Bài Giảng của ÐTC
Chúa Nhật 24/08/97

Prepared for internet by Msgr Peter Nguyen Van Tai
Radio Veritas Asia, Philippines

ÐTC Gioan Phaolô II đã kết thúc Ngày Quốc Tế Giới Trẻ thứ 12, với hơn một triệu người tham dự thánh lễ bế mạc do chính ngài chủ sự tại Trường Ðua Ngựa Longchamp, vào lúc 10 giờ sáng hôm qua, chúa Nhật 24/8/97. Sự kiện nầy đã được giới truyền thông xã hội phổ biến khắp nơi. ÐTC Gioan Phaolô II tuy già yếu, nhưng vẫn còn đầy đủ sức thu hút giới trẻ khắp nơi. ÐTC đã bắt đầu thánh lễ với giọng mạnh mẽ cho ta biết tình trạng sức khỏe của ngài như thế nào:

Trong bài giảng, ÐTC giải thích về chủ đề của ngày quốc tế Giới trẻ năm nay: Con người đi tìm Thiên Chúa. Ðây là khuynh hướngtự nhiên nơi tâm hồn con người: Lạy Thầy, Thầy ở đâu? Và Thiên Chúa luôn luôn mau mắn đáp trả, mời gọi con người đến gặp Ngài: Hãy đến mà xem. Giáo Hội đã được Chúa trao cho sứ mạng nêu chỉ cho con người biết đến gặp Thiên Chúa nơi đâu. ÐTC nói như sau:

Thưa Thầy, Thầy ở đâu? Giáo Hội trả lời cho chúng ta mỗi ngày rằng: Chúa Kitô hiện diện trong bí tích thánh thể, bí tích của sự chết và sống lại. Trong bí tích và nhờ bí tích nầy, chúng con nhận ra nơi ở của Thên Chúa sống động trong lịch sử con người. Bí tích Thánh Thể là bí tích của tình yêu thương chiến thắng trên cái chết; đó là bí tích của giao ước, hồng ân nhưng không của tình yêu thương để giao hòa lại con người; bí tích thánh thể là là hồng ân của sự hiện diện thật của chúa Giêsu, Ðấng Cứu Chuộc, trong hình bánh đã trở thành Mình Ngài, và trong hình rượu đã trở nên Máu Ngài, máu được đổ ra vì nhiều người. Nhờ qua bí tích Thánh Thể, không ngừng được tái diễn trong tất cả mọi dân tộc trên thế giới, Chúa Kitô xây dựng Giáo Hội của Nguời: Ngài liên kết chúng ta trong hành động chúc tụng và tạ ơn Thiên Chúa Cha vì phần rỗi đã ban cho, Ngài kết hợp chúng ta trong sự hiệp thông mà chỉ có tình yêu thương vô cùng mới có thể ghi dấu sự hiệp thông đó được. Việc chúng ta từ khắp thế giới đến tụ họp nhau nơi đây, có ý nghĩa trọn đầy của nó, bởi việc cử hành Thánh Lễ. Hỡi các bạn trẻ, bạn của Cha, ước chi sự hiện diện của chúng con nơi đây là một sự gắn bó thật thực sự với Chúa trong đức tin. Vì đây Chúa Kitô trả lời cho câu hỏi của chúng con, vừa đồng thời trả lời cho những câu hỏi khác của tất cả mọi người đang đi tìm Thiên Chúa Hằng Sống. Ngài trả lời với lời mời gọi: Ðây là Mình Ta, hãy cầm lấy mà ăn. Ngài trao phó cho Thiên Chúa Cha ước nguyện tối cao của Ngài muốn cho tất cả những ai Ngài yêu mến được hiệp nhất với nhau trong cùng một sự hiệp thông.

