Lễ khánh thành

nhà thờ Trung Ái, Quy Nhơn

Prepared for internet by Vietnamese Missionaries in Asia

 

Bài giảng dịp lễ khánh thành nhà thờ Trung Ái, Quy Nhơn.

(Thứ Tư Tuần Bát Nhật Phục Sinh, 11.4.2007)

Trọng Kính Ðức Cha


Ngày lễ khánh thành nhà thờ Trung Ái, Quy Nhơn.


Kính thưa Cha Tổng Ðại Diện, Quý Cha Hạt Trưởng, Quý Cha trong và ngoài Giáo Phận, Quý Thầy Phó tế, Quý Bề trên các Hội dòng, Quý Tu sĩ Nam Nữ, chủng sinh và toàn thể ông bà anh chị em.

Ðặc biệt, kính thưa cộng đoàn Dân Chúa giáo xứ Trường Cửu, giáo họ Trung Ái.

Toàn thể Giáo Hội vừa trải qua một thời gian Phụng Vụ trọng điểm, kính mừng Mầu nhiệm Tử Nạn-Phục sinh của Chúa Giêsu Kitô, Vị Mục tử nhân lành đã sống, đã chết và đã sống lại cho đoàn chiên do chính Ngài thiết lập, quy tụ và đang từng ngày chăm sóc. Trong những ngày "Bát Nhật Phục Sinh" nầy, quả thật, trong cõi lòng của hàng triệu triệu Kitô hữu đang âm vang một niềm vui thánh thiện và sâu lắng khi tiếng ca Alleluia không ngừng được vang lên, khi ánh lửa của cây nến Phục Sinh vẫn còn rạng rỡ. Chính trong ý nghĩa thiêng liêng và chan chứa niềm tin đó, chúng ta mới cảm nhận được rằng, cuộc quy tụ hôm nay, trong ngôi thánh đường mới với đầy đủ mọi thành phần Dân Chúa trong Giáo phận Quy Nhơn mến yêu, mầu nhiệm Hội Thánh, mầu nhiệm Tử nạn - Phục sinh, mầu nhiệm hiệp thông, mầu nhiệm cứu độ, quả thật đã đong đầy ý nghĩa, đã được cắt nghĩa cách cụ thể và rõ nét.

Rõ nét quá đi chứ! Vì tự bản chất, Hội Thánh chính là sự triệu tập, qui tụ (Ekletos), từ sự qui tụ được tiên báo qua hình ảnh ban đầu nơi dân ưu tuyển Ít-ra-en cho đến sự qui tụ chính thức trong thời viên mãn, đó là cuộc qui tụ chung quanh "Ðấng sống lại từ cõi chết", Ðức Giêsu-Kitô Chúa chúng ta. Từ đó phát sinh Cộng đoàn Giáo Hội (Ecclesia - viết hoa), và nhà thờ (ecclesia - viết thường) chính là nơi để cộng đoàn Hội Thánh "qui tụ lai" mà thờ phượng Chúa.

Chính trong viễn tượng thần học nầy, mà chúng ta có thể yên tâm để khẳng định rằng : chúng ta đang qui tụ, đang sống mầu nhiệm hiệp thông của Hội Thánh, đang tiếp nối, tháp nhập vào một dòng chảy đức tin của một Hội Thánh nhỏ đã từng có mặt ở đây, trên vùng đất nầy gần 2 thế kỷ. Và đây chính là vài nét đan thanh về dòng chảy đức tin của cộng đoàn Giáo xứ Trường Cửu-Giáo họ Trung Ái.

1. Ðôi dòng lịch sử:

Trước hết, chúng ta chọn thời điểm 1931. Sở dĩ chọn thời điểm nầy vì đây chính là năm giáo xứ Trường Cửu chính thức được thành lập với 7 cộng đoàn giáo họ gồm :Trường Cửu, Mỹ Ngọc, Tráng Long, Nhơn Nghĩa, Cù Lâm, Trung Ái và Nghiễm Hòa. Cha sở tiên khởi của giáo xứ Trường Cửu lúc đó là cha Phaolô Nguyễn Tấn Thì [1]. Như thế, về mặt chính danh theo giáo luật, và trên cơ sở hồ sơ lịch sử nghiêm túc của Giáo Phận, giáo họ Trung Ái đã hiện diện trên bản đồ mục vụ Giáo Phận Qui Nhơn ngót nghét 76 năm (1931-2007).


Ðoàn thiếu nhi biểu diễn dịp lễ khánh thành nhà thờ Trung Ái, Quy Nhơn.


