Diễn Văn của ÐTC
cho Các Giám Mục VN

Prepared for internet by Msgr Peter Nguyen Van Tai
Radio Veritas Asia, Philippines

Diễn Văn của ÐTC cho Các Giám Mục VN, sáng thứ bảy 14/12/96.

ÐTC đã tiếp các Giám mục VN ba lần khác nhau: trước hết là tiếp riêng từng vị, trong hai buổi sáng thứ hai và sáng thứ ba (9 và 10 tháng 12 năm 1996). Và lần thứ ba, là vào sáng thứ bảy 14/12/96. Trứớc hết là thánh lễ đồng tế với tất cả các Gíam Mục VN đã đến Roma, lúc 7.30 sáng, tại nhà nguyện riêng của ÐTC. Liền sau thánh lễ sáng, là cuộc gặp gỡ chung. Trong cuộc gặp gỡ chung nầy, sau khi nghe lời chào mừng của ÐHY Tổng Gíam Mục Hà Nội, ÐTC đã trao cho mỗi giám mục bài diển văn dài, nói đến ý nghĩa của việc Các Giám Mục về Roma viếng mộ hai thánh Tông Ðồ và gặp ÐTC. Ý nghĩa đó là sự hiệp thông của toàn thể Gíao Hội và sự hiệp nhất của giám mục đoàn với nhau và với ÐTC. ÐTC nói lên ao uớc của ngài đưọc gặp tất cả Giám Mục VN, nhưng không thể được. ÐTC gởi lời chào thăm các giám mục vắng mặt, cộng đoàn tín hữu, và toàn thể Dân Tộc VN. ÐTC lưu ý rằng: Cuộc viếng thăm của một Hội Ðồng Giám Mục đầy đủ là dấu chứng tỏ sự tự do tôn giáo được tôn trọng tại một quốc gia. Ðây kính mời quý vị đọc qua bài diển văn:

Thưa Ðức Hồng Y,
Chư huynh thân mến trong hàng giám mục,

1. Với niềm vui to lớn, tôi đón tiếp chư huynh đến viếng thăm Toà Thánh ( Ad Limina); chư huynh là những người có trách nhiệm chăm sóc mục vụ Dân Chúa tại Việt Nam. Chư huynh đến bên mộ hai thánh tông đồ Phêrô và Phaolô, để cũng cố ý thức về trách nhiệm của mình làm những người kế vị các Tông Ðồ và để cảm nghiệm mạnh mẽ hơn sự hiệp thông của chư huynh với vị giám mục Roma. Thật vậy, những lần viếng thăm Toà Thánh ( Ad Limina) có tầm quan trọng đặc biệt trong đời sống của Giáo Hội, bởi vì chúng kết thành như là chóp đỉnh của những liên lạc giữa các chủ chăn của từng giáo hội địa phuơng với vị Chủ Chăn tại Roma"( Pastor Bonus, số 29). Chúng cho thấy một cách hiển nhiên tính cách phổ quát của Giáo Hội và sự hiệp nhất của giám mục đoàn. Tôi hết lòng cám ơn Ðức Hồng Y Phaolô Giuse Phạm Ðình Tụng, tổng giám mục Hà Nội, chủ tịch Hội Ðồng Giám Mục Việt Nam, về những lời lẽ thật cảm động dành cho tôi, nhân danh chư huynh, vừa nói lên sự trung thành của các cộng đoàn giáo hội của chư huynh với người kế vị thánh Phêrô. Với tâm tình đặc biệt, tôi chào thăm các giám mục của đất nuớc chư huynh đã không thể cùng đi với chư huynh đến Roma. Tôi đã hết sức ao uớc được gặp tất cả các giám mục, để nói lên với tất cả tâm tình gắn bó của tôi đối với cá nhân các vị và đối với những cộng đoàn giáo phận, cũng như để bảo đảm cho các vị biết lòng tôi quan tâm theo dỏi công việc của các vị trong từng giáo phận. Cuộc viếng thăm Toà Thánh ( Ad LiMina) của một Hội Ðồng Giám Mục đầy đủ, không những thể hiện một cách hữu hình những mối giây liên hệ thiêng liêng kết hiệp các giáo hội địa phương với Giáo Hội Phổ Quát, nhưng còn là dấu chỉ cho biết rằng sự tự do tôn giáo được tôn trọng tại đất nuớc đó. Tôi xin bày tỏ với các giám mục tình liên đới và sự hiệp thông sâu xa của tôi với các ngài, trong tác vụ tông đồ nhằm phục vụ cho dân Chúa đã được trao phó cho các ngài. Qua chư huynh, tôi cũng nghĩ đến các tín hữu Việt nam đang can đảm làm chứng cho Chúa Kitô, bên trong đất nước, hay bên ngoài, và nghĩ đến toàn thể dân tộc Việt Nam mà tôi cảm mến.

