Chú Giải Tân Ước Theo TOB

Theo bản dịch của Linh Mục An Sơn Vị

 

Prepared for internet by Vietnamese Missionaries in Taiwan


 

Tiểu Dẫn Thư 1 Thánh Phê-rô

Ðức Ki-tô Mẫu Gương Ðau Khổ

 

Thư 1 Phê-rô không làm cho các nhà thần học lưu ý bao nhiêu vì không bao hàm quảng diễn sâu xa về giáo lý và không đem lại giáo huấn nào đặc sắc đối với toàn bộ Tân Ước. Người ta đã ghi nhớ ở Thư này nhất là đoạn văn về chức "tư tế vương tôn" và đoạn văn nhắc đến việc Ðức Ki-tô rao giảng cho Âm phủ. Ðối với phần còn lại, ta dễ chứng minh Thư này có họ hàng với các Tin Mừng Nhất lãm, với các bài giảng trong Công vụ Tông đồ, với các lời khuyên luân lý của T. Phao-lô. Tuy nhiên, sự đồng qui giữa Thư này với các bản văn rất khác nhau về hình thức đó, há lại không có gì để nói với ta về việc dạy giáo lý trong thời đại các Tông đồ và về phần cốt yếu trong đời sống ki-tô hữu đấy ư? Nhiều nhà chú giải hiện thời xác tín về điều ấy. Vì thế việc nghiên cứu Thư này đã lại gây hứng thú giữa các nhà chuyên môn từ nhiều năm nay.

 

Các người nhận Thư

Thư bao hàm ít chỉ dẫn giúp ta nhận định chính xác ai là người nhận Thư. Thư gửi cho ki-tô hữu ở trong năm tỉnh thuộc đế quốc Rô-ma trong miền Tiểu Á, là những kiều bào tản cư được ơn "lựa chọn" (1,1). Ban đầu danh từ "Tản cư" chỉ các người Do-thái sống ngoài xứ Pa-lê-tin, nên thoạt nhìn, xem ra câu ấy giả thiết đây là các ki-tô hữu gốc Do-thái. Thực ra danh từ này rất có thể đã dùng cách tượng trưng để chỉ ki-tô hữu Tản mác khắp hoàn cầu (x. 2,11), mà đa số phải là gốc chư dân. Vì lời ám chỉ lối sống của họ khi xưa, thích hợp với các người cựu chư dân hơn là cựu tín đồ do-thái (1,14.18; 4,3). Tuy nhiên, họ đã quen thuộc với Thánh Kinh. Bằng chứng là Thư năng dùng các sự kiện trong Cựu Ước.

Các cộng đoàn nhận Thư này đa số là do cuộc truyền giáo T. Phao-lô sáng lập, nghĩa là nếu không trực tiếp do T. Phao-lô, thì ít nữa do những cộng tác viên của ngài, từ mấy trung tâm chính tỏa ra nhiều tỉnh khác nhau trong miền Tiểu Á (x. ví dụ ông Ê-pa-pha đem Tin Mừng đến cho thành Co-lo-xê: Co 1,7). Việc tổ chức các thừa tác vụ trong Thư, chưa phân hóa bằng trong các Thư Mục vụ và thích hợp với thời kỳ tương đối cổ trong đời sống Giáo Hội sơ khai: chỉ thấy nhắc đến các vị kỳ lão mà thôi (5,1-4) và gián tiếp đề cập tới các tá viên (x. 4,11). Còn địa vị xã hội các phần tử thuộc những cộng đoàn ấy, nói chung là địa vị thấp hèn. Bằng chứng là đoạn quảng diễn đặc biệt dài về cách ăn nết ở các tôi tớ hay là nô lệ (2,18-25).

