Hội nghị Truyền giáo kết thúc

bằng phần chia sẻ đức tin

liên quan đến các bộ lạc Thái Lan và cây lúa

Prepared for Internet by Vietnamese Missionaries in Asia

 

Hội nghị Truyền giáo kết thúc bằng phần chia sẻ đức tin liên quan đến các bộ lạc Thái Lan và cây lúa.

Chiang Mai, Thái Lan (UCAN AS01329.1416 Ngày 25-10-2006) -- Ngày cuối cùng của Hội nghị Truyền giáo Á châu (AMC) ở miền bắc Thái Lan có một phong vị địa phương đặc biệt.

Sáng ngày 22-10-2006, nổi bật trong buổi chia sẻ đức tin là các bộ lạc Thái Lan, sau đó là phần trình bày tổng quát về hội nghị bằng tiếng Thái của một giáo dân Công giáo nổi tiếng, và các bài kết thúc Hội nghị Truyền giáo Á châu (AMC) do hai đức tổng giám mục trình bày.

Hơn 1,000 người Công giáo địa phương đã cùng hơn 1,000 tham dự viên Hội nghị Truyền giáo Á châu (AMC) tham dự phần cử hành Thánh Thể cuối cùng của hội nghị từ ngày 18-22/10/2006 tại Chiang Mai, cách Bangkok 700 kilômét về phía bắc. Thánh lễ bế mạc Hội nghị Truyền giáo Á châu (AMC) trùng với lễ Chúa nhật Truyền giáo năm nay (2006).

Cha Niphot Thienviharn hướng dẫn buổi chia sẻ đức tin về đạo Công giáo trong văn hóa bộ lạc Thái Lan với sự tham gia của ba người Công giáo bộ lạc thế hệ thứ hai.

Cha Niphot thành lập và quản lý một trung tâm về các vấn đề liên tôn và văn hóa trực thuộc giáo phận Chiang Mai ở miền bắc Thái Lan. Hơn hai thập niên qua, trung tâm đã tạo cơ hội học tập bằng cách tổ chức các hội nghị cho người Thái và người bộ lạc về quản lý, tổ chức cộng đồng, các giá trị văn hóa và tôn giáo.

Vị linh mục nói với các tham dự viên: "Chúng tôi nhận thấy mọi sắc tộc đều có lối sống liên kết chặt chẽ với ít nhất ba chiều kích -- quan hệ với Ðấng Tuyệt đối, với thiên nhiên và với tha nhân, gia đình và cộng đồng".

Ngài giải thích, ba chiều kích này "kết hợp chặt chẽ với nhau và đem lại sự sống... những niềm tin và thực hành này giúp thiên nhiên và con người và Ðấng Tuyệt đối sống hòa hợp". Ngoài ra, "mối liên kết không thể thiếu của ba chiều kích này giúp làm sâu sắc thêm niềm tin, đức hạnh, đạo đức và luân lý, và nó ảnh hưởng đến lối tư duy và cách sống của người thiểu số".

Sau đó cha Niphot giải thích vai trò của cây lúa trong văn hóa địa phương. Vì giá trị và tầm quan trọng của lúa mà người địa phương đã có một mạng lưới giá trị của lúa rộng lớn. Và bởi vì lúa là lương thực chính của họ, "phần quan trọng nhất trong cuộc sống của họ, họ tin lúa tự nó có linh hồn, ban sự sống, có đức hạnh, hay Dharma hay sự thật, và lúa thúc đẩy tình đoàn kết nơi người dân trong cộng đồng".

Ngài nói, vì thế "lúa phải được chia sẻ với người khác, đặc biệt là người nghèo, bởi vì người thiểu số tin rằng chúng ta càng chia sẻ nhiều, chúng ta càng có công trạng nhiều, và Ðấng Tuyệt đối sẽ chúc lành và bảo vệ chúng ta" nhiều hơn.

Cầm một nắm lúa trong tay phải và một ảnh chịu nạn ở tay trái, ngài nói Giáo hội đã dùng lương thực bản xứ để chỉ cho người bản xứ thấy rằng đức tin hết sức cần thiết cho sự sống và giống như cây lúa, Ðức Kitô đã chết để chúng ta được sống.

