4. Vấn đề Ơn Cứu Ðộ

cho những người ngoài Kitô giáo

 

Prepared for Internet by Vietnamese Missionaries in Asia

 

I. Niềm vui Ơn Cứu Ðộ đến cho muôn người

Thời còn học ở Tiểu Chủng Viện, có một lần tôi và một người bạn đùa với nhau rồi đi tới cãi nhau, chung quy vẫn là vấn đề những người chưa Rửa tội sau khi chết có được lên Thiên Ðàng không. Vẫn cứ lập luận cũ rích thời tiền công đồng, anh bạn trả lời, "đương nhiên chưa Rửa tội thì làm sao mà lên Thiên Ðàng được". Thế là tôi tức khắc, lý luận với anh bạn: "300 năm về trước, ông bà tổ tiên của tôi, những người sinh ra và chết đi trước khi Tin Mừng của Chúa Giêsu được truyền vào Việt Nam, họ là những người hiền lành chất phác, họ hy sinh dưỡng dục dạy dỗ những người trong dòng họ của tôi để biết ăn ngay ở lành, nhờ đó đời này truyền qua đời khác, và giúp tôi có nền tảng hôm nay để biết sống trong ơn nghĩa Chúa, giữ đạo và sống đạo. Nếu mà họ cũng không được lên Thiên Ðàng thì buồn quá".

Ðương nhiên Thiên Chúa lòng lành vô cùng và thông biết mọi sự, Ngài là Người Cha nhân từ, là Ðấng luôn tha thứ, Ngài sẽ chiếu theo lượng công bình của Ngài để mà xét đoán những người thiện tâm, tuy chưa biết Chúa nhưng vẫn sống trong sự quan phòng và tràn đầy tình thương của Chúa, chắc chắn họ cũng có thể được lãnh nhận ơn Cứu Ðộ. Nhưng ơn Cứu Ðộ này đến với những người ngoài Kitô giáo như thế nào? Giáo hội giải thích như thế nào về ơn cứu độ cho những người ngoài Kitô giáo? Chúng ta sẽ lần lượt dựa theo những tài liệu của Giáo hội để tìm hiểu vấn đề Ơn Cứu Ðộ cho những người ngoài Kitô giáo này.

II. Vấn đề Ơn Cứu Ðộ cho những người ngoài Kitô giáo

(1) Trước Công Ðồng Vatican II (1962-1965), lập trường truyền thống của Giáo hội là: "Ngoài Giáo hội không có ơn Cứu Ðộ" ("extra ecclesiam nulla salus"). Ðây là câu nói nổi tiếng của Giáo phụ Origen (khoảng năm 185-254) và Cyprian (200-258), sau này Công Ðồng Florence (1442) cũng tuyên bố nguyên tắc này (DS 1351).

(2) Công Ðồng Vatican II đối với vấn đề Ơn Cứu Ðộ cho những người ngoài Kitô giáo có thái độ cởi mở hơn, trong hiến chế về Giáo Hội "Ánh Sáng Muôn Dân" (Lumen Gentium), một mặt nhắc lại tính quan trọng của Ơn Cứu Ðộ trong Giáo Hội (Lumen gentium - LG 10), nhưng một mặt lại mở rộng phạm vi của Giáo Hội; những kitô hữu đã chịu phép Rửa tội thì đương nhiên là những con cái của giáo hội, nhưng những người ngoài Kitô giáo chưa lãnh nhận Tin Mừng, nhờ vào nhiều phương cách khác nhau cũng có liên quan tới đoàn thể Dân Chúa: "vã lại những người ngoài Kitô giáo kia, nếu không phải do lỗi ở chính mình mà không nhận biết Tin Mừng của Ðức Kitô và Giáo Hội của Ngài, nhưng thành tâm tìm kiếm Thiên Chúa, dựa theo những chỉ dẫn của lương tâm, nhờ vào ơn Chúa soi sáng, thực hành Thánh Ý Thiên Chúa, họ cũng có thể có được sự sống đời đời." (Lumen gentium - LG 16). Hiến chế còn nói tiếp, kể cả những người chưa nhận biết Thiên Chúa, hay không có tín ngưỡng, chỉ cần họ thành tâm thiện ý và hành động căn cứ theo lương tâm, Thiên Chúa cũng sẽ ban cho họ những ơn ích cần thiết để giúp họ được cứu độ. Hiến chế cũng nhắc đến trách nhiệm truyền giáo của Giáo hội, nhưng giải thích rằng, trong khi rao giảng Tin Mừng, Giáo hội không có ý loại bỏ những chân lý và thiện mỹ của những truyền thống của các tôn giáo hay văn hóa, nhưng muốn bảo tồn những điểm này, và đưa những truyền thống này đến nơi viên mãn của nó (Lumen gentium - LG 17). Cũng vậy, Sắc Lệnh "Rao Giảng Tin Mừng" (Ad gentes divinitus) một mặt nhấn mạnh sứ mệnh truyền giáo của Giáo hội, một mặt nhìn nhận những tôn giáo khác cũng có những điểm tích cực để có thể dẫn đưa các tín đồ của họ tìm về Thượng Ðế, và cũng là những điểm làm nền tảng chuẩn bị cho họ lãnh nhận Tin Mừng (Ad gentes divinitus - AG 3). Ngoài ra, trong Hiến Chế Mục Vụ "Vui Mừng và Hy Vọng" (Giáo Hội Trong Thế Giới Ngày Nay) (Gaudium et spes) càng nhắc rõ Thánh Thần sẽ dùng những phương cách đặc biệt để làm cho những người ngoài Kitô giáo được tham dự vào mầu nhiệm Vượt Qua của Ðức Kitô (Gaudium et spes - GS 22).

