Hơn 1,000 người đã đến tham dự

Ðại Hội Truyền Giáo Á Châu lần thứ I

tại Chiang Mai, Thái Lan

Prepared for Internet by Vietnamese Missionaries in Asia

 

Hơn 1,000 người đã đến tham dự Ðại Hội Truyền Giáo Á Châu lần thứ I tại Chiang Mai, Thái Lan.

Chiang Mai, Thái Lan (Tin Tổng Hợp Vat. và FABC 20/10/2006) -- "Ðức Kitô sinh ra tại Á Châu, lớn lên tại Á Châu và đã chết tại Á Châu... Nhưng đối với người dân Á Châu, Ngài vẫn còn là một người xa lạ, họ vẫn nhìn Kitô giáo như một tôn giáo của Tây Phương". Ðó là lời phát biểu của Linh mục Saturnino Dias, trưởng ban điều hành Ðại Hội Truyền Giáo Á Châu. Ngài nói tiếp: "Mặc dầu Kitô giáo được phát sinh tại Á Châu, nhưng số phận của tôn giáo này tại lục địa Á Châu vẫn chưa được may mắn lắm. Bởi vậy, cùng với Ðại Hội Truyền Giáo Á Châu lần này, chúng ta phải đưa Chúa Giêsu trở về với người dân Á Châu, phải kể cho họ những câu chuyện về Chúa Giêsu tại Á Châu, và làm cho họ nhận biết rằng Chúa Giêsu Kitô là người Á Châu".


Từng đoàn đại biểu của các Giáo Hội khắp lục địa Á Châu hân hoan tiến về Chiang-mai, Thái Lan, để tham dự Ðại Hội Truyền Giáo Á Châu Lần Thứ I từ ngày 18 đến ngày 22 tháng 10 năm 2006.


Ðức Tổng Giám Mục Orlando Quevedo, Tổng Thư Ký Liên Hội Ðồng Giám Mục Á Châu, nói: "Cho đến ngày hôm nay, tuy Kitô giáo đã có mặt tại Á Châu trong mấy thế kỷ rồi, nhưng tỷ lệ các Kitô hữu tại Á Châu này chỉ có 1 phần trăm tổng dân số của lục địa. Họ chỉ là một đàn chiên nhỏ bé".

Lịch sử và tình hình chính trị tại các quốc gia Á Châu mang một vai trò rất đặc biệt ảnh hưởng đến các sinh họat tôn giáo của các Kitô hữu tại Á Châu. Trong số 52 quốc gia tại Á Châu, có khoảng 32 quốc gia nghiêm cấm những hoạt động của Kitô giáo. Các quốc gia Hồi Giáo, từ Trung Ðông cho đến Pakistan, Indonesia và Malaysia, thường có những hình phạt nặng nề cho những ai muốn làm cho người khác cải đạo. Ấn Ðộ và Sri lanka càng ngày càng gia tăng thêm các luật lệ chống lại việc cải đạo. Các quốc gia Cộng Sản như Trung Quốc, Lào, Việt Nam và Bắc Hàn vẫn còn gây nhiều khó khăn cho giáo hội, tuy họ vẫn rêu rao rằng việc bách hại Giáo Hội không còn nữa.

Với những hoàn cảnh đau khổ và khó khăn trên, các Giáo Hội tại Á Châu vẫn đang phải tiến bước. Họ cần phải canh tân Ðức Tin của họ và phải sẵn sàng trở thành chứng nhân Tin Mừng mà không một bách hại hay cấm cách nào có thể ngăn cản họ nổi.

Ðể giải quyết những vấn nạn trên và để chuẩn bị cho việc truyền Giáo tại Á Châu được phát triển hơn, trên 1,000 người đã đến tham dự Ðại Hội Truyền Giáo Á Châu lần thứ I tại Chiang Mai, thành phố lớn thứ hai của Thái Lan, cách Bangkok 700 kilômét về phía bắc. Trong số các tham dự viên có hơn 70 giám mục và hồng y, khoảng 380 linh mục, gần 200 nam nữ tu sĩ và khoảng 400 giáo dân.

Khi máy bay chở các đại biểu Á Châu đáp xuống phi trường Chiang Mai hôm 18/10/2006, các vị chủ nhà Thái Lan đã vui mừng chào đón các vị khách bằng những nụ cười và vòng hoa choàng cổ màu vàng theo phong tục người Thái. Khách được đưa đến nơi diễn ra đại hội là khách sạn Lotus Pang Suan Kaew, nơi có những bông sen khổng lồ với những dải cờ màu vàng lấp lánh đu đưa treo ở 12 tầng lầu.

Rất đông nhân viên khách sạn đã làm việc cả ngày hôm đó, vẫy tay chào các nhà truyền giáo đến từ khắp châu Á. Gần phân nửa tham dự viên đến từ Thái Lan, và phần lớn số còn lại đến từ hơn 20 quốc gia và vùng lãnh thổ châu Á. Hơn 30 người đến từ châu Âu và hơn 10 người đến từ các nơi khác.

