Vài Nét Về Công Ðồng Vaticanô II

Nhân Kỷ Niệm 40 Năm

Ngày Khai Mạc Công Ðồng

(11/10/1962-11/10/2002)

 

Prepared for Internet by Vietnamese Missionaries in Asia

 

Công đồng Va-ti-can II khai mạc đúng ngày hôm nay, 11.10.2002, cách đây 40 năm về trước. Trong 40 năm đó, đã có biết bao chuyển biến giữa lòng Hội Thánh, cũng như biết bao thay đổi trong tương quan giữa Hội Thánh và thế giới.

Chúng ta cùng ôn lại những nét lớn của một Công đồng đã và sẽ còn mãi ghi đậm dấu ấn trong đời sống cá nhân cũng như cộng đoàn của các Ki-tô hữu.

Lý Do Triệu Tập

Có thể xếp các lý do vào 2 loại: xa và gần. Tâm điểm để đo cự ly ở đây chính là Hội Thánh, vừa hiểu như một cơ chế hữu hình, có phẩm trật, có chiều kích xã hội, vừa là một cộng đoàn tín hữu hiệp thông trong đức ái với Chúa Ki-tô là Thủ Lãnh, và hiệp thông với nhau như những chi thể liên kết với Ðầu, có những giá trị tâm linh, vượt khỏi tiêu chí lượng định tự nhiên.

Lý do xa

Một là, từ ngày Công đồng Va-ti-can I kết thúc vào năm 1870 đến đầu thập niên 1960, đã có quá nhiều thay đổi trong tương quan chính trị, kinh tế và xã hội quốc tế. Nhân loại đã qua 2 cuộc thế chiến, bản đồ thế giới được vẽ lại cho nhiều quốc gia xuất hiện hoặc biến mất. Thế giới không chỉ được quan niệm như xưa theo địa dư gồm 5 châu 4 biển, mà nay còn bị phân cực bắc-nam, kỹ nghệ-nông nghiệp, tư bản-cộng sản, một thế giới đa dạng, đa nguyên về chính trị, kinh tế.

Hai là, mối tương quan giữa Hội Thánh và xã hội cũng không còn giản đơn như trước. Châu Âu từ lâu là một lục địa tiêu biểu cho văn minh phương Tây dưới ảnh hưởng sâu đậm của Ki-tô giáo, giờ đã trở thành một cộng đồng đa dạng, đa nguyên, kết quả của những giao tiếp kinh tế, chiến tranh, và chính trị. Từ các thuộc địa, tài nguyên thiên nhiên, của cải vật chất, vốn liếng con người, và cả những kho tàng văn hóa, triết lý, tôn giáo bản địa được đem về: một xã hội đa dạng, đa nguyên về văn hóa, và tôn giáo.

Ba là, ngoài ra, quan niệm tách rời nhà nước khỏi nhà thờ càng lúc càng có chiều hướng biến thành thái độ đối kháng, nếu không muốn nói là thù nghịch, một hố sâu không dễ gì lấp đầy. Người ta có thể cho là vì xã hội đã văn minh, tiến bộ hơn về khoa học, kỹ thuật, trình độ tư duy đã chững chạc, độc lập hơn, nên không còn chấp nhận bị chèn ép, kềm hãm dưới ảnh hưởng của thần quyền. Thậm chí, người ta còn tìm thấy nguyên nhân chính của phản ứng dữ dội đó là từ thái độ bảo thủ, lạc hậu, đồng thời đầy tính cách cha chú và độc đoán của Hội Thánh trong suốt nhiều thế kỷ.

Xét cho cùng, tất cả những lý do xa đó không phải là hoàn toàn không có tác động thúc đẩy Hội Thánh tự kiểm điểm, nhận ra sự thật, để chấn chỉnh, cải tổ và canh tân. Bởi vì nhiệm vụ của Hội Thánh, do Chúa Ki-tô ủy thác, vẫn luôn là một dấu chỉ, là bí tích của Tin Mừng Cứu Ðộ cho thế giới. Bởi vì "Vui mừng và hy vọng, ưu sầu và lo lắng của con người ngày nay, nhứt là của người nghèo và những ai đau khổ, cũng là vui mừng và hy vọng, ưu sầu và lo lắng của các môn đệ Chúa Ki-tô, và không có gì thực sự là của con người mà lại không gieo âm hưởng trong lòng các tín hữu." Nhưng chính ơn gọi nên thánh, qua tiến trình không ngừng hoán cải và nhiệm vụ thánh hóa, qua việc cử hành các mầu nhiệm Chúa Ki-tô của Hội Thánh, là lý do gần, lý do chính, lý do cấp bách, khiến Hội Thánh phải có một cuộc duyệt xét, cải tổ và canh tân toàn bộ, toàn diện.