III. Công Ðồng Vatican II đối với vấn đề ơn cứu độ ngoài Kitô giáo

Công Ðồng Vatican II đối với vấn đề ơn cứu độ ngoài Kitô giáo đã đem lại một lối giải quyết mới, nói chung, mọi người đều nhìn nhận rằng đây là những cống hiến tương đối to lớn của Karl Rahner (1904-1984)

(1) Trong khi thảo luận vấn đề này, Karl Rahner căn cứ vào hai nguyên tắc căn bản: 1) Trước hết ngài đề ra tính cần thiết trong niềm tin vào Ðức Kitô để có ơn cứu độ, tính cần thiết này và bản chất của ơn cứu độ có liên quan với nhau, bởi vì tín ngưỡng chính là biểu lộ thái độ rộng mở và đón nhận Thiên Chúa nhờ vào Ðức Kitô ban phát ơn cứu độ. 2) Một nguyên tắc căn bản khác đó là ý muốn cứu độ của Thiên Chúa có tính phổ quát, Thiên Chúa muốn cứu độ toàn thể nhân loại (1Tm 2,4). Qua ý muốn cứu độ có tính phổ quát này làm cho ta cảm thấy niềm tin vào Ðức Kitô vẫn còn ở mức độ thấp (chưa phổ quát), sự thật chỉ có số ít người có niềm tin này. Ðể giải đáp cho vấn nạn này, Karl Rahner nhận thấy cần phải để niềm tin vào Ðức Kitô phân thành hai loại: công khai và tiềm ẩn; như vậy mới có tính phổ quát và mọi người đều được ơn cứu độ.

(2) Lý luận của Karl Rahner căn cứ theo "Tiên nghiệm nhân học" (transcendental anthropology), niềm tin tiềm ẩn với kinh nghiệm siêu việt của con người có liên quan với nhau; con người là loài có tâm linh, và điểm lớn nhất trong tâm linh đó là siêu việt vô biên. Khi con người hành động trong tinh thần nhận thức và yêu thương thường hướng về một lãnh vực cao hơn, hướng về chân thiện mỹ cao hơn và thực hữu (infinite being) cao hơn. Ý kiến độc đáo này của Karl Rahner nói rằng, khi kinh nghiệm siêu việt hướng về một thực hữu vô biên thì không còn thuộc về kinh nghiệm bản thân nữa, nhưng thuộc về một loại kinh nghiệm ân sủng. Một khi con người rộng mở hướng về kinh nghiệm siêu việt, tích cực tìm kiếm chân thiện mỹ cao hơn, thì họ đã rộng mở hướng về Thiên Chúa là Ðấng ban phát ơn Thánh Hóa, họ đang đi vào thế giới ân sủng.

