Lược Sử

Giáo Phận Quy Nhơn

 

Prepared for Internet by Vietnamese Missionaries in Asia

 

A. Lược Sử Giáo Phận Quy Nhơn

Sau hơn một thế kỷ truyền giáo đầy gian nan do các cha dòng Ða Minh Bồ Ðào Nha, rồi đến các cha dòng Tên:

Ngày 18-1-1615, hai cha dòng Tên F. Buzomi, D. Carvalho và thầy A. Dias tới Ðà Nẵng. Lễ Phục Sinh năm đó, cha Buzomi đã rửa tội cho 10 người Việt. Nhờ quan trấn thủ Quy Nhơn, cha mở rộng vùng truyền giáo ở Quy Nhơn và Quảng Nam. Từ năm 1618-1620, tại Nước Mặn (Quy Nhơn) có 4 vị: các cha Buzomi, F. de Pina, C. Borri và thầy Dias; ở Hội An có cha P. Marques và hai thầy người Nhật. Từ đây, các ngài chính thức khai mở công cuộc truyền giáo không chỉ ở Quy Nhơn hay Ðà Nẵng mà cả Ðàng Trong. Từ 1615-1634, cha Buzomi đã can đảm và kiên trì rao giảng Tin Mừng. Từ vài người tín hữu lúc đầu, cha đã để lại con số ít nhất 12,000 người theo đạo, như cha Ðắc Lộ đã kể lại trong Divers Voyages et Missions (tr. 117). Từ năm 1625-1665 chỉ có các cha dòng Tên coi sóc. Năm 1665, thêm các vị thuộc Hội Thừa Sai Paris, thừa sai thuộc Thánh Bộ Truyền Giáo.

Ngày 26-7-1644, thầy Anrê Phú Yên đã làm chứng cho đức tin trước sự chứng kiến của chính cha Ðắc Lộ. Sau đó, trấn thủ Quảng Nam Dinh phái một viên quan xuống Quy Nhơn lệnh cho mọi người theo Ðạo Hoa Lang phải khai báo thành thật tên tuổi; chỉ trong một ngày đã có 700 người khai là theo Ðạo Ðức Chúa Trời, sự việc làm quan trấn vô cùng sửng sốt (x. Rhodes, Divers voyages, 1653, phần II, tr. 205-211).

Ngày 9-9-1659, Tòa Thánh thành lập hai giáo phận: Ðàng Ngoài và Ðàng Trong do các vị đại diện tông tòa cai quản. Giáo phận Ðàng Trong do Ðức cha P. Lambert de la Motte (1659-1679) coi sóc, ngài đến thăm mục vụ tại Quy Nhơn năm 1671. Quy Nhơn dần dần trở thành trung tâm truyền giáo ở Ðàng Trong.

 Ngày 5-10-1841, Ðức cha E.T. Cuénot Thể mở Công Ðồng Gò Thị với mục tiêu đào tạo hàng giáo sĩ cho giáo phận Ðàng Trong và mở rộng vùng truyền giáo.

Năm 1844, Ðức cha Cuénot, giám mục thứ mười giáo phận Ðàng Trong, xin Tòa Thánh phân chia giáo phận Ðàng Trong thành hai giáo phận: giáo phận Tây Ðàng Trong gồm sáu tỉnh phía Nam, Cao Miên, và một phần nước Lào; giáo phận Ðông Ðàng Trong gồm các tỉnh miền Trung. Quy Nhơn nằm trong giáo phận Ðông Ðàng Trong do Ðức cha Cuénot Thể coi sóc.

Năm 1850, Tòa Thánh tách rời hai tỉnh Thừa Thiên, Quảng Trị và nửa tỉnh Quảng Bình lập thành giáo phận Bắc Ðàng Trong (giáo phận Huế) và phần còn lại vẫn giữ tên giáo phận Ðông Ðàng Trong. Ðông Ðàng Trong bấy giờ gồm các tỉnh từ Quảng Nam tới Bình Thuận (nay là các tỉnh: Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Ðịnh, Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận và các tỉnh Tây Nguyên), vẫn dưới quyền cai quản của Ðức cha Cuénot Thể. Thời vua Thiệu Trị, hàng giáo sĩ và giáo dân tạm yên (so với thời vua Minh mạng), nhưng vua Tự Ðức đã làm cho hàng giáo sĩ và giáo dân tan tác. Sau khi Ðức cha Thể làm chứng cho đức tin ngày 14-11-1861, giáo dân hoảng loạn, nhưng việc truyền giáo vùng Tây Nguyên vẫn được khởi sự. Sau năm 1862, khi vua Tự Ðức hạ chỉ tha đạo, thì năm 1885, một lần nữa giáo dân vùng Quy Nhơn lại phải gặp khó khăn với phong trào Văn Thân.

Ngày 3-12-1924, giáo phận Ðông đổi tên theo địa bàn hành chính nơi đặt tòa giám mục, lấy tên gọi giáo phận Quy Nhơn, do Ðức cha Damien Grangeon Mẫn coi sóc.