 

Tác giả, ngày tháng và nơi biên soạn

Theo các sự kiện trong Thư, tác giả là T. Phê-rô "Tông đồ của Ðức Giê-su Ki-tô" (5,1) là "kỳ lão", là "chứng tá cho các đau khổ Ðức Ki-tô" (5,1), đã viết Thư này "nhờ ông Sin-vanh" (5,12), và bên cạnh ngài khi ấy có ông Mác-cô là "con" ngài (5,13). Việc gán Thư cho Tông đồ Phê-rô, một trong các bản văn muộn nhất trong Tân Ước, đã làm chứng về điều ấy (2P 3,1). Về sau, T. I-rê-nê, ông Téc-tu-liên, và ông Cơ-lê-men A-léc-xan-đi đều chỉ T. Phê-rô là tác giả Thư này. Thêm vào đó là sự kiện, theo sử gia Êu-sê-bơ, ông Pa-pi-a, hồi đầu thế kỷ 2, xác nhận tương quan mật thiết giữa T. Tông đồ Phê-rô và T. Mác-cô, tác giả Tin Mừng 2 (x. cả Cv 12,12).

Tuy nhiên một số nhà chuyên môn đã hoài nghi Thư này chính tông là của T. Phê-rô. Ðây là mấy luận cứ chính họ đưa ra với những câu người ta có thể trả lời cho họ:

a) Tiếng hi-lạp trong Thư có một phẩm tính rất cao, nên xem ra khó có thể gán cho T. Phê-rô là tay thuyền chài xứ Ga-li-lê được. Và người ta cũng không giải đáp điểm khó này bằng cách quả quyết là T. Phê-rô đã viết bản văn bằng tiếng A-ram, rồi nhờ ai đó (Sin-vanh: 5,12) dịch sang tiếng hi-lạp. Vì trong trường hợp này, sẽ không giải thích được vì sao lời trích dẫn trong Thư đều trực tiếp rút ra từ bản văn hi-lạp Cựu Ước, không trừ câu nào. Nhưng luận cứ này không quyết liệt. Người ta đã ký nhận rằng tiếng hi-lạp đã thông dụng ở Pa-lê-tin thời Chúa Giê-su, như các bút tích gần đây mới khám phá được chứng minh điều ấy. Như vậy T. Phê-rô rất có thể đã biết tiếng này. Ðàng khác, T. Phê-rô đã có thể cậy nhờ cộng tác viên của ngài là ông Sin-vanh để soạn bản văn, đó là lý do có thể giải thích vì sao văn hay như thế.

b) Người ta cũng nhận định tính song đối rõ ràng giữa một số ý tưởng trong Thư và thần học T. Phao-lô. Chỉ xin nhắc mấy ví dụ: việc dùng hình ảnh hòn đá vấp phạm trong Cựu Ước (1P 2,4-8 và Rm 9,32-33), lời khuyên phục tùng quyền bính (1P 2,13-17 và Rm 13,1-7), hay việc dùng định thức "trong Ðức Ki-tô" (3,16; 5,10.14). Mà một đoạn văn như Ga 2,11-14 há lại không chống lại chủ trương cho là giáo lý Thánh Phao-lô không ảnh hưởng gì trên tư tưởng T. Phê-rô đấy ư? - Thực ra mấy điểm giống nhau nhận thấy giữa Thư này và các Thư T. Phao-lô, ta có thể giải thích dễ dàng, vì đã có một căn bản giáo lý chung cho toàn thể Giáo Hội sơ khai, T. Phê-rô và T. Phao-lô đều sử dụng căn bản ấy. Còn sự kiện An-tiêu-kia ghi lại trong Ga 2,11-14 nói đúng ra, không phải là đối lập thần khoa giữa hai Tông đồ: điều T. Phao-lô trách T. Phê-rô, là thái độ ngài trong một hoàn cảnh riêng, chứ không phải là thần học của ngài.

