Nhân kỷ niệm 40 năm

Công đồng Vatican II

(11/10/1962-11/10/2002)

Dấu Ấn Công Ðồng Vatican II

Tại Một Ðịa Phương

 

Prepared for Internet by Vietnamese Missionaries in Asia

 

Con số 40 hay được dùng trong Kinh Thánh. Nó nói lên những thời gian có ý nghĩa về lịch sử cứu độ. Xin trích dẫn một số trường hợp.

Tiếng nói của con số 40.

Ông Maisen ở trên núi Xinai 40 ngày đêm (Xh 24,18).

Dân Israel đi trong sa mạc suốt 40 năm (Ðnl 8,2).

Vua David cai trị Israel trong thời gian 40 năm (2 Sb 29,27).

Vua Salômôn trị vì toàn thể Israel tại Giêrusalem trọn 40 năm (2 Sb 9,30).

Bài ca bà Ðơvora và ông Barắc kết thúc bằng câu: Và lãnh thổ bình an 40 năm (Tl 5,31).

Ông Êli chết, sau khi làm thủ lãnh xét xử Israel 40 năm (1 Sm 4,28).

Tiên tri Êlia đi suốt 40 ngày đêm tới Khôrếp là núi của Thiên Chúa (1 V 19,8).

Chúa Giêsu ăn chay ròng rã 40 đêm ngày trong hoang địa (Mt 4,1-2).

Các sự kiện kể trên gợi ý cho tôi hiểu: Thời gian 40 ngày đêm hay 40 năm là một hành trình của một sứ mạng.

Theo cách hiểu đó, tôi nhìn lại Công đồng Vatican II. Công đồng này đã khai mạc phiên họp đầu tiên vào ngày 11 tháng 10 năm 1962 do Ðức Thánh Cha Gioan XXIII. Từ đó đến tháng 10 năm 2002 này thời gian đã chẵn 40 năm.

Ðối với chúng ta, 40 năm qua là một hành trình đưa Công đồng Vatican II vào cuộc sống. Các đề tài mà Công đồng muốn chúng ta đưa vào cuộc sống có thể lược tóm vào bốn nhiệm vụ:

(1) Nhiệm vụ Hội Thánh nhận thức về chính mình. (2) Nhiệm vụ đổi mới Hội Thánh. (3) Nhiệm vụ tìm kiếm sự hiệp nhất giữa những người cùng tin theo Ðức Kitô. (4) Nhiệm vụ đối thoại với mọi người.

Ðể góp phần làm tốt các nhiệm vụ trên, chúng ta nên tìm chỉ dẫn của Công đồng. Riêng tôi, do nhu cầu và với kinh nghiệm tu đức cũng như mục vụ, tôi quan tâm nhiều hơn đến mấy chỉ dẫn sau đây của Công đồng.

Tập trung vào Ðức Kitô, Ðấng cứu độ loài người.

Ðể khai mạc kỳ họp thứ hai vào ngày 29/9/1963, Ðức Thánh Cha Phaolô VI đã tuyên bố hướng đi căn bản của Công đồng là tập trung vào Ðức Kitô, Ngài nói: "Ðức Kitô là nguyên lý của chúng ta, là con đường của chúng ta, là đích điểm của chúng ta. Chính từ Người mà chúng ta đến, chính trong Người mà chúng ta lên đường, chính để đến với Người mà chúng ta rảo bước".

Trong 40 năm qua, sự tập trung vào Ðức Kitô, theo sự chỉ dẫn của Công đồng, đã góp phần đổi mới Hội Thánh. Thay vì tản mác, lòng đạo nhiều người đã thực sự qui tụ vào Ðức Kitô. Thay vì mang tên một Ðức Kitô trên lý thuyết, lòng đạo nhiều người đã thực sự mang sự sống được chia sẻ từ Ðấng cứu chuộc nhân loại. Một Ðức Kitô hiện diện như ánh sáng trong đêm tăm tối, như lương thực trong cơn đói khổ, như nước mát trong cơn khát lả, như nguồn cứu chữa trong cơn hoạn nạn, như sự sống lại trong cõi chết tuyệt vọng. Ðức Kitô đến cứu độ, chỉ với điều kiện là người ta nhận mình bệnh tật, muốn được lành mạnh, muốn đón nhận Người, muốn trú ẩn nơi Người, thực sự tin Người là tình yêu cứu độ, như chính Người đã quả quyết:

"Ta là cửa" (Ga 10,9).

"Ta là mục tử nhân lành" (Ga 10,11).

"Ta là sự sống và là sự sống lại" (Ga 11,25).

"Ta là đường, là sự thực và là sự sống" (Ga 14,6).

"Ta là cây nho thật" (Ga 15,1).