Kết thúc bài giảng, ÐTC nhắc cho các bạn trẻ như sau:

Các bạn trẻ thân mến, con đường chúng con đi, không dừng lại nơi đây. Thời gian không dừng lại hôm nay. Hãy ra đi trên khắp nẻo đường thế giới, trên mọi nẻo đường của nhân loại, vừa sống hiệp nhất với nhau trong giáo hội của Chúa Kitô. Chúng con hãy tiếp tục chiêm ngắm vinh quang của Thiên Chúa, chiêm ngắm tình yêu thương của Thiên Chúa; chúng con sẽ được soi sáng để xây dựng nền văn minh tình thương, để giúp cho con người được nhìn thấy thế giới đã được biến đổi bởi sự khôn ngoan và tình yêu thương đời đời. Một khi đã được tha thứ và được hòa giải, chúng con hãy sống trung thành với những lời hứa của bí tích rửa tội. Chúng con hãy làm chứng cho Phúc âm. Là thành phần của Giáo Hội, sống động và có trách nhiệm, chúng con hãy là người đồ đệ và là chứng nhân của Chúa Kitô, Ðấng mạc khải Thiên Chúa Cha. Chúng con hãy sống trong sự hiệp nhất của Chúa Thánh Thần, Ðấng ban sự sống. Ðó là những lời khuyên hết sức thiết thực cho các bạn trẻ tham dự ngày Quốc Tế Giới Trẻ. Cảm động và nông nhiệt nhất là vào lúc cuối cùng, trước khi ban phép lành kết lễ. Một bạn trẻ đã tiến lên đọc sứ điệp của nhóm trẻ tham dự Diễn Ðàn, gởi cho giới trẻ toàn thế giới, cam kết dấn thân sống tình yêu thương và liên đới, để xây dựng một nền văn minh của tình thương. Và ÐTC nói vài lời từ giả. Vừa đồng thời ngài công bố vài tin tức quan trọng gây vui mừng cho mọi người:

Trước hết về việc phong tước Tiến Sĩ Giáo Hội cho thánh nữ Terêsa Giêsu Hài Ðồng; ÐTC cũng cho biết là việc cử hành quốc tế của ngày Quốc Tế Giới Trẻ lần tới là vào năm 2000, tại Roma, vào mùa hè. Và cuối cùng, khi chào chúc các nhóm có mặt bằng nhiều thứ tiếng khác nhau, ÐTC cũng đã chào chúc một câu bằng tiếng Việt Nam.

Kết thúc thánh lễ ÐTC ban phép lành cho tất cả:

Buổi chiều, ÐTC đã gặp riêng thủ tướng Jospin của Pháp trước khi chính thức từ giả tại Phi Trường thủ đô Paris. ÐTC cám ơn chính phủ Pháp, cám ơn Giáo Hội Pháp, và tất cả những ai đã khó nhọc vất vả để tổ chức những ngày viếng thăm vừa qua thật chu đáo. Và những lời nhắn nhủ cuối cùng của ÐTC, trước khi lên máy bay về lại Roma là:

"Tôi muốn bảo đảm với tất cả anh chị em Công Giáo Pháp biết lòng quý mến và sự hiệp thông thiêng liêng sâu xa; tôi mời gọi anh chị em Công Giáo Pháp hãy là những chứng nhân cho đức tin và tình yêu thương của họ đối với Thiên Chúa giữa anh chị em của họ, với những cố gắng làm việc cho một xã hội đang khao khát hòa bình, cho tình chung sống xã hội và cho sự cộng tác của tất cả, vì ích lợi chung. Gắn bó với việc đối thọai, những người Công Giáo Pháp xác tín rằng, giữa một quốc gia có truyền thống sống tình huynh đệ và tự do, việc bày tỏ những xác tín tôn giáo khác nhau, phải cho phép ta phát triển những sự phong phú văn hóa, và ý thức luân lý là thiêng liêng của trọn cả một dân tộc; nó cũng phải góp phần vào việc làm cho sinh hoạt công cộng trở nên tốt đẹp hơn, nhất là qua việc chú tâm săn sóc cho những người yếu kém nhất trong xã hội."

