Chú Giải Tân Ước Theo TOB

Theo bản dịch của Linh Mục An Sơn Vị

 

Prepared for internet by Vietnamese Missionaries in Taiwan


 

Bản Văn Tân Ước

Hơn 5,000 thủ bản sao lại bằng tiếng Hi Lạp

Bản văn 27 cuốn làm thành bộ Tân Ước, ta biết được nhờ rất nhiều thủ bản, soạn bằng những ngôn từ rất khác nhau và hiện nay còn giữ lại trong các thư viện tản mát khắp hoàn cầu. Trong mọi thủ bản này, không có cuốn nào là tự tay tác giả; nên tất cả đều là những bản sao đi sao lại các thủ bản ngày xưa, đã do chính tác giả tự mình viết ra hay là đọc cho thư ký viết. Mọi sách Tân Ước, không trừ cuốn nào, đều viết bằng tiếng Hi Lạp và hiện có trong ngôn ngữ này hơn 5,000 thủ bản, mà những cuốn cổ hơn đã viết trên chỉ cảo, và những cuốn khác viết trên da giấy. Trên chỉ cảo, thì ta có những phần đôi khi rất nhỏ trong Tân Ước mà thôi.

 

Hai thủ bản xưa nhất và quí nhất: bản Vatican và bản Sinai

Những thủ bản Hi Lạp xưa nhất gồm phần lớn hay toàn bộ Tân Ước là hai cuốn Thánh Kinh viết trên da giấy từ thế kỷ thứ tư.

Ðáng quí hơn cả là Codex Vaticanus, gọi như thế vì giữ tại Thư Viện Vatican. Thủ bản này không biết từ đâu mà đến, làm chứng về Tân Ước. Nhưng rủi là không còn nguyên vẹn, vì thiếu mất Thư Hi Bá 9,14 - 13,25, Thư thứ nhất và thứ hai gởi ông Timothêu, Thư gởi ông Titô và ông Philêmôn, sách Khải Huyền. Thủ bản thứ hai gọi là Codex Sinaiticus, vì đã tìm ra tại Ðan Viện Thánh nữ Catarina trên núi Sinai, gồm toàn bộ Tân Ước; lại còn thêm cả Thư Thánh Banabê và một phần sách "Chủ Chăn" của ông Hécmát, là hai cuốn sẽ không còn được giữ lại trong qui điển dứt khoát của Tân Ước nữa. Bản Sinai, hiện thời giữ trong Bảo Tàng Viện British Museum Luôn Ðôn. Hai thủ bản này viết theo lối chữ đẹp, gọi là chữ hoa hay là đại tự Thánh Kinh. Ðó chỉ là hai bản thời danh nhất trong số chừng 250 bản da giấy, viết in hệt hay tương tự ít nhiều, từ thế kỷ thứ 3 tới thế kỷ thứ 10 hay 11; đàng khác phần lớn trong số này, nhất là những bản cổ hơn, chỉ còn giữ một phần, đôi khi rất ít trong bản văn Tân Ước.

 

Các thủ bản có rất nhiều biến thể dị biệt

Mọi bản sao Tân Ước đã lưu truyền tới chúng ta, không giống nhau hoàn toàn, nhưng trái lại ta có thể phân biệt nhiều điểm khác nhau với tầm quan trọng hơn kém tùy nghi, nhưng dù sao cũng rất nhiều. Một số điểm dị biệt ấy chỉ liên quan tới những chi tiết về ngữ pháp, danh từ và thứ tự các tiếng, nhưng có dị biệt liên quan tới ý nghĩa từng đoạn nữa kia.

 

Lý do biến thể: sơ sót, sửa lại, tô điểm cho phụng tự

Ta dễ khám phá ra nguồn gốc các dị biệt này. Vì bản văn Tân Ước trong nhiều thế kỷ kéo dài đã được sao đi chép lại do những thư ký thông thạo nhiều hay ít, nhưng dù sao cũng chẳng có người nào thoát khỏi những sơ sót thuộc đủ mọi phạm vi thường làm cho một bản sao, dù cẩn thận thế nào đi nữa, cũng không bao giờ in hệt như bản chính. Thêm vào đó, một ít người thư ký, có chú ý rất tốt lành, đôi khi đã tìm cách sửa chữa mấy đoạn trong bản chính, họ cho là sai lầm đáng kể, hoặc thiếu chính xác về thần học. Làm như thế, họ đã đem bản văn những biến thể chưa từng có, mà gần như luôn luôn là sai lầm. Sau hết, việc dùng nhiều đoạn văn Tân Ước trong phụng tự, nhiều khi đã gây dịp cho bản văn dễ được tô điểm cho thêm văn vẻ, hoặc vì đọc quen miệng mà dễ làm cho các bản văn hòa hợp với nhau.

