Lược Sử

Giáo Phận Ðà Nẵng

 

Prepared for Internet by Vietnamese Missionaries in Asia

 

A. Lược Sử Giáo Phận Ðà Nẵng

Nhìn vào trang sử hình thành và phát triển của các giáo phận ở Việt Nam, giáo phận Ðà Nẵng được thiết lập năm 1963, là một trong các giáo phận đàn em, nhưng Ðà Nẵng là nơi đóng góp những trang sử đầu, chính thức khai mở công cuộc truyền giáo tại Việt Nam, đặc biệt tại Ðàng Trong. Sự kiện ngày 18-1-1615, ba thừa sai dòng Tên, dẫn đầu là cha F. Buzomi đặt chân lên đất Cửa Hàn, Hội An, và tháng 7-1615 lên Quảng Nam bắt đầu công cuộc truyền giáo.

Ngày 18-1-1615, tàu Bồ Ðào Nha từ Macao cập bến Ðà Nẵng, chở hai linh mục dòng Tên là cha Francesco Buzomi (Ý), cha Diego Carvalho (Bồ Ðào Nha) và thầy António Dias (Bồ Ðào Nha), hay thầy Giuse và Phaolô (Nhật) đến Cửa Hàn (tên cũ của Ðà Nẵng), rồi vào Hội An (Hải Phố) truyền giáo. Lễ Phục Sinh năm 1615, các cha rửa tội cho 10 người tại nhà nguyện cở Cửa Hàn. Phái đoàn lập cư sở đầu tiên tại Hội An. Sau đó, các ngài lập thêm các cư sở Thanh Chiêm, Nước Mặn (Quy Nhơn).

Năm 1640, linh mục Alexandre de Rhodes (Ðắc Lộ) trở lại để thay cha Buzomi điều khiển công việc truyền giáo tại đây. Cha Ðắc Lộ lập hội Thầy Giảng để chăm sóc các họ đạo và như để thay thế các ngài trong nhiều trường hợp. Nổi bật là thầy Anrê Phú Yên đã chết để làm chứng cho Chúa tại Phước Kiều (nay là họ đạo Phước Kiều, thuộc giáo xứ Vĩnh Ðiện) ngày 26-7-1644. Chân Phước Anrê Phú Yên là vị chứng nhân chứng tiên khởi của Giáo Hội Việt Nam. Năm 1654, cha Ðắc Lộ bị trục xuất và rời khỏi Ðàng Trong.

Năm 1659, Tòa Thánh thành lập hai giáo phận ở Việt Nam, Ðà Nẵng thuộc giáo phận Ðàng trong do Ðức cha P. Lambert de la Motte làm đại diện tông tòa đầu tiên, khi đó Ðà Nẵng đã có nhiều cư sở, giáo xứ do các cha dòng Tên coi sóc. Tháng 12-1671, Ðức cha Lambert de la Motte tới thăm mục vụ tại vùng đất Ðà Nẵng, tháng 1-1672 ngài tổ chức công nghị tại Hội An.

Năm 1844, Tòa Thánh chia giáo phận Ðàng Trong thành hai giáo phận Ðông và Tây, Ðà Nẵng thuộc giáo phận Ðông Ðàng Trong, trở thành một trong những trung tâm truyền giáo mạnh nhất của giáo đoàn Ðàng Trong (từ sông Gianh trở vào), nơi dừng chân hoặc nơi ẩn náu cho các nhà truyền giáo. Từ năm 1684, Hội An là nơi an nghỉ của Ðức cha Guilaume Mahot (1-6-1684), Ðức cha F. Perez qua đời vào tháng 7-1729 ở Mỹ Xuyên (Kẻ Thá), Ðức cha Valère Rist làm phó giám mục, mất ở Hội An năm 1737.