Lý do gần

Lý do thứ nhứt là để hoàn tất công trình còn dở dang của Công đồng Va-ti-can I. Công đồng Va-ti-can I phải kết thúc giữa chừng ngày 20 tháng 10 năm 1870, do giáo phận Rô-ma bị sát nhập vào vương quốc Ý. Nhiều đề tài quan trọng của công đồng (như vấn đề truyền giáo, nhiệm vụ các giám mục) chưa kịp bàn thảo, phải tạm xếp lại. Có vấn đề không nằm trong chương trình nghị sự ban đầu (như vấn đề ơn bất khả ngộ), lại được giải quyết trước.

Lý do thứ hai là để cổ võ sự hiệp nhứt trong Hội Thánh. Vào thời điểm trước ngày Ðức Thánh Cha Gio-an 23 triệu tập Công đồng Va-ti-can II, tình trạng rạn nứt trong các miền đất cứ sở lâu đời của Ki-tô giáo trở nên trầm trọng, trong lúc xét về số lượng và tầm ảnh hưởng, Hội Thánh đang càng ngày càng bị giảm thiểu thành một đàn chiên nhỏ bé.

Lý do thứ ba là để củng cố lại đời sống tâm linh của Hội Thánh. Sau Công đồng Va-ti-can I, Hội Thánh hình như trở nên cứng rắn trong nề nếp kỷ luật, khuôn phép, nhưng thiếu hẳn sức sống tươi trẻ, sinh động của Tin Mừng. Giáo Hội cần tìm trở lại nguồn mạch Lời Chúa, cần đổi mới toàn diện theo ơn Chúa Thánh Thần hướng dẫn.

Lý do thứ tư là để mở rộng hoạt động truyền giáo. Lý do hiện hữu của Giáo Hội, như ý muốn của Chúa Ki-tô, chính là để truyền giảng Tin Mừng cứu độ cho muôn dân. "Vô phúc cho tôi nếu tôi không truyền giảng Tin Mừng của Chúa!" Lời của Thánh Phao-lồ cũng chính là tâm niệm của Hội Thánh. Với những chuyển biến của tình hình chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội trên thế giới vào thời điểm bấy giờ, công cuộc phúc âm hóa các dân tộc trở nên một đòi hỏi rất gay gắt, đồng thời là thách đố lớn lao chưa từng thấy.

Ai Triệu Tập

Vị giáo hoàng có công suy tư, cầu nguyện, tham khảo ý kiến các thành phần trong Hội Thánh, chuẩn bị, và quyết định triệu tập Công đồng Va-ti-can II, chính là Ðức Thánh Cha Gio-an 23.

Khi được bầu làm giáo hoàng vào ngày 20.10.1958, Ðức Thánh Cha Gio-an 23 đã 76 tuổi, cái tuổi cổ lai hy, lại là một người hiền lành, ít nổi danh so với nhiều vị hồng y, giám mục khác. Trong khi đó, vị tiền nhiệm của người là Ðức Thánh Cha Pi-ô 12 đã rất lừng lẫy danh tiếng trong và ngoài Hội Thánh. Bởi đó, ai cũng xem Ðức Gio-an 23 như một nhân vật giao thời, đóng vai trò chuyển tiếp, để chờ đợi một vị giáo hoàng kế tiếp có khả năng tạo nên vĩ nghiệp cho Hội Thánh.

Quả thật, Ðức Gio-an 23 đã đóng vai trò trung chuyển hết sức hoàn chỉnh, vượt ngoài sức tưởng tượng của con người. Với quyết định triệu tập Công Ðồng Va-ti-can II, bằng tông hiến "Humanae Salutis" Ơn Cứu Ðộ Loài Người, ban hành ngày 25.12.1961, gây sửng sốt cho cả Hội Thánh và thế giới, người đúng là nhịp cầu (từ La ngữ gọi đức giáo hoàng là pontifex, có nghĩa là người thợ bắc cầu), đưa Hội Thánh và thế giới nhích lại gần nhau.

