hôn nhân dị giáo là

kinh nghiệm đau khổ nhưng tuyệt vời

Prepared for Internet by Vietnamese Missionaries in Asia

 

Một người theo đạo Công giáo nói rằng hôn nhân dị giáo là kinh nghiệm 'đau khổ nhưng tuyệt vời'.

Chiang Mai, Thái Lan (UCAN AS01296.1415 Ngày 20-10-2006) -- Khi Vishwalingam Visagaran kết hôn với Celine Fernandez, dường như không có thách thức nào quá lớn đối với chàng rể Ấn giáo và cô dâu Công giáo này.

Tuy nhiên, sau 16 năm chung sống và có hai mụn con, cuộc sống hôn nhân của họ vẫn còn đầy gian truân.

"Những bất đồng tôn giáo đã gây thiệt hại cho chúng tôi trong quan hệ vợ chồng, nhưng Chúa đã ở với chúng tôi trong những lúc khó khăn và giúp đỡ chúng tôi", Vishwalingam, nay là một người Công giáo, nói với các tham dự viên Hội nghị Truyền giáo Á châu, đang diễn ra từ ngày 18-22/10/2006 tại Chiang Mai, cách Bangkok khoảng 700 kilômét về phía bắc.

Hơn 1,000 tham dự viên hội nghị, ngoại trừ khoảng 50 người, số còn lại đều đến từ châu Á, đang thảo luận chủ đề Câu chuyện Chúa Giêsu tại châu Á: Một Cuộc cử hành Ðức tin và Sự sống.

Vishwalingam và Celine là hai trong năm người chia sẻ kinh nghiệm đức tin của họ trước hội nghị hôm 19-10-2006. Vishwalingam, có mẹ là người Sri Lanka định cư ở Malaysia, kể lại việc anh cải đạo từ Ấn giáo có truyền thống kiên định trở thành một người Công giáo sùng đạo với tên thánh là Lawrence như thế nào.

Tất cả bắt đầu khi anh gặp Celine trong khi đang học ngành kỹ sư hóa tại một đại học ở Malaysia. Ông nói: "Tôi phải lòng cô ấy ngay từ đầu".

Ông cho biết, tuy nhiên những điểm bất đồng trong tôn giáo và nhu cầu gìn giữ danh tiếng của gia đình đã làm ông rơi vào tình thế khó xử, và mẹ ông dự định bắt ông kết hôn với "một cô gái Ấn giáo người Sri Lanka tiêu biểu mà bà có thể tin cậy".

Mẹ ông tỏ ra rất giận dữ khi Vishwalingam nghe theo tiếng gọi của con tim và kết hôn với Celine. Gia đình ông xem cô ta là mối đe dọa bởi vì họ chưa bao giờ nghĩ "một người con trai ngoan ngoãn" lại có "một quyết định táo bạo và quyết liệt như thế" và kết hôn với một người Công giáo.

Mặt khác, ông "thật sự yêu" Celine và hy vọng sẽ làm hòa với gia đình một ngày nào đó. Vishwalingam than rằng: "Lúc đó, trông có vẻ rất đơn giản, nhưng tình hình lại xấu hơn sau khi cưới".

Ông cho biết, mẹ ông và vợ ông không thể tha thứ cho nhau vì những nỗi đau mà họ chịu đựng, và khi vợ ông không thể "ủng hộ tôi theo cách như tôi mong đợi", ông bắt đầu mất hy vọng. Celine cũng bị sẩy thai hai lần.

Mặc dù thế, nhưng Vishwalingam đã tự do quyết định trở thành một người Công giáo 5 năm sau khi ông và Celine lấy nhau bởi vì "tôi tin Ðức Giêsu Kitô". Nhưng việc ông theo Công giáo càng làm cho gia đình ông xa lánh bởi họ không thể hiểu tại sao ông lại làm như thế và "họ càng ghét vợ tôi hơn".

Câu chuyện của ông giúp minh họa sự tổn thương thỉnh thoảng dính líu đến đối thoại liên tôn cho các tham dự viên hội nghị. Chẳng hạn, ông cho biết câu hỏi đầu tiên mà Celine đã hỏi ông khi họ yêu nhau là ông có chịu theo đạo Công giáo không. Ông cho biết, câu hỏi của cô ấy không làm ông bối rối, bởi vì ông biết cô ấy xuất thân từ một gia đình Công giáo bảo thủ. "Nhưng điều mà lúc đó tôi không hiểu là nhu cầu để tôi cải đạo là gì bởi vì tôi không phải là một người xấu".

Ông đã tham dự các lớp học về Nghi thức Khai tâm Kitô giáo dành cho Người lớn một thời gian, nhưng ông liền bỏ học bởi cảm thấy thật khó hiểu. Ông cho biết khóa học chú trọng việc dạy giáo lý hơn là giúp ông hiểu cách thể hiện nó trong đời sống thật.

Sau đó xảy ra các lần sẩy thai. Một ngày nọ, một phụ nữ tại nhà thờ nói với Vishwalingam rằng vợ ông sẽ có con nếu ông "hoàn toàn" phục tùng Ðức Kitô.

Ông nói ông không thể nào hiểu được ông phải phục tùng cái gì. Ngoài ra, ông đã có quan hệ thân thiết với Thần Krishna, một vị thần Ấn giáo, và tin rằng thần Krishna, giống như Chúa Giêsu, là hiện thân của Thiên Chúa.

Tuy nhiên, khi các vấn đề cá nhân của ông gia tăng, ông bắt đầu hiểu được ý nghĩa của việc Chúa Kitô chịu đau khổ và sẵn sàng tha thứ cho những kẻ làm tổn thương Ngài. "Ðiều đó làm tôi cảm động bởi tôi cũng đang trải qua tình cảnh tồi tệ nhất trong đời". Ông nói thêm, chỉ khi đó tôi mới hiểu được Ðức Kitô và thông điệp của Ngài, và quyết định hoàn toàn phục tùng Ðức Giêsu, và điều này giúp ông phát triển "quan hệ rất thân thiết" với Ðức Kitô.

Ông thừa nhận mình đã gặp nhiều cám dỗ và đôi khi đã không chống nổi các cơn cám dỗ đó nhưng ông khẳng định rằng ông sẽ không bao giờ bỏ Chúa Giêsu Kitô. Ông nói, cuộc sống Kitô hữu là một cuộc đấu tranh liên tục để sống Tin mừng của Chúa Kitô.

Vishwalingam cho biết, nhờ nhận thức được chính vì chương trình của Thiên Chúa mà ông đã gặp được Celine và đối diện tất cả những thử thách đó. "Chúa đã dùng tất cả các biến cố đó để đem tôi đến gần với Ngài hơn". Ông kết luận, ông đã trải qua những "đau khổ nhưng hài lòng", và ông sẽ vẫn làm như thế trong những tình huống tương tự.

Celine nói với UCA News sau đó rằng bà chỉ muốn nuôi dạy con cái trong một bầu khí "hoàn toàn Công giáo" bởi vì bà tin rằng đó là bổn phận làm mẹ của bà. Bà sẽ cho phép các con sống theo ý muốn của chúng khi chúng trưởng thành. Nếu chúng chọn một tôn giáo khác khi đến giai đoạn đó, bà sẽ không phản đối, miễn là chúng có lý do chính đáng.

 

UCAN

 

 

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page