Tiếp sau đây, nơi số 2, ÐTC nhắc đến lịch sử của Giáo Hội Công Gíao tại VN từ thế kỷ 16 đến nay. Gíao Hội VN đã trải qua những bách hại. ÐTC đưa ra một nhận định quan trọng là: Qua các thế kỷ, các hiểu lầm đôi khi đã xảy ra giữa Gíao Hội Công Gíao và cộng đồng dân sự. Nhưng giờ đây phải xác nhận lại rằng người công giáo là những thành phần chân thành của quốc gia. Người công giáo đóng góp vào tiến bộ xã hội của đất nước, gắn bó với công ích, không thua gì những công dân khác. Ðây chúng ta hãy nghe ÐTC nói như sau:

2. Từ khi Phúc âm được mang đến (Việt Nam) vào thế kỷ thứ 16, Giáo Hội tại đất nước chư huynh đã trải qua nhiều thử thách. Nhiều lần, Giáo Hội đã chịu bách hại vì đức tin vào Chúa Kitô Ðấng Cứu Thế. Ðược ghi dấu bởi sự thánh thiện và tử đạo của biết bao con cái mình, Giáo Hội đã trở nên một Giáo Hội được tôn vinh vì lòng sốt sắng phụng sự Thiên Chúa và phục vụ anh chị em mình. Và tôi muốn nhắc lại nơi đây hình ảnh anh hùng của 117 vị tử đạo mà tôi đã được hân hạnh phong thánh vào năm 1988. Chứng tá nầy,mà những người con nam nữ của đất nước chư huynh đã làm cho Chúa Kitô, vì tình yêu đối với Thiên Chúa và đối với anh chị em mình,( chứng tá đó) đã tạo thành mối giây liên kết đặc biệt giữa cộng đoàn kitô và toàn thể những người Việt Nam. Khi chia sẽ hoàn toàn những niềm vui và hy vọng, những ưu buồn và lo âu của dân chúng ( x. GS số 1), Giáo Hội đã chứng minh cho thấy rằng Giáo Hội còn ăn rễ sâu vào đó. Nếu, qua các thế kỷ, những hiểu lầm đôi khi đã xảy ra giữa Giáo Hội và cộng đồng dân sự, thì giờ đây phải xác nhận lại rằng những người công giáo là những thành phần chân thành của quốc gia: ngày hôm nay cũng như trong quá khứ, những người công giáo đóng góp vào tiến bộ xã hội của đất nước, và cho thấy họ gắn bó với công ích, không thua gì những công dân khác. Mặc dù là một đoàn chiên nhỏ, Giáo Hội muốn được hoàn toàn hiện diện với những thực tại của đất nước, với ơn gọi riêng của mình. Giáo Hội đồng hành với tất cả mọi thành phần của đất nước, vì giáo hội cùng chia sẽ một lịch sử, chia sẽ nhửng tiến bộ và những thử thách chung. Giáo Hội không hoạt động trong tinh thần cạnh tranh, hay vì mưu tìm lợi ích cho riêng mình, nhưng giáo hội mong muốn được sống hiệp thông và hoà hợp với tất cả.

Sứ mạng của Giáo Hội là thông truyền sứ điệp sự sống và tình yêu thương, bằng những hành động cụ thể phục vụ cho phẩm giá con người, cho một cuộc sống tốt đẹp hơn, trong tinh thần cảm thông lo lắng đối với những người nghèo nhất và thiếu thốn nhất. Với lòng khiêm tốn và trong sự cộng tác với những thành phần khác của đất nước, những người công giáo tham dự vào việc canh tân và biến đổi những thực tại con người. Sống ơn gọi của mình, ơn gọi hiệp nhất và phục vụ mọi người, Giáo Hội nhìn nhận và chia sẽ sự phong phú to lớn của văn hoá Việt Nam, chia sẽ những giá trị nhân bản và thiêng liêng của dân tộc; và giáo hội mong ước đào sâu những mối tương quan huynh đệ, đối thọai và cộng tác với tất cả.

