Các tham dự viên Hội nghị Truyền giáo Á châu

chia sẻ Câu chuyện Chúa Giêsu

Prepared for Internet by Vietnamese Missionaries in Asia

 

Các tham dự viên Hội nghị Truyền giáo Á châu chia sẻ Câu chuyện Chúa Giêsu.

Chiang Mai, Thái Lan (UCAN AS01311.1415 Ngày 21-10-2006) -- Các tham dự viên tại Hội nghị Truyền giáo Á châu (AMC) đã chia sẻ rất nhiều câu chuyện về việc họ cảm nghiệm Ðức Kitô như thế nào.

Hôm 19-10-2006, nguyên ngày thảo luận đầu tiên, các tham dự viên dành phần lớn buổi chiều trong các cuộc thảo luận để kể cho nhau nghe các câu chuyện của chính họ. Các câu chuyện của họ rất đa dạng, từ ảnh hưởng của một vị linh mục trong việc giúp trẻ em cảm nghiệm được Ðức Kitô cho đến biến cố quan trọng trong cuộc đời của tham dự viên.

Khoảng 1,000 người đã tham dự Hội nghị Truyền giáo Á châu (AMC), ngoại trừ khoảng 50 người số còn lại đều đến từ châu Á. Hội nghị từ ngày 18-22/10/2006 đang diễn ra tại Chiang Mai, cách Bangkok khoảng 700 kilômét về phía bắc. Liên Hội đồng Giám mục Á châu tổ chức sự kiện này, cuộc họp đầu tiên thuộc loại này trong châu lục.

Chủ đề đặc trưng của ngày đầu tiên là "Câu chuyện Chúa Giêsu nơi các Dân tộc Á châu", phản ánh chủ đề chung của Hội nghị Truyền giáo Á châu (AMC) là "Câu chuyện Chúa Giêsu tại châu Á: Một Cuộc cử hành Ðức tin và Sự sống".

Các tham dự viên được phân vào một trong 20 nhóm hội thảo, mỗi nhóm được đặt theo tên của một vị thánh và thánh tử đạo của châu Á, trong đó có một nhóm lấy tên Thánh Andrew Kim Tae-Gon, linh mục Hàn Quốc đầu tiên bị chém đầu năm 1846.

Trong nhóm đó, cha Bandit Thammavong, một trong khoảng 500 người Thái tại Hội nghị Truyền giáo Á châu (AMC), đã kể lại lúc còn thiếu niên ngài thường viếng thăm một linh mục dòng Chúa Cứu Thế tại nhà thờ của ngài ở miền đông bắc Thái Lan như thế nào. Cha Bandit cho biết ngài vẫn còn nhớ đã xem vị thừa sai người Mỹ đó là người "khiêm tốn và giản dị" và tự nhủ đây là mẫu người ngài muốn khi lớn lên.

Cha Bandit cho ơn gọi của mình là do cảm hứng ngài có được từ vị linh mục thừa sai đó trong giáo xứ quê ngài, giáo xứ Ðức Kitô Vua, nơi mà ngài và các trẻ em khác thường đi lễ và sau đó học giáo lý. Chàng trai trẻ Bandit trở thành linh mục khi 29 tuổi. Ngài chịu chức năm 1993, sau khi học xong triết học và thần học tại Ðại Chủng viện Quốc gia Lux Mundi gần Bangkok.

Giờ đây, với tư cách là chánh xứ Ðức Mẹ Trung Gian Các Ơn trong tổng giáo phận địa phương Tharae-Nongsaeng, ngài cho biết ngài vẫn còn dùng kinh nghiệm với tu sĩ dòng Chúa Cứu Thế đó khi chăm sóc mục vụ cho giáo dân, hầu hết là nông dân.

Ngài còn dành thời gian cho thiếu nhi trong giáo xứ, các em thường xuyên ngồi chật kín phía sau xe tải của ngài để đi dạo hay đi picnic.