Như thường lệ, lòng hiếu khách của người Thái không bao giờ thiếu hay giảm. Ngoài các đại biểu và quan sát viên, "Vùng đất của những nụ cười" này trợ giúp rất nhiều cho ban tổ chức. Theo ban tổ chức, 74% tham dự viên Ðại Hội Truyền Giáo đến từ Ðông Nam Á, 11% đến từ Nam Á, 10% đến từ Ðông Á và một số ít đến từ Trung Á.

Ðức Hồng y Crescenzio Sepe, đặc sứ của ÐTC, cũng đã có mặt tại Ðại Hội. Trong ngày khai mạc, Ðức Hồng Y Sepe đứng lên từ giữa hàng ghế đầu dành cho đại biểu sau khi xem một vũ điệu chúc mừng theo truyền thống Thái Lan. Bốn hồng y khác cùng với 70 đức tổng giám mục và giám mục đã cùng ngài khai mạc cuộc triển lãm. Một số vị hướng dẫn từng đoàn người đến xem khu trưng bày các nhu cầu và hoạt động thừa sai ở 18 quốc gia và lãnh thổ châu Á.

Ðại Hội lần này không có sự tham dự của các đại biểu Trung Quốc đại lục. Các thành viên ủy ban điều hành nói rằng họ đã cố gắng thuyết phục những người ở quốc gia rộng nhất và đông dân nhất châu Á này, nhưng họ không thể đến được.

Nhiều đại biểu của các giáo hội theo nghi lễ Ðông Phương thuộc các quốc gia Trung Ðông cũng vắng mặt trong Ðại Hội lần này. Có lẽ vì tình trạng khó khăn của quốc gia họ. Tuy vậy, vẫn có 3 đại biểu đến từ Li Băng: Ðức cha Antoine Nabil Andari, Giám Mục Jounieh của Giáo Hội Công Giáo theo Nghi lễ Maronite; Linh mục Paul Karam, giám đốc văn phòng bác ái xã hội của Tòa Thánh; và Jessica Abu Haidar, một giáo dân.

Ðại Hội Truyền Giáo Á Châu đã thành công tốt đẹp qua ngày họp thứ nhất (Thứ Năm 19/10/2005). Ngày họp thứ hai của Ðại Hội (Thứ Sáu 20/10/2006) được tiếp tục diễn tiến tại Khách Sạn Lotus Pang Suan Kaew. Trong ngày họp thứ hai, các đại biểu chuẩn bị chia sẻ những câu chuyện về Chúa Giêsu trong các tôn giáo khác nhau tại Á Châu: Hồi Giáo, Phật Giáo, Ấn Ðộ Giáo, các tôn giáo truyền thống dân gian của Ấn Ðộ.

Anh M Abdus Sabur, tổng thư ký điều hành Tổ Chức đối thoại Hồi Giáo Á Châu, xuất thân từ một ngôi làng Hồi Giáo ở Bangladesh, đã chia sẻ những kinh nghiệm của anh khi làm việc chung với những người Kitô giáo trong nhiều năm qua, và từ những kinh nghiệm đó, anh đã cảm nhận được rằng có rất nhiều điểm tương đồng giữa Hồi Giáo và Kitô giáo.

Tu sĩ Dominican Jean Takana xuất thân từ một gia đình Phật Giáo Nhật Bản, đã chia sẻ với mọi người những kinh nghiệm của anh giống tựa như câu chuyện tự thú của thánh Augustinô, con đường trở lại để biến thành một kitô hữu và rồi trở thành một vị tu sĩ.

Thầy Aravindasha Menon xuất thân từ một gia đình Brahmin của Ấn Ðộ Giáo, đã chia sẻ với mọi người những hoàn cảnh của anh khi anh tìm được đức tin sau suốt thời gian dài ba năm sống không biết gì đến Thiên Chúa. Hiện nay anh đã là một giảng viên dạy về Lời Chúa trong suốt 14 năm nay.

Ðến câu chuyện truyền giáo của anh Chotanagpur, xuất thân từ một gia đình rất trung thành với tôn giáo truyền thống dân gian của Ấn Ðộ. Nhưng cuối cùng anh cũng đã đi theo tiếng gọi của Ðức Hồng Y Telesphore Toppo, chủ tịch Hội Ðồng Giám Mục Ấn Ðộ.

Sau những chia sẻ trên, chiều thứ Sáu, 20/10/2006, các thành viên sẽ được chia thành nhiều nhóm để thảo luận và chuẩn bị trả lời cho câu hỏi: Bạn nghĩ gì về những người theo các tôn giáo khác trong nước bạn?

 

Chuyển dịch Việt ngữ: Joseph Trương

 

 

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page