10 ngàn

Lao động Việt Nam tại Ðài Loàn bỏ trốn

 -- đôi dòng suy nghĩ --

 

Prepared for Internet by Vietnamese Missionaries in Asia

 

10 ngàn Lao động Việt Nam tại Ðài Loàn bỏ trốn!!! - đôi dòng suy nghĩ.

(Ðài Loan, 29/04/2005) - Ðược biết, hiện nay người Việt Nam qua Ðài Loan lao động đã lên tới trên 100 ngàn người (trên 40,000 công nhân Việt Nam lao động trong các công ty, cơ xưởng, nhà máy...; và trên 60,000 người Việt Nam làm giúp việc trong các gia đình hay trong các viện dưỡng lão), trong số đó có khoảng 10 ngàn người đã rời bỏ khỏi nơi làm việc theo hợp đồng và ra ngoài làm việc, tức chiếm trên 10 phần trăm. Một con số gây ngạc nhiên cho nhiều người và gây đau đầu cho các nhà chức trách đất nước sở tại và ngay cả các nhà chức trách Việt Nam.

Cuối năm 2004 chính quyền Ðài Loan yêu cầu phía Việt Nam bằng mọi cách phải đưa được ít nhất 2 ngàn lao động lưu vong này về nước, nếu không sẽ đóng cửa không ký tiếp hợp đồng nhận lao động từ Việt Nam nữa. Yêu cầu được đưa ra, cho nên Bộ lao động Việt Nam đã qua mạng thông tin kêu gọi lao động bất hợp pháp ra đầu thú để trở về nước, nhưng những lời kêu gọi này không có hiệu quả. Cuối cùng Nhà nước Việt Nam đã gửi nhiều nhân viên nhà nước qua Ðài Loan để truy lùng lao động bỏ trốn. Mất nhiều tiền và cũng tổn nhiều công sức nhưng kết quả vẫn bất thành. Bởi thế ngày 20 tháng 1 năm 2005, chính quyền Ðài loan đã có chính thức quyết định không tiếp nhận những người Việt Nam diện giúp việc nhà và chăm sóc người già nữa (một số trường hợp công nhân Việt Nam lao động ở các nhà máy có hồ sơ đang tồn đọng có thể vẫn được qua).


Một công nhân bỏ trốn khỏi nơi làm việc hợp đồng, ra ngoài làm việc khác và bị tai nạn trong lúc lao động, được điều trị tại Bệnh Viện Tsu-Chi của Giáo Hội Phật Giáo Ðài Loan.


Việt Nam là nước đứng thứ ba về lượng người lao động tại Ðài Loan, nhưng số người bỏ trốn lại đông nhất. Trước hiện tượng này người ta mới đặt câu hỏi "tại sao số người Việt Nam lao động bỏ trốn nhiều như vậy?" Phía Nhà Nước Việt Nam cho rằng "lao động bỏ trốn vì họ tham tiền, chỉ lo kiếm lợi cho cá nhân mà quên đi lợi ích người khác và lợi ích quốc gia". Trong khi các công nhân thì nói, "do khi tiến hành thủ tục xuất cảnh lao động họ đã phải đóng quá nhiều tiền". Số tiền đó họ toàn đi vay ngân hàng, vì thế nếu chỉ làm hai năm thì may lắm mới chỉ đủ tiền trả nợ. Có người nói "vì lương thấp hay vì bị chủ đối xử bất công tàn nhẫn, chịu không nổi mới kiếm đường chạy trốn ra ngoài". Hằng ngàn lý do, phải đứng dưới nhiều góc độ mới hiểu được vấn đề.

Vậy số phận những người lao động bỏ trốn chạy ra ngoài sẽ ra làm sao? Có thể nói ai trong họ cũng đều có cái khổ, có điều cực riêng của mình. Vì đã trốn ra ngoài thì dĩ nhiên trở thành những người lưu vong, sống bất hợp pháp. Mặc dầu những người chạy ra ngoài đa số đều có những bạn bè thân quen, có nơi trú ẩn tạm thời. Hơn nữa có nhiều ông chủ người Ðài Loan cũng sẵn sằng nhận những lao động này vào làm việc bất hợp pháp. Họ biết việc làm này nguy hiểm, nếu bị phát giác thì sẽ bị phạt tiền rất nặng nhưng vẫn nhận vào làm, vì tiền công cho đối tượng lao động này rẻ hơn mà chẳng phải nạp thuế, chẳng cần làm bảo hiểm, với lại nếu muốn kết thúc "hợp đồng" với người lao động loại này bất cứ lúc nào cũng đều được, chẳng phải bồi thường khoản tiền nào. Làm như thế lại còn được những người lao động loại lưu vong cho là làm ơn làm phước nữa chứ. Tuy nhiên, cuộc sống của những người lưu vong này thật là long đong và bất ổn, con đường tương lai của họ mập mờ, sống lúc nào cũng phải "đề cao cảnh giác", đi đâu những nơi công cộng thì chẳng dám đi, ra đường phải để ý ở đâu có cảnh sát thì bằng mọi cách phải lẩn tránh. Chọn chỗ ngủ cũng phải nhắm xem có con đường "bí mật" nào dễ tẩu thoát khi có cảnh sát tới không. Cuộc sống của họ bất an bất ổn như vậy, nên không dám mua sắm hoặc mang theo mình một thứ gì quý giá cả. Vì khi cảnh sát đến chỉ biết lo thoát được cái mạng.