Ðó là những nguyên tắc chung huớng dẩn sinh hoạt của Giáo Hội công giáo tại Việt Nam. Ðến đây, ÐTC nhắn nhủ riêng với từng thành phần trong giáo hội. Trước hết là các giám mục. Các ngài thi hành trách vụ rao giảng Lời Chúa, cai quản giáo hội, thánh hoá dân Chúa trong và mặc cho những hoàn cảnh khó khăn. ÐTC đã nói như sau:

3. Chư huynh thân mến trong hàng giám mục, tôi cảm tạ Thiên Chúa vì lòng sốt sắng và quảng đại mà chư huynh biểu lộ, mặc cho những khó khăn to lớn, trong những trách vụ giảng dạy, cai quản và thánh hoá, những trách vụ đã được trao phó cho chư huynh nhân danh Chúa Kitô. Tôi khuyến khích chư huynh nhất là hãy hăng say theo đuổi sứ mạng rao giảng Phúc Âm, là sứ mạng đầu tiên của các trách vụ của giám mục."Thật vậy, các giám mục là những anh hùng của đức tin dẩn đưa những môn đệ mới, đến với Chúa Kitô; là những vị tiến sĩ đích thực, nghĩa là có quyền hành của Chúa Kitô, các ngài rao giảng cho dân biết được đức tin, một đức tin điều huớng tư tưởng và nếp sống của họ, vừa làm cho đức tin nầy được chiếu toả, dưới ánh sáng của Chúa Thánh Thần; các ngài biết rút ra từ kho tàng Mạc Khải điều củ mới (Mt 13,52), làm cho đức tin được trổ sinh hoa trái, và chú ý đẩy xa tất cả những sai lầm đe dọa đoàn chiên (x.2Tm 4,1-4)" ( Lumen Gentium, số 25). Lời rao giảng có đối tượng đầu tiên là Chúa Kitô, trong Người được thực hiện sự giải phóng hoàn toàn và đích thực khỏi sự dữ, tội lỗi và sự chết, và trong Người chính Thiên Chúa thông truyền cho chúng ta sự sống của Ngài. Chính đó là Tin Mừng mà mọi người có quyền biết và các giám mục là những nhà truyền giáo đầu tiên.

Sứ mạng tiên tri của Giáo Hội còn được thực hiện, khi Giáo Hội theo ánh sáng phúc âm mà can đảm trình bày về những vấn đề lớn được đặt ra cho thời đại mình, và khi Giáo Hội can thiệp, nhất là, để phục vụ cho người nghèo, bệnh họan, bị lọai ra bên lề xã hội hay những người trẻ. Ðó là ơn gọi làm việc để cỗ võ cho nền văn minh của tình thương, tình huynh đệ, sự liên đới, sự hiệp nhất, sự công bằng và hoà bình. Trách vụ tông đồ mà chư huynh đã lảnh nhận, làm cho chư huynh trở thành những "chứng nhân của Chúa Kitô trước mặt tất cả mọi người, vừa chăm sóc không những cho tất cả những ai đã sống theo Chúa Kitô , hoàng tử của các chủ chăn, nhưng còn hết lòng tận hiến chính mình cho những ai chưa biết Phúc Âm và lòng nhân từ ban ơn cứu rỗi của Chúa Kitô" (Christus Dominus, số 11). Sứ mạng của Giáo Hội là phổ quát, Giáo Hội ngỏ lời với tất cả mọi người.

Ðặc biệt trong hoàn cảnh cuối thế kỷ 20, buớc vào ngàn năm thứ ba, ÐTC đã đề nghị với các Giám Mục VN những đường lối mục vụ chính gồm có việc sám hối và thanh tẩy khỏi những tội lỗi. Cần nhìn nhận những thiếu sót của quá khứ để canh tân đức tin. ÐTC đã nói như sau:

4. Trong thời gian chúng ta chuẩn bị bước vào ngàn năm thứ ba, viển tượng đại Năm Thánh cung cấp cho Giáo Hội một dịp may tốt để "khảo sát những dấu chỉ của thời đại, và giải thích chúng theo ánh sáng của Phúc Âm ( GS,4). Chúng ta được mời gọi hướng nhìn về tương lai, vừa biết rằng tuơng lai thuộc về Chúa Kitô, Ðấng đã mạc khải mình cho chúng ta. Ðể đón nhận mùa xuân mới của đời sống kitô, Giáo Hội tại Việt Nam được mời gọi thực hiện cuộc canh tân mục vụ, truyền giáo và thiêng liêng, để bước vào trong ngàn năm thứ ba, với lòng can đảm của những đồ đệ của Chúa Kitô. Ðời sống tông đồ phải không ngừng được canh tân, để đáp lại những nhu cầu của thời đại cũng như của các dân tộc. Chắc rằng, Giáo Hội không thể bước qua ngưỡng cửa của ngàn năm mới, mà không mời gọi những con cái mình hãy thanh tẩy, trong sự ăn năn sám hối, (thanh tẩy) khỏi những lầm lạc, những bất trung, những nếp sống không phù hợp, những chậm chạp luời biếng. Nhìn nhận những thiếu sót của quá khứ, là một hành động chân thành và can đảm, giúp chúng ta cũng cố đức tin, nhìn thấy rõ những cám dỗ và những khó khăn của ngày hôm nay và chuẩn bị chúng ta đương đầu với chúng. "(Tông thư Ngàn năm thứ ba, số 33). Mỗi tín hữu đều được mời gọi hoán cải tâm hồn và đón nhận Chúa Kitô trong chính cuộc sống mình. "Ngày nay khẩn thiết hơn bao giờ hết, tất cả mọi người kitô cần đi lại con đường canh tân theo tinh thần tin mừng, quảng đại đón nhận lời mời gọi của thánh Tông Ðồ Phêrô, để trở nên thánh thiện trong mọi sự "( 1Pet 1,15).

Nhưng Giáo Hội cũng được mời gọi hãy cảm tạ Thiên Chúa vì công việc kỳ diệu đã được chu toàn dưới tác động của Chúa Thánh Thần, mặc dù những phuơng thế được xử dụng thật nghèo nàn. Giáo Hội muốn cung cấp cho tất cả sứ điệp sự sống và tình yêu thương, đã được Chúa Giêsu Kitô, Chúa mình, để lại cho. "Vàng bạc, tôi không có, nhưng điều tôi có, tôi cho anh: nhân danh Chúa Giêsu Kitô Nazareth, anh hãy đứng dậy và buớc đi ( TÐCV 3,6). Thánh Phêrô tông đồ đã nói như vậy nơi cửa Ðền Thờ Giêrusalem.

Giáo Hội gặp trong Công Ðồng Vat II nguồn mạch phong phú cho công cuộc canh tân trọn cả sinh họat mình. Việc chuẩn bị tốt nhất cho năm 2000 chỉ có thể được thể hiện bằng một sự dấn thân mới mẽ để áp dụng, một cách trung thành nhất có thể, (áp dụng) giáo huấn của Công Ðồng vào đời sống của từng cá nhân và của toàn thể Giáo Hội. Tôi xin khuyến khích chư huynh hãy múc lấy nơi giáo huấn Công Ðồng nguồn gợi hứng cho công việc mục vụ của chư huynh.

Giờ đây, sang phần ÐTC ngỏ lời đặc biệt với từng thành phần giáo dân, linh mục, tu sĩ nam nữ. ÐTC quan tâm nhiều đến việc huấn luyện giáo dân, và khuyến khích việc tông đồ giáo dân, mặc dù những giới hạn cho các hoạt động nầy vẩn còn đó. ÐTC nói như sau:

5. Thưa Ðức Hồng Y, ÐHY vừa nhắc đến đức tin sống động của giáo dân trong các giáo phận. Tôi sung sướng được đón chào nơi đây lòng can đảm và sốt sắng của các tín hữu đã trải qua biết bao thử thách mà không sa ngã trong sự gắn bó của họ vào Chúa Kitô. Tôi cầu chúc sao cho mỗi tín hữu luôn có ý thức sống động mình là thành phần của Giáo Hội, thành phần đã được trao cho một trách vụ riêng biệt, không thể thay thế và cũng không thể được khoáng lại cho kẻ khác, một trách vụ cần phải chu toàn để phục vụ lợi ích của tất cả. Trong viển tượng nầy, người ta hiểu được rõ hơn ý nghĩa của lời quả quyết của Công Ðồng Vat II về sự cần thiết tuyệt đối mỗi người phải làm tông đồ" ( Christifideles laici, số 28). Tôi hiểu được những khó khăn, phát xuất từ những giới hạn áp đặt cho những ai đã lảnh nhận từ Chúa Kitô trách vụ tổ chức việc tông đồ giáo dân và cho những ai muốn làm việc tông đồ. Tuy nhiên, họ không nên ngả lòng: ngược lại, cần phải cổ võ trách nhiệm của giáo dân, mà theo như Công Ðồng nhắc lại, trách nhiệm đó được thực hiện trong giáo hội cũng như trong thế giới ( AA, số 9). Giáo dân có bổn phận tham dự tích cực vào đời sống của Giáo Hội và vào sứ mạng của Giáo Hội, sứ mạng rao giảng Phúc âm giữa các anh chị em mình. Giáo dân được mời gọi khám phá và sống một cách sâu xa ơn gọi và sứ mạng của họ, cá nhân cũng như cộng đoàn. Ở đâu mà sự hiệp thông huynh đệ giữa các đồ đệ của Chúa Kitô bị yếu kém đi, thì ở đó đặc tính khả tin của chứng tá cũng như của sứ mạng cũng bị yếu theo.