Tuy nhiên, nếu lần theo dấu vết "mở đạo" của cha ông, thì ngay từ thời Ðức Thánh Giám Mục Stêphanô Thể (1835-1861), đã có những hạt giống đức tin được gieo trồng trên mãnh đất nầy. Theo sử liệu còn lưu giữ, thì trong biến cố bách hại thời Văn Thân, giáo điểm Cù Lâm thuộc hạt Phù Ly có khoảng 25 giáo dân bị chôn sống tập thể ngày nay vẫn còn lưu lại mộ phần [2]. Ðặc biệt, với Trung Ái, thì ngay khi chưa chính thức trở thành giáo họ và khi mà Trường Cửu vẫn còn là một họ nhánh của giáo xứ Kim Châu, thì cha sở Simon Nguyễn văn Chính (1894-1897) vẫn thường đến ở nơi đây để điều hành công việc mục vụ cho toàn vùng [3]. Rồi kể từ độ ấy, cộng đoàn Trường Cửu - Trung Ái lại cứ theo quy luật muôn thuở "máu tử đạo trỗ sinh người có đạo" mà hình thành và phát triển cho đến mãi hôm nay.

Có một điều đáng ghi nhớ đó là, suốt 76 năm kể từ ngày thành lập giáo xứ Trường Cửu, và 71 năm kể từ khi có Nhà thờ Trung Ái lần đầu (1936) [4], trải qua 9 đời cha sở, hình như giáo họ Trung Ái không khi nào thiếu vắng chủ chăn, cho dẫu phải kinh qua bao nhiêu thăng trầm của thế sự và bao nhiêu biến loạn của khói lửa chiến tranh.

Thích hợp thay lời ca kinh Thánh vịnh 22 khi được đọc trong bối cảnh lịch sử nầy: "Chúa chăn nuôi tôi, tôi chẳng thiếu thốn chi... dẫu qua lũng âm u, con sợ gì nguy khốn, vì có Chúa ở cùng. Côn trượng Ngài bảo vệ, con vững dạ an tâm" (Tv 22).

2. Nhà Chúa hôm nay:

Và hôm nay, sự chăm sóc của "Người mục tử vô hình Giêsu" không chỉ là sắm sẵn cho cộng đoàn Trung Ái một "cánh đồng xanh bạt ngàn lúa nước Nhơn Hòa", không chỉ là liên tục đưa đến những "mục tử như lòng Chúa mong ước" để dẫn đưa cộng đoàn qua những đoạn đường khắc nghiệt của lịch sử, mà Ngài còn lo lắng tận tình để đoàn dân của Ngài có "ngôi nhà chung" duyên dáng, một Thánh đường khang trang để sớm hôm qui tụ phượng thờ Thiên Chúa. Nếu có ai đã từng về đây vào thời điểm 15 năm về trước, rồi chiêm ngưỡng ngôi nhà thờ mới nầy, sẽ thấy Trung Ái hôm nay đã thật sự thay da đổi thịt, một sự đổi thay không phải để phủ nhận quá khứ hay cắt đứt truyền thống, mà là một thăng tiến trong sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa Ðạo trời là di sản đức tin của bao đời cha ông để lại với cái dáng đứng Á đông chân phương cổ kính. Tạ ơn Chúa đã ban cho chúng con, cho Giáo Phận, cho cộng đoàn giáo xứ Trường Cữu, giáo họ Trung Ái có được ngôi nhà thờ mới nầy. Và khi nhìn những khuôn mặt rạng ngời, những ánh mắt hân hoan của cộng đoàn Dân Chúa hôm nay, chúng ta lại cảm thấy công trình nầy, ngôi nhà thờ mới nầy phải là sự kết tinh của "hoa màu ruộng đất và công lao của con người". Và vì thế, xin tri ân tất cả những giọt mồ hôi đã đổ xuống, những nắng mưa dãi dầu, những vất vả khổ cực, những bữa trưa khát đói, những bữa tối mệt nhoài, những tờ giấy bạc 2,000 thấm đẫm mồ hôi, những tấm lòng sẻ chia quảng đại và cả những hy sinh và lời nguyện âm thầm. Và đó là tất cả những chất liệu đã làm nên "Ngôi Nhà của Chúa", ngôi nhà mà khi cánh cửa mở ra, luôn phải dẫn chúng ta "tiến về phía trước".

3. Tiến về phía trước:

Thật là trùng hợp khi Phụng vụ Lời Chúa hôm nay gần như gợi mở cho cộng đoàn chúng ta cùng hướng về "Ðền Thờ" và cùng tiến về phía trước với Ðấng Phục Sinh. Ðặc biệt, trong trích đoạn bài sách Công vụ Tông đồ, với võn vẹn 10 câu đầu tiên của chương 3, mà đã có 6 lần nhắc tới "Ðền Thờ". Cho dù "Ðền Thờ" được nhắc đến ở đây là Ðền thờ của Giao ước cũ, của Do thái giáo. Tuy nhiên, hình ảnh của Phêrô, Ðá tảng của Hội Thánh, và Gioan, người Môn đệ nhận lời trăn trối của Chúa Giêsu, đại diện cho Hội Thánh, khi bước vào Ðền Thờ đã mang theo một sức sống mới, một thần lực mới. Ðó chính là thần lực không dựa vào sức mạnh và phương tiện trần gian: "Vàng bạc thì tôi không có"; nhưng là cậy vào chính sự hiện diện của Ðức Kitô Phục sinh: "Nhưng cái tôi có, tôi cho anh đây: nhân danh Ðức Giêsu Kitô người Na-da-rét, anh đứng dậy mà đi". Và sau đó, người què "đứng phắt dậy, đi lại được; rồi cùng với hai ông, anh vào đến thờ, vừa đi vừa nhảy nhót và ca tụng Thiên Chúa".