Cố nhiên là trải qua các thời đại, những biến thiên do các thư ký thêm vào đó đã chồng chất lên nhau, nên cuối cùng khi bản văn lưu truyền tới thời có máy in, thì đã bị nhiều thứ tam sao thất bản, khiến cho ta nhận thấy rất nhiều biến thể khác nhau.

 

Mục tiêu khoa phê bình bản văn: lần lên nguyên bản

Mục tiêu lý tưởng của khoa "phê bình bản văn" là căn cứ vào các tài liệu khác nhau này, để tái lập một bản văn có nhiều may mắn tối đa là gần với nguyên bản. Dù sao, cũng không đặt vấn đề hi vọng lần lên tới chính nguyên bản được.

 

Kiểm kê các thủ bản hi lạp và các bản dịch

Công việc đầu tiên của khoa phê bình bản văn, là lưu ý tới mọi hình thức bản văn hiện thời. Nói thể khác, là cần kiểm kê và phân loại mọi bút tích ghi lại tất cả hay một phần bản văn Tân Ước. Ở đây, phải xét đến không những nguyên các thủ bản hi lạp mà thôi, lại cả những bản dịch Tân Ước sang các ngôn ngữ thông dụng nơi Kitô hữu mấy thế kỷ đầu (cốt yếu là tiếng latinh, syriác, và cóptơ). Trong một số trường hợp, các bản văn này đã dịch theo nguyên bản hi lạp có trước thủ bản Vatican hoặc Sinai. Vì thế, chúng làm chứng cho một tình trạng bản văn cổ hơn bản văn ta có thể đạt tới nhờ các thủ bản hi lạp xưa hơn hết. Tùy theo mức nó giúp ta có thể tái lập đúng nền tảng hi văn, các bản dịch cổ sẽ đóng vai trò quan trọng trong công trình thiết lập bản văn Tân Ước.

 

Kiểm kê các câu trích dẫn trong các Giáo Phụ

Ngoài các thủ bản hi văn và các bản dịch cổ thời, khoa phê bình bản văn còn cố lợi dụng rất nhiều câu trích dẫn Tân Ước trong những tác phẩm các Giáo Phụ đầu tiên của Giáo Hội. Cái lợi không ai chối cãi được của những câu trích dẫn này, nhất là vì lắm khi nó giúp lần lên tới một tình trạng bản văn có trước cả tình trạng do các bản dịch cổ truyền lại (và do đó cũng giúp đi xa hơn các thủ bản hi lạp cổ nhất). Ðàng khác, ta có thể xác định một cách tương đối dễ dàng về ngày tháng và nơi chỗ phát sinh các câu trích dẫn, và như vậy ta có một phương thế tiện lợi, để có ý niệm về bản văn Tân Ước quen dùng ở thời kỳ nào xác định trong khu vực nào đó của Giáo Hội. Trái lại, các câu trích dẫn này có hai điều bất lợi. Không những là mỗi câu chỉ ghi lại một khúc bản văn, nhưng rủi cho ta nhất là vì các Giáo Phụ rất  thường dẫn theo trí nhớ, và không chính xác bao nhiêu, thành ra không phải bao giờ cũng có thể hoàn toàn tin cậy vào những tài liệu thông tri do các ngài truyền lại.

 

Phân loại các bản hi lạp và bản dịch

Sau khi đã kiểm kê và phân tích xong xuôi khối lượng các bút tích do các thủ bản hi lạp, các bản dịch cổ thời và các câu trích dẫn của Giáo Phụ, khoa phê bình bản văn cố gắng xếp theo thứ tự, hầu có thể lợi dụng tối đa, để lần lên xa hết sức hướng về nguyên bản.