c) Thư 1 T. Phê-rô không tỏ ra sự biết trực tiếp nào về Ðức Giê-su trần thế như các Tin Mừng trình bày với ta. Tác giả chỉ nói chung về các đau khổ và sự chết của Ðức Ki-tô và hoàn toàn không đề cập chi tới ý niệm trung tâm trong giáo huấn của Ðức Giê-su (ví dụ như "Nước Chúa", "Con Người"). T. Phê-rô là môn đồ rất gần với Ðức Giê-su, phải chăng sẽ không diễn tả cách thức khác? Ngài há lại không qui chiếu cách chính xác hơn vào kinh nghiệm đã sống bên cạnh Thầy mình đó ư? - Ðáp lại vấn nạn trên, người ta dẫn cả một chuỗi đoạn văn Thư này phản ảnh các lời Ðức Giê-su đã nói (1,8 và G 20,29; 2,2 av2 Mc 10,15ss; 2,12 và Mt 5,16; 2,23 và Mt 5,39; 3,9 vì Lc 6,28; 3,14 và Mt 5,10; 5,3 và G 13,15-17; x. 2,25 và Mt 9,36). Hơn nữa nhiều trong số các lời nêu ra đó, lại xuất phát từ các mạch văn trực tiếp liên hệ tới bản thân T. Phê-rô (v.d. 5,2 và G 21,15-17; 1,4.13 và Lc 12,33.35.41). Gần đây người ta cũng nhấn mạnh tới tầm quan trọng của đề tài Vị Tôi Tớ đau khổ trong Thư này. Ðề tài ấy bắt nguồn từ sách ông I-sai (52,13-53,12), ta thấy hiện rõ một trật trong các Tin Mừng (Lc 22,37 và Is 53,12), trong các bài giảng T. Phê-rô (Cv 3,13.26; x.4,27-30) và trong Thư này (2,21-25). Cố nhiên không nên quá đề cao giá trị thật của các đoạn văn giống nhau như thế, vì đã có những tuyển tập các lời Ðức Giê-su lưu hành rất sớm trong toàn Giáo Hội. Nhưng dù sao, chúng cũng minh chứng rằng lý luận căn cứ vào sự "thiếu kỷ niệm trực tiếp về Ðức Giê-su trần thế" là lý luận rất đáng hoài nghi.

d) Có lẽ Thư ám chỉ các lần bắt bớ công nhiên đầu hết một cách tổng quát (chứ không phải thuần địa phương), nên ta không có thể đặt vị trí Thư vào trước triều đại hoàng đế Ðo-mi-xiêng (năm 81 đến 96 sau Công Nguyên), và do đó lâu năm sau khi T. Phê-rô qua đời (4,12 và 5,9). - Ý kiến này cũng phi bác được. Trước tiên phải ký nhận rằng tâm trạng trong Thư này phản ảnh khác  xa sách Khải huyền trong đó trình bày hiển nhiên là Nhà Nước bắt đạo. Còn trong Thư 1 T. Phê-rô, không có gì như thế. Vì Thư còn dạy phải tôn trọng chính quyền, hoàn toàn giống như Thư Rô-ma (1P 2,13-17 và Rm 13,1-7) và đặc biệt nêu vai trò tích cực của chính quyền (2,14). Thêm vào đó là sự kiện Thư này không dùng các "danh từ chuyên môn chỉ sự bắt bớ"... hay các chữ như vụ kiện, tòa án, tố cáo... nhưng chỉ dùng các danh từ thần học, như cám dỗ, thử thách, các đau thương phải chịu oan vì sự công chính. Ðã hẳn, đây chỉ là những "khuấy khuất, phê bình, cười nhạo, ngược đãi, mách lẻo, khai trừ... mà ki-tô hữu đã là nạn nhân, ngay từ đầu, do các đồng hương dân ngoại hay các người đồng đạo trước đây" (Spicq). Vì thế không có gì ngăn trở ta đặt vị trí Thư này ở thời kỳ tương đối xưa, vào lúc T. Phê-rô còn sống.