Quá Trình Chuẩn Bị

Trong thời gian chuẩn bị từ 17.05.1959 đến 11.10.1962, Ðức thánh cha Gio-an 23 đã cử Ðức Hồng Y Tardini làm chủ tịch Ủy ban trù bị, thu nhận ý kiến, đề nghị của các tham dự viên trong Công đồng sẽ nhóm họp. Tổng kết có 2,190 tờ phúc đáp, gồm 8,972 ý kiến, đề nghị, được đóng lại thành 8 quyển sách. Cần lưu ý là thời Công đồng Va-ti-can I, chỉ có 35 vị giám mục được tham khảo ý kiến.

Ðể nghiên cứu kỹ lưỡng các ý kiến và đề nghị trên, vào ngày lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống, 05.06.1960, Ðức thánh cha ra tự sắc "Superno Dei Nutu" Lịnh Truyền Tối Thượng Của Thiên Chúa, thành lập 12 Ủy ban và 3 Văn phòng, tương ứng với các phòng, bộ của Tòa Thánh.

Ngày 07.12.1959, Ðức thánh cha chính thức đặt tên cho Công đồng sẽ nhóm họp là Va-ti-can II. Danh xưng này cho thấy ý hướng của Hội Thánh muốn thực hiện hoàn hảo công trình của Công đồng Va-ti-can I.

Ngày 14.11.1960, Ðức thánh cha đọc diễn văn khai mạc giai đoạn chuẩn bị trước sự hiện diện của 33 vị hồng y, và hàng trăm vị giám mục. Ðức thánh cha nhấn mạnh: "Mục đích của Công đồng là đem lại giá trị chân thật cho tư tưởng con người, cũng như cho đời sống nhân loại và đời sống Ki-tô giáo, trong tinh thần trở về nguồn và vâng phục Chúa Thánh Linh."

Trong khi đó, các ủy ban trù bị của Công đồng đã chuẩn bị sẵn sàng các lược đồ, hoặc dự án, hoặc đề cương, xác định những vấn đề sẽ được thảo luận trong Công đồng, đệ trình lên Ðức thánh cha xin phê chuẩn. Kết quả có 70 đề cương, gồm 2,060 trang tài liệu, được chấp thuận đưa vào chương trình nghị sự của các vị tham dự Công đồng.

Diễn Tiến Công Ðồng

Công đồng Va-ti-can khai mạc ngày 11.10.1962, tại vương cung thánh đường Thánh Phê-rô, theo quyết định của Ðức thánh cha Gio-an 23 trong tự sắc "Concilium" Công Ðồng, ban hành ngày 02.02.1962.

Trong tổng số 2,904 vị đại biểu được mời đến dự công đồng, thông thường số hiện diện cao nhứt là 2,449 vị, và thấp nhứt là 2,086 vị.

Ðức thánh cha Gio-an 23 nhấn mạnh trong diễn văn khai mạc 5 tôn chỉ của Công đồng Va-ti-can II:

1. Cởi mở với thế giới

2. Thương xót hơn là lên án

3. Từ tâm hơn là khắt khe

4. Nhìn nhận thế giới có sự nhạy cảm đối với chân lý

5. Truyền giảng một Tin Mừng hy vọng hơn là công bố những tai họa

Kỳ họp thứ 1 kéo dài đến ngày 08.12.1962.

Ngày 03.06.1963, Ðức Gio-an 23 được Chúa gọi về trời. Ðức Thánh Cha Phao-lồ VI lên kế vị ngày 21.06 cùng năm, và tiếp tục lãnh đạo công việc của vị tiền nhiệm.

Từ ngày 29.09 đến 04.12.1963 là kỳ họp thứ 2 của Công đồng.

Từ ngày 14.09 đến 21.11.1964, Công đồng nhóm phiên họp thứ 3.

Ngày 14.09.1964, Công đồng bắt đầu phiên họp thứ 4, cũng là phiên cuối cùng, và kết thúc vào ngày 08.12 cùng năm ấy.

Thành Quả Công Ðồng

Ðã có rất nhiều sách vở viết về Công đồng Va-ti-can II, khen có, chỉ trích cũng có. Thậm chí, người ta còn quy trách cho Công đồng tất cả mọi nhiễu nhương, mọi tai ương xảy ra trong Hội Thánh, kể từ khi các nghị quyết của Công đồng đi vào cuộc sống. Nhưng có điều chắc chắn là không ai có thể phủ nhận ảnh hưởng lớn lao của tinh thần canh tân - hòa giải do Công Ðồng Va-ti-can II thổi vào Hội Thánh, đem lại một sức sống mới, giúp Dân Chúa sẵn sàng bước vào thiên niên kỷ thứ 3.