Năm 1850, Tòa Thánh chia giáo phận Ðông Ðàng Trong thành giáo phận Ðông và Bắc, vùng đất Ðà Nẵng thuộc giáo phận Ðông. Thời kỳ này, hàng giáo sĩ, tu sĩ và giáo dân phải chịu đau khổ do các vua Minh Mạng, Thiệu Trị và Tự Ðức cấm đạo. Năm 1885, khi phong trào Văn Thân bách hại ở Quảng Nam có 5,428 giáo hữu bị chết, riêng tại giáo xứ An Sơn và Vân Ðõa, 400 giáo hữu bị thiêu sống trong nhà thờ hoặc chôn sống hay quăng xuống giếng. Từ Phú Thượng, giáo hữu tiếp viện và giải thoát cho Trà Kiệu và Trung Tín. Ở Trà Kiệu, để ghi ơn muôn đời, giáo hữu dựng trên đỉnh hòn Bửu Châu (hòn Trọc) một đền thờ dâng kính "Nữ Vương Phù Hộ Các Giáo Hữu". Năm 1960, Ðà Nẵng có 82,000 giáo dân (trong đó 1/3 là giáo dân từ miền Bắc di cư vào (1954) và 1/3 là tân tòng).

Ngày 18-1-1963, Ðức Thánh Cha Gioan XXIII ban Sắc Chỉ In Vitae Naturalis Similitudinem, thành lập giáo phận Ðà Nẵng, tách từ giáo phận Quy Nhơn, gồm tỉnh Quảng Tín (cũ), tỉnh Quảng Nam và thành phố Ðà Nẵng. Ðức cha Phêrô Phạm Ngọc Chi làm giám mục tiên khởi. Ngài đã cho xây dựng các cơ sở của giáo phận như tòa giám mục, nhà hưu dưỡng linh mục, Tiểu Chủng Viện Thánh Gioan, tu viện các thầy dòng Gioan Thiên Chúa, bệnh viện An Bình ở An Thượng, Ðại Chủng Viện Hòa Bình và trường huấn nghiệp ở Hòa Khánh. Tất cả các cơ sở trên đã được nhà nước quản lý. Khi thành lập, giáo phận có 90,000 giáo dân, 58 linh mục, 200 nữ tu và 30 chủng sinh học tại Chủng Viện Quy Nhơn và các chủng viện khác.

Năm 1975, Ðà Nẵng có trên 100,000 giáo dân, 105 linh mục (trong đó có 6 linh mục ngoại quốc), 73 đại chủng sinh theo học tại các đại chủng viện Huế, Hòa Bình (Hòa Khánh), Ðà Lạt, và 238 tiểu chủng sinh, 308 nữ tu.

Từ năm 1975, một nửa số giáo dân đã bỏ đi lập nghiệp ở các tỉnh phía Nam, đông nhất là Xuân Lộc, Bình Tuy và Buôn Ma Thuột. Các vị thừa sai về nước, một số linh mục nhập các giáo phận phía Nam. Ðức cha Phêrô Phạm Ngọc Chi hưu tại Trà Kiệu và mất ngày 21-1-1988.

Ðức cha phó Phanxicô Xaviê Nguyễn Quang Sách lên cai quản giáo phận từ năm 1988-2000. Ngài đã cho tu sửa nhiều thánh đường trong giáo phận, tích cực trợ giúp những nạn nhân bảo lụt và các bệnh nhân nghèo. Ngày 7-11-2000, ngài nghỉ hưu và Ðức cha Phaolô Tịnh Nguyễn Bình Tĩnh lên thay.

B. Ðịa Lý và Dân Số

Ranh giới giáo phận: Giáo phận Ðà Nẵng gồm thành phố Ðà Nẵng và tỉnh Quảng Nam. Bắc giáp Thừa Thiên Huế, Ðông giáp biển Ðông, Tây là dãy Trường Sơn tạo nên biên giới Lào - Việt Nam giáp Kontum và Quảng Ngãi.

Diện tích: 11,691 km2 với dân số 2,132,234 người.

Ða số dân làm nông nghiệp, trừ thành phố Ðà Nẵng có một số làm thợ thủ công, còn dân cư sống dọc theo bờ biển làm nghề đánh cá.

Sông Thu Bồn và sông Vu Gia là hai con sông lớn nằm trên địa bàn tỉnh Quảng Nam. Bà Nà - Núi Chùa, cao 1,480m, là điểm tham quan du lịch và là nơi nghỉ mát lý tưởng. Hòn Kẽm, Ðá Dừng, Ngũ Hành Sơn (Non Nước): là những điểm tham quan du lịch. Phố cổ Hội An, nơi đặt những bước chân đầu tiên của các vị truyền giáo đầu thế kỷ XVII, là cái nôi của Giáo Hội Công Giáo Việt Nam.