Tóm lại, các vấn nạn trình bày trên đây không dứt khoát đặt lại thành vấn đề các sự kiện trong Thư và trong tập truyền. Vậy ta có thể nhận Thư này thực sự do T. Phê-rô biên soạn, có thể là nhờ ông Sin-vanh giúp đỡ (Sin-vanh là tên la-tinh của ông Si-la trong Cv 15,22.40; 18,5; x. 2C 1,19). Còn ngày tháng biên soạn có lẽ vào khoảng ít lâu trước khi hoàng đế Nê-rôn bắt đạo (năm 64 sau Công Nguyên), nói khác đi là ít lâu trước khi T. Phê-rô qua đời. Có lẽ T. Tông đồ viết Thư này tại Rô-ma, nếu ta theo lối giải thích có phần đúng hơn hết về lời nhắc đến thành "Ba-by-lon" ở 5,13, là tên tượng trưng chỉ Thủ đô Ðế quốc Rô-ma.

 

Loại văn, nhất trí và mục tiêu Thư này

Nhiều nhà phê bình lưu ý tới những ám chỉ về phép thanh tẩy đặc biệt là trong ba chương đầu Thư. Hơn nữa một số người tưởng là thấy có đổi thay bầu khí kể từ 4,12: không còn xem đau khổ như điều có thể xảy ra, nhưng như thực tại hiện thời (4,12; 5,9; x. 2,20; 3,14.17). Căn cứ vào mấy xác nhận như thế, người ta đã nêu nhiều giả thuyết khác nhau về loại văn và nhất trí của Thư này, mà nhấn mạnh cách riêng là Thư bắt nguồn từ phụng tự. Người thì cho là Thư phản ảnh phụng vụ thanh tẩy (1,3-4,11), rồi có lẽ về sau lại thêm vào đó một bản văn muộn hơn nhắm củng cố niềm tin nơi các người thụ tẩy (4,12-5,14). Người khác không cho các dị biệt giữa 1,3-4,11 và 4,12-5,14, là quan trọng và coi 1,3-5,11 là như một bài giảng về phép Thanh tẩy, rồi sau người ta đã thêm 1,1-2 và 5,12-14 cho có vẻ một bức thư. Sau hết có người lại coi đó là phụng vụ tuần Phục sinh.

Nhưng mấy giả thuyết trên đụng phải nhiều vấn nạn: vì sự nhất trí trong ngữ vựng và lời văn của Thư này khiến cho khó nhận được là có hai đoạn nguồn gốc khác nhau. Lời gởi và lời kết thư có liên quan rõ ràng với phần thân ("kiều bào": 1,1 và 2,11; x. 1,17; lời khuyên nhủ, đề tài của Thư: 5,12 và 2,11). Hơn nữa lời tạ ơn (1,3-9) và "qui luật" luân lý ki-tô giáo (2,13-3,7) càng tăng cường xác tín là tác giả đã quan niệm bản văn này như một bức Thư. Ðúng là người ta đã ngạc nhiên vì thiếu ghi chú cá nhân về tác giả và người nhận Thư. Nhưng đó là vì lá Thư xuất phát từ một vị có uy quyền trong Giáo Hội mà không phải là vị sáng lập các cộng đoàn ngài gởi Thư cho. Còn sự đổi thay viễn ảnh kể từ 4,12, thì đừng quá phóng đại, vì ngay ở 1,6 đã coi các đau thương là cái hiện thời rồi. Ðàng khác, nguyên một việc căn cứ vào bản văn Thư này mà lại đưa ra quá nhiều giả thuyết khác nhau về một phụng vụ hay bài giảng thanh tẩy, điều ấy đủ chứng minh là giả thuyết hết sức hồ đồ. Thêm vào đấy còn hai sự kiện: một là không gặp lời chính xác nào nhắc đến lễ nghi thanh tẩy trong Thư (ngược lại với các bản văn như Rm 6,3-4; Co 2,12; Tt 3,5), trừ ra có một lần, nhưng là trong đoạn văn có giá trị điển hình (3,21); hai là không gặp trong bản văn dấu vết một tiến trình, cho phép ta sắp xếp lại các giai đoạn của lễ nghi thanh tẩy (ví như động từ hi-lạp ám chỉ việc tái sinh ở 1,23, thì đã dùng ở 1,3 rồi; x. 1,3).