(3) Karl Rahner nói thêm, loại kinh nghiệm siêu việt này không những liên quan tới ân sủng, mà cũng liên quan tới mầu nhiệm Chúa Kitô. Khi xét đến mầu nhiệm nhập thể, Karl Rahner nhận thấy rằng Ngôi Lời kết hiệp với nhân tính, nghĩa là để cho sự hướng về siêu việt của nhân tính đi đến một hiện thực vẹn toàn, Mầu nhiệm Kitô có thể xem là một điển hình của con người tự mình siêu việt cao nhất. Ðương nhiên, việc tự mình siêu việt này là do bởi chính Thiên Chúa thông truyền cho. Nhờ đó, khi con người rộng mở hướng đến kinh nghiệm siêu việt, thì đã thực sự rộng mở hướng về mầu nhiệm Kitô. Karl Rahner đặc biệt đưa ra hai loại niềm tin vào Ðức Kitô theo phương cách tiềm ẩn, hay biểu hiện cách cụ thể là "kitô hữu vô danh", (a) nhìn nhận rằng con người có giới hạn và (b) thường rộng lượng đối với người anh em: (a) ai đối diện với sự huyền bí của sinh lão bệnh tử, và mọi sinh hoạt trong cuộc sống của con người, thì có thể an nhàn, chấp nhận giới hạn của chính mình, và trung thành với những trách nhiệm của công việc hằng ngày, thì người đó đã âm thầm (tiềm ẩn) đón nhận Ðấng đã xuống thế làm người, chia sẻ những sự việc trong cuộc sống con người, người đó thường thường trung thành với Ðức Kitô của Chúa Cha. Như thế thì tuy người này chưa nhận biết Tin Mừng của Ðức Kitô, nhưng thực sự thì đã đón nhận Ngài rồi. (b) Nhờ vào mầu nhiệm giáng sinh, Ðức Kitô trở thành con người thân cận của loài người, Ngài ngự đến trong thân xác của mỗi anh chị em; ai rộng lượng với những người anh em, chân thành tiếp đón và phục vụ hết tình, thì chính là đã tiếp đón Ðức Kitô. Hai loại trên đây Karl Rahner gọi là những biểu hiện cách cụ thể "những kitô hữu vô danh" (anonymous christians).

(4) Lý luận của Karl Rahner cũng bao gồm luôn việc đặt lại vấn đề ý nghĩa ơn cứu độ của những người ngoài Kitô giáo; Karl Rahner ủng hộ giáo lý truyền thống, chấp nhận tính cần thiết của Giáo hội để có ơn cứu độ, nhưng nhận thấy tính cần thiết này với hoàn cảnh thực tế của lịch sử quan hệ với nhau. Trước khi Ðức Kitô đến, và ngày hôm nay ở những nơi Phúc âm chưa phổ cập, các tôn giáo địa phương cũng có ý nghĩa ơn cứu độ. Con người có tính quần chúng, cần phải nhờ vào đoàn thể tôn giáo để bày tỏ tín ngưỡng, các tôn giáo ngoài Kitô giáo có thể nói được là những người chưa nhận biết Phúc Âm của Ðức Kitô, phải nhờ vào những phương tiện thông thường nào đó để có được ơn cứu độ; như vậy, trong chương trình cứu độ của Thiên Chúa các tôn giáo này đều có ý nghĩa tích cực.

(5) Có một số người nhận thấy rằng lập luận "những tín hữu vô danh" làm trở ngại công việc truyền giáo. Karl Rahner tuyệt đối ủng hộ sứ mạng truyền giáo của Giáo hội, ngài chỉ đưa ra mục đích của truyền giáo chính là đem niềm tin tiềm ẩn (fides implicita) bên trong trái tim của con người dẫn tới việc công khai tuyên xưng niềm tin vào Ðức Kitô, để con người có thể gia nhập vào Giáo hội, để nhờ vào bí tích và những phương tiện cứu độ khác trong Giáo hội, càng hiệu lực hơn, và càng vẹn toàn hơn để lãnh nhận ơn cứu độ. Cũng có người phê bình danh xưng "những kitô hữu vô danh" này làm cho người ta có ấn tượng tự đại, nhưng Karl Rahner nói rằng danh xưng này, không phải là công cụ để đối thoại với các nhân sĩ của những tôn giáo khác; mà chỉ là để cảnh tỉnh các kitô hữu đối với vấn đề ơn cứu độ cho những người anh em khác, cần phải có những quan điểm tích cực hơn. "Những kitô hữu vô danh" tuy là một danh xưng mới do Karl Rahner tạo dựng nên, kỳ thực ngài cũng chỉ dựa theo những căn cứ đã có từ trước, giáo phụ Q.S.F Tertullian (khoảng năm 160-230) đã từng gọi mọi người là những kitô hữu thiên sinh (anima naturaliter christiana).