Tôi mời gọi những người giáo dân hãy luôn luôn chia sẽ mỗi ngày một cách quảng đại hơn những hồng ân mà họ đã lảnh nhận, bằng việc dấn thân vào công tác linh động giáo xứ, dấn thân vào việc giảng dạy giáo lý và giáo dục người trẻ, tham dự vào những phong trào thiêng liêng hay vào những công tác từ thiện bác ái. Ðể thực hiện những điều vừa nói, thì việc huấn luyện nhân bản, thiêng liêng và giáo lý cho giáo dân, phải chiếm chổ dành riêng trong mục vụ. Như vậy, người ta có thể xây dựng những cộng đoàn giáo hội mỗi ngày một huynh đệ hơn và hiệp nhất hơn, một cộng đoàn được thiết lập trên sự kết hiệp sâu xa với Chúa Kitô, Ðấng cứu rỗi duy nhất của nhân lọai. Những cộng đoàn giáo hội như thế có thể phục vụ một cách hữu hiệu cho sự hiệp nhất giữa tất cả mọi người.

Với các linh mục, ÐTC đã nói như sau:

6. Giờ đây, tôi muốn chào thăm các linh mục, những cộng tác viên liền ngay của chư huynh, trong việc phục vụ cho dân Chúa. Tôi biết rõ các linh mục dấn thân vào trong tác vụ của họ với lòng hăng say và sẳn sàng như thế nào, và phải chịu biết bao mệt nhọc. Xin Thiên Chúa cũng cố họ trong ơn gọi làm những kẻ xây dựng những cộng đoàn kitô, trong sự hiệp thông hoàn toàn với các Giám Mục, và xin Thiên Chúa ban cho các linh mục niềm hy vọng trong những lúc khó khăn.Tôi đặc biệt khuyến khích các linh mục hãy giữ Chúa Giêsu Kitô ở trung tâm cuộc đời họ, hãy sống như Chúa trong mọi sự, và hãy nêu cao chứng tá của một đời sống đã được canh tân trong Chúa."Việc tiếp xúc với những đại diện của những truyền thống thiêng liêng không Kitô, đặc biệt những truyền thống thiêng liêng tại Á Châu, đã cho tôi xác tín rằng tương lai của công việc truyền giáo phần lớn tuỳ thuộc vào việc chiêm niệm. Nhà truyền giáo, nếu không phải là con người sống chiêm niệm, thì không thể rao giảng một cách đáng tin về Chúa Kitô; nhà truyền giáo là một chứng nhân cho kinh nghiệm về Thiên Chúa, và phải có thể nói như các Tông Ðồ: "Ðiều chúng tôi đã chiêm ngắm.. về Ngôi Lời, chúng tôi loan báo cho anh em." ( 1 jn 1,1-3) ( Redemtoris Missio, n. 91)

Tôi cũng nghĩ đến và cầu nguyện cho những ai đang chuẩn bị tiến lên chức linh mục, và đang sốt sắng chờ đợi ngày lảnh nhận Chức Thánh, làm cho họ đưọc tham dự vào tác vụ của Chúa Kitô Linh Mục, để xây dựng giáo hội. Tôi hy vọng là sẽ mau được tạo ra những điều kiện cho phép chư huynh mở những chủng viện cần thiết và tiếp nhận tất cả những bạn trẻ quảng đại ao uớc hiến dâng đời sống để phục vụ giáo hội và anh chị em.