Vậy không có lý nào để hoài nghi tính thư tín và sự nhất trí của Thư 1 T. Phê-rô. Thư này ăn rễ chắc chắn vào cả một tập truyền giáo lý chung cho Giáo Hội sơ khai. Câu kết (5,12) xác định đúng mục tiêu Thư này: khuyên lơn và củng cố lòng tin các ki-tô hữu mà nhiệt tâm khi ấy liều mình hóa ra nguội lạnh và lòng can đảm lại bị thử thách trước nhiều gian nan khốn khó. Muốn được vậy, tác giả qui chiếu vào các lời giáo huấn, những ki-tô hữu ấy đã nghe, khi họ ăn năn trở lại và chịu thanh tẩy.

 

Nội dung Thư này

Không thể nêu lược đồ theo luận lý cho Thư này. Chính là vì đặc tính riêng của bản văn này, trong đó các lời khuyên luôn luôn xen kẽ với các điểm giáo lý để biện minh và tăng cường cho chúng. Nói chung, thì lời khuyên ở "mệnh lệnh cách" đi trước tuyên ngôn giáo lý ở "trực trần cách" để làm căn cứ cho lời khuyên (ngược với các Thư chính của T. Phao-lô, trong đó phần giáo lý ở đầu với "trực trần cách" liên quan tới những chi ki-tô hữu hiện có rồi trong Ðức Giê-su Ki-tô, rồi tiếp đến phần thứ hai gồm lời khuyên với "mệnh lệnh cách" kêu mời họ sống cho xứng với các điều mình đã tiếp thụ). Cùng lắm có thể chấp nhận một tiến trình trong lời khuyên nhủ, nếu ta xét là tính hiện thời của mối hăm đe đã trở nên xác định kể từ 4,12.

Có thể trình bày nội dung Thư theo cách sau đây:

Lời gởi và chào thăm: 1,1-2.

Tạ ơn (theo lối văn các lời chúc tụng do-thái, x. Ep 1,3-14) kéo dài thêm trong một suy tư về sự mặc khải chương trình Thiên Chúa: 1,3-12.

Lời khuyên một: gởi ki-tô hữu gốc chư dân mời họ dứt khoát đoạn tuyệt với nếp sống cũ của họ: 1,13-2,10.

Kêu gọi sống thánh thiện vì chính niềm hi vọng do Ðức Ki-tô đã sắm cho ta: 1,13-21.

Mấy lời nhắn nhủ về đời sống cộng đoàn: 1,22-2,2,3.

Nền tảng giáo lý: sở dĩ Thiên Chúa đã chọn ki-tô hữu để nên thành phần của Ðền thờ linh thiêng mà Ðức Ki-tô là nền tảng, chính là để họ công bố những kỳ công của Ðấng đã kêu gọi họ vào ánh sáng: 2,4-10.

Lời khuyên hai: 2,11-3,12.

Tuyên bố chung về lối sống phải theo giữa chư dân; 2,11-12.

Các nghĩa vụ ki-tô hữu tùy theo địa vị: nghĩa vụ đối với chính quyền, nghĩa vụ tôi tớ đối với chủ, nghĩa vụ vợ chồng đối với nhau: 2,13-3,7.

Lại kêu mời thương yêu nhau theo tình huynh đệ: 3,8-12.

Lời khuyên ba: 3,13-4,11.

Kêu mời tín nhiệm trước sự chống đối của thế gian: 3,13-17.

Nền tảng cho lòng tín nhiệm này: sự toàn thắng của Ðức Ki-tô: 3,18-22.