Theo cha Bandit, một ảnh hưởng nữa trong đời ngài là một nữ tu trong giáo xứ quê nhà của ngài khi ngài còn nhỏ. Ngài không nhớ tên của nữ tu, nhưng không thể quên cách nữ tu thường phát thức ăn cho ngài và các cậu con trai khác khi đi lễ.

Cha Bandit còn thừa nhận: "Chúng tôi mong muốn đi lễ bởi nữ tu thường dành thời gian chơi đùa với chúng tôi".

Christina Kheng, một nhà hoạt động phát triển xã hội ở Singapore, kể với một nhóm khác về câu chuyện của bà, trong đó có một kinh nghiệm đặc biệt về Ðức Kitô đã làm thay đổi cuộc đời bà. Người Singapore này cho biết ông nội người gốc Trung Hoa của bà được rửa tội sau khi tìm hiểu về đức tin từ một linh mục Hội Thừa sai Hải ngoại Paris phục vụ ở Sán Ðầu, trong tỉnh Quảng Ðông thuộc miền nam Trung Quốc.

Bà kể chi tiết cách mà bà được nuôi dạy trở thành người Công giáo. Sau khi tốt nghiệp một trường phổ thông Công giáo và các đại học ở Úc và Singapore, bà làm việc cho một ngân hàng. Có lần bà bị lôi cuốn vào đời sống tu trì nhưng bà cũng trải qua một thời gian tìm kiếm ý nghĩa trong cuộc đời. Bà kể bà "đã xem mọi thứ là chuyện đương nhiên" và "còn nghi ngờ có Thiên Chúa hay không" như thế nào.

Một tai nạn xe mô-tô xảy ra với bà đã giúp bà tìm lại ý nghĩa và trật tự trong đời. "Tôi có thể cảm nghiệm lại được sự hiện diện của Thiên Chúa, và phần còn lại là thanh luyện", bà nói. Kể từ đó, Kheng hoạt động tích cực trong các dịch vụ Giáo hội và xã hội. Bà bắt đầu giúp đỡ bạn bè và sau đó bắt đầu làm việc với Quỹ Ung thư Trẻ em, một tổ chức phi chính phủ gây quỹ giúp trẻ em ung thư và bố mẹ chúng. Tổ chức này còn tài trợ nghiên cứu ung thư và đào tạo nhân viên y khoa.

Kheng nói: "Tôi thực sự thích làm việc với các nhóm hành động xã hội Công giáo và các tổ chức phi chính phủ, và tôi đang làm việc theo cách kết hợp thần học và quản lý. Tôi đang nghiên cứu các chương trình cải tiến thừa tác vụ Công giáo và tìm cách kết hợp quản lý và đời sống đạo đức".

Trong phần suy tư thần học cuối ngày thứ nhất, cha Julian Saldanha, dòng Tên, nhắc nhở các tham dự viên rằng "Chúa Giêsu là câu chuyện hay nhất của Thiên Chúa", và tất cả đều nói về câu chuyện này, như là một phần trong Giáo hội Kitô.

Cha Saldanha nói người Kitô hữu cần chia sẻ sự thật về nạn nghèo đói và bất bình đẳng, và cũng "cần chia sẻ sự thật về sự giáo dục tạp nham". Ngoài ra, ngài nói, câu chuyện Chúa Giêsu "không phải là câu chuyện tiếc nuối quá khứ, mà phải được sống và thể hiện trong cộng đồng".

Các cuộc thảo luận sử dụng tiếng Anh hoặc các ngôn ngữ khác. Trong một số trường hợp, phần chia sẻ thành công mặc dù tiếng Anh bị dùng sai hay với sự giúp đỡ của một thông dịch viên tình nguyện. Một số cuộc thảo luận không đưa ra định hướng cho tương lai, trong khi các hội thảo khác rất sôi nổi, hăng say đề xuất ý kiến và chân thành góp ý bổ sung. Hầu như luôn kèm theo tiếng vỗ tay sau đó và đôi khi còn có cả tiếng cười.

 

UCAN

 

 

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page