Chú Giải Tân Ước Theo TOB

Theo bản dịch của Linh Mục An Sơn Vị

 

Prepared for internet by Vietnamese Missionaries in Taiwan


 

Tiểu Dẫn Thư Thánh Giu-đê

Ðức Ki-tô Là Thầy Chân Lý

 

Ðộc giả kim thời dễ ngạc nhiên khi đọc Thư T. Giu-đê vì thấy não trạng xem ra kỳ quái và nhiều ám chỉ họ không hiểu gì.

Thư này bảo coi chừng mấy giáo sư giả mạo, mà khó quan niệm đúng họ là ai. Chân dung các đối phương bao hàm nhiều nét ước lệ, là sáo ngữ của văn chương bút chiến trong Do-thái giáo đồng thời với kỷ nguyên Ki-tô giáo. Những người ấy mê ăn, buông tuồng, ham hố, vụ lợi... Họ bị cáo là đem chia rẽ vào trong Giáo đoàn, lăng mạ các thiên thần, chối bỏ Chúa Giê-su Ki-tô. Phải chăng đây là nhóm ngộ đạo, tức những người tự đắc là mình nắm được sự biết chân thật duy nhất về đạo (ngộ đạo) ban ơn cứu độ và nhân đó họ khinh chê xác thịt, buông theo những thói hư nghịch tính và nghi ngờ về Nhập Thể? Ðó là điều giải thích vì sao tác giả gọi mỉa mai họ là "phàm nhân" (c. 19). Vì tuy họ tự đắc là mình có bản chất cao siêu, nhưng thực ra họ bị bản năng chi phối, chứ không theo Thánh Linh thúc đẩy. Tuy nhiên khó xác định giáo lý họ thế nào. Những điều chính xác ta biết được chỉ liên quan tới môi trường tác giả mà thôi.

Môi trường này liên hệ chặt chẽ với các nhóm từ thế kỷ 2 trước Công Nguyên đã thấy biên soạn văn chương khải huyền và lưu truyền lại những tác phẩm như sách Hê-nóc, Mông triệu Môi-sen. Chúc Thư 12 Tổ phụ. Tác giả còn dẫn y nguyên một đoạn văn trong sách Hê-nóc (c. 14-15) và dùng cả Mông triệu Môi-sen hay bút tích nào tương tự (c. 9).

Môi trường ấy cũng gán tầm quan trọng lớn cho một số phẩm thiên thần (c. 8), lại có thêm đặc điểm gớm sự dơ nhớp và tách xa những tên vô đạo khi chúng bị coi là bất trị: "Cả áo xống con người họ làm dơ, cũng chê ghét nữa" (c. 23). Mấy quan niệm này đối lập với những quan niệm của T. Phao-lô và ta còn gặp thấy trong bút tích phái Ê-xê-niên tại Qum-rân, là nơi cũng lưu hành mấy cuốn khải huyền nhắc đến ở trên. Ðó là một yếu tố hay, giúp ta thử xác định môi trường ki-tô hữu gốc do-thái, nơi biên soạn Thư T. Giu-đê. Nhưng sự tác giả tôn kính thiên thần không phương hại chi tới ki-tô học của ngài, vì ngài tuyên xưng "Chúa Giê-su Ki-tô" (c. 4) chống lại đối phương. Ðức Giê-su chính là Ðấng ta phải đợi trông để được sống muôn đời (c. 21).

Lời Thư này giảng về sự phán xét những tên vô đạo cũng đứng trong đường hướng khải huyền. Hình phạt tất nhiên sẽ đến, và đã được báo trước trong việc lên án các thiên thần có tội, trong việc phạt thành Sô-đô-ma và Go-mo-ra, trong việc tiêu hủy các thế hệ không tin ở nơi hoang địa. Ta nên ghi chú não trạng tượng trưng bao hàm trong mấy gương đó. Các tên vô đạo kia đã bị phạt, bằng những cuộc lên án nổi tiếng ngày xưa. Thậm chí tác giả còn nói là họ đã bị tiêu hủy trong việc làm loạn của tên Co-rê nữa (c. 11). Hiện tại đã được loan báo và bao hàm trong quá khứ. Lối hiện tại hóa Thánh Kinh này nối dài những quan niệm do-thái và in dấu của một thời kỳ, nhưng đó là một cách để quả quyết rằng lối hành động của Thiên Chúa không thay đổi và Thánh Kinh luôn luôn vẫn là tiêu chuẩn có giá trị đối với hiện tại.

Tác giả Thư tự giới thiệu là Giu-đê, anh em với ông Gia-cô-bê. Thực sự Tân Ước nói đến ông Gia-cô-bê và Giu-đê, anh em của Chúa, anh em với cả ông Gio-sê (hoặc Gio-sép) và Si-mon (Mc 6,3; Mt 13,55). Vậy ở đây có lẽ là ông Giu-đê này, phân biệt với ông Giu-đê Ta-đê, một người trong nhóm Mười hai nhắc đến ở Lc 6,16; Cv 1,13 (x. Mc 3,18; Mt 10,3). Nhưng có đúng là ông ấy đã viết Thư này không? Vì một số chi tiết trong Thư cho thấy là có sau thời các T. Tông đồ (ở c. 3 có nói đến niềm tin lưu truyền cho các Thánh đồ và nhất là ở c. 17, có nói về giáo huấn các T. Tông đồ là những vị xem ra thuộc chung về quá khứ). Vậy đúng hơn, là tác giả phải nại đến giáo huấn của T. Giu-đê, anh em của Chúa. Trong môi trường tác giả sống, người ta tôn kính các anh em của Chúa Giê-su, là các ông Gia-cô-bê và Giu-đê và nhắc đi nhắc lại những lời nói của các ngài. Ðàng khác, không thể lùi lại quá trễ ngày tháng biên soạn một lá Thư ăn rễ sau vào môi trường do-thái cổ thời đến thế. Vậy có thể định ngày tháng vào những năm 80-90.

Thư T. Giu-đê mặc dầu tính cách tư riêng, nhưng đã được Thư 2 T. Phê-rô dùng lại (Xem Tiểu dẫn Thư này). Vậy Thư ấy phải được nổi tiếng phần nào, và ta không được coi nhẹ sức mạnh của trào lưu ki-tô hữu gốc do-thái chảy ngầm trong Thư và nhờ Thư này ta mới biết được một số khía cạnh.

Việc nhận Thư này vào qui điển đã gặp nhiều khó khăn, nhất là trong các Giáo đoàn Sy-ri. Vào thế kỷ 4, tác giả Êu-sê-bơ ghi nhận là có một số người chống đối. Trái lại qui điển Mu-ra-to-ri (trước năm 200 một ít) và ông Téc-tu-liên (khoảng năm 200) trích dẫn Thư này như lời Thánh Kinh. Ông Cơ-lê-men A-léc-xan-đi (đầu thế kỷ 3) đã chú giải và ông O-ri-giên (sinh năm 185/6 và qua đời năm 254) đã dẫn Thư này. Vậy Thư này đã được công nhận rất sớm tại Rô-ma, A-léc-xan-đi và Các-ta-gô. Theo T. Giê-rôm (sinh khoảng năm 345 và qua đời khoảng năm 420) Thư này bị người ta nghi ngờ là vì trích dẫn các Thư không được Hội Thánh nhìn nhận.

 


Back to Home Page