Hậu quả thực hành của gương Ðức Ki-tô, là đoạn tuyệt với tội lỗi: 4,1-6.

Tỉnh thức trong đời sống cộng đoàn: 4,7-11,

Lời khuyên bốn: do cơn bắt bớ hòng đến gây nên: 4,12-19.

Mấy lời khuyên riêng: 5,1-11.

Nhắc lại các nghĩa vụ các thủ lãnh cộng đoàn: 5,1-4.

Khiêm nhường và tỉnh thức: 5,5-11.

Kết Thư: 5,12-14.

 

Ðời sống ki-tô hữu theo Thư 1 T. Phê-rô

Người ta thường không biết giá trị riêng của sứ điệp Thư 1 T. Phê-rô. Mà giá trị này hiện lên rõ ràng ngay lúc người ta lưu ý tới tình cảnh Thư này muốn nhắm. Tác giả không còn phải đặt nền tảng đức tin là những điều đã dạy cho độc giả biết rồi (1,12). Ðúng hơn, đây là đứng trước những khó khăn ngày càng lớn mà các cộng đoàn ki-tô hữu gặp phải, khuyên họ kiên tâm trì chí, chính vì niềm hi vọng đã giảng cho họ trước đây. Muốn vậy T. Tông đồ hướng mắt độc giả nhìn vào Ðức Ki-tô, để họ ý thức (hay lại ý thức) về quyền năng của sự sống mới ở trong Người (1,3; 2,2). Hơn nữa, tác giả còn nhấn mạnh về tính toàn thắng của niềm hi vọng họ đã tiếp thụ, là nguồn hoạt động kiên trì và hân hoan trong cuộc sống mọi ngày.

a) Ăn rễ sâu vào công trình của Ðức Ki-tô

Tác giả chắc chắn là độc giả được Thiên Chúa lựa chọn trong Ðức Giê-su Ki-tô và từ đây họ thuộc về dân Ngài (1,2-3; 2,9). Tuy nhiên, ông muốn giúp họ ăn rễ sâu hơn vào công trình Thầy họ đã từng hoàn tất. Chính theo hướng đó, ông nhắc lại cho họ nhớ hiến tế Ðức Ki-tô (1,2; 1,19) và các đau thương Người (2,21-24), để họ noi gương (2,21). Cũng thế, ông nhấn mạnh tới sự toàn thắng phổ cập trên mọi phạm vi vũ trụ (3,18-22) và chính sự chết cũng không ngăn cản được (4,6; x. 3,19). Từ đây, tín đồ phải liên kết với Viên Ðá góc, là nền tảng cộng đoàn (2,4-8).

Về điểm này, nên ghi chú là Ki-tô học của Thư này gần với giáo lý trình bày ở đầu sách Công vụ (cách riêng trong các bài giảng T. Phê-rô) hơn  là với Giáo lý T. Phao-lô (ví dụ như đề tài vị Tôi Tớ đau thương, theo mấy xuất xứ ghi trên này; vai trò phép thanh tẩy: Cv 2,38-40 và 1P 3,21; x. cả Cv 2,31 và 1P 3,18). Cũng nên ký nhận là ta gặp thấy âm vang nhiều lời tuyên xưng đức tin hay là thánh thi của cộng đoàn ki-tô hữu (v.d. 2,22-24; 3,22; 4,5).

