Chuyện dài lấy chồng Ðài Loan: 12 bến nước
Những nàng Kiều thời đại
Trong mấy năm gần đây, vì hoàn cảnh dân chúng Việt Nam quá nghèo khổ, nên đã xảy ra hiện tượng các cô gái Việt Nam đua nhau lấy chồng ngoại quốc, và đặc biệt tệ nạn ồ ạt lấy chồng Ðài Loan. Nhiều người nói rằng, lấy chồng ngoại là một chuyện bình thường, có người lấy chồng Mỹ, lấy chồng Pháp... thì cũng có người lấy chồng Ðài Loan. Ðương nhiên, chúng tôi đồng ý rằng, có những cuộc tình yêu vượt biên giới, yêu người ngoại quốc, và kết hôn với người ngoại quốc. Cũng có những cặp hôn nhân rất hạnh phúc, rất thành công, và và rất giàu có... Nhưng điều đáng nói ở đây đó là những tệ nạn các cô gái Việt Nam đua nhau gã cho các chàng trai Ðài Loan trong những tình trạng không được bình thường, và đã làm mất đi ý nghĩa cao đẹp của hôn nhân. Có những mối tình quen nhau chớp nhoáng trong vài phút rồi cưới nhau, có những đám cưới ngoài ý muốn, có những cặp trai gái cưới nhau với những điều kiện rất là bất đắc dĩ, và có rất nhiều cuộc hôn nhân chỉ với mục đích lợi dụng nhau. Ở Ðài Loan, có rất nhiều cô dâu Việt Nam được các công nhân gọi là "những cô lấy chồng Ðài Loan nhưng không ngủ với người chồng Ðài Loan, chỉ thích ngủ lang chạ với trăm ngàn đàn ông khác". Hoặc có rất nhiều cô tâm sự với chúng tôi: "con chỉ kiên nhẫn chờ đợi 7 năm để mong có được giấy quốc tịch Ðài Loan rồi sau đó con sẽ ly dị".
Ngoài những sự việc đáng thương của các cô dâu Việt Nam xảy ra sau khi đến Ðài Loan mà lâu nay chúng tôi đã tường thuật rất nhiều trên báo chí và trên Mạng Lưới Toàn Cầu (Internet). Lần này chúng tôi xin gửi đến qúi vị những e-mail của những người thiện chí khác quan tâm đến tình hình Việt Nam gửi cho chúng tôi tường thuật về những sự việc xảy ra ở Việt Nam trước khi các cô dâu này tới Ðài Loan.
From : <HaTuLang@aol.com>
To : <vnmissio@tpts5.seednet.net.tw>
Sent : Saturday, November 17, 2001 7:02 AM
Subject : 12 Bến Nước
Chuyện dài lấy chồng Ðài Loan: 12 bến nước
Những nàng Kiều thời đại:
Các cô gái trẻ hy sinh tương lai, cứu gia đình qúa nghèo khổ.
Trung bình mỗi tháng, Bệnh Viện Chở Rẫy và Bệnh Viện Thống Nhất ở Sàigòn khám sức khỏe cho hơn 850 phụ nữ (phần lớn từ 18-20 tuổi) có nhu cầu xuất cảnh qua Ðài Loan theo diện kết hôn. Hàng ngày, những cô dâu trẻ đứng ngồi chờ đợi trong khuôn viên bệnh viện. Một buổi sáng tại Bệnh Viện Thống Nhất, hơn 20 cô gái trẻ đang ngồi trước một phòng khám thuộc khoa Khám Sức Khỏe cho người định cư ở nước ngoài.
Khác với người vào trị bệnh, họ trang điểm đậm và ăn mặc rất đẹp. Họ cùng giống nhau ở chỗ: lấy chồng Ðài Loan và đang làm thủ tục xuất cảnh theo chồng. Nguyễn thị Lan 19 tuổi, quê ở Long An ngập ngừng mang giấy yêu cầu siêu âm của y sĩ đến nhờ đọc giùm vì... không biết chữ? Cô vừa mới lấy chồng Ðài Loan, 48 tuổi, có tật ở chân trái. Trước đó, Lan ở đợ cho một gia đình ở đường Nguyễn Ðình Chiểu, Quận 3, Sàigòn (Phan Ðình Phùng cũ), từng có bạn trai là thợ sửa xe. Vì gia đình cần một số tiền, Lan đã chấp nhận lấy người chồng này qua một dịch vụ môi giới, với tiền cưới 10 triệu đồng VN.