Năm 1932, Tòa Thánh tách rời miền Cao Nguyên, thuộc giáo phận Quy Nhơn, lập thành giáo phận Kontum.

Ngày 5-7-1957, Tòa Thánh lấy tỉnh Khánh Hòa và Ninh Thuận của giáo phận Quy Nhơn và tỉnh Bình thuận của giáo phận Saigòn lập thành giáo phận Nha Trang.

Ngày 24-11-1960, Ðức Gioan XXIII lập Hàng Giáo Phẩm Việt Nam, sắc chỉ công bố ngày 8-12-1960, lễ Ðức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội, giáo phận tông tòa Quy Nhơn được nâng lên hàng giáo phận chính tòa, Ðức cha Phêrô Phạm Ngọc Chi làm giám mục chính tòa.

Ngày 18-1-1963, Tòa Thánh lấy hai tỉnh Quảng Nam và Quảng Tín của giáo phận Quy Nhơn lập thành giáo phận Ðà Nẵng và chỉ định Ðức cha Phêrô Phạm Ngọc Chi làm giám mục tiên khởi, còn giáo phận Quy Nhơn thì giao cho Ðức cha Ðôminicô Hoàng Văn Ðoàn, O.P. Như vậy, giáo phận Quy Nhơn hiện nay chỉ còn ba tỉnh Quảng Ngãi, Bình Ðịnh và Phú Yên.

Ðức cha Ðôminicô Hoàng Văn Ðoàn qua đời ngày 20-5-1974. Kế vị ngài là Ðức cha Phaolô Huỳnh Ðông Các, cai quản giáo phận từ 1974-1999 và Ðức cha Giuse Phan Văn Hoa làm giám mục phó (1976-1987). Ngày 19-6-1999, Ðức cha Phaolô Huỳnh Ðông Các được Tòa Thánh cho nghỉ hưu, Ðức cha Phêrô Nguyễn Soạn lên thay, lễ tấn phong và nhận chức vào ngày 12-8-1999. Ðức cha Phaolô Huỳnh Ðông Các qua đời ngày 3-6-2000.

B. Ðịa Lý và Dân Số

Ranh giới: Giáo phận Quy Nhơn nằm trên các Bắc vĩ tuyến từ 13-15 và trên kinh tuyến 109, vùng duyên hải Nam Trung Bộ. Bắc giáp tỉnh Quảng Nam của giáo phận Ðà Nẵng, Nam giáp Vạn Giã của giáo phận Nha Trang, Ðông giáp biển Ðông, Tây giáp các tỉnh Kontum, Gia Lai của giáo phận Kontum và tỉnh Ðăklăk của giáo phận Ban Mê Thuột.

Diện tích: 17,100km2. Dân số 3,500,000 người (tính đến 31-12-2002). Số giáo dân Công giáo 62,520 người. Dân chúng sống bằng nghề nông, lâm ngư và thương nghiệp.

Sắc tộc: 90% là người Kinh, còn lại một số người Việt gốc Hoa, người Chăm, người Bahna, Cùa (Co), Hrê (Mọi Ðá Vách).

Núi sông: Quảng Ngãi có nhiều núi như Cà Ðam (cao 1,600m), núi Ðá Vách (1,500m), núi U Bò (1,200m). Bình Ðịnh có núi Teup (963m), Yon (967m). Quảng Ngãi có sông Trà Khúc (dài 120km), sông Vệ (80km), sông Trà Bồng... Bình Ðịnh có sông Côn, sông La Tinh, sông Lại và sông Hà Thanh. Phú Yên có sông Ðà Rằng và sông Kỳ Lộ.

C. Một số điểm đặc sắc của giáo phận

1. Nhà thờ chính tòa:

Linh địa Gò Thị, cái nôi của giáo phận Quy Nhơn. Ðức cha Cuénot Thể đã chọn Gò Thị làm giáo phủ vì nằm ven đầm Thị Nại, dễ ẩn trốn khi bị bách hại, số giáo dân đông và ruộng đất phì nhiêu. Ngài đã nhờ ông trùm cả Anrê Nguyễn Kim Thông (thánh tử đạo) đứng tên mua đất. Ngài đã xây dựng nhà trường đào tạo các chủng sinh, nhà phước cho các nữ tu và cô nhi viện. Công đồng Gò Thị đã được Ðức cha tổ chức ở đây với sự tham dự của Ðức cha phó D. Lefèbre Ngãi, cha chính J.C. Miche Mịch và 13 linh mục Việt Nam để đào tạo hàng giáo sĩ Việt cho Ðàng Trong, mở rộng vùng truyền giáo cao nguyên và chuẩn bị chia giáo phận.

2. Ðền thờ Thánh E.T. Cuénot Thể:

Ðền thờ Thánh E.T. Cuénot Thể, tại Vĩnh Thạnh, Gò Bồi, cách Gò Thị 3km về hướng bắc bên bờ sông Côn thơ mộng. Ðền được xây trên nền nhà bà Maria Mađalêna Huỳnh Thị Lựu, nơi Thánh Giám Mục Stêphanô dâng thánh lễ cuối cùng trước khi bị bắt, và mất tại Bình Ðịnh. Bà Huỳnh Thị Lựu cũng bị bắt vào dịp này, và đã tử đạo tại Gò Chàm, Bình Ðịnh.