Cha Niphot còn nói lúa giống như một tính chất chung đối với mỗi tín ngưỡng và văn hóa. "Ðiều này tương tự với đức tin Kitô giáo và Thánh thể, khi người ta tụ tập lại cùng nhau ăn uống", và còn "thúc đẩy sự hiệp nhất, và biến đổi giáo huấn tôn giáo thành 'mình và máu' trong tất cả các khía cạnh đời sống".

Sau phần chia sẻ đức tin này, Chainarong Monthienvichienchai, phó hiệu trưởng Ðại học Thánh Gioan do giáo dân Công giáo quản lý ở Bangkok, đọc bản tóm tắt toàn bộ hội nghị bằng tiếng Thái, đặc biệt là dành cho đồng bào Thái đang xem biên bản lưu giữ trực tiếp bằng video trên Internet.

Chainarong, cố vấn cho Hội đồng Giáo hoàng về Truyền thông Xã hội, nói rằng người Thái "nên tự hào rằng châu Á là châu lục mà Chúa Giêsu đã sinh ra và là nơi sinh ra các tôn giáo quan trọng của thế giới", nhưng "nhiều người vẫn đang chờ nghe câu chuyện Chúa Giêsu".

Nhờ cha Niphot và những người giống như ngài, ông nói, "một số người trong chúng ta đã nghe câu chuyện này, và giờ đây chúng ta có bổn phận tạo cơ hội cho người khác cùng biết".

Thách đố này sẽ không dễ, Chainarong thừa nhận, bởi vì "chúng ta không rành kể chuyện này. Nó mới đối với chúng ta. Tại sao chúng ta không nói như thế? Tại sao chúng ta lại chờ cho đến hội nghị này?

Ông nói, giống như những nơi khác ở châu Á, người Công giáo Thái phải tôn trọng văn hóa địa phương. "Chúng ta nên tôn trọng và hiểu mọi nền văn hóa. Chúng ta không cố thay đổi họ nhưng cố gắng tìm hiểu và giúp họ nhận biết Chúa Giêsu theo cách riêng của họ".

Ông nói: "Hội nghị này sẽ vô ích nếu chúng ta làm ngơ không biết và không thể nói chuyện với người khác, để họ có thể biết về tình yêu của Thiên Chúa và câu chuyện Chúa Giêsu". Tuy nhiên, trước hết "chúng ta phải tự hỏi liệu chúng ta có câu chuyện Chúa Giêsu đúng đắn chưa".

Sứ mệnh "kể chuyện quan trọng đối với tất cả chúng ta, không phải chỉ đối với linh mục hay nữ tu", ông còn nói. "Chúng ta phải lấy Chúa làm trung tâm, sống đời sống cầu nguyện, nói chuyện với Chúa. Chúng ta làm như thế không chỉ bằng cách mở sách ra mà còn chia sẻ và dành thời gian cho Chúa. Chúng ta nhận thấy Chúa qua cuộc sống và các hoạt động của chúng ta, và chúng ta thấy câu chuyện Chúa Giêsu trong đời sống, gia đình và cộng đoàn chúng ta".

Ðức Tổng Giám mục Orlando Quevedo của Cotabato, Philippines, tổng thư ký của Liên Hội đồng Giám mục Á châu, tổ chức tài trợ cho Hội nghị Truyền giáo Á châu (AMC), sau đó đã hướng dẫn tổng hợp kết thúc hội nghị và đọc thông điệp về Hội nghị Truyền giáo Á châu (AMC) dành cho Dân Chúa tại châu Á. Thông điệp nói: "Chúng ta đã nghe nhiều câu chuyện truyền cảm, quá nhiều không thể đếm được, các câu chuyện về cuộc sống, đức tin, đức tính anh hùng, phục vụ, cầu nguyện, đối thoại và công bố Tin Mừng... Câu chuyện Chúa Giêsu là dòng mạch chung, liên kết tất cả các kinh nghiệm trong cuộc sống này thành một câu chuyện chính... các Giáo hội địa phương tại châu Á có thể trung thành với sứ mệnh của Ðức Kitô bằng cách kể đi kể lại câu chuyện Chúa Giêsu cả bằng lời nói và việc làm phục vụ hữu hiệu".