Tại phòng khám số 1, Nguyễn Thị Ánh 18 tuổi, quê ở Long Hưng, Sóc Trăng buồn bã khi nghe y sĩ bảo phải điều trị bệnh phổi một thời gian mới đủ sức khỏe đi nước ngoài. Ánh nói:
- Nhà con nghèo lắm bác sĩ ơi! Chồng con không cho nhiều tiền để chữa bệnh đâu. Bà Phượng (người mai mối) hăm rằng nếu con không sang được Ðài Loan theo hợp đồng thì phải trả lại tiền đám cưới...
Hỏi về nghề nghiệp và gia cảnh nhà chồng, Ánh lắc đầu, nói là... không rành lắm, chỉ nghe chồng nói là ở Việt Nam Ánh làm ruộng thì sang Ðài Loan cũng sẽ có 2 mẫu ruộng để làm!
Ðáng thương hơn là cô Lê Ngọc Hạnh 19 tuổi, quê ở xã Long Sơn, Bà Rịa, đã phải cầu cứu với một nữ y sĩ. Qua 3 người môi giới, Hạnh về làm vợ một người Ðài Loan 39 tuổi, tên Shiu. Ngày đầu tiên sống chung tại một khách sạn ở Quận Tân Bình, Sàigòn, Hạnh phát giác ông này bị bất lực. Những ngày tiếp theo, Hạnh bị hành hạ đủ kiểu... Với khả năng có thể, y sĩ đã giúp Hạnh bằng cách kéo dài thời gian khám bệnh, nhằm tạo cơ hội cho Hạnh gặp gỡ gia đình, tìm cách giải quyết. Thế nhưng, hơn một tuần sau, Hạnh trở lại bệnh viện xin nhận hồ sơ chứng nhận đủ sức khỏe, vì:
- Ba má con đã xài hết tiền đám cưới. Con phải đi Ðài Loan để trả nợ!
Trong lúc Hạnh ôm lấy một nữ y sĩ khóc rưng rức thì bên ngoài, ở các phòng khám bên cạnh, hàng chục cô gái khác đang lặng lẽ chờ kêu tên bước vào phòng khám. Y sĩ Dương Lệ Chi, khoa Khám Xuất Cảnh, Bệnh Viện Chợ Rẫy Sàigòn cho biết, nếu trước kia người khám sức khỏe đi Ðài Loan theo diện kết hôn hầu hết tập trung ở các tỉnh Miền Nam thì hiện nay có nhiều người ở Miền Bắc. Phần lớn các cô gái đều không có nghề nghiệp, học vấn thấp, lấy chồng qua các dịch vụ, đường dây chuyên gả vợ cho người Ðài Loan, mà không hề biết gì về gia cảnh, nghề nghiệp của chồng. Theo tìm hiểu của các y sĩ ở Bệnh Viện Thống Nhất, chồng của các cô gái này thường đã lớn tuổi và bị khiếm khuyết thể chất hoặc tinh thần.
Các cô gái này chấp nhận lấy chồng, đều không vì tình yêu, mà chỉ vì một số tiền do cuộc hôn nhân mang lại, và sau đó được sang Ðài Loan sống. Theo y sĩ Nguyễn Ngọc Quế, phó giám đốc Bệnh Viện Thống Nhất, hàng ngày khám sức khỏe, tiếp xúc với từng "cô dâu" trẻ, lắng nghe tâm sự, suy nghĩ của họ..., hầu hết những nhân viên y tế ở đây đều cảm thấy đau lòng, lo ngại cho tương lai của họ...