IV. Thần học ngày nay về quan hệ giữa Kitô giáo và các tôn giáo khác

Quan hệ giữa Kitô giáo và các tôn giáo khác đã trở thành đề tài quan trọng để đặt lại vấn đề thần học ngày nay, cao điểm của thảo luận nằm tại ý nghĩa ơn cứu độ có tính phổ quát của Ðức Kitô, và vấn đề Ðức Kitô là Chúa Cứu thế của nhân loại. Các thần học gia cận đại đối với vấn đề này có nhiều ý kiến không giống nhau đại khái có thể phân chia thành ba loại, tạo thành ba loại kitô luận khác nhau:

(1) Kitô luận bài ngoại (exclusive Christology): ý kiến này cương quyết giữ lập trường nghiêm khắc giải thích ngoài Giáo hội tuyệt đối không có ơn cứu độ, không những xem Chúa Kitô là Chúa Cứu Thế duy nhất của toàn nhân loại, mà còn phủ nhận tính khả thể của bất cứ ơn cứu độ nào trong lịch sử; như thế, để có được ơn cứu độ, cần phải nhận thức và tin thờ vào Ðức Kitô, gia nhập vào Giáo hội của Ngài. Thần học gia Tin Lành K. Barth (1886-1968), trong các tư tưởng thần học thuộc các tác phẩm ban đầu của ngài, là một phát ngôn nhân đại biểu cho loại thần học bài ngoại này. Ðối với phía Công Giáo, đây là lập trường truyền thống trước Công đồng Vatican II, nhưng công đồng Vatican II đã đem lại một biến chuyển lớn.

(2) Kitô luận khoan dung (inclusive Christology): Loại kitô luận này bảo vệ ý muốn cứu độ có tính phổ quát của Ðức Kitô, đồng thời tuyên nhận Ðức Giêsu Kitô là vị Trung gian độc nhất giữa Thiên Chúa và loài người (1Tm 2,4-5); cũng thừa nhận ngoài Ngài ra, "Trong thế gian này không còn Danh Hiệu nào khác, để chúng ta có thể nhờ vào mà được cứu độ" (Cv 4,12). Các thần học gia này chủ trương rằng tin vào Ðức Kitô để được cứu độ là điều cố nhiên cần thiết, nhưng niềm tin này cũng có thể tiềm ẩn; Giáo hội của Ðức Kitô chính là cửa vào để có ơn cứu độ, nhưng đối với những người chưa nhận biết và chưa tin thờ vào Ðức Kitô, các tôn giáo khác cũng có những ý nghĩa tích cực về ơn cứu độ. Như đã giới thiệu trên đây, lập luận "những kitô hữu vô danh" của Karl Rahner đại biểu cho loại kitô luận này. Công đồng Vatican II đã đi theo kiểu lập luận này. Sau công đồng Vatican II, gần đây trong giới thần học gia Tin Lành cũng gần như đã chấp nhận hướng theo lập trường cởi mở này.