Sau đó Ðức Tổng Giám mục Ấn Ðộ Vincent Concessao của Delhi đã trình bày các nghị quyết của Hội nghị Truyền giáo Á châu (AMC), được nêu lên trong một bản văn riêng là "Ðịnh hướng và Ưu tiên".

Trong văn kiện này, các tham dự viên cam kết chú tâm đến các ưu tiên đặc biệt để làm cho câu chuyện Chúa Giêsu sống động hơn tại châu Á. Họ còn quyết tâm làm quen với các truyền thống tôn giáo khác, và tăng cường "thái độ hiểu biết và tôn trọng đối với các tôn giáo khác" trong các cơ sở giáo dục và đào tạo của họ.

Các tham dự viên AMC còn lưu ý đến nhu cầu xây dựng các gia đình "thăng tiến trong tinh thần cởi mở và có thái độ khiêm tốn đối với mầu nhiệm Thiên Chúa đang tác động trong các tôn giáo khác", và khuyến khích và trang bị cho giáo dân, giới trẻ, di dân và những người bị xã hội ruồng bỏ tham gia truyền giáo và phúc âm hóa của Giáo hội.

Họ còn kêu gọi các hội đồng giám mục tổ chức các hội nghị truyền giáo cấp quốc gia và khu vực, nhằm "tăng cường nhận thức mới về sứ mệnh kể chuyện Chúa Giêsu theo cách Á châu cho các dân tộc châu Á".

Khi phiên họp cuối kết thúc trong hội trường, các hành lang bên ngoài đã chật ních người Công giáo địa phương, hầu hết đến từ Trường Trung học Montfort, nơi vừa mới đăng cai tổ chức Catholic Games của giáo phận Chiang Mai, một lễ hội thể thao dài bốn ngày. Họ đã đi diễu hành bảy kilômét từ trường học này đến nơi tổ chức hội nghị trong hai giờ, vừa đúng lúc bắt đầu Thánh lễ 11 giờ trưa. Họ kéo đến đứng chật các hành lang của nơi tổ chức hội nghị, và rồi ngồi trên nền nhà trong giờ lễ.

Nổi bật trong Thánh lễ, do Ðức Hồng y Crecenzio Sepe của Naples, Ý, đặc sứ đại diện Ðức Thánh cha Bênêđictô XVI tham dự Hội nghị Truyền giáo Á châu (AMC) chủ tế, và cùng đồng tế với ngài có Ðức Hồng y Ivan Dias, tổng trưởng Thánh bộ Truyền giáo (CEP), là phần quyên góp cho công tác truyền giáo và nghi thức sai đi.

Ðức Hồng y Sepe làm phép một Thánh giá cho mỗi quốc gia có đại diện tham dự Hội nghị Truyền giáo Á châu (AMC) và trao cho một đại diện của mỗi quốc gia, kèm theo phép lành đặc biệt.

Ðức Hồng y Sepe làm tổng trưởng của Thánh bộ Truyền giáo (CEP) từ ngày 9-4-2001 đến khi ngài được bổ nhiệm làm tổng giám mục của Naples hôm 20-5-2006. Ðức Hồng y Ivan Dias của Ấn Ðộ, cựu tổng giám mục của Bombay, kế vị ngài trong Thánh bộ này.

Cecelia Panita Amornsiriwattana, 26 tuổi, một người Công giáo địa phương thuộc bộ lạc Akha, đã tham gia diễu hành từ Catholic Games đến hội nghị, nói với UCA News rằng chị rất cảm động. "Tôi vui mừng có mặt ở đây. Tôi đã chứng kiến đức tin và sự hiệp nhất của những người đến từ khắp châu Á và đây còn là cơ hội tốt giúp tôi gặp được các linh mục và giám mục, và nhất là hai Hồng y Sepe và Dias".

 

UCAN

 

 

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page