Trong viễn ảnh này, việc lưu tâm khảo sát đã giúp các nhà chuyên môn nhận định rằng: khối lượng các thủ bản chia thành một số ít nhóm lớn mà thôi. Thế là người ta đã có thể thành lập bốn gia đình lớn, trong đó mọi đại diện đều là những bản sao cùng một bản mẫu.

Sau công việc chưa hoàn tất, nhưng đã tiến hành xong một phần đáng kể này, hiện nay khoa phê bình bản văn có thể căn cứ, không phải trên một khối những chứng tá lẻ tẻ mà thôi, nhưng trên những nhóm chứng tá đại diện cho từng mẫu bản văn, mà nguồn gốc có thể xác định về ngày tháng và nơi chỗ một cách bảo đảm ít nhiều.

Những mẫu bản văn chính do khoa phê bình nêu bật lên, là các mẫu sau đây:

 

Bản văn Antiêukia hoặc Syri

Một bản văn gọi là "Antiêukia" hay "Syri", vì thường xuất hiện tại Antiêukia vào khoảng năm 300. Bằng chứng bản này là tối đa đại đa số các thủ bản hi lạp, nhất là các bản mới hơn, vì bản ấy rất mau trở nên bản thông dụng nhất trong thế giới byđăngtin và vì thế, cũng gọi là bản "byđăngtin" hoặc "koinè ekdosis" (ấn bản chung). Nó làm chứng cho đặc điểm chăm lo về văn hóa và sáng sủa, ưa điều hòa với nhau các bản văn song song ít nhiều và tập hợp các biến thể thuộc cùng một đoạn. Giá trị phê bình của nó không được bao nhiêu. Dù thế, người ta đã căn cứ vào những biến thể muộn màng của bản văn này, để thực hiện các bản in Tân Ước đầu tiên, mà trong hơn ba thế kỷ đã được người ta coi là bản thông dụng (textus receptus).

 

Bản văn Alécxandi

Một bản văn khác gọi là Alécxandi. Chứng tá chính là bản Vatican và ở trình độ thua kém, là bản Sinai. Trễ nhất là đã có vào khoảng năm 300 và mấy phát minh gần đây khiến ta nghĩ rằng, ít nữa đối với các Phúc Âm, thì đã có sớm hơn khá nhiều. Người ta thường gọi nó là bản "trung hòa", vì hình như không phải là kết quả do công trình duyệt lại thật có hệ thống và ý hướng. Tất cả hay gần như tất cả các nhà chuyên môn đều công nhận là, xét theo toàn thể, nó có giá trị phê bình rất cao, bắt nguồn từ một tập truyền thủ bản đặc biệt trung thành, hay từ một công trình phục hưng văn bản có phẩm tính cao, tức là điều không đáng ngạc nhiên mấy trong giới Alécxandi. Vì thế, từ nửa cuối thế kỷ 19, các bản in Tân Ước thích và có lý để theo mẫu bản văn này. Mặc dầu thế, cũng không nên coi đó là một chứng tá luôn luôn và khắp mọi nơi đều vô ngộ cả.

 

Bản văn Tây Phương

Một bản văn khác nữa gọi là "Tây Phương". Danh từ này có từ thế kỷ 18, và tỏ ra không đúng, ít nữa một phần. Vì các bản dịch cổ Latinh Tân Ước và một số thủ bản Hi La, như bản Bêdê (thế kỷ thứ 4?) đối với các Phúc Âm và sách Công Vụ, thật có làm chứng là mẫu bản văn này đã phổ biến rộng rãi bên Tây Phương cũng có: bằng chứng là một số bản dịch bên Ðông, nhiều câu trích dẫn và nhiều khúc thủ bản hi lạp cổ thời. Trong nhiều trường hợp, bản "Tây Phương", mà nguồn gốc và sự nhất trí vẫn còn là những vấn đề chưa giải quyết này, xuất hiện như là hình thức Tân Ước có bằng chứng cổ hơn hết và phổ biến hơn hết. Dấu hiệu riêng của nó là khuynh hướng rõ rệt ưa giải thích, xác định, dịch quanh, điều hòa, là những cái rất thường làm cho nó ra xa nguyên bản, nhưng cũng có một ít trường hợp, các biến thể xưa của nó, nhất là khi vắn tắt, đáng cho ta lưu tâm.

