Chợ Mua Bán Phụ Nữ
Công Khai Ở Việt Nam
Trong truyền thống dân tộc Việt Nam, hôn nhân là một món quà đặc biệt Thượng Ðế tặng ban cho nhân loại. Ngoài những việc nam nữ yêu thương tỏ tình với nhau, đến ngày hai người se duyên kết bạn với nhau, mọi người đều cầu mong cho Lão Tơ Hồng sẽ se mối duyên hồng cột chặt hai người lại, giúp cho hai người sống trăm năm hạnh phúc bên nhau. Hôn nhân cũng là một bước đầu để tạo nên một tổ ấm mới cho gia đình và đàn con cái, là một đơn vị căn bản để tạo nên đại gia đình trong xã hội.
Tôi còn nhớ, vào một ngày lễ Kính Thánh Gia trong một nhà thờ ở Hoa Kỳ. Cha chủ tế mời những gia đình nào có cả chồng lẫn vợ sống chung trung thành với nhau từ đầu ngày cưới cho đến nay đứng lên để mọi người chúc mừng. Nhìn đi nhìn lại, những người đứng lên, nghĩa là những cặp vợ chồng trung thành với nhau lâu nhất, đa số đều là những gia đình Việt Nam. Quả thế, gia đình Việt Nam được nổi tiếng là có những người cha người mẹ trung thành với nhau nhất trên thế giới. Nhưng điều này nay đã thay đổi. Từ ngày nhà nước Cộng Sản Việt Nam lên cầm quyền toàn nước Việt Nam (1975) đến nay, đã làm cho bao gia đình ly tán, và điều đáng buồn hơn, đã tạo nên một phong trào mới, các cô gái Việt Nam đua nhau lấy chồng Ðài Loan để thoát khỏi kiếp nghèo.
Lấy chồng là một việc bình thường của nữ giới, nhưng lấy chồng Ðài Loan như các cô gái Việt Nam hiện nay, quả là một điều đáng buồn. Bao nhiêu cô gái nhắm mắt đưa chân lấy chồng Ðài Loan, để rồi qua Ðài Loan phải ôm nỗi buồn muôn kiếp. Có chồng mà không muốn sống với chồng (như những cô dâu vùng Xu-Au, I-Lan). Có chồng ngày trước, ngày sau muốn bỏ mà về (như trường hợp của cô X. vùng Ta-Xi, Taoyuan). Có chồng nhưng không phải chỉ phục vụ xác thịt tình dục cho chồng, nhưng cho cả nhà chồng và cả thảy những anh em nhà chồng (như trường hợp cô L. vùng Ðài Trung). Có chồng để có được một mái ấm gia đình nào đâu không thấy, chỉ thấy những kết quả tự tử (như trường hợp của cô T. vùng Chang Hoa), hoặc phải bất đắc dĩ ly dị, phải lang thang, và có người đã trở thành điên loạn, phải vào nhà thương điên, mất con mất tất cả (như trường hợp của cô T. Ta-Yuan, Taoyuan).
Ngoài những sự việc đáng thương trên của các cô dâu Việt Nam xảy ra sau khi đến Ðài Loan mà lâu nay chúng tôi đã tường thuật rất nhiều trên báo chí và trên Mạng Lưới Toàn Cầu (Internet). Lần này chúng tôi xin gửi đến qúi vị những e-mail của những người thiện chí khác quan tâm đến tình hình Việt Nam gửi cho chúng tôi tường thuật về những sự việc xảy ra ở Việt Nam trước khi các cô dâu này tới Ðài Loan.
From : <HaTuLang@aol.com>
To : <vnmissio@tpts5.seednet.net.tw>
Sent : Saturday, November 17, 2001 7:01 AM
Subject : Chợ Mua Bán Phụ Nữ
Chợ môi giới mua bán phụ nữ hoạt động công khai ở Việt Nam.
Ðây không phải chuyện xảy ra ở... Phi Châu hồi thế kỷ thứ 19. Chuyện này đang xảy ra giữa ban ngày và hàng ngày ở giữa thành phố Sàigòn, thủ đô kinh tế của cả nước. Các tú bà, tú ông, các tay môi giới buôn bán phụ nữ, và đương nhiên là các cô gái - món hàng duy nhất không thể thiếu để trao đổi và trả giá - tất cả tụ họp lại ở cái chợ người tại Công Viên Cư Xá Lãnh Binh Thăng, thuộc Phường 8, Quận 11, Sàigòn. Chợ người này hoạt động sôi nổi 24/24.