Là người lưu vong, sống bất hợp pháp, nên họ mất hết mọi quyền lợi, nhất là vấn đề bảo hiểm y tế. Ðau ốm cũng chẳng dám đi bệnh viện, vì vào bệnh viện phải trình giấy tờ chẳng khác gì ra thú tội với cảnh sát. Nếu bị đau, bị cảm hay bị tai nạn lao động nhẹ thì có thể nhờ người quen đi mua thuốc. Khi gặp tai nạn hay bệnh nặng buộc phải vào bệnh viện thì nhiều bệnh viện không muốn tiếp nhận họ. Có người bị qúa nặng, không có tiền trả viện phí lại còn bị cảnh sát yêu cầu nộp phạt trước khi bị trục xuất về nước. Chẳng hạn trường hợp của một anh tên là T, quê ở Hải Dương, sang Ðài Loan đi làm theo hợp đồng được 6 tháng thì trốn chạy ra ngoài làm công trình xây dựng. Chẳng may một hôm đi làm anh bị ngã từ cao xuống bị vỡ đầu. Anh được đưa đi cấp cứu ở bệnh viện Tân Trúc, cách thành phố Ðài Bắc khoảng 40 km về phía Nam. Bệnh viện đòi viện phí, nhưng từ công ty cũ theo hợp đồng, công ty đang thuê anh làm bất hợp pháp, cho tới hai công ty môi giới Việt Nam và Ðài Loan đều không đứng ra nhận trách nhiệm. Cuối cùng gia đình bên Việt Nam phải vay tiền để lo cho anh về nước. Khi về nằm ở một bệnh viện tại Hà Nội được 3 ngày thì anh cũng qua đời. (Theo lời kể của một người anh họ của T, đang học tại Ðài Bắc).


Một linh mục Việt Nam đến làm phép xác cho một công nhân Việt Nam bị tai nạn qua đời tại Ðài Loan.


Hay trường hợp của một cô gái người Thái Nguyên, tên là N, năm nay mới 25 tuổi, cô đến Ðài Loan làm việc được gần 2 tháng thì cũng trốn ra ngoài đi làm. Cô được chủ mới nhận vào làm việc cùng với một số người Việt Nam khác. Vào ngày 13.3.2005, khi cảnh sát đến rà soát công ty, biết được là có cảnh sát tới, nhưng cô và mấy người bạn đang ở trong một căn phòng trên lầu 6 nên chẳng có lối thoát nào khác, họ chạy ra ẩn núp ở bao lơn cửa sổ. Bao lơn quá nhỏ, không đủ chỗ cho nhiều người ẩn núp, chật chội, chen lấn, vì thế N đã bị truồi tay và rơi từ lầu 6 xuống mặt đất. Như một định mệnh! N bị vỡ đầu. Tức khắc được đưa đến bệnh viện nhưng trong chốc lát đã qua đời. Xác cô đang được để lại trong nhà xác, và gia đình đang cầu cứu, mong được giải quyết thoả đáng để được đưa xác cô về Việt Nam. (Theo lời kể của một nhóm nhân viên làm công tác giúp đỡ công nhân).

Ôi, những câu chuyện nghe rùng rợn. Những thân phận hẳm hiu. Những tình tiết đau lòng hằng ngày xảy ra với những người Việt lao động ở Ðài Loan. Còn có hằng trăm trường hợp tương tự không tài nào kể ra hết ở đây. Có người đặt câu hỏi tại sao mạng sống của người Việt rẻ như thế? Không biết có ai dám trả lời? Chỉ biết một thực trạng, rằng vì cuộc sống của họ nơi quê nhà quá nghèo khổ, muốn tìm một nơi làm việc kiếm được đồng tiền để đổi mới cuộc sống. Ai ngờ họ lại gặp những cảnh buồn đau như thế. Nhưng ai sẽ giúp đỡ họ bây giờ? Ai sẽ có trách nhiệm bảo đảm cho họ một môi trường làm việc an toàn? Câu hỏi nghe đơn giản nhưng chẳng biết bao giờ sẽ có câu trả lời. Cần kíp lắm thay!

 

Yên Thịnh

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page