"Ta là ánh sáng thế gian" (Ga 9,5).

"Ta là bánh trường sinh" (Ga 6,34).

"Ta là bánh từ trời xuống" (Ga 6,41).

Một lòng đạo tập trung như vậy vào Ðức Kitô sẽ đích thực là Kitô hữu, là đúng Phúc Âm. Một lòng đạo tập trung vào Ðức Kitô sẽ giúp cho việc đối thoại với Hội Thánh Tin Lành, và các giáo phái cùng tin vào Ðức Kitô được dễ dàng hơn.

Tha thiết với Lời Chúa.

Cùng với việc hô hào tập trung lòng đạo vào Ðức Kitô, Công đồng kêu gọi mọi tín hữu hãy tha thiết với Lời Chúa. "Mọi lời giảng dạy trong Giáo Hội cũng như chính đạo thánh Chúa Kitô phải được Thánh Kinh nuôi dưỡng và hướng dẫn Lời Chúa có một sức mạnh và quyền năng có thể nâng đỡ và tăng cường Giáo Hội, ban sức mạnh đức tin cho con cái Giáo Hội. Lời Chúa là lương thực linh hồn, là nguồn sống thiêng liêng, tinh tuyền và trường cửu cho con cái Giáo Hội".

"Vì thế, tất cả các giáo sĩ, nhất là các linh mục của Chúa Kitô và những người có bổn phận phục vụ Lời Chúa, như các phó tế và những người dạy giáo lý, phải gắn bó với Thánh Kinh, nhờ việc chăm đọc và ân cần học hỏi, để khi họ phải truyền đạt kho tàng bao la của Lời Chúa, nhất là trong phụng vụ thánh, cho các giáo hữu được uỷ thác cho họ, không ai trong họ sẽ trở thành "kẻ huênh hoang rao giảng lời Thiên Chúa ngoài môi miệng, bởi không lắng nghe lời Thiên Chúa trong lòng" (Hiến chế về Mạc Khải).

Những thao thức trên đây của Công đồng về vai trò của Lời Chúa đã có những vang vọng tích cực trong nhiều tâm hồn tại Việt Nam ta.

Càng ngày Lời Chúa càng đi sâu vào đời sống đạo. Như cầu nguyện với Lời Chúa, chia sẻ Lời Chúa, học hỏi Lời Chúa, đọc Lời Chúa, suy gẫm Lời Chúa, tôn vinh Lời Chúa.

Lời Chúa đã thay đổi sâu xa não trạng người có đạo chúng ta. Với gương sáng Ðức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II cầu nguyện cho hoà bình chung với các tôn giáo bạn, Lời Chúa đã mở rộng lòng trí ta, để biết có cái nhìn kính trọng đối với nhiều giá trị thiêng liêng của các tôn giáo khác. Với gương sáng Ðức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II công khai xin lỗi nhiều dân tộc, nhiều tôn giáo về những lỗi lầm trong quá khứ, Lời Chúa đã dẫn lòng trí ta bước sâu xuống đức khiêm nhường, để biết nhìn nhận những sai sót của mình đối với nhiều nền văn hoá, nhiều tôn giáo và nhiều dân tộc.

Với những gương sáng đó và nhiều gương sáng khác, Lời Chúa đã giúp chúng ta phấn đấu với chính mình, để trở thành những con người hoà giải, xây dựng hoà bình, liên đới.

Sáng tạo sự hiện diện của Tin Mừng giữa thế gian.

"Tự bản chất, Giáo Hội lữ hành phải truyền giáo, vì chính Giáo Hội bắt nguồn từ sứ mạng của Chúa Con và Chúa Thánh Thần theo ý định của Thiên Chúa Cha" (Sắc lệnh về Truyền giáo).

Truyền giáo thường được hiểu là bổn phận riêng của những người được chọn và được sai đi, để chuyên về công việc đó. Nhưng nói chung, mọi tín hữu đều có bổn phận truyền giáo. Ít ra bằng sự hiện diện của mình giữa môi trường mình sinh sống.

Theo Công đồng dạy, thì để sự hiện diện của chúng ta có tính cách truyền giáo, chúng ta phải là con người cầu nguyện, có một đời sống thiêng liêng và luân lý tốt, biết đến với mọi người với tâm hồn rộng mở, với con tim bao dung, với lòng nhiệt thành, tự nguyện hy sinh và tận hiến cho các linh hồn. Ðể được như vậy, chúng ta gia tăng tình yêu Thiên Chúa và tha nhân bằng việc thi hành nhiệm vụ hằng ngày.

