Các nhân viên Giáo hội về truyền giáo

mong đợi hội nghị truyền giáo

mang lại cảm hứng và hợp tác

Prepared for Internet by Vietnamese Missionaries in Asia

 

Các nhân viên Giáo hội về truyền giáo mong đợi hội nghị truyền giáo mang lại cảm hứng và hợp tác.

Antipolo, Philippines (UCAN - PL01203.1413 Ngày 5-10-2006) -- Những người đề xướng truyền giáo hy vọng cuộc họp châu Á sắp tới sẽ thúc đẩy đồng bào Công giáo Philippines chia sẻ trách nhiệm thực hiện sứ mệnh truyền giáo được Giáo hội của họ phổ biến cách đây nhiều năm.

Cha Andrew Recepcion cho rằng Hội nghị Truyền giáo Á châu từ ngày 18-22/10/2006 tại Chiang Mai, Thái Lan, sẽ "thất bại" nếu các tham dự viên tu sĩ và giáo dân không thể "mang nhiệt huyết truyền giáo" trở về các Giáo hội quê hương của họ.

Vị đứng đầu nhóm truyền giáo của tổng giáo phận Caceres ở thành phố Naga, cách Manila 255 kilômét về phía đông nam, nằm trong ban tổ chức hội nghị do Liên Hội đồng Giám mục Á châu tổ chức. Ngài nói chuyện với UCA News hôm 1-10-2006 tại thành phố Antipolo, phía đông Manila.

Cuộc họp sẽ chỉ còn là một "ký ức tốt đẹp" nếu công cuộc truyền giáo "vẫn còn nằm bên lề hoạt động của các Giáo hội địa phương", vị linh mục chuyên gia về truyền giáo học nói.

Ðức Giám mục dòng Ngôi Lời đã nghỉ hưu Vicente Manuel của San Jose, cũng được mời tham dự hội nghị, trước đây là chủ tịch Ủy ban Giám mục về Truyền giáo. Ngài nói với UCA News: "Ðiều mà chúng tôi là những người Philippines mong đợi từ hội nghị này là tinh thần cam kết". Ngài nói thêm: "Chúng ta phải học hỏi từ cách cam kết của những người châu Á khác và làm thế nào để phổ biến đức tin của chúng ta cho những người không tin".

Ðức cha lưu ý, các Giáo hội ở những nơi Kitô hữu chiếm thiểu số có "nhiều" người được tôn phong thánh và chân phước hơn Philippines. Ngài còn hy vọng các Giáo hội có thừa sai được bổ nhiệm đến sẽ tận tâm hỗ trợ công tác và thường huấn cho các thừa sai.

Trong thời gian ngài đứng đầu ủy ban giám mục này, Giáo hội Philippines tuyên bố cam kết truyền giáo trong nhiều văn kiện và lên kế hoạch hành động để thực hiện ước mơ trở thành Giáo hội truyền giáo. Kế hoạch Truyền giáo Quốc gia được Hội đồng Giám mục Công giáo Philippines thông qua năm 2002, nhằm mục đích xây dựng một Giáo hội truyền giáo. Mục đích xem Giáo hội là "dân Chúa tràn đầy tinh thần truyền giáo, ý thức trách nhiệm truyền giáo và hợp tác hữu hiệu với và giúp đỡ toàn diện hoạt động truyền giáo 'ad gentes' (ở các quốc gia) đặc biệt là trên châu Á rộng lớn này.

Kế hoạch được rút ra từ các cuộc thảo luận và nghị quyết của Hội nghị Truyền giáo Quốc gia thứ Nhất trước đó hai năm, khi 2,300 tham dự viên suy nghĩ về chủ đề "Nói cho Thế giới biết về Tình yêu của Ngài". Họ khám phá những mặt quan tâm chính, và nhiều sáng kiến và đề xuất nỗ lực giải quyết các mặt này trong những năm sau đó, trong đó có đề xuất thành lập Hội Tu sĩ Thừa sai Quốc gia.

Ðầu năm nay, ủy ban truyền giáo đã nêu lên những mặt quan tâm chính của mình trong ba năm tới như là thúc đẩy và đào tạo truyền giáo trong 86 giáo phận trong quốc gia và trong các trường học, chủng viện, trung tâm giáo lý và các nhóm canh tân do giáo dân quản lý. Ủy ban còn nhấn mạnh đến thúc đẩy hòa hợp và hợp tác trong các hoạt động truyền giáo, phát hiện và đào tạo các cổ động viên truyền giáo.

Ðức ông Gilbert Garcera, thư ký điều hành ủy ban truyền giáo, nói với UCA News rằng ngài hy vọng ủy ban có thể "phát hiện ra những người hướng dẫn và nhân viên truyền giáo năng nổ tận tâm thực hiện các nghị quyết của Hội nghị Truyền giáo Á châu và khích lệ các hội đoàn truyền giáo có tổ chức".

Linh mục dòng Claret Domingo Moraleda, đứng đầu Tu hội Ðời sống Tận hiến ở châu Á, cũng là khách mời tham dự hội nghị. Ngài nói với UCA News rằng đề xuất thành lập Hội Truyền giáo Quốc gia vẫn là "một ý tưởng đáng theo đuổi", ngay cả khi không thể trở thành hiện thực do "thiếu hợp tác".

Ðức Giám mục đã nghỉ hưu dòng Chúa Cứu Thế Ireneo Amantillo của Tandag nằm trong ban soạn thảo kế hoạch năm 2002. Ngài nói với UCA News hồi tháng 9/2006 rằng đề xuất lấy truyền giáo học làm môn học nòng cốt trong các chủng viện "chưa được thực hiện tốt lắm, nhưng đây là việc làm rất hay".

Chủng viện San Jose do các tu sĩ dòng Tên quản lý ở thành phố Quezon dành cho các linh mục triều, không bắt buộc chủng sinh học truyền giáo học. Linh mục dòng Tên Victor de Jesus, giám đốc chủng viện, nói với UCA News rằng các môn liên quan đến truyền giáo và truyền giáo học "được sát nhập vào môn Kitô học và các môn bắt buộc khác, bởi vì các môn chính đã quá nhiều rồi".

Mặt khác, tất cả các chủng sinh và các học viên khác theo học lấy bằng cấp tại Trường Thần học Maryhill, cũng ở thành phố Quezon, mạn đông bắc Manila, buộc phải học các môn về truyền giáo, Hồi giáo và Phật giáo, và tìm hiểu các nền văn hóa, theo cha Andre De Bleeker. Vị linh mục thuộc dòng Khiết Tâm Ðức Mẹ, dòng tu quản lý chủng viện này.

Tại đại chủng viện của tổng giáo phận Cebu, miền trung Philippines, các chủng sinh được yêu cầu học môn Truyền giáo và Ðại kết, và một môn học về các tôn giáo ngoài Kitô trong bốn năm học thần học, nhà đào tạo này nói với UCA News.

Hôm 18-9-2006, linh mục Alvin Parantar thuộc Hội Truyền giáo Philippines nói với UCA News rằng hội của ngài đã thông qua nghị quyết tổ chức một chương trình truyền giáo thực tế đã được đề xuất cho các linh mục Philippines, nhưng "chưa bao giờ thực hiện được". Thay vì thế, hội nhận linh mục triều vào hội "tham gia truyền giáo trong ba năm trên cơ sở tạm thời". Theo cha Parantar, hiện có hai linh mục đang phục vụ ở Papua New Guinea và một linh mục ở Nam Mỹ.

 

UCAN

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page