Ðó là những lời trình bày cho nguời Công Giáo Pháp một chương trình sống đức tin, một cách cụ thể.

Nguyên văn Bài Giảng của ÐTC trong thánh lễ Bế Mạc Ngày Quốc Tế Giới Trẻ, sáng chúa nhật 24/8/97, tại thủ đô Paris

1. "Thưa Thầy, Thầy ở đâu?" Ðây là câu hỏi mà hai thanh niên đã hỏi Chúa Giêsu ngày xưa. Sự việc đã xảy ra bên bờ sông Giordan. Chúa Giêsu mới vừa đến để lãnh nhận phép rửa của Gioan; sau đó, khi Gioan tẩy giả thấy Chúa Giêsu trở lại, thì nói với các đồ đệ: "Ðây là Chiên Thiên Chúa" (Gn 1,36). Những lời tiên tri nầy nêu chỉ Ðấng Cứu Thế, Ðấng sắp phải trao ban chính sự sống mình để cứu rỗi thế gian. Như thế, nơi phép Rửa ở sông Giordan, Gioan nêu chỉ Ðấng chịu đóng đinh. Khi nghe những lời chỉ dẫn đó, hai môn đệ của Gioan Tẩy Giả liền theo Chúa Giêsu: phải chăng đây là một biến cố đầy ý nghĩa? Khi Chúa Giêsu hỏi: các bạn tìm gì? (Gn 1,38), thì hai môn đệ trả lời cũng bằng một câu hỏi: Thưa Thầy, thầy ở đâu? Và Chúa Giêsu trả lời: Hãy đến mà xem. Hai môn đệ liền theo Chúa. Họ thấy nơi Ngài ở, và họ ở lại với Ngài ngày hôm đó (Gn 1,39). Họ trở thành những đồ đệ đầu tiên của Chúa Giêsu. Một trong hai nguời là Anrê, dẫn anh mình là Simon Phêrô đến với Chúa Giêsu.

Các bạn thân mến, Cha sung sướng được suy niệm đoạn phúc âm trên cùng chung với chúng con, trong sự hiệp thông với các Hồng Y và Giám Mục đang hiện diện quanh cha đây. Cha vui mừng chào chúc các ngài, đặc biệt là Ðức Hồng Y Eduardo Pironio, người đã làm việc thật nhiều cho các Ngày Quốc Tế Giới Trẻ. Lòng biết ơn của cha cũng đến với Ðức Hồng Y Jean Marie Lustiger, vì sự tiếp đón dành cho Cha, đến với Ðức Cha Michel Dubost, các giám mục Pháp, và các giám mục đến từ nhiều quốc gia trên thế giới để cùng đồng hành với chúng con và làm phong phú hóa những suy tư của chúng con. Tôi cũng chân thành chào tất cả các linh mục đồng tế, các tu sĩ nam nữ, tất cả những vị trách nhiệm các phong trào giới trẻ, và tất cả những vị lãnh trách nhiệm các nhóm trẻ mỗi giáo phận. Tôi cũng cám ơn những anh chị em Kitô thuộc các cộng đoàn Kitô khác đã đến đây, và cám ơn những nhân vật dân sự đã muốn tham dự cuộc cử hành phụng vụ nầy.

Và một lần nữa, khi chào tất cả các bạn trẻ chúng con, cha muốn đặc biệt ngỏ lời khuyến khích thân tình với các bạn trẻ bị tàn tật đang hiện diện giữa chúng con. Chúng ta biết ơn các bạn trẻ nầy đã đến dự với chúng ta và mang đến cho chúng ta chứng tá đức tin và đức cậy. Cha cũng mang trong lời cầu nguyện của cha tất cả những bệnh nhân được săn sóc tại nhà thương hay tại tư gia của họ.