b) Niềm cậy trông sống động

Ðề tài cậy trông rất quan trọng ngay ở đầu Thư (1,3.13.21). Niềm cậy trông ấy xét theo ba quan điểm là nguồn gốc, đối tượng và các hậu quả. Về nguồn gốc: cậy trông không phải là kết quả do trí vẽ hay do những cố gắng loài người, nhưng chính là hồng ân nhưng không Thiên Chúa ban cho nhờ sự Ðức Giê-su Ki-tô phục sinh (1,3) (nên lưu ý sự phục sinh củaÐức Giê-su Ki-tô liên hệ tới mức nào với việc thể hiện ơn cứu thoát: 1,21; 3,21). Về đối tượng, thì cậy trông hướng tới Nước tương lai, tới gia tài bất diệt bảo đảm cho tín đồ, hướng tới lúc niềm tin sẽ biến thành sự nhìn thấy và dân Thiên Chúa được chiếm hữu cách viên toàn và dứt khoát ơn cứu độ đã ban cho họ trong Ðức Giê-su Ki-tô (1,4.7.13). Còn về các hậu quả đối với đời sống hiện thời của các tín đồ, thì không được lẫn cậy trông với thái độ khắc kỷ hay là lòng nhẫn nhục thụ động, nhưng phải coi như động lực cho nếp sống mới (1,13-15). Niềm cậy trông giúp tín đồ hân hoan chiến đấu (1,6), không phải mặc dầu thử thách (thoạt tiên xem như mâu thuẫn), nhưng là ở giữa thử thách kia (4,12-13). Thế gian không ngừng đặt vấn đề cậy trông, nhưng tín đồ phải luôn luôn sẵn sàng giải thích niềm cậy trông ấy một cách bảo đảm an toàn (3,15-16).

c) Làm chứng trong cuộc sống mọi ngày

Thư này nhấn mạnh tới sứ mạng của dân Thiên Chúa ở giữa trần gian: Thiên Chúa đã chọn những con người để họ phụng thờ Ngài và chiếu tỏa sự nhìn biết các công việc Ngài trên khắp thế gian. Vì thế trong Thư 1 T. Phê-rô, đề tài lựa chọn đi đôi với chức tư tế các tín đồ (2,5; 2,9; x. Rm 12,1). Thứ phục vụ đòi họ phải làm sẽ thực thi trước hết trong Giáo Hội (1,22; 2,1-5; 3,8-12; 4,7-11; 5,1-7). Các kỳ lão thi hành trách nhiệm riêng để gìn giữ cộng đoàn trong việc thực thi tình huynh đệ (5,1-4). Nhưng cũng có mọi nghĩa vụ liên quan tới nhiều khía cạnh khác nhau trong đời sống: chính trị, xã hội, gia đình (2,11-3,7). Các chỉ thị về quan điểm này đều gần với những qui luật luân lý người ta gặp thấy trong văn chương thời ấy hay trong Do-thái giáo. Tuy nhiên, chúng nhận thêm một định hướng và nội dung mới nhờ qui chiếu vào Chúa Ki-tô (2,13) và nhờ lưu ý tới mỗi người, gồm cả những người thấp hèn hơn hết. Hình như các chỉ thị ấy không đặt lại vấn đề đối với những gì có thể tranh luận trong các cơ cấu xã hội đương thời. Bề ngoài các chỉ thị ấy không có chi là cách mạng. Nhưng, trong một khuôn khổ sẵn có, chúng nêu cho tín đồ đường hướng phải theo. Ðó là đem lại một sứ điệp cậy trông, trong lòng yêu mến Chúa và nhờ sự biến hóa bên trong thân phận con người đó, giúp cải cách những gì cần thiết trong đời sống xã hội. Xin thêm là, nói chung, Thư này không tỏ thái độ chống lại thế giới chư dân. Ðúng hơn Thư nêu rõ trách nhiệm của chư dân Thiên Chúa đối với họ: trong bất cứ hoàn cảnh nào, dù khắc khổ bao nhiêu đi nữa, các tín đồ phải hành động làm sao để soi sáng cho người ngoại (2,11-12; 3,13-17).

Thư này nhắc cho ki-tô hữu thuộc bất cứ thời đại nào nhớ tất cả những chi bao hàm trong niềm "cậy trông sống động" họ đặt vào Ðức Giê-su Ki-tô. Ðó là tín nhiệm bám chắc vào Chúa toàn thắng và hoạt động kiến thiết để phụng sự Người. 

 


Back to Home Page