Chiếc Áo Từ Nhân

(Những Bài Suy Niệm và Cầu Nguyện Hằng Ngày

của Ðài Phát Thanh Chân Lý Á Châu

Radio Veritas Asia)

Prepared for Internet by Vietnamese Missionaries in Asia


- 05 -

Nghịch Lý Của Tin Mừng

 

Ernest là một bác sĩ giải phẫn vừa ra trường. Năm 1968, ông đến phục vụ tại Việt Nam. Một trong những bệnh nhân đầu tiên của ông là một binh sĩ Mỹ mười chín tuổi vừa bị thương trong một trận phục kích. Ðôi mắt và cả đôi chân của anh đều bị tàn phá. Bác sĩ Ernest đã mất bảy tiếng đồng hồ liền để giải phẫu cho người thanh niên đáng thương; nhưng sau đó ông đã bị các bạn đồng nghiệp kịch liệt đả kích, họ chỉ trích ông không phải vì ông đã thiếu trách nhiệm mà chỉ vì ông đã chu toàn nhiệm vụ một cách quá tốt đẹp. Họ nói với ông như sau:

- Cậu lính này đã hoàn toàn bị tàn phế, lẽ ra anh không nên chữa trị cho nó mà phải để cho nó chết thì tốt hơn.

Những lời này đã ám ảnh bác sĩ Ernest trong suốt hai mươi năm trời. Ông luôn bị dày vò bởi ý nghĩ phải chăng mình đã chẳng đẩy người thanh niên này vào một cuộc sống vô tích sự và khổ đau. Cuối cùng, ông quyết định phải giải quyết vấn đề. Ông đã bỏ ra hai năm liền để dò tìm tông tích của người lính này, và điều mà ông đã tìm thấy đã giải tỏa được nổi ẩn ức trong tâm hồn ông.

Thật thế, người thương binh mà ông đã giải phẫu hồi năm 1968 giờ đây vẫn là một người đàn ông tàn tật đang ngồi trên xe lăn. Nhưng người đàn ông tàn tật này không hề là một người đang đau khổ, ông đã lập gia đình và có được hai người con gái, ông đã tốt nghiệp đại học, ông đã theo học cách lặn sâu dưới nước và hiện đang theo một khóa đặc biệt để giúp những người thương tật thích nghi với sự bất hạnh của mình. Ở vào tuổi bốn mươi ba, người cựu chiến binh này tỏ ra tràn đầy nhựa sống và có một niềm tin vững mạnh nơi Thiên Chúa. Khi được một ký giả hỏi về những thành tựu của mình, ông trả lời:

- Tôi đặt niềm tin nơi Chúa.

Cuộc tranh luận giữa bác sĩ Ernest và các bạn đồng nghiệp của ông cách đây trên ba mươi năm hiện vẫn tiếp tục sôi nổi trong giới y khoa. Bác sĩ Ernest bị người ta xếp vào phe bảo thủ, ông nói như sau:

- Tôi được dạy để chữa trị cho những người bị thương chứ không phải để cho họ chết.

Các bạn đồng nghiệp của ông đại diện cho một trường phái mới, họ chữa trị có tính toán, những ai họ xét thấy không đáng sống thì họ để đó mặc kệ rồi chờ chết. Khi người thương binh Mỹ được đưa về Hoa Kỳ để tiếp tục chương trình hồi phục, có người chất vấn bác sĩ Ernest:

- Tại sao để cho một người như thế tiếp tục sống?

Ngày nay, bác sĩ Ernest đã tìm được câu trả lời cho chính mình, ông biết rằng mình đã làm đúng. Và khi con người biết mình làm điều đúng, lương tâm họ không bao giờ trách móc họ.

* * *

Vì con người được tạo dựng theo hình ảnh của Thiên Chúa cho nên sự sống của con người là thánh thiêng. Sự sống ấy là thánh thiêng trong mọi giai đoạn phát triển của nó, nghĩa là từ lúc được tạo thành trong lòng mẹ cho tới lúc chết tự nhiên. Sự sống ấy là thánh thiêng cho nên bất khả xâm phạm trong mọi điều kiện sống. Sự sống ấy là thánh thiêng cho nên có ý nghĩa trong mọi tình huống của cuộc đời. Chính vì con người có một phẩm giá thánh thiêng và bất khả xâm phạm cho nên giản lược nó để xây dựng thành một phương tiện để sử dụng, lèo lái, vứt bỏ là một tội ác. Có những người bị người khác loại trừ, chối bỏ hay chà đạp; nhưng cũng không thiếu những người tự chối bỏ chính mình bằng những hành động chối bỏ và loại trừ người khác. Khi chối bỏ và chà đạp người khác, con người cũng chối bỏ chính phẩm giá cao cả của mình. Không ai có thể làm tổn thương người khác mà không đồng thời làm thương tổn chính bản thân. Tôn trọng người khác cũng chính là tự trọng. Ðây chính là nghịch lý của Tin Mừng, con người chỉ lớn lên trong nhân cách khi họ nhỏ lại trong phục vụ và quên mình, con người càng trở nên giàu có khi họ biết dốc cạn để sống cho người khác.

Lạy Chúa,

Xin cho chúng con luôn thức tỉnh để nhìn nhận, tôn trọng và yêu mến Chúa trong mọi người, nhất là những kẻ bé mọn nhất trong xã hội.

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page