Nhân danh tất cả, cha cũng muốn nói lên lòng biết ơn của chúng ta đối với nhiều thiện nguyện viên đã bảo đảm cho phần tổ chức cuộc gặp gỡ giới trẻ chúng con, với hết lòng tận tâm và khả năng chuyên môn của họ.

2. Ðoạn phúc âm ngắn trích từ Phúc âm theo thánh Gioan mà chúng ta đã nghe qua, nói lên điểm chính yếu của chương trình Ngày Quốc Tế Giới Trẻ: một cuộc trao đổi những câu hỏi, rồi một câu trả lời có tính cách như là một lời mời gọi. Khi trình bày lại cuộc gặp gỡ nầy với Chúa Giêsu, phụng vụ ngày hôm nay muốn chứng tỏ điều gì quan trọng nhất trong đời sống chúng con. Và Cha, người kế vị thánh Phêrô, cha đến đây yêu cầu chúng con hãy đặt câu hỏi nầy với Chúa Kitô: Thầy ở đâu? Nếu chúng con đặt câu hỏi nầy một cách thành thật cho Chúa, thì chúng con sẽ nghe được câu trả lời của Ngài và sẽ nhận được từ Ngài lòng can đảm và sức mạnh để theo Ngài.

Hỏi là kết quả của cuộc kiếm tìm. Con người đi tìm Thiên Chúa. Người trẻ, tận trong thâm tâm mình, hiểu rằng cuộc kiếm tìm nầy là định luật nội tại của cuộc sống của họ. Con người đi tìm đường đi trong thế giới hữu hình. Và, qua thế giới hữu hình, con người đi tìm cái vô hình trong cuộc hành trình thiêng liêng của mình. Mỗi người trong chúng ta có thể nói lại những lời sau đây của thánh vịnh 27: "Lạy Chúa, con đi tìm nhan thánh Chúa; xin đừng ẩn mặt xa con" (TV 27/26,8-9). Mỗi người trong chúng ta có một lịch sử cá nhân riêng và có mang trong mình ước vọng muốn thấy nhan Thiên Chúa, một ước vọng mà người ta cảm thấy cùng đồng thời với việc khám phá thế giới tạo vật. Thế giới nầy đầy những điều kỳ diệu và phong phú. Nó mở ra trước nhân loại những sự phong phú vô số kể của nó, nó thu hút, lôi kéo lý trí cũng như ý chí. Nhưng cuối cùng, nó không thể nào thỏa mãn tinh thần con người được. Con người ý thức rằng, thế giới nầy, với những phong phú khác biệt của nó, có mang tính cách hời hợt và mỏng dòn; theo một nghĩa nào đó, thế giới nầy hướng đến sự chết. Ngày nay, chúng ta ý thức nhiều hơn về sự mõng dòn của trái đất nầy, thường bị phá hư, bị xuống cấp, vì lỗi của con người; con người được Ðấng Tạo Hóa trao phó cho việc chăm sóc trái đất, nhưng lại làm hư nó.

Còn về phần con người, nó đến trong thế gian, sinh ra từ lòng mẹ, lớn lên và trưởng thành; con người khám phá ra ơn gọi và phát triển nhân cách của mình trong những năm tháng họat động; rồi đến lúc con người phải rời bỏ trần gian nầy. Càng sống thêm tuổi, con người càng cảm thấy sự mõng dòn của đời sống mình và đặt câu hỏi về sự bất tử: còn có gì bên kia cái chết hay không? Bấy giờ, trong tận thâm tâm mình, phát sinh câu hỏi được đặt ra cho Ðấng đã chiến thắng sự chết: Thua Thầy, Thầy ở đâu? Thưa Thầy, Thầy yêu mến và kính trọng con người, thầy đã chia sẻ nổi khổ đau của con người, thầy soi sáng cho mầu nhiệm cuộc sống của con người, xin hãy giúp chúng con khám phá ra ý nghĩa thật của đời sống chúng con và ơn gọi của chúng con."Lạy Chúa, chúng con tìm kiếm nhan thánh Chúa, xin đừng ẩn mặt xa con" (TV 27/26,8-9).