 

Phác qua lịch sử bản văn

Không phải chỉ có thể nhận ra mấy gia đình thủ bản lớn trên mà thôi. Còn có những hình thức trung gian giữa mấy kiểu mẫu rõ rệt hơn vừa nhắc đến trên này. Tuy nhiên, không cần đi vào các chi tiết ấy mới giúp hiểu được tất cả hứng thú của phương pháp này: cô lập mẫu bản văn và đặt vị trí nó vào thời gian và không gian, nhờ các dữ kiện thời giờ và địa lý do các bản dịch, các câu trích dẫn và, khi có dịp, thì cả khoa cổ tự học cung cấp cho. Như thế là đối với từng biến thể, từng cuốn sách hay toàn bộ Tân Ước, có thể phác qua ít nữa là một lịch sử bản văn, giúp nhận thấy những hình thức nào có bằng chứng cổ hơn hết và rộng rãi hơn hết, và do đó những hình thức nào, với những điều kiện khác ngang nhau, có nhiều may mắn là gần tương ứng với nguyên bản hơn.

 

Phê bình nội dung bản văn

Công việc phê bình, gọi là "phê bình hình thức" này, vẫn chưa đủ. Ví dụ năng gặp thấy, đối với một đoạn văn, vào thế kỷ thứ 2 hay thứ 3, có hai biến thể phổ cập ít nhiều, mà khó biết nên chọn cái nào. Bấy giờ phải nhờ đến khoa "phê bình nội dung".

Khoa này cốt yếu không còn xét những biến thể như là chứng tá cho các mẫu bản văn Tân Ước khác nhau. Nhưng trái lại, nó bắt đầu từ nguyên tắc coi nội dung từng biến thể là một nố riêng biệt, phát xuất từ sự can thiệp trái mùa, có ý thức hay không của một người thư ký. Ðối tượng khoa phê bình nội dung trước tiên là tái lập lại cho chính xác, người thư ký mang trách nhiệm về việc làm nảy ra biến thể đây, đã can thiệp cách nào, và vì những lý do nào mà can thiệp như thế. Xác định được như vậy rồi, thì vấn đề sẽ tương đối dễ, tức là giữ lại làm hình thức đầu tiên, biến thể nào xuất hiện là nguồn phát sinh mọi biến thể sai lầm. Tuy nhiên phương pháp này khiến cho phán đoán chủ quan của nhà phê bình can thiệp rộng rãi vào. Nhà phê bình phải đồng thời khai thác sự hiểu biết cá nhân về bản văn, sự thông thạo về cách xử trí thường quen của các người thư ký, cũng như về các lầm lỗi họ thường phạm vào hơn cả. Tính cách chủ quan của phương pháp này giải thích một phần lớn vì sao, theo qui tắc chung, người ta chỉ dùng để bổ túc cho khoa phê bình hình thức mà thôi.

 

Thành quả 150 năm phê bình bản văn

Dù sao những kết quả do khoa phê bình bản văn Tân Ước thu lượm được, từ khoảng 150 năm nay, thật là đáng kể. Hiện nay có thể coi là bản văn Tân Ước đã thiết lập hẳn hoi rồi. Chỉ có thể đặt lại vấn đề một cách nghiêm chỉnh, khi nào khám phá được thêm những tài liệu mới.

Những thành quả này đã có thể gây nên những tiến bộ rất lớn, mà ta có thể nhận ra giữa các bản in Tân Ước hiện đại với những bản in từ năm 1520 tới khoảng 1850, trước khi áp dụng gắt gao những qui tắc của khoa phê bình bản văn.

 

Hai bản in hiện đại và khoa học hơn hết

Bản in hiện thời phổ biến hơn hết là bản in Nestle-Aland căn cứ trên ba bản in nổi tiếng khoa học hiện đại, đã thực hiện vào nửa cuối thế kỷ 19, do các ông Tis-chendorf, Wescott với Hort, và Weiss. Cuốn Greek New Testament do Kinh Thánh Hội xuất bản và do các ông K. Aland, M. Black, B.M. Metzger và A. Wikgren thực hiện, đã cố làm cho bản văn được hoàn thiện hơn.

 


Back to Home Page