(3) Kitô luận đa nguyên (pluralist Christology): Kitô luận đa nguyên không nói về đa nguyên hóa của kitô luận, mà là đại biểu một loại thần học mô thức mới được sáng tác.  J.H. Hick (1922- ) đặt mô thức này để so sánh với những cải cách của Copernican (Copernican revolution), ông ta chủ trương rằng không phải ở nơi Ðức Kitô, nhưng thay vào đó là một vị thần của thần học phản tỉnh làm trung tâm điểm. Nhìn từ góc độ này, tất cả các tôn giáo lớn trên thế giới này đều bình đẳng, Ðức Giêsu Kitô cũng chỉ là một Ðấng trong nhiều Ðấng Cứu Thế của lịch sử. Thí dụ nếu nói rằng Ðức Kitô là Ngôi Lời xuống thế làm người, như vậy thì cũng phải chấp nhận rằng Ngôi Lời này cũng nhập thể  trên chính những vị cứu thế khác của các tôn giáo khác. Thần học gia Ấn độ giáo R. Panikkar (1918- ), trong các tác phẩm sau này cũng từ kitô luận bao dung chuyển vào kitô luận đa nguyên; ngài có ý đồ đặt Ðức Giêsu lịch sử (historical Jesus) phân biệt với Ðức Kitô có tính vũ trụ (cosmic Christ), ông chủ trương Ðức Kitô có tính vũ trụ không những hiện thân trong Ðức Giêsu Nazarét, mà còn đã từng hiện thân trong các vị cứu thế của các tôn giáo lớn khác, tất cả cũng chỉ là một vị Kitô vũ trụ xuất hiện với những vị thế không giống nhau trong lịch sử.

Loại kitô luận đa nguyên này đặt Ðức Kitô vũ trụ phân biệt với Ðức Giêsu lịch sử, làm như thế thì đi ngược lại với mạc khải của Tân Ước. Khi Tân Ước làm chứng Ðức Giêsu Kitô là vị cứu thế của nhân loại, không phải là nói về một đấng lấy hình tượng Kitô, nhưng là chính Ðấng đã xuống thế làm người, Ðức Giêsu Nazarét, chính Ðức Giêsu này đã nhờ vào những phép lạ đương thời mà Ngài đã làm, và nhờ vào mầu nhiệm Ngài đã chết và đã phục sinh, để trở thành Ðấng Cứu Thế của nhân loại. Nhờ vào sự Phục Sinh của Ngài, Ðức Giêsu lịch sử này được tuyên bố là Ðức Kitô có tính vũ trụ siêu vượt lịch sử, nhưng hai vị này đều cùng là một người. Nếu như nói Ðức Kitô cũng xuống thế làm người hiện thân trên những Vị Cứu Thế của các Tôn Giáo khác, thì vô ý đã đặt sự việc Nhập thể trở thành một câu chuyện thần thoại, làm cho mầu nhiệm Nhập thể mất đi ý nghĩa đặc biệt của riêng nó.

(4) Kết luận: Trong ba loại ý kiến trên, kitô luận bao dung mới là lập trường chính đáng, lập trường này trên căn bản lấy theo lý luận "kitô hữu vô danh" của Karl Rahner. Karl Rahner đối với việc phản tỉnh về lịch sử cứu độ có thể làm thành những bổ túc cho lý luận này. Những phép lạ của Ðức Kitô là những sự kiện riêng biệt trong lịch sử, nhưng chắc chắn trong toàn thể nhân loại có ơn cứu độ với ý nghĩa phổ quát; để giải thích tính riêng biệt của những phép lạ của Ðức Kitô, và ý nghĩa có tính phổ quát, cần phải nhìn những phép lạ này từ phía Thiên Chúa Ba Ngôi. Từ muôn đời Ðức Chúa Cha đã có một chương trình toàn thể cho ơn cứu độ, chương trình này cần phải đưa ra và thực hiện trong lịch sử, và hình thành lịch sử cứu độ; Mầu nhiệm Ðức Kitô chính là chương trình cứu độ xuất hiện vẹn toàn trong lịch sử này, như thế Thánh Phaolô gọi Ðức Kitô là ý chỉ "nhiệm mầu" (mysterion) trong công cuộc cứu độ của Thiên Chúa (Eph 1,9); Chúa Thánh Thần chính là động lực làm cho lịch sử cứu độ được tiến hành. Trước khi Ðức Kitô giáng sinh, Thánh Thần đã âm thầm mạc khải cho các Tiên tri và Thánh hiền trong cựu ước, và ngoài cựu ước ra, đã nhờ vào chân lý soi sáng cho các bậc Hiền triết thời cổ đại, để sắp xếp chuẩn bị cho việc giáng sinh của Ðức Giêsu. Sau khi Ðức Kitô phục sinh, Chúa Thánh Thần càng trở thành "Thần Trí thuộc về Ðức Kitô", làm cho mầu nhiệm Ðức Kitô "nội tại hóa", đi đến tận tâm linh của con người; cũng làm cho mầu nhiệm này "phổ quát hóa", phổ cập tới mọi thời đại, tới mọi người thuộc mọi lãnh vực. Thánh Thần có thể phát động con người công khai tuyên xưng niềm tin vào Ðức Kitô, cũng có thể hướng dẫn con người âm thầm (tiềm ẩn) đón nhận và sinh hoạt theo Phúc âm của Ðức Kitô, trở thành "những kitô hữu vô danh", âm thầm (tiềm ẩn) tham gia vào mầu nhiệm vượt qua của Ðức Kitô.