3. Nơi bờ sông Giordanô, và cả sau đó nữa, những đồ đệ chưa biết rõ Chúa Giêsu là ai. Cần phải nhiều thời gian để họ có thể hiểu mầu nhiệm Con Thiên Chúa. Chúng ta cũng vậy, chúng ta mang trong mình ước vọng biết Ðấng mạc khải cho chúng ta dung nhan Thiên Chúa. Chúa Kitô đáp lại câu hỏi của các đồ đệ, qua trọn cả sứ mạng thiên sai của Nguời. Chúa giảng dạy; và để xác nhận cho sự thật mà ngài rao giảng, Chúa thực hiện những dấu lạ, ngài chửa lành những bệnh nhân, cho kẻ chết sống lại, ra lệnh cho bảo tố lặng yên. Nhưng tất cả con đường hành xử ngọai thường đó đạt đến sự trọn đầy của nó trên đồi Golgotha. Chính khi nhìn ngắm Thập Giá, trong cái nhìn Ðức Tin, mà người ta có thể nhìn thấy ai là Ðấng Kitô Cứu Thế, Ðấng mang lấy những đau khổ của con người chúng ta, kẻ công chính lấy mạng sống mình làm hy lễ, và ban ơn công chính cho tất cả (x. Is 53,4.10-11).

Thánh Phaolô tông đồ tóm gọn sự khôn ngoan cao cả trong bài đọc thứ hai của thánh lễ hôm nay, với những lời hết sức đánh động như sau: Ngôn ngữ của thập giá là một sự điên rồ đối với những ai đang đi đến sự hư mất, nhưng đối với ai đang tiến về ơn cứu rỗi, đối với chúng ta, thì đó là quyền năng của Thiên Chúa. Kinh Thánh thật ra đã nói như sau: Sự khôn ngoan của những hiền nhân, ta sẽ đưa nó đến sự hư mất, ta sẽ loại bỏ sự thông minh của những kẻ sáng trí. Bởi vì thế gian và trọn cả sự khôn ngoan của thế gian, đã không biết nhìn nhận Thiên Chúa qua những tác phẩm của sự khôn ngoan Thiên Chúa, nên Thiên Chúa vui lòng cứu rỗi những kẻ tin Ngài, qua bởi sự điên rồ nầy, bởi lời rao giảng Phúc âm. Chúng tôi công bố một Ðấng Thiên Sai chịu đóng đinh (1Co 1,18-23). Thánh tông đồ Phaolô nói với những người của thời đại ngài, với những con cái Israel đã lãnh nhận mạc khải của Thiên Chúa trên núi Sinai và với những nguời Hylạp đã có cao độ sự khôn ngoan con người, một nền triết học vĩ đại. Nhưng, từ nay, mục tiêu và chóp đỉnh của sự khôn ngoan là Chúa Kitô chịu đóng đinh, không phải vì lời Ngài rao giảng, nhưng vì Ngài tự trao ban chính mình để cứu rỗi nhân loại.

Với lòng sốt sắng đặc biệt, thánh Phaolô tông đồ lặp lại rằng: Chúng tôi rao giảng Chúa Kitô chịu đóng đinh. Ðấng mà trước mắt người đời, xem ra chỉ là yếu đuối và điên rồ, chúng tôi rao giảng Ngài là Quyền Năng và là Sự Khôn Ngoan, là sự Thật sung mãn. Ðúng thật rằng nơi chúng ta sự tin tưởng có những lúc cao lúc thấp. Ðúng thật rằng cái nhìn đức tin của chúng ta thường bị làm lu mờ bởi nghi nan và bởi chính sự yếu đuới của chúng ta. Là những con người tội lỗi, khiêm tốn và đáng thương, chúng ta hãy chấp nhận sứ điệp của thập giá Chúa. Ðể trả lời cho câu hỏi của chúng ta: Thưa Thầy, Thầy ở đâu?, Chúa Kitô lên tiếng mời gọi chúng ta: Hãy đến và sẽ thấy. Trong thập giá, chúng con sẽ nhìn thấy dấu chỉ sáng chói của ơn cứu rỗi thế giới, sự hiện diện đầy yêu thương của Thiên Chúa hằng sống. Bởi vì họ đã hiểu rằng Thập Giá ngự trị trên lịch sử, nên những người Kitô đã đặt thập giá Chúa trong các nhà thờ và bên các vệ đường, hay họ mang thập giá trong tâm hồn. Thập giá là dấu chỉ thật sự cho sự hiện diện của Con Thiên Chúa; qua bởi dấu chỉ nầy, Ðấng cứu độ thế giới được biểu lộ.

