và vô nghĩa. Cuối cùng không còn cách nào khác để giải quyết vấn đề khổ tâm của mình nên cô đã chọn con đường tự vận để sớm thoát khỏi cảnh cuộc đời ô trọc này. Dĩ nhiên, với những cuộc tình bi đát như vậy thì vấn đề tự tử là một chuyện rất thường tình, không có gì lạ cả.

Và còn, còn rất nhiều những mẩu chuyện sống động, bi đát, thảm thương khác mà chúng ta không thể nào kể cho hết được trong bài viết này.

Trước đây rất ít người Ðài Loan biết đến và nói đến người Việt Nam, bởi vì hòn đảo bé nhỏ này không muốn du nhập những người ngoại quốc, ngoại trừ một số sinh viên Việt Nam đi du học. Sau năm 1975, số sinh viên du học ở đây cũng tìm cách di dân sang các nước khác vì họ cảm thấy hòn đảo này không được an toàn khỏi ý đồ xâm lăng của Trung Cộng. Nhưng rồi vào mùa Thu năm 1987, bỗng nhiên một số chàng trai Việt Nam tuấn tú, trẻ trung, có dòng máu mạo hiểm đã dám liều mình phiêu lưu vào mảnh đất bé nhỏ này, chấp nhận cuộc sống can trường dấn thân và phục vụ. Họ là những chàng trai trẻ tuổi vừa học xong chương trình Trung Học hoặc vừa tốt nghiệp chương trình Ðại Học ở Mỹ. Họ sẵn sàng từ bỏ tất cả: Gia đình bạn bè cũng như đời sống phù hoa của miền đất phồn vinh Hoa Kỳ để dấn thân vào vùng đất xa lạ này với mục đích mang Tin Mừng cho những con người chưa được diễm phúc đón nhận Phúc Âm. Hầu hết họ phải trải qua một thời gian khá dài 10 năm trời để học ngôn ngữ và thần học. Trong số họ, cũng có một ít người lớn tuổi. Họ là những con người rất có thiện chí, muốn tận hiến quãng đời còn lại để phục vụ những con người đau khổ và bất hạnh. Quả thật, họ là những con người thật anh hùng, dám hy sinh tất cả để chọn lấy một đời sống nghèo hèn, thiếu thốn, xả thân phục vụ cho Nước Trời vàcho tha nhân. Và cũng từ đó, người Ðài Loan biết nhiều hơn về người Việt Nam qua những khuôn mặt truyền giáo khả ái này.

Nhưng rồi, bỗng dưng trong thời gian mấy năm gần đây, con số cô dâu Việt Nam nhập cảnh vượt quá kỷ lục. Chỉ trong vòng mấy năm mà đã có đến gần 30,000 cô dâu Việt Nam sang Ðài Loan với hình thức hôn nhân. Ðâu đâu cũng nghe người ta nói đến cô dâu Việt Nam. Một số người còn mỉa mai nữa: "Tội nghiệp cho các cô dâu Việt Nam, hết bị chồng đánh, đến bố mẹ chồng đánh. Ngay cả đến em chồng cũng lên tiếng mắng chửi, nguyền rủa như những dân nô lệ ngày xưa không kém. Trông thật đáng thương!"

Quả thật, họ thương hại cho những con người xấu số, những người bạc phước, bất hạnh. Họ không là thân nhân, không là người Việt Nam, nhưng chỉ nhìn thấy những hoàn cảnh đáng thương tâm, lòng họ cũng cảm thấy ngậm ngùi, se thắt.

Là người Việt Nam, chúng ta phải làm gì trước những hoàn cảnh đáng thương như vậy? Dĩ nhiên, chúng ta sẵn sàng làm tất cả những gì có thể làm được để giúp họ có được một đời sống khả quan hơn. Chúng ta không chấp nhận những hành động bất lương đó. Chúng ta lên án tất cả những hình thức lợi dụng, cả về phương diện tình dục cũng như việc đối xử tàn nhẫn dưới hình thức hôn nhân trá hình.

Về phần tôi, tôi muốn nói riêng với các bậc làm cha mẹ:
Là những bậc cha mẹ, chúng ta không thể nào nhắm mắt làm ngơ trước cảnh con cái mình đang bị đánh đập một cách tàn nhẫn bởi những người chồng vũ phu, bất bình thường, bị tật nguyền hay bị bệnh thần kinh. Làm sao lương tâm chúng ta có thể an bình nằm nhà tận hưởng một chút tiện nghi do những đồng bạc được bố thí bởi những con người bất lương và vô luân đó, trong khi con cái mình phải chịu muôn vàn gian khổ và tủi nhục.

Hãy mở mắt thật to để nhìn cho thật rõ những dòng lệ như những dòng suối không hề ngưng, đang chảy từ đôi mắt đẫm lệ của những đứa con mình đang hướng nhìn về quê mẹ trong cảnh tuyệt vọng. Hãy mở rộng đôi tai để nghe thấu tiếng kêu gào thổn thức giữa đêm thâu của những đứa con đang nghẹn ngào tức tưởi, bởi lẽ tiếng kêu cầu của họ không một ai đoái nhìn. Hãy mở cửa lòng để con tim mình biết rung động trước những cảnh tượng đáng thương tâm và đầy tủi nhục của những đứa con mình đang bị đày đọa như những người nô lệ bởi những con người dã tâm. Ðừng đòi hỏi con mình phải có những hy sinh vượt quá lý trí của con người. Hy sinh cho gia đình, cho người khác là một điều cao thượng và đáng khích lệ, nhưng cách thế mà chúng đòi con cái chúng ta hy sinh ở đây thì không phải là phương cách tốt. Chắc chắn kkhông một cha mẹ nào cảm thấy an vui và hãnh diện được khi biết rõ sự thật của đứa con mình đang rơi vào tình trạng đáng thương như vậy.

Qua bài viết này tôi muốn chia sẻ một chút tâm tình cũng như chỉ muốn gióng lên tiếng nói chân thành để giúp các bậc làm cha mẹ biết rõ sự thật phũ phàng của những cuộc tình duyên gượng ép, trá hình dưới hình thức hôn nhân mà nhiều kẻ gian thương đã lợi dụng để làm công việc thương mại cho chính họ. Hôn nhân không phải là một trò đùa, một công việc mua bán, một công việc đổi chác, mà là một sự quyết định, một sự lựa chọn cho suốt cuộc đời, có ảnh hưởng lớn lao đối với cuộc đời của con cái mình cũng như cho cả những thế hệ con cháu của mình trong tương lai.

Ðể kết thúc, tôi muốn mượn câu ca dao tục ngữ rất được thịnh hành trong dân gian để làm câu kết cho những tâm tình của bài viết này:

"Tiếc thay cây quế giữa rừng,

Ðể cho thằng Mán, thằng Mường nó leo..."

Taiwan, mùa Ðông 2000.

Lê Văn Quảng

 

 


Back to Home