Lược Sử
Giáo Phận Phát Diệm
Prepared for Internet by Vietnamese Missionaries in Asia
A. Lược Sử Giáo Phận Phát Diệm
Trong những ngày cha P. Marques và Alexandre de Rhodes (Ðắc Lộ) chờ chúa Trịnh chinh phạt chúa Nguyễn ở Ðàng Trong trở về Thăng Long, hai cha đã giới thiệu Tin Mừng Ðức Kitô cho người dân ở Thần Phù (Hảo Nho) vào cuối tháng 5 đến giữa tháng 6-1627, đặt khởi điểm cho việc rao giảng và sống Tin Mừng tại vùng Phát Diệm. Từ năm 1631, các cha dòng Tên thay nhau coi sóc, năm 1670 có thêm các cha thuộc Hội Thừa Sai Paris.
Từ năm 1659, Tòa Thánh thành lập giáo phận Ðàng Ngoài, năm 1679 lập thêm giáo phận Ðông và Tây, vùng đất giáo phận Phát Diệm ngày nay thuộc giáo phận Tây Ðàng Ngoài do Ðức cha Jacques de Bourges coi sóc. Khi đó Phát Diệm có đông giáo hữu tại các cư sở, giáo xứ do các cha dòng Tên và Hội Thừa Sai Paris phục vụ. Công đồng Bắc Hà họp lần đầu tiên tại Phố Hiến 14-2-1670, được Ðức Clemens X phê chuẩn ngày 14-12-1673, điều thứ ba ghi lại: "Thầy cả Philiphê Nhiêu sẽ làm phúc xứ Thanh Hóa Thượng" (một phần đất thuộc Phát Diệm ngày nay).
Theo báo cáo của Ðức cha Bourges, năm 1707-1712, các cha dòng Tên phuc vụ tại vùng Phát Diệm là 34 nhà thờ và nhà nguyện với 4,540 giáo hữu.
Ngày 27-3-1846, Ðức Gregorius XVI ký sắc lệnh phân chia giáo phận Tây Ðàng Ngoài thành 2 giáo phận, một vẫn giữ tên cũ giáo phận Tây và giáo phận mới tên Nam. Vùng đất Phát Diệm (có 4 xứ với số giáo hữu: Phúc Nhạc 10,600, Yên Vân 1,598, Bạch Bát 3,482, và Ðồng Chưa 4,000), thuộc giáo phận Tây do Ðức cha P.A. Retord Liêu coi sóc.
Năm 1875-1899, cụ Sáu Trần Lục và giáo dân xây dựng 10 công trình đồ sộ tại khu vực nhà thờ chính tòa ngày nay. Ðây là công trình kiến trúc Á Ðông độc đáo nhất của Giáo Hội Việt Nam còn tồn tại.
Năm 1895, Tòa Thánh chia giáo phận Tây thành 2 giáo phận, một vẫn giữ tên cũ giáo phận Tây, giáo phận mới lấy tên gọi giáo phận Ðoài (sau này là Hưng Hóa). Phần đất giáo phận Phát Diệm thuộc giáo phận Tây do Ðức cha P.M. Gendreau Ðông coi sóc.
Ngày 2-4-1901, Ðức Lêô XIII, ban chiếu thư chia giáo phận Tây thành hai: giáo phận Tây sau này là Hà Nội, giáo phận mới lấy tên gọi giáo phận Thanh gồm tỉnh Ninh Bình, Thanh Hóa và Châu Lào, do Ðức cha Alexandre J.P. Marcou Thành coi sóc. Khi mới thành lập, giáo phận gồm: 48 linh mục Việt, 21 thừa sai Pháp, 112 thầy giảng, 18 đại chủng sinh, 145 tiểu chủng sinh và 85,000 giáo dân.
Ngày 3-12-1924, các giáo phận được đổi tên theo địa bàn hành chính, nơi đặt tòa giám mục, nên giáo phận Thanh đổi thành giáo phận tông tòa Phát Diệm.
Năm 1932, xét thỉnh nguyện của Ðức cha Marcou Thành, Tòa Thánh lấy một phần đất thuộc giáo phận Phát Diệm để thành lập giáo phận mới lấy tên giáo phận Thanh Hóa.
Ngày 11-6-1933, Ðức Piô XI đặt Ðức cha G.B. Nguyễn Bá Tòng là giám mục người Việt Nam đầu tiên coi sóc giáo phận tông tòa Phát Diệm, khởi điểm cho Hàng Giáo Phẩm Việt Nam.
Ngày 24-11-1960, Sắc chỉ Venerabilium Nostrorum thành lập Hàng Giáo Phẩm Việt Nam, và nâng các giáo phận hiệu tòa ở Việt Nam lên hàng chính tòa. Giáo phận Phát Diệm thuộc giáo tỉnh Hà Nội, Ðức cha Phaolô Bùi Chu Tạo được bổ nhiệm làm giám mục chính tòa đầu tiên tại Phát Diệm. Ngài nghỉ hưu năm 1998 và mất năm 2001.
B. Ðịa Lý và Dân Số
Ranh giới: Giáo phận Phát Diệm chủ yếu nằm trong tỉnh Ninh Bình (64 giáo xứ) và một giáo xứ thuộc huyện Lạc Thủy và 2 họ lẻ thuộc huyện Yên Thủy, tỉnh Hòa Bình. Bắc giáp giáo phận Hà Nội, Ðông giáp giáo phận Bùi Chu, Tây giáp giáo phận Thanh Hóa, Nam giáp Biển Ðông. Diện tích giáo phận: 1,787 km2. Tổng số dân địa phương là 915,900 người. Số dân Công giáo là 146,335 người. Dân chúng đa số làm nghề nông. Những sắc tộc sống trong vùng: chỉ có dân tộc Mường.
C. Một số đặc sắc của Giáo Phận
1. Quần Thể Nhà Thờ Chính Tòa Phát Diệm:
Do linh mục Phêrô Trần Lục (1825-1899) xây dựng từ năm 1875. Quần thể này gồm 10 công trình nhà thờ lớn, các nhà thờ nhỏ, hang đá táng xác... theo lối kiến trúc Á Ðông cổ bằng đá rất đồ sộ và mỹ thuật.
- Trung tâm các thánh tử đạo trong giáo phận: Nhà thờ giáo xứ Phúc Nhạc (huyện Yên Khánh, tỉnh Ninh Bình)
2. Di tích lịch sử:
- Cố Ðô Hoa Lư: dưới triều Ðinh và Tiền Lê (968-1010). Các đây 1,000 năm, Hoa Lư là kinh đô sáng chói của đất nước, mang tên Ðại Cồ Việt. Nay chỉ là địa danh của một huyện, cách thị xã Ninh Bình 14km.
- Ðền Vua Ðinh: tức Ðền Thượng ở làng Trường Yên.
- Ðền Vua Lê: cách Ðền Vua Ðinh 500m, nằm trong làng Trường Yên, gọi là Ðền Hạ.
3. Danh lam thắng cảnh:
Bích Ðộng trong dãy đá vôi Trường Yên; hang Tam Cốc gần Bích Ðộng; động Ðịch Lộng, Thiên Tôn, Liên Hoa...
(dựa theo Niêm Giám 2005 của Giáo Hội Công Giáo Việt Nam)