Hỗn loạn những chợ chiều,
ráo riết những phiên... "chào hàng"
Buổi coi mắt ở khách sạn Hoàng Hậu, Sàigòn, kéo dài đến hơn 4 giờ chiều mới xong. Trên 100 cô gái được các bác tài xe ôm đưa tới "tập kết" nhốn nháo bốn bên lề đường của ngã tư Tạ Uyên - Nguyễn Chí Thanh , Chợ Lớn, và lần lượt xếp hàng đi vào bên trong đại sảnh của khách sạn. Chỉ có vài chàng rể Ðài Loan; khó mà biết được họ chọn vợ theo tiêu chuẩn nào, chỉ thấy từng tốp dăm ba cô gái rời khỏi khách sạn và leo lên những chiếc xe Honda ôm lao đi.
Về tình hình này, Trưởng Công An Phường 15, Quận 5, nói tỉnh bơ:
- Chuyện ấy đâu có gì mới!
Từ sau Tết Tân Tỵ, những người đàn ông Ðài Loan sang Việt Nam lấy vợ thưa dần, trong khi số lượng các thiếu nữ "cần" chồng ngoại vẫn không có vẽ gì giảm. Vài ba ngày lại diễn ra một đợt "coi mắt". Năm sáu người Ðài Loan tha hồ lựa chọn trong số hàng chục, hàng trăm "ứng cử viên". Ðợt ồn ào ở nhà hàng Ngân Sương, công an Phường 15, Quận 5 đã " vào cuộc" nhưng cũng không thể tìm thấy dấu hiệu gì của sự phạm pháp. Và tất nhiên không can thiệp được. Chủ nhà hàng chỉ nhìn nhận mình có "bán một bữa tiệc, với chỗ ngồi và các món ăn. Còn thực khách là ai và họ làm gì trong buổi tiệc ấy, nếu không phạm pháp thì đâu thể cấm họ được.
Công an chìm đã lân la tìm cách tiếp xúc, nhưng rất khó hỏi thêm được điều gì từ các cô gái ấy. Có cô thì lịch sự nói:
- Ðến đây chơi thôi, không có chuyện gì.
Có cô thẳng thừng:
- Ði đâu kệ người ta hỏi làm gì?
Nhiều cô đã kịp khoác lên mình những kiểu trang phục theo mốt của dân thành thị, nhưng trông dáng điệu thì biết ngay là gái quê. Ða số còn rất trẻ.
Những năm trước đây, "hội chứng lấy chồng Ðài Loan" đã bùng nổ, song cách "coi mắt" chọn nhau của các đôi nam nữ khi ấy còn e dè, thậm chí được che đậy khéo léo bởi những bữa tiệc sinh nhật, tiệc cưới của người quen... Từ hơn một năm nay, nhiều nơi trong Sàigòn bắt đầu xuất hiện những "hội thi kén vợ" công khai, như "hội thi hoa hậu" vậy, thậm chí gây ồn ào mất an ninh trật tự như đã nêu trên. Bên cạnh những địa điểm bất chợt, thỉnh thoảng mới diễn ra một lần, các "phiên chợ tình" ở khu vực Cư Xá Bình Thới (Phường 8, Quận 11) được coi là thường xuyên và quy mô nhất. Công an Phường đã từng có những báo cáo cho thấy số "ứng cử viên" của mỗi lần coi mắt tại đây lên đến 200-300 cô gái. Những "ông mai bà mối" đã sục sạo về các tỉnh Ðồng Bằng Cửu Long và tạm ứng trước tiền "che o" cho những cô gái nào đồng ý lấy chồng Ðài Loan. Sau đó họ dắt các cô lên Sàigòn, cho tá túc tại các khu nhà cho thuê chờ ngày "mở hội coi mắt".
Vừa qua, chỉ trong vòng 2 tuần "lập lại trật tự" tại khu vực Cư Xá Bình Thới, cơ quan chức năng đã xử phạt hàng chục xe Honda ôm chở 3 chở 4, giúp gần 50 cô gái tụ tập không có chứng minh nhân dân. Phạt xe ôm thì... ăn thua gì!
"Lấy chí nhân mà thay cường bạo,
Ðem đại nghĩa để thắng hung tàn."
(Nguyễn Trãi)