Ðã qua 40 năm rồi, từ ngày Công đồng khai mạc, và gần 37 năm Công đồng bế mạc. Nhưng có lẽ, cần phải có thêm thời gian nữa để thăm dò cho thấu đáo chiều kích tâm linh sâu thẳm của Công đồng Va-ti-can II, nhứt là để sống cho hết, cho trọn tinh thần của Công đồng.

Lời nhận định sau đây của Ðức thánh cha Gio-an Phao-lồ II phải chăng cách nào đó đã đem lại công lý cho Công đồng Va-ti-can II, khi vị thủ lãnh của Hội Thánh gọi Công đồng là "một biến cố do Chúa quan phòng":

"Công đồng Va-ti-can II là một biến cố do Chúa quan phòng, qua đó Hội Thánh khởi sự chuẩn bị khẩn trương cho dịp Ðại Toàn Xá của thiên niên kỷ thứ hai. Tuy cũng tương tự như các Công đồng trước đây, nhưng Công đồng này lại hết sức khác biệt. Ðây là một Công đồng có tiêu điểm là Chúa Ki-tô và Hội Thánh của Người, và đồng thời hướng tấm lòng ra với thế giới. Tâm tình cởi mở này là một đáp ứng theo Tin Mừng trước những thay đổi gần cận trong thế giới, bao gồm cả những cảm nghiệm gây hoang mang một cách sâu xa xảy ra trong thế kỷ 20, một thế kỷ mang đầy thương tích của 2 trận thế chiến, của các trại tập trung, và của những cuộc thảm sát ghê rợn. Tất cả những biến cố đó chứng tỏ hết sức mạnh mẽ rằng thế giới cần được thanh tẩy, thế giới cần phải hoán cải.

Công đồng Va-ti-can II thường được coi như khởi điểm của một thời kỳ mới trong đời sống Hội Thánh. Ðiều này quả đúng như vậy. Tuy nhiên, cũng khó mà coi nhẹ sự kiện là Công đồng đã rút tỉa được rất nhiều điều từ những kinh nghiệm và suy tư của thời đại vừa mới đi qua trước đó, đặc biệt là từ di sản trí thức do Ðức Pi-ô 12 để lại. Trong lịch sử Hội Thánh, cái "cũ" và cái "mới" luôn quấn quyện chặt chẽ với nhau. Cái "mới" trưởng thành nhờ cái "cũ", và cái "cũ" đạt tới tầm vóc hoàn mỹ nơi cái "mới". Ðó chính là điều ứng dụng cho Công đồng Va-ti-can II và cho hoạt động của các vị giáo hoàng có quan hệ với Công đồng này, bắt đầu với Ðức Gio-an 23, tiếp tục với Ðức Phao-lồ VI và Ðức Gio-an Phao-lồ I, cho tới vị giáo hoàng đương nhiệm.

Những gì các vị giáo hoàng này đã thực hiện trong, cũng như sau thời gian diễn ra Công đồng, khi thực thi Huấn quyền, cũng như lúc hoạt động mục vụ, chắc chắn đã góp phần rất ý nghĩa cho việc chuẩn bị một mùa xuân mới của đời sống Ki-tô giáo, sẽ được tỏ hiện qua dịp cử hành Ðại Toàn Xá, nếu mọi Ki-tô hữu biết vâng phục tác động của Chúa Thánh Thần.