Thưa Thầy, Thầy ở đâu? Giáo Hội trả lời cho chúng ta mỗi ngày rằng: Chúa Kitô hiện diện trong bí tích Thánh Thể, bí tích của sự chết và sống lại. Trong bí tích và nhờ bí tích nầy, chúng con nhận ra nơi ở của Thiên Chúa sống động trong lịch sử con người. Bí tích Thánh Thể là bí tích của tình yêu thương chiến thắng trên cái chết; đó là bí tích của giao ước, hồng ân nhưng không của tình yêu thương để giao hòa lại con người; bí tích thánh thể là là hồng ân của sự hiện diện thật của chúa Giêsu, đấng cứu chuộc, trong hình bánh đã trở thành Mình Ngài, và trong hình rượu đã trở nên Máu Ngài, máu được đổ ra vì nhiều người. Nhờ qua bí tích Thánh Thể, không ngừng được tái diễn trong tất cả mọi dân tộc trên thế giới, Chúa Kitô xây dựng Giáo Hội của Nguời: Ngài liên kết chúng ta trong hành động chúc tụng và tạ ơn Thiên Chúa Cha vì phần rỗi đã ban cho, Ngài kết hợp chúng ta trong sự hiệp thông mà chỉ có tình yêu thương vô cùng mới có thể ghi dấu sự hiệp thông đó được. Việc chúng ta từ khắp thế giới đến tụ họp nhau nơi đây, có ý nghĩa trọn đầy của nó, bởi việc cử hành Thánh Lễ. Hỡi các bạn trẻ, bạn của Cha, ước chi sự hiện diện của chúng con nơi đây là một sự gắn bó thật thực sự với Chúa trong đức tin. Vì đây Chúa Kitô trả lời cho câu hỏi của chúng con, vừa đồng thời trả lời cho những câu hỏi khác của tất cả mọi người đang đi tìm Thiên Chúa hằng sống. Ngài trả lời với lời mời gọi: Ðây là Mình Ta, hãy cầm lấy mà ăn. Ngài trao phó cho Thiên Chúa Cha ước nguyện tối cao của ngài muốn cho tất cả những ai Ngài yêu mến được hiệp nhất với nhau trong cùng một sự hiệp thông.

5. Câu trả lời cho câu hỏi: Thưa Thầy, Thầy ở đâu?, gồm có nhiều chiều kích. Nó có chiều kích lịch sử, vượt qua và bí tích. Bài đọc thứ nhất trong thánh lễ hôm nay còn gợi ra cho chúng ta một chiều kích khác nữa cho câu trả lời cho câu hỏi chủ đề của Ngày Quốc Tế Giới Trẻ: Chúa Kitô sống giữa Dân Ngài. Ðây là Dân Chúa mà sách Ðệ Nhị Luật nói đến, trong tương quan với lịch sử của dân Israel: "Vì yêu thương các người, Thiên Chúa đã dùng sức mạnh quyền năng Ngài mà làm cho các nguời ra khỏi Ai Cập, và đã giải thoát các người ra khỏi nhà nô lệ. Các người sẽ biết rằng Thiên Chúa, Chúa các người là Thiên Chúa Thật, Thiên Chúa trung thành với giao ước đến muôn ngàn đời" (ÐNL 7,8-9). Israel là dân Thiên Chúa đã tuyển chọn, là Dân mà ngài đã ký giao ước với họ.