Sắc tộc: các dân tộc thiểu số khoảng 70,000 người thuộc nhóm Hệ Môn - Khơ Me như Cơ Tu, Co, Xơ Ðăng, Gié Triêng (Thống kê 1999).

C. Một số điểm đặc sắc của giáo phận

1. Ðền Thánh Mẫu Trà Kiệu:

Ðền Thánh Mẫu Trà Kiệu, Trung tâm Thánh Mẫu của giáo phận. Từ thế kỷ IV đến thế kỷ thứ VIII, Trà Kiệu xưa (Simhapcera) là kinh đô đầu tiên của nước Chiêm Thành. Sau khi bắt được Trà Toàn và đại thắng quân Chiêm, vua Lê Thánh Tông lập tỉnh Quảng Nam (1470) và năm 1587, Trà Kiệu được mở mang thành một vùng đông dân cư.

Từ năm 1596-1602, Trà Kiệu được cha Raphael (dòng Augustinô - Bồ Ðào Nha) đến rao giảng Tin Mừng. Năm 1628, một nhóm người di dân Công Giáo đã xây dựng ở đây ngôi nhà thờ đầu tiên. Năm 1722, giáo xứ Trà Kiệu có tới 300 giáo dân. Năm 1872, cha Louis Marie Garibert Lợi xây một nhà thờ lớn.

Năm 1885, sau khi vua Hàm Nghi bỏ kinh thành, phong trào Văn Thân nổi dậy tại nhiều tỉnh miền Trung với khẩu hiệu "Bình Tây, Sát Tả". Ngày 1-9-1885, quân Văn Thân khoảng hơn 8,000 người bao vây giáo xứ Trà Kiệu với vũ khí đầy đủ, có cả đại bác thần công và voi chiến. Về phía giáo dân, chỉ có hơn 300 nam, tuổi từ 16 tới 60, và khoảng mấy trăm phụ nữ với vũ khí thô sơ. Giáo dân khiếp sợ chạy đến nhà thờ cầu xin Ðức Mẹ và đã chống trả quyết liệt trong suốt hơn 10 ngày. Ngày 11-9-1885, Ðức Mẹ hiện ra đứng trên nóc nhà thờ đề bảo vệ và che chở đàn con. Cuộc chiến kéo dài đến 21-9-1885 thì quân Văn Thân đã bỏ chạy, giáo dân được giải thoát.

Ðể tỏ lòng biết ơn, giáo dân Trà Kiệu đã trùng tu lại ngôi thánh đường, nơi Ðức Mẹ đã hiện ra, từ 1889-1892 và được Ðức cha F.X. Van Camelbecke Hân khánh thành. Ngôi thánh đường hai tầng hiện nay được xây lại vào năm 1970 và ngày 31-5-1971, Ðức cha Phêrô Phạm Ngọc Chi đã đặt Trà Kiệu là Trung Tâm Thánh Mẫu của giáo phận Ðà Nẵng.

2. Thầy giảng Anrê Phú Yên:

Phú Yên là nơi sinh trưởng của vị chân phước anh hùng Anrê Phú Yên. Năm 1641, chính cha Ðắc Lộ đã ban phép Rửa cho một thiếu niên không rõ tên tục, chỉ biết tên thánh là Anrê và bà mẹ với tên thánh là Gioana tại họ Lò Giấy, họ lẻ của giáo xứ Mằng Lăng, Phú Yên. Bà Mẹ sau đó đã giao cậu cho cha Ðắc Lộ dạy dỗ. Từ đó, cậu theo chân cha trên khắp con đường truyền giáo từ Phú Yên lên Quy Nhơn, Quảng Ngãi, Quảng Nam, Quảng Bình. Năm 1643, tại Hải Phố (Hội An), Anrê được khấn làm thầy giảng và hoạt động truyền giáo cho tới ngày bị quan trấn thủ Nghè Bộ bắt và xử tử ngày 26-7-1644 với sự hiện diện của chính cha Ðắc Lộ. Ngày 5-3-2000, Ðức Thánh Cha Gioan Phaolô II đã tuyên phong thầy lên bậc chân phước. Thầy trở thành gương mẫu của các giáo lý viên Việt Nam đang tiếp tục hy sinh rao giảng Tin Mừng trên mọi cánh đồng truyền giáo.

