Chiếc Áo Từ Nhân

(Những Bài Suy Niệm và Cầu Nguyện Hằng Ngày

của Ðài Phát Thanh Chân Lý Á Châu

Radio Veritas Asia)

Prepared for Internet by Vietnamese Missionaries in Asia


- 72 -

Hình Ảnh Của Thập Giá

 

Tương truyền ở châu Phi, một ông vua nọ có một người bạn đồng trang lứa rất thân và cùng lớn lên tại cùng một mảnh đất. Người bạn của vua này có một thói quen là luôn tìm kiếm trong tất cả những hoàn cảnh, những biến cố, điều hữu ích mà ông ta luôn khẳng định tất cả những hoàn cảnh đó là rất tốt, ngay cả khi những điều xảy ra mà người khác coi là tệ hại nhất.

Ngày nọ, nhà vua cùng với ông tiến hành một cuộc săn bắn mong sẽ khám phá thêm những điều mới mẻ. Ông ta có bổn phận chuẩn bị và nạp đạn vào súng cho vị vua là bạn của mình. Do một sự bất cẩn nào đó chẳng may ông ta đã làm sai một công đoạn mà ông không hay biết, khi chuẩn bị xong ông trao lại khẩu súng cho vua, nhưng khi vừa nhận khẩu súng từ tay ông, vị vua đã bắn vào ngón tay cái của mình. Ngón tay đã lìa khỏi bàn tay của vua. Trước biến cố không hay xảy ra đột ngột như thế nhưng ông bạn vẫn bình thản nói:

- Nguy hiểm quá! Nhưng tốt thôi! chỉ đứt một ngón tay, chứ chưa nguy hiểm gì đến tính mạng.

Nhà vua bực tức và hô hoán:

- Chẳng thể nào tốt được. Lính đâu? Bắt hắn nhốt vào ngục cho ta.

Thế là nhà vua hạ lệnh cho quân lính bắt giam người bạn của mình vào ngục. Khoảng một năm sau, nhà vua đi săn ở một khu rừng nguyên sinh. Khu rừng vắng vẻ đến tột độ, tưởng chừng như chưa có ai đặt chân đến. Ðang cẩn thận bước đi và rất đỗi vui mừng vì vừa khám phá ra một nơi săn bắn mới đột nhiên nhà vua bị một bọn chuyên ăn thịt người bắt giữ và đem về khu làng của họ. Họ cột hai tay vua lại rồi đặt trên một đống củi. Sau đó họ dựng một cái sào và cột chặt nhà vua vào đó cho đứng thẳng trên đống củi để chuẩn bị thiêu sống ngài. Lúc ấy, một gã trong bọn ăn thịt người đã phát hiện ra nhà vua thiếu mất một ngón tay cái, vì bọn người này rất tin dị đoan, họ không bao giờ ăn thịt một người khuyết tật hay bị khiếm khuyết một cơ phận trong thân thể, nên bọn họ đã trả tự do cho nhà vua.

Trên đường về, ngẫm nghĩ lại sự kiện mình đã bị cụt ngón tay cái nhà vua cảm thấy xót xa cho người bạn thân vì do bất cẩn đã làm mình cụt ngón tay. Vừa về tới hoàng cung, nhà vua liền trở vào ngục và sai quân lính thả người bạn của mình đang bị nhốt trong ngục gần một năm trời. Nhà vua kể lại cho ông bạn nghe biến cố vừa xảy ra cho mình, và xin lỗi người bạn của mình vì đã đối xử tàn tệ với ông trong thời gian qua. Ông bạn nhìn nhà vua và nói:

- Tốt thôi!

Nhà vua bực tức nói:

- Không, làm sao mà tốt được, có gì là tốt khi ta đã bắt ngươi vào ngục.

Ông bạn bình tĩnh trả lời:

- Vì nhờ ở trong tù mà tôi mới được ở lại đây với bệ hạ. Nếu tôi không ở trong tù, thì ngày hôm qua tôi đã phải đi săn với nhà vua, và sẽ bị bắt và họ sẽ không thả tôi vì thân thể tôi không bị khiếm khuyết.

* * *

Chính thói quen tốt lành nơi ông bạn của nhà vua đã làm cho ông có cái nhìn lạc quan với những biến cố xảy ra cho ông, trong những giây phút khó khăn nhất và trong những hoàn cảnh tồi tệ nhất. Và đây cũng phải là tinh thần của mỗi Kitô hữu chúng ta khi chúng ta thực sự sống trong niềm vui của mùa Phục sinh. Ðó cũng là cái nhìn của Thiên Chúa, của Chúa Giêsu Kitô khi bước vào trần gian. Dưới cái nhìn của Người, thập giá đã trở thành công cụ đem lại niềm vui. Niềm vui có sức cứu độ và giải phóng con người trọn vẹn để qua đó chúng ta mới nhận ra những giá trị của những đau khổ và những hy sinh chúng ta phải vượt qua hằng ngày, vì yêu thương và để sống yêu thương.

Thật ra, qua kinh nghiệm của cuộc sống, chúng ta thấy bóng dáng của thập giá trải dài trong suốt cuộc đời của chúng ta dưới nhiều hình thức. Chính qua những đau khổ và qua những gian nan của cuộc sống mà chúng ta nhìn ra đó là hình ảnh của thập giá, chúng ta thấy mình như được lớn lên, được trưởng thành hơn bởi có ai mà có thể hưởng niềm vui và hạnh phúc khi chưa một lần dám hy sinh, chưa một lần dám từ bỏ, dám chấp nhận những đau thương đâu. Vì thế, chúng ta vẫn cảm thấy một niềm vui sâu xa trong chính những chặng đường thời gian của cuộc sống mà chúng ta đã trải qua.

Qua Chúa Giêsu, thập giá đã trở thành thánh giá bởi Chúa đã trở thành biểu hiệu của một tình yêu vô biên của Thiên Chúa. Vì thế, Người không ở mãi trên thập giá mà Người đã Phục sinh sau khi đã treo mình trên thập giá.

Lạy Chúa Giêsu Phục sinh

Xin giúp chúng con từng bước tiến vào con đường của tình yêu Chúa để chúng con biết dùng chính những hy sinh hằng ngày biểu tỏ tình yêu của Chúa cho anh chị em chung quanh.

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page