Trong giao ước mới, sự tuyển chọn của Thiên Chúa được mở rộng ra cho tất cả mọi dân nước trên mặt đất. Trong Chúa Giêsu Kitô, Thiên Chúa đã chọn toàn thể nhân loại Ngài đã mạc khải tính cách phổ quát của việc tuyển chọn qua bởi ơn cứu chuộc. Trong Chúa Kitô, không còn có nguồi Do Thái hay Hy Lạp nữa, không còn có người nô lệ hay tự do nữa, tất cả chỉ là một với nhau" (x. Gal 3,28). Tất cả đều đã được mời gọi tham dự vào sự sống của Thiên Chúa, nhờ qua cái chết và sự sống lại của Chúa Kitô. Cuộc gặp gỡ chúng ta hôm nay, trong ngày Quốc Tế Giới Trẻ nầy, không làm sáng tỏ cho sự thật nầy hay sao? Tất cả chúng con, được quy tụ nơi đây, đến từ biết bao quốc gia khắp các đại lục, chúng con là những chứng nhân cho ơn gọi phổ quát của Dân Chúa, đã được Chúa Kitô chuộc lại. Câu trả lời sau cùng cho câu hỏi: Thưa Thầy, thầy ỏ đâu?, cần phải được nghe như sau: Thầy ở trong tất cả mọi người được cứu chuộc. Ðúng vậy, Chúa Kitô hiện diện trong dân Nguời, một Dân có ăn rễ sâu xa vào trong tất cả các dân nước trên thế giới, dân sống theo Ngài, Ðấng là Chúa bị đóng đinh và đã sống lại, Ðấng cứu độ thế giới, vị Thầy có những lời ban sự sống đời đời, Ðấng là "Ðầu của Dân mới và phổ quát của tất cả những con cái của Thiên Chúa" (LG số 13). Công Ðồng Vaticano II đã nói lên điều nầy một cách đáng phục như sau: Chính Ngài đã ban cho chúng ta được thông phần vào Thánh Thần của Ngài, Thánh Thần duy nhất nối dài và trong các chi thể, và làm cho toàn thân sống động. (LG 7). Nhờ Giáo Hội làm cho chúng ta tham dự vào chính sự sống của Chúa, chúng ta tất cả giờ đây có thể lặp lại lời của Thánh Phêrô cho Chúa Giêsu như sau: Chúng con sẽ đi đến với ai bây giờ, ngoài ra Thầy? (x. Gn 6,68).

Các bạn trẻ thân mến, con đường chúng con đi, không dừng lại nơi đây. Thời gian không dừng lại hôm nay. Hãy ra đi trên khắp nẻo đường thế giới, trên mọi nẻo đường của nhân loại, vừa sống hiệp nhất với nhau trong giáo hội của Chúa Kitô. Chúng con hãy tiếp tục chiêm ngắm vinh quang của Thiên Chúa, chiêm ngắm tình yêu thương của Thiên Chúa; chúng con sẽ được soi sáng để xây dựng nền văn minh tình thương, để giúp cho con người được nhìn thấy thế giới đã được biến đổi bởi sự khôn ngoan và tình yêu thương đời đời. Một khi đã được tha thứ và được hòa giải, chúng con hãy sống trung thành với những lời hứa của bí tích rửa tội. Chúng con hãy làm chứng cho Phúc âm. Là thành phần của Giáo Hội, thành phần sống động và có trách nhiệm, chúng con hãy là những đồ đệ và là những chứng nhân của Chúa Kitô, Ðấng mạc khải Thiên Chúa Cha. Chúng con hãy sống trong sự hiệp nhất của Chúa Thánh Thần, Ðấng ban sự sống. Amen.


Back to Radio Veritas Home Page