Chiếc Áo Từ Nhân

(Những Bài Suy Niệm và Cầu Nguyện Hằng Ngày

của Ðài Phát Thanh Chân Lý Á Châu

Radio Veritas Asia)

Prepared for Internet by Vietnamese Missionaries in Asia


- 17 -

Danh Hiệu Kitô

 

Tháng 4/2986, hai người đàn ông bạc đầu gặp nhau tại phi trường quốc tế Tokyo, Nhật Bản, họ ôm nhau và khóc thành tiếng. Một người là công dân Mỹ tên là Ponist, một người tên là Osibasi, công dân Nhật Bản. Lần cuối cùng họ gặp nhau cách đó hơn bốn mươi năm trong một hầm kín tại Okinawa. Dĩ nhiên, lúc đó họ là hai kẻ thù không đội trời chung.

Ponist lúc đó là một trung sĩ người Mỹ đang bồng trên tay một cậu bé Nhật Bản năm tuổi. Cậu bé đã bị trúng đạn ở hai chân. Osibasi là một trong hai người lính Nhật Bản đang ẩn nấp trong một góc của cùng một căn hầm. Thình lình, Osibasi và người đồng đội của anh nhảy ra khỏi nơi ẩn nấp, chĩa súng vào người Ponist và chuẩn bị nổ súng. Ponist chỉ còn biết đứng như trời trồng, rồi anh lặng lẽ đặt cậu bé xuống nền đất, lấy băng và bắt đầu lau các vết thương của cậu bé. Anh nghĩ rằng nếu anh có chết thì ít ra anh cũng chết khi đang làm một nghĩa cử. Hai người lính Nhật Bản đứng nhìn với tất cả sửng sốt rồi từ từ họ hạ súng xuống. Vài phút sau đó, người lính Mỹ làm điều mà Osibasi không bao giờ quên được, anh bồng cậu bé trên tay, đứng dậy và cúi đầu cám ơn hai người lính Nhật rồi mang cậu đến một bệnh viện dã chiến của Mỹ.

Năm 1985, Ponist viết một lá thư cho một nhật báo tại Tokyo để cám ơn nhân dân Nhật Bản đã tha mạng cho ông tại một căn hầm ở Okinawa khoảng bốn mươi năm về trước. Osibasi đọc được lá thư, ông liền liên lạc với tờ báo để nhờ dàn xếp cuộc gặp gỡ. Ðây là một trong những cuộc gặp gỡ cảm động nhất của hai người.

* * *

Nếu Osibasi đã dùng súng hạ sát kẻ thù của mình, điều mà có lẽ người lính nào cũng có thể làm trong chiến tranh, rất có thể anh sẽ chẳng bao giờ nhớ hay muốn nhớ lại chuyện đó; nhưng bởi lẽ Ponist đã muốn được chết trong lúc đang làm một nghĩa cử, và chính Osibasi cũng đã tha chết cho kẻ thù của mình cho nên biến cố ấy được ghi mãi trong tâm khảm của họ.

Người ta luôn muốn quên đi một cơn ác mộng hay một hành động xấu xa đê tiện của mình, nhưng ai cũng muốn ghi nhớ mãi trong ký ức một việc làm vốn làm cho mình lớn lên trong tư cách con người. Và người thọ ơn thường cũng không quên được một nghĩa cử người khác dành cho mình. Một nghĩa cử dù nhỏ bé đến đâu cũng có một giá trị vô biên. Một lời nói ủi an, một nụ cười, một cái vỗ nhẹ trên vai và nhất là một cử chỉ tha thứ sẽ không bao giờ qua đi mà không để lại một ấn tượng khó quên trong tâm khảm con người. Ðó là nét nổi bật trên dung mạo của một con người.

Khi Chúa Giêsu hiện ra với hai người môn đệ đang trên đường đi về Emmau, Ngài vừa đi vừa trò chuyện với họ và nhất là diễn giải Kinh Thánh cho họ, nhưng hai người môn đệ vẫn không nhận ra Ngài, mãi cho đến khi ngồi vào bàn ăn, Ngài cử hành nghi thức bẻ bánh, mắt các ông mới mở ra để nhận ra Ngài.

Bẻ bánh trao ban vốn là một cử chỉ quen thuộc của Chúa Giêsu, cử chỉ ấy là nét đặc trưng trên dung mạo của Ngài. Ngày nay, Giáo Hội lập lại cử chỉ ấy từng giây từng phút trên khắp thế giới, không chỉ qua cử hành Thánh Thể mà còn bằng vô số những nghĩa cử trong đời sống mỗi ngày của tất cả những ai mang danh hiệu kitô. Chúa Giêsu được tiếp tục nhận diện qua những nghĩa cử ấy.

Lạy Chúa,

Chúa đã dạy chúng con: người ta cứ dấu chỉ của bác ái và yêu thương để nhận ra chúng con là môn đệ của Chúa. Xin cho chúng con luôn được trở thành những dấu chỉ sống động của sự hiện diện của Chúa giữa mọi người.

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page