Ngày lễ khánh thành nhà thờ Trung Ái, Quy Nhơn.


Trong khi đó trích đoạn Tin Mừng Luca với trình thuật hai môn đệ trên đường Emmau lại nhắc nhở cho chúng ta về một hình ảnh "Ðền Thờ" khác, đền thờ giản đơn chỉ là một "quán vắng bên đường" mà Ðức Kitô Phục sinh đã cử hành "thánh lễ Chúa Nhật" với hai môn đệ khi bóng chiều đã tắt: "Bấy giờ Người mới vào và ở lại với họ. Khi đồng bàn với họ, Người cầm lấy bánh, dâng lời chúc tụng, và bẻ ra trao cho họ...".

Chắc chắn trong những ngày nầy chúng ta sẽ được dịp trở về với những ngày khai sinh Kitô giáo, trở về với những buổi sáng, buổi chiều "Ngày Thứ Nhất trong tuần" khi Chúa mới từ cõi chết sống lại. Trong những ngày ấy, Hội thánh bé bỏng là nhóm các Tông Ðồ, là các Kitô hữu đầu tiên, làm gì có đền đài nguy nga, cơ ngơi rộng lớn. Chúa Kitô đã thường cử hành Thánh lễ với các ông khi nơi quán trọ, khi trên bải cát bờ hồ Tibêriát, khi trong nhà Tiệc Ly, khi trên Núi Ôliu... Thế nhưng đó lại là những cuộc "họp mừng" khai sinh ra "Ngày của Chúa", những cuộc họp mừng làm nên Kitô giáo, làm nên Hội Thánh, đúng như lời tiên báo thuở nào của Ngài bên bờ giếng Giacóp: "Nhưng giờ đã đến, và chính là lúc nầy đây, giờ những người thờ phượng đích thực sẽ thờ phượng Chúa Cha trong thần khí và sự thật, vì Chúa Cha tìm kiếm những người thờ phượng Người như thế" (Ga 4, 23).

Chính vì thế, mừng lễ khánh thành ngôi nhà thờ mới hôm nay là dịp để Lời Chúa nhắc bảo chúng ta rằng : không phải sức mạnh của tiền bạc, không phải vẽ hào nhoáng bên ngoài, không phải sự to tát của cơ sở là có thể bảo đảm và phát triển đức tin; mà chủ yếu đó là "cậy dựa vào quyền năng của Ðấng Phục Sinh" (như Phêrô: "vàng bạc thì tôi không có...", là biết mở lòng ra để đón nhận Ðức Kitô đi vào cuộc sống và sẵn sàng lắng nghe tiếng phán dạy của Ngài (như hai môn đệ trên đường Emmau: "Dọc đường, khi Người nói chuyện và giải thích Kinh Thánh cho chúng ta, lòng chúng ta đã chẳng bừng cháy lên sao?").

Kính thưa cộng đoàn phụng vụ, và đặc biệt anh chị em giáo họ Trung Ái. Nhà thờ nầy mang tên Trung Ái. Hai từ Trung và Ái có thể nhắc nhở chúng ta về hai nhân đức đối thần nền tảng: Ðức Tin và Ðức Mến. Ðức Tin luôn đòi hỏi phải kiên trung và Ðức Mến yêu cầu phải thực hành bác ái. Từ nay, với ngôi nhà thờ mới được thánh hóa nầy, ước gì anh chị em luôn thể hiện nơi đây một Ðức Tin kiên trung và một Ðức Mến được thể hiện bằng cuộc sống bác ái yêu thương cụ thể và sống động. Và vì thế, công việc xây dựng Nhà Chúa không phải đã khép lại ở đây, trong buổi lễ khánh thành nầy, mà phải được tiếp nối không ngừng như lời Thánh Tông Ðồ Phêrô dạy bảo: "Hãy để Thiên Chúa dùng anh em như những viên đá sống động mà xây nên ngôi đền thờ của Thánh Thần". (1Pr 2,5). Ðược như thế, Ngôi Nhà thờ mới đẹp đẽ nầy sẽ mãi mãi là "Nhà cầu nguyện của Thiên Chúa", sẽ cháy mãi ngọn lửa phục sinh của Ðức Kitô và sẽ vang mãi bài hoan ca chúc tụng Alleluia, Aleluia. Amen.

- - - - - - - - - - - - - - - - - - - - - - - - - - - - -

[1] Giáo phận Quy Nhơn xưa và nay, (Bản thảo) lưu hành nội bộ, trang 304-305.

[2] Sđd, trang 303.

[3] Sđd, trang 304.

[4] Sđd, trang 305.

 

LM. Giuse Trương Ðình Hiền


Back to Vietnamese Missionaries in Taiwan Home Page