Trong khi không hề hạn chế tính cách nghiêm khắc của Thánh Gio-an Tẩy giả trong lời giảng thống hối và hoán cải trên bờ sông Giô-đan, Công đồng quả đã bộc lộ một điều gì đó của vị Ngôn sứ cựu trào, thẳng thắn chỉ rõ cho người thời nay thấy rằng Chúa Giê-su Ki-tô là Chiên Thiên Chúa, Ðấng xóa tội trần gian, là Ðấng Cứu Chuộc loài người, và là Chúa của lịch sử. Trong thời gian nhóm họp Công đồng, chính do khát vọng được sống thủy chung trọn vẹn với Ðức Chúa của mình, Hội Thánh đã tự chất vấn về căn tính, và tái khám phá chiều sâu huyền nhiệm của chính mình, trong tư cách là Nhiệm Thể và Tân Nương của Chúa Ki-tô. Khiêm cung lắng nghe Lời Chúa, Hội Thánh tái xác quyết về ơn gọi nên thánh dành cho tất cả mọi thành phần Dân Chúa. Hội Thánh đưa ra những tiên liệu cho một cuộc cải tổ phụng vụ, cội nguồn và thượng đỉnh của đời sống Ki-tô giáo; thúc đẩy việc canh tân nhiều lãnh vực trong đời sống Dân Chúa, ở mức độ toàn cầu cũng như địa phương; nỗ lực cổ võ các ơn gọi Ki-tô hữu khác nhau, từ giáo dân cho đến tu sĩ, từ tác vụ phó tế cho đến linh mục và giám mục; và đặc biệt, tái khám phá tính cộng đoàn của các giám mục, diễn ngữ đặc sắc để chỉ việc phục vụ đàn chiên do các giám mục thực hiện, trong mối hiệp thông với người kế vị Thánh Phê-rô. Dựa vào nền tảng sâu xa của công cuộc canh tân này, Công đồng mở rộng cõi lòng ra với các Ki-tô hữu thuộc những danh xưng khác, với tín đồ của các tôn giáo khác, và với tất cả mọi người thuộc thời đại chúng ta. Chưa từng có một Công đồng nào đề cập rõ ràng như vậy về vấn đề hiệp nhứt Ki-tô giáo, về đối thoại với các tôn giáo không phải là Ki-tô giáo, về ý nghĩa đặc biệt của Cựu Ước và dân tộc Ít-ra-en, về phẩm giá lương tâm của mỗi con người, về nguyên lý tự do tôn giáo, về những truyền thống văn hóa dị biệt, trong đó Hội Thánh đang thừa hành sứ mạng truyền giáo, và về những phương tiện truyền thông xã hội.

Toàn bộ giáo huấn vô cùng phong phú của Công đồng và âm điệu thôi thúc trong cách trình bày nội dung đạo lý ấy tạo thành một lời công bố về những thời điểm mới. Các vị nghị phụ đã ngỏ lời bằng ngôn từ của Tin Mừng, ngôn từ của Bài giảng trên Núi và Tám Mối Phúc. Sứ điệp Công đồng giới thiệu Thiên Chúa trong uy quyền tuyệt đối của một vì vương chủ thống trị vạn sự, song cùng lúc cũng cho thấy Người là Ðấng bảo đảm cho các thực tại trần thế được hưởng quyền tự chủ thật sự.

Bởi vậy, cách chuẩn bị tốt đẹp nhứt để chào mừng thiên niên kỷ mới không gì hơn là việc lặp lại cam kết quyết tâm áp dụng trung thành hết sức giáo huấn của Công đồng Va-ti-can II vào đời sống mỗi cá nhân và toàn thể Hội Thánh. Chính ra, với Công đồng Va-ti-can II, nói theo nghĩa rộng nhứt của từ ngữ, thì công cuộc chuẩn bị trực tiếp mừng năm Ðại Toàn xá 2000 đã được bắt đầu rồi. Nếu như chúng ta so sánh với việc cử hành phụng vụ, thì có thể nói việc cử hành Mùa Vọng mỗi năm rất gần gũi với tinh thần của Công đồng. Vì lẽ, Mùa Vọng chuẩn bị tâm hồn chúng ta gặp gỡ Ðấng đã có, hiện có, và sẽ đến."

Ðôi Ðiều Cảm Nghĩ

Ðúng như nhận xét của Ðức thánh cha Gio-an Phao-lồ II: "Công đồng Va-ti-can II đã mở ra một thời kỳ mới trong đời sống Hội Thánh."

Ðây là thời đại của tự do dành cho con cái Thiên Chúa, của việc phụng tự trong Thần Khí và Chân Lý, của tình yêu đoàn kết và hiệp nhứt giữa những anh chị em cùng tin Chúa Ki-tô là Ðấng Cứu Thế, của một nhiệt tâm tông đồ, dấn thân vào công cuộc truyền giảng Tin Mừng mới mẻ cho thế giới.

Những thế hệ Ki-tô hữu sinh trưởng trong thời kỳ hậu Công đồng Va-ti-can II, dầu có cảm nhận ra điều này hay không, vẫn đang thực sự thụ hưởng hoa trái phong phú và tốt lành phát sinh từ một trong những Công đồng vĩ đại nhứt của lịch sử Hội Thánh.

 

Radio Veritas Asia, ngày 10.10.2002

Phan-xi-cô Xa-vi-ê Nguyễn Văn Nhứt, O.P.

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page