Nhà Nước biết không? Phải biết chứ! Bởi vì chợ tập trung hàng trăm cô gái từ các miền quê Long An, Ðồng Tháp, Ðồng Nai, Sóc Trăng, Cà Mau... đến đây để chờ "lấy chồng" người nước ngoài. Tất cả các cô gái đều được đặt dưới sự "quản lý" của những đường giây tú bà và bọn "ma cô bảo kê". Những người đàn ông nước ngoài, hầu hết là người Ðài Loan, tìm đến đây để trả giá "mua vợ" như mua những món hàng. Các tú bà sẵn sàng lo thủ tục kết hôn cho họ, ngoài ra đàng sau bình phong hôn nhân là những vụ mua bán dâm trá hình. Tuy vừa qua công an Phường 8, Quận 11, thành phố Sàigòn đã truy quét những "đối tượng" tụ tập tại đây, nhưng bất cứ ai đi ngang Công Viên Cư Xá Lãnh Binh Thăng vẫn chứng kiến chợ môi giới mua bán phụ nữ hoạt động rầm rộ...
Tính đến nay, đã có hàng chục ngàn phụ nữ lấy chồng người nước ngoài qua các cuộc mua bán, mà phần lớn lấy người Ðài Loan. Thống kê năm 2000 của nhà nước cho biết, chỉ trong vòng 6 tháng đầu năm 2000, có hơn 1,000 vụ lấy chồng Ðài Loan. Riêng tỉnh Cần Thơ có số phụ nữ bán cho các vụ lấy chồng Ðài Loan tăng gấp 3 lần năm trước (1999) với 1,002 vụ...
Theo phúc trình của Cơ Quan Nhi Ðồng Liên Hiệp Quốc về tệ nạn buôn bán phụ nữ và trẻ em cho các vụ lạm dụng tính dục, khu vực châu thổ sông Mekong bao gồm các nước Thái Lan, Việt Nam, Cam Bốt, Lào và cả hai tỉnh phía nam Trung Quốc (Vân Nam và Quảng Tây), có khoảng 300 ngàn phụ nữ và trẻ em bị dồn vào trong các điều kiện sống như nô lệ... Hồi giữa tháng 5 năm 2001, báo Nông Thôn Ngày Nay ở Hà Nội dựa vào các báo cáo của nhà nước nói rằng khoảng 10,400 phụ nữ (70% là gái vị thành niên) đã bị bán sang Trung Quốc. Một số bị bán làm vợ, một số bị bán làm điếm. Trong số vừa kể, 1,829 người đã trốn về được Việt Nam, đem theo lối 200 trẻ con có cha là người Hoa.
Một số khá đông các cô gái (hầu như đều ở tuổi vị thành niên) cũng được bán cho các chủ chứa bên Cam Bốt. Qúa phân nửa đến 2/3 các cô gái trong xóm điếm nổi tiếng ở Nam Vang là gái Việt Nam bị gia đình bán cho đám môi giới. Các cô gái này sau một thời gian, trốn về được Việt Nam đem theo bệnh HIV/AIDS gieo rắc trên quê hương nhà.
Khi chưa có cái chợ người công khai ở Công Viên Cư Xá Lãnh Binh Thăng, các văn phòng môi giới hôn nhân có giấy phép hoạt động cho nhà nước cấp, làm thủ tục "lấy chồng" cho các cô gái Việt lấy người Ðài Loan để cha mẹ các cô nhận món tiền khoảng 2 ngàn đến 8 ngàn đô Mỹ tùy nhan sắc và tùy sự trả giá, thỏa thuận giữa đôi bên. Báo chí trong nước từng đăng tải nhiều cảnh thương tâm qua lời kể của các cô gái trốn được từ Ðài Loan về nước. Có trường hợp một cô gái Việt làm vợ cả mấy người đàn ông trong một đại gia đình.
Có trường hợp một thanh niên Ðài Loan sang Việt Nam lấy liên tiếp 4 cô gái khác nhau rồi bàn giao lại cho cha, cho các anh trong nhà, qua thủ tục ly dị, rồi mấy người kia kết hôn lại!
"Lấy chí nhân mà thay cường bạo,
Ðem đại nghĩa để thắng hung tàn."
(Nguyễn Trãi)