3. Danh lam thắng cảnh:

Quảng Nam - Ðà Nẵng từ lâu đã nổi tiếng với đền đài của vương quốc Chiêm Thành (Champa). Người Chiêm Thành sinh sống trên dải đất chật hẹp dọc theo bờ biển miền Trung từ đèo Ngang đến Thuận Hải. Người Chiêm Thành đã lập kinh đô Simhapura (kinh thành Sư Tử) ở Trà Kiệu từ thế kỷ IV đến thế kỷ VIII. Sau đó dời kinh đô trở lại Quảng Nam với tên mới là Inorapura (kinh thành của thần sấm sét) và tồn tại tới thế kỷ IX. Hiện nay kinh đô này chỉ còn là những chân móng tường thành sụp đổ trong miền đất bỏ hoang.

- Thánh địa Mỹ Sơn: cách kinh đô cổ Trà Kiệu chừng 30km về phía Tây là Thánh địa Mỹ Sơn, một quần thể kiến trúc tôn giáo mà người Champa đã xây dựng dướ triều vua Bradvarman vào cuối thế kỷ IV. Thánh địa này nay thuộc làng Mỹ Sơn, xã Duy Tân, huyện Duy Xuyên, khu di tích cổ này rộng nhiều mẫu trong một thung lũng hẹp, bốn bề có núi bao quanh, trong đó có tháp to và nhiều tháp nhỏ để thờ thần Siva (theo Ấn Ðộ giáo). Các vua Champa đều tới nơi này để dâng lệ vật tế thần. Trong cuộc chiến tranh 1960-1975, khu thánh địa vị tàn phá nặng nề.

- Phật viện Ðồng Dương: là quần thể chùa chiền của người Champa trong tinh thần Indrapura do vua Indravarman II xây năm 875 với chiều dài 1,330m gồm nhiều Phật đường, bảo tháp, tăng viện. Quần thể này đã bị hủy hoại toàn bộ do bom đạn, thời gian và cả lòng tham không đáy của con người khi đào tìm những cổ vật quý giá. Phật viện nằm ở xã Bình Ðịnh, huyện Thăng Bình, cách Ðà Nẵng 70km về phía Nam.

- Phố cổ Hội An: Hội An nằm cách Ðà Nẵng 30km về phía Nam, ở gần Cửa Ðại ngày nay, trên bờ bắc sông Thu Bồn. Vào thời các vua Chiêm Thành, Hội An được gọi là "Ðại Chiêm Hải Khẩu", các thuyền buôn Trung Quốc, Nhật Bản, Nam Dương ra vào tấp nập. Ðến thế kỷ XV, các người Hà Lan, Bồ Ðào Nha, Anh, Pháp, tới buôn bán nơi đây và đầu thế kỷ XVI, các nhà truyền giáo dòng Tên đã đặt chân lên miền đất này. Giáo sĩ Ðắc Lộ gọi Hội An là Hải Phố, tức là thành phố nằm sát biển (viết tắt là Faifo). Ngày nay, vào Hội An ta còn thấy khu phố cổ với các đường phố nhỏ hẹp, những mái nhà lợp ngói âm dương, các cột gỗ khung nhà đưộc chạm trổ tinh vi và cả Chùa Cầu nổi tiếng do người Nhật xây dựng.

4. Hoạt động đặc biệt của giáo phận:

Giáo phận Ðà Nẵng là một trong những giáo phận có tổ chức giáo lý đầu tiên và quy củ.

Giáo phận Ðà Nẵng đã là trung tâm sinh hoạt phong trào Hùng Tâm Dũng Chí toàn quốc.

Giáo phận Ðà Nẵng đỡ đầu cho trại phong Hòa Vân. Trại này có gần 300 bệnh nhân, nằm dưới chân đèo Hải Vân.

Ðược sự tài trợ của tổ chức từ thiện Misereor, giáo phận đứng xây dựng hồ chứa nước Cây Sơn, Ðập Thổ, Ðập Ðá với trữ lượng trên 2 triệu m3 sử dụng cho nông nghiệp, tại xã Duy Trung, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam.

 

(dựa theo Niêm Giám 2005 của Giáo Hội Công Giáo Việt Nam)

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page