Hiểu những chỉ dẫn trên đây, tôi thấy bí quyết truyền giáo trong mọi thứ hiện diện chính là lửa tông đồ. Phải có nhiều lửa tông đồ trong trái tim ta. Không phải các giáo lý, các lý thuyết, các lý lẽ sẽ chuyển tải được Tin Mừng vào lòng người. Nhưng chính lửa mến Chúa yêu người sẽ thúc bách ta. Chính lửa tình yêu mới đốt lên được sự khát khao chia sẻ Tin Mừng và đón nhận Tin Mừng.

Khi lòng ta đầy lửa tông đồ, ta sẽ nhạy bén với những thời cơ. Và ngay trong những hoàn cảnh khó khăn nhất, nếu lòng ta bừng cháy lửa tông đồ, ta sẽ biết sáng tạo những cách làm chứng cho tình yêu Chúa một cách âm thầm mà hữu hiệu.

Tại Việt Nam hôm nay, không thiếu những sáng tạo truyền bá Tin Mừng. Ta có thể không biết đến những sáng tạo đó. Nhưng không biết đâu có nghĩa là không có. Nhiều việc rất nhỏ, nhiều cộng đoàn rất nhỏ, đang là những dòng sông nhỏ âm thầm chuyên chở Tin Mừng vào các tâm hồn, đặc biệt là các tâm hồn khó nghèo, đơn sơ.

Những dòng sông nhỏ này là những tình thương âm thầm của những người bé mọn. Họ thể hiện lời Ðức Thánh Cha Phaolô VI nói về Hội Thánh của Công đồng Vatican II: "Ðó là Hội Thánh yêu thương. Hội Thánh yêu thương với một trái tim mục tử, với một trái tim đại kết, với một trái tim mở ra về phía mọi người, kể cả về phía những ai bắt bớ Hội Thánh. Công đồng này, thay vì kết án chống lại ai, sẽ chỉ có những tình cảm nhân ái và bình an" (14/9/1965).

Trên đây là ba dấu ấn Công đồng Vatican II, mà tôi nhận thấy trong nếp sống đạo tại Việt Nam hôm nay. Nơi có nhiều, nơi có ít. Tất nhiên, Công đồng không phải chỉ có thế. Nhưng nơi nào, người nào có được như thế, kể cũng đã đáng được tôn vinh.

Sau 40 năm, Công đồng Vatican II vẫn còn mới. Chúng ta không dừng lại ở những cái mới đó. Chúng ta sẽ vừa tiếp tục triển khai những cái mới của Công đồng, vừa nắm bắt những vấn đề mới phát sinh từ sau Công đồng. Và đó là một nhiệm vụ cũng phải đặt ra cho hành trình đi về phía trước.

Năm nay, đúng ngày kỷ niệm 40 năm Công đồng Vatican II, đã xảy ra một sự kiện đáng kể cho Giáo Hội Việt Nam.

Ðó là ngày 11/10/2002 tại thủ đô Hà Nội, phái đoàn Toà Thánh đã có những gặp gỡ với Ban Tôn Giáo của Nhà Nước Việt Nam, để thông báo về dự kiến bổ nhiệm một số nhân sự cho Giáo Hội Việt Nam.

Sự kiện này gợi ý cho tôi nghĩ tới trách nhiệm tế nhị về liên đới và cộng tác với Toà Thánh mà tinh thần Công đồng Vatican II muốn Hội Thánh địa phương nói chung và từng giáo phận có liên hệ nói riêng phải quan tâm. Cộng tác nhất là trong việc giúp thăm dò tâm lý, tham khảo ý kiến và đề cử ứng viên thích hợp sẽ lãnh nhận trọng trách đứng đầu cộng đoàn dân Chúa, để việc xây dựng hiệp nhất và loan báo Tin Mừng được hữu hiệu. Bởi vì, theo tinh thần Công đồng Vatican II, dấu ấn của Giáo Hội địa phương cũng rất quan trọng. Ðịa phương chịu phần lớn trách nhiệm về sự tồn vong và hưng thịnh của mình.

Tới đây, tôi ái ngại nhớ tới lời Chúa trong Thánh vịnh, mà Phụng vụ giờ kinh đọc lên hàng ngày: "Suốt 40 năm, dòng giống này làm Ta chán ngán. Chúng sẽ không được vào chốn yên nghỉ của Ta" (Tv 94,10-11). Với lời trên đây, Chúa muốn đánh thức lương tâm chúng ta. Nhân dịp kỷ niệm 40 năm Công đồng Vatican II, chúng ta nên khiêm tốn xét mình và chân thành sám hối vì những trì trệ và sai lạc, nếu có, đối với Công đồng Vatican II.

 

Ðức Cha GB. Bùi Tuần

Nhân kỷ niệm 40 năm Công đồng Vatican II

(11/10/1962-11/10/2002)

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page