Chiếc Áo Từ Nhân

(Những Bài Suy Niệm và Cầu Nguyện Hằng Ngày

của Ðài Phát Thanh Chân Lý Á Châu

Radio Veritas Asia)

Prepared for Internet by Vietnamese Missionaries in Asia


- 67 -

Ý Nghĩa Của Ðau Khổ

 

Mareline Alson, một cầu thủ bóng bầu dục nổi tiếng của Mỹ đã viết về ý nghĩa của sự đau đớn như sau:

"Con người là một tạo vật biết thích nghi. Chúng ta khám phá ra được điều mình có thể làm hay không thể làm. Ðiều đó cũng giống như đi vào trong một chuồng bò. Ðiều đầu tiên bạn ngửi được là mùi phân bò. Bạn hãy đứng đó khoảng năm phút thôi và bạn sẽ không còn ngửi thấy mùi phân nữa. Ðiều này cũng đúng cho đầu gối của bạn. Ðầu gối bạn bị đau, bạn cảm nhận được điều đó. Nhưng rồi bạn lại bắt đầu chơi ở một mức độ khác, bạn đổi cách chạy hoặc là bạn sử dụng chân kia nhiều hơn... Sau khi trải qua cuộc giải phẫu đầu gối, tôi đã phải mỗi tuần đến bệnh viện để hút nước ra khỏi chân. Cuối cùng, nơi để đút kim vào hút nước chai đi đến độ người ta phải dùng tới búa mới có thể làm công tác này được".

Tất cả những ai tham gia vào một bộ môn thể thao cũng đều trải qua kinh nghiệm trên đây của vận động viên Mareline Alson, phải chịu nhiều đớn đau trong thân xác hoặc do thương tích, hoặc do tập luyện. Nhưng tất cả những ai muốn đạt được thành tích tốt trong bất cứ bộ môn nào cũng đều sẵn sàng đón nhận đớn đau. Ðiều này cũng xảy ra ngay cả trong các tôn giáo ở những thế kỷ trước. Các tu sĩ thường trải qua những khổ luyện và ép xác rất đau đớn. Con người cũng tự ghép mình vào khổ luyện, dù chỉ để đạt được một chút danh vọng hão huyền. Trong hàng bao thế kỷ, những phụ nữ Trung Hoa phải bó chân để có được dáng đi uyển chuyển thanh lịch. Ngày nay, những người phụ nữ tân thời cũng sẵn sàng lao vào không biết bao nhiêu hình thức khổ chế để có được một gương mặt hay một thân hình đẹp.

* * *

Hơn bao giờ hết, con người thời đại không ngừng chiến đấu và đi tìm ý nghĩa của đau khổ. Chúng ta chỉ nghĩ rằng đau khổ làm giảm sức khỏe, tinh thần của chúng ta để được tự do và hạnh phúc. Tư cách con người được thể hiện rõ nét nhất khi đứng trước đau khổ. Con người càng cao cả khi nhận ra được ý nghĩa tích cực của đau khổ.

Bác sĩ Viktor Frankl, người đã từng trải qua nhiều năm tháng đọa đày trong những trại tập trung Ðức Quốc Xã đã có thể sống sót được là nhờ tìm thấy được niềm hy vọng trong khổ đau. Ông nói như sau: "Thất vọng là đau khổ mà không tìm ra được ý nghĩa". Trong trại tù, văn hào Doctoievski đã ngấu nghiến đọc Tân Ước và chuyện các thánh. Với ông, cũng như sau này với văn hào Solzénissyn, nhà tù đã là yếu tố huyết mạch mang lại niềm tin tôn giáo. Giữa kiếp đọa đày, khi mất tất cả, con người lại tìm gặp được niềm tin tôn giáo, vốn là tất cả cho cuộc sống.

Trong tác phẩm có tựa đề "Một ngày trong đời của tác giả Ivan Denisovich", văn hào Solzénissyn đã nói lên kinh nghiệm ấy khi ông biết rằng niềm tin nơi Thiên Chúa có thể không đưa bạn ra khỏi tù, nhưng nó đủ để bạn sống qua một ngày.

Mùa Phục Sinh là mùa của hy vọng, nhìn vào cuộc sống bằng ánh sáng phục sinh chúng ta sẽ nhận ra được ý nghĩa tích cực của khổ đau. Chúa Giêsu đã so sánh ý nghĩa cuộc khổ nạn của Ngài với sự lâm bồn của người đàn bà. Ngài nói như sau: "Khi người đàn bà sinh con thì bà đau đớn, bởi vì giờ của bà đã đến. Nhưng khi đứa con đã chào đời, bà quên hết mọi ưu phiền. Bà vui mừng vì một đứa con đã chào đời". Quả thật nỗi đau đớn của một người mẹ làm phát sinh một sự sống mới. Một cách nào đó, bất cứ một nỗi khổ đau nào được đón nhận trong tinh thần tin tưởng phó thác, cũng đều làm cho con người được lớn lên trong nhân cách.

Lạy Chúa Giêsu,

Với sự phục sinh, Chúa đã minh chứng điều Chúa đã hằng dạy chúng con có chết đi mới được sống. Xin cho chúng con biết đón nhận thập giá Chúa gửi đến với niềm tin vững vàng chỉ qua thanh luyện của khổ đau chúng con mới có thể được mỗi ngày một nên đồng hình với Chúa hơn.

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page