3. Trại Phong Quy Hòa:

Trại Phong Quy Hòa nằm cách thành phố Quy Nhơn khoảng 5km về hướng Tây Nam, do cha Paul Mabeu Mỹ, một linh mục thừa sai MEP người Pháp và bác sĩ Le Moine, trưởng ngành y tế Quy Nhơn, sáng lập năm 1929. Từ khởi đầu cho đến nay, các nữ tu dòng Phan Sinh Thừa Sai Ðức Mẹ vẫn tận tâm phục vụ hàng ngàn bệnh nhân phong tại đây, trong số đó có cả thi sĩ tài hoa Hàn Mặc Tử. Mộ của nhà thơ vẫn là điểm dừng chân của nhiều du khách trước khi thăm viếng trại phong Quy Hòa.

4. Danh lam thắng cảnh:

- Viện bảo tàng Tây Sơn: Ðây là quê hương của Tam Kiệt Tây Sơn: Nguyễn Nhạc, Nguyễn Huệ, Nguyễn Lữ. Vùng núi không cao (800m) nhưng hiểm trở, nằm ở huyện Bình Khê, nay là huyện Sơn Tây, tỉnh Bình Ðịnh. Sau khi xưng vương ở đất Tây Sơn (1773), đại đế Quang Trung Nguyễn Huệ đã ba lần kéo quân ra Bắc. Chiến công hiển hách nhất của ông là tiêu diệt 50,000 quân Thanh của tướng Tôn Sĩ Nghị tại gò Ðống Ða ngày mồng 5 tháng Giêng năm Kỷ Dậu (1789).

- Vương quốc Chiêm Thành: dọc theo bờ biển trong giáo phận, có rất nhiều di tích của vương quốc Chiêm Thành như: kinh đô Vijaya (Ðồ Bàn hay Chà Bàn), thành Phúc Lộc, tháp Hưng Thạnh, tháp Tre Xanh...

5. Dự kiến trong tương lai:

Giáo phận Quy Nhơn là một giáo phận bị tàn phá vì chiến tranh nặng nề nhất, thêm vào đó, vì an ninh và sinh kế, một số đông giáo dân đã rời bỏ giáo phận và di tản tới nhiều nơi khác, do đó, giáo phận thất thoát to lớn về mặt chất xám cũng như tài chính. Vì vậy, ưu tư số một của giáo phận là nâng cao dân trí, xây dựng hạ tầng cơ sở, làm sao cho giáo dân thấm nhuần giáo lý để sống đức tin và vững mạnh. Ðể củng cố đức tin và lòng mến cho giáo dân, giáo phận dưới sự chỉ đạo của Ðức giám mục, đã đào tạo hơn 2,600 giáo lý viên và vẫn còn tiếp tục đào tạo nữa, để những người này tiếp tay với số linh mục ít ỏi trong việc tông đồ và truyền giáo.

Giáo phận cũng tìm cách gây quỹ để trợ giúp các em học sinh nghèo, nhất là thúc đẩy con em trong các giáo xứ chăm học, nếu không đạt được trình độ đại học thì ít ra cũng hết trung học (cấp III). Ðây cũng là cơ sở để tuyển lựa ơn gọi linh mục, tu sĩ cho giáo phận, cho Giáo Hội. Ngoài ra, giáo phận cũng tìm cách mở những lớp huấn nghệ cho các em thanh niên nam nữ không phân biệt lương giáo. Giáo phận cũng đã bắt đầu gửi các linh mục trẻ ra nước ngoài để trau dồi thêm kiến thức và trao đổi những kinh nghiệm mục vụ.

Các vết thương chiến tranh nay vẫn chưa lành, nhất là ở những giáo xứ thuộc miền Bắc Bình Ðịnh và Quảng Ngãi, xưa là những giáo xứ trù phú, nay có thể nói là rất hoang tàn. Do đó cố gắng to lớn của giáo phận hiện nay là phục chế, trùng tu, tôn tạo và xây dựng cũng như kiến thiết các nhà thờ. Kinh nghiệm độc đáo ở Việt Nam cho thấy họ đạo nào còn nhà thờ thì giáo dân ở đó sốt sắng và lên tinh thần. Họ đạo nào nhà thờ đổ nát hay không còn nhà thờ nữa, giáo dân ở đó mang nhiều mặc cảm, lo âu, sợ sệt và đức tin yếu kém, không thoải mái trong việc làm ăn phát triển. Nhà thờ đối với người Công Giáo Việt Nam hiện nay không những là nơi quy tụ mọi thành phần Dân Chúa, để thi hành mọi nghĩa vụ đạo đức, mà còn là nơi người giáo dân đặt niềm tin và hy vọng của mình.

 

(dựa theo Niêm Giám 2005 của Giáo Hội Công Giáo Việt Nam)

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page