Còn về những Tu Viện của Ðời Tận Hiến, tôi biết rõ sinh họat mà các thành viên đang thực hiện một cách tế nhị nhưng hữu hiệu trong những lảnh vực trợ giúp khác khau, như nhà thương, trại cùi, viện mồ côi, truờng mẩu giáo, nhà dành cho nguời tàn tật: các tu sĩ chia sẽ cuộc sống của dân tộc và làm chứng một cách đáng phục cho Chúa Kitô và Phúc Âm. Bởi thế cho nên, điều có giá trị xây dựng tích cực và được dân chúng đánh giá cao, là các tập viện có thể được mở cửa để huấn luyện những con người khiêm tốn phục vụ cho công ích. Tôi mời gọi toàn thể những thành viên của các Dòng Tu và Hội Tu, hãy đào sâu ơn gọi của họ trong ba chiều kích : sự tận hiến, sự hiệp thông và sứ mạng; và tôi cầu chúc họ gặp được sự nhiệt thành mới, đề đương đầu, trên bình diện thiêng liêng và tông đồ, (đương đầu) với những thách thức đang xuất hiện trong xã hội ( x. Vita Consacrata,13).

ÐTC đã không quên nhắc đến khoá họp Thượng Hội Ðồng Gíam Mục Á Châu, mà các Gíam Mục VN có thể tham dự và đóng góp tích cực vào đó. ÐTC đã nói như sau:

7. Dịp đại Năm Thánh, tôi đã mong ước triệu tập Khoá Họp đặc biệt Thượng Hội Ðồng Giám Mục Á Châu, để soi sáng và đào sâu giáo lý về Chúa Kitô, Ðấng Trung Gian duy nhất giữa Thiên Chúa và con người, và là đấng cứu chuộc duy nhất của thế giới. (Tertio Mill, 38). Thượng Hội Ðồng nầy muốn thẩm định những hoàn cảnh trong đó đang sinh sống những dân tộc và những nền văn hoá của đại lục Á Châu, và chuẩn bị Giáo Hội chu toàn tốt hơn sứ mạng yêu thương và phục vụ. Việc chuẩn bị và cử hành khoá họp nầy là dịp để cùng buớc đi với giáo hội phổ quát tiến về ngàn năm thứ ba, theo gương Chúa Kitô, trong Chúa Thánh Thần. Như thế, điều hay là Giáo Hội tại Việt Nam, có thể góp vào cho toàn thể giáo hội phần kinh nghiệm dài và phong phú của việc làm chứng cho Phúc Âm, đôi khi được sống cho đến mức anh hùng nơi các chủ chăn và các tín hữu. Những đường hướng mục vụ phát sinh từ khoá họp Thượng Hội Ðồng Gíam Mục Á Châu, sẽ là những điểm nương tựa, để cũng cố đức tin và làm cho các cộng đoàn có được sức mạnh mới làm việc tông đồ.

8. Chư huynh thân mến trong hàng giám mục, kết thúc cuộc gặp gỡ huynh đệ nầy, tôi muốn khuyến khích chư huynh có mặt nơi đây và tất cả các chư huynh khác, hãy tiếp tục tác vụ tông đồ trong niềm hy vọng mà việc Giáng Sinh của Chúa làm phát sinh trong chúng ta; trong vài ngày nữa, chúng ta sẽ cử hành lễ Chúa Giáng Sinh. Thiên Chúa đã muốn mạc khải chính mình như Ðấng Emmanuel, Ðấng ở cùng chúng ta, hôm qua, hôm nay và mãi mãi tương lai. Xin Ngài là sức mạnh và ánh sáng chiếu soi chư huynh. Xin ngài giúp chư huynh duy trì sự hiệp nhất trong các giáo hội địa phương được trao cho chư huynh chăm sóc. Xin ngài cũng cố sự hiệp nhất của các Giám Mục với Vị Giáo Hoàng, và sự hiệp nhất giữa các giám mục với nhau, cũng như cũng cố sự hiệp nhất của các linh mục với giáo hoàng và với những chủ chăn, trong sự hiệp thông của giáo hội phổ quát.

Tôi xin trao phó chư huynh cho sự bảo vệ đầy tình mẩu tử của Mẹ Chúa Kitô, Ðức Bà LaVang, mà chư huynh sắp mừng vào ngày 15 tháng 8 năm tới,lễ kỷ niệm 200 năm Mẹ hiện ra. Xin Mẹ hướng dẩn chư huynh và các tín hữu, trên con đường đến với Chúa Giêsu con Mẹ. Cho mỗi người chư huynh, cho các giám mục không thể đến đây chung với chư huynh, cho các linh mục, các tu sĩ nam nữ và cho tất cả giáo dân Việt nam, trong nuớc cũng như đang sinh sống ở ngoài, tôi hết lòng ưu ái ban cho Phép Lành Toà Thánh.


Back to Radio Veritas Home Page