Chính Thần Trí này (Thánh Thần) đã ở ngay trong các truyền thống tôn giáo và văn hóa của các dân tộc và đã gieo những hạt giống của Ngôi Lời, làm hướng đạo mở đường đưa đến Phúc Âm của Ðức Kitô. Tựa như trong nền văn hóa truyền thống thâm sâu của dân tộc Việt Nam (và nhiều dân tộc khác như  Trung Quốc, Ấn Ðộ,...), Thánh Thần cũng đã gieo vào đó những hạt giống của Ngôi Lời. Vì chính tại những nơi này, những hạt giống chân lý, những văn hóa truyền thống này không những rộng mở để hướng về Tin Mừng của Ðức Kitô, mà còn biểu lộ cho thấy đó là những dụng cụ hữu hiệu của việc truyền bá Tin Mừng, tiềm ẩn ngay trong lòng của con người và làm khơi dậy tựa như những hồng ân; Nhờ đó, ta có thể nhìn thấy, trong truyền thống tín ngưỡng dân gian của dân tộc Việt Nam, biểu lộ một niềm tin phó thác hoàn toàn trong tay Chúa Cả Trời Ðất. Như trong lời cầu mùa của người dân gian Việt Nam: "Lạy Trời mưa xuống, lấy nước tôi uống, lấy ruộng tôi cày, lấy đầy bán cơm". Lời cầu này gợi cho ta nghĩ đến phần sau của lời kinh Lạy Cha mà Chúa Giêsu đã dạy các môn đệ cầu nguyện: "Lạy Cha... xin cho chúng con lương thực hằng ngày..." (= "lạy Trời... lấy đầy bát cơm"). Quả là những hạt giống của Chúa Thánh Thần đã hướng dẫn và làm nẩy nở đức tin trong lòng những người dân Việt Nam hiền lành chất phác.  Chúng ta cũng có thể tìm thấy nhiều đoạn khác trong ca dao tục ngữ Việt Nam với những niềm tin tràn đầy ân sủng tương tự: "Cha mẹ sinh con, Trời sinh Tánh"; "Trời sinh voi, Trời sinh cỏ"; "Trời sinh, Trời dưỡng"; hoặc khi có người thân qua đời thì gọi là "chầu Trời" hoặc "qui Tiên" (tương tự như những từ ngữ quen thuộc mà giáo dân Công giáo thường sử dụng "Khi Chúa thương gọi con về"; "về với Chúa" hoặc "được Chúa gọi về ngày..."). Như thế, đặt Tin Mừng của Ðức Kitô hòa nhập với Văn hóa của Việt Nam hay của nhiều dân tộc khác (như Trung Quốc, Ấn Ðộ...) là những nhu cầu cấp bách cần thiết trước mắt để chuẩn bị cho việc truyền bá Tin Mừng. Ðồng thời, Giáo hội cũng xem việc đối thoại tôn giáo là một phần trong việc truyền bá Tin Mừng, việc đối thoại này có thể làm cho cả hai bên đều có lợi; bởi vì nhờ vào việc đối thoại với các tôn giáo, các kitô hữu cũng có thể càng hiểu rõ tín ngưỡng của chính mình hơn.

 

Philippines, ngày 21/11/2002, kỷ niệm 9 năm ngày Thụ Phong Linh Mục (1993-2002).

Rev. Joseph Trương Văn Phúc

(Trích dẫn và biên dịch từ những chương liên quan tới đề tài Ơn Cứu Ðộ của cuốn Ðại Tự Ðiển Thần Học bằng tiếng Trung Hoa được soạn thảo bởi các Giáo sư thuộc Viện Thần Học Ðại Học Công Giáo Phù Nhân, Ðài Loan, Theological Dictionary, a One-Volume Encyclopedia of Christian-Catholic Theology)

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page