Chú Giải Tân Ước Theo TOB

Theo bản dịch của Linh Mục An Sơn Vị

 

Prepared for internet by Vietnamese Missionaries in Taiwan


 

Tiểu Dẫn Thư Gửi Tín Hữu Hi-bá

Ðức Ki-tô Thượng Tế Chúa Cha

 

Thư Hi-bá có thể làm cho độc giả kim thời ngạc nhiên. Ðọc Thư ấy khi thì ta thán phục, khi thì thấy như mình lạc lõng.

Thán phục nền giáo lý thật là súc tích và chiều sâu nhân bản trong nhiều đoạn văn. Vì tác giả có nhiều kiểu nói tuyệt vời để cao rao tính siêu việt của Ðức Ki-tô, và đồng thời lại biết diễn tả rất thực tính siêu việt của Ðức Ki-tô, và đồng thời lại biết diễn tả rất thực tế tình liên đới tuyệt cao liên kết Ðức ki-tô với các "em của Người". Mỗi hàng đều cho ta thấy tác giả hiểu biết sâu xa Cựu Ước và mỗi lời khuyên đều xuất phát từ đáy lòng mền yêu Giáo Hội.

Tuy nhiên, có một số nét lại khiến ta cảm thấy mình lạc lõng. Vì tác giả nói nhiều về các lễ nghi đạo cũ và các hiến tế loài vật. Ðàng khác, ông lại rất lanh trí để giải thích ý nghĩa tượng trưng của các bản văn và biến cố, để gợi những mối tương quan giữa các thực tại trần ai và các kiểu mẫu trên trời, giữa các sự kiện lịch sử và tính vĩnh cửu của Thiên Chúa. Nhiều độc giả bấy giờ sẽ thấy mình hụt chân, và nếu cố xem bản văn cho kỹ thì càng gặp khó khăn hơn nữa vì dáng vẻ mê hồn của lối hành văn.

Ðàng khác, chính nguồn gốc tác phẩm này đặt ra nhiều vấn đề phiền phức gây tranh luận và hoài nghi, ngay từ các thế kỷ đầu, rồi đến thời kỳ Cải lương, lại làm cho sống dậy: ai đã viết Thư này? Có thể gán cho T. Phao-lô tông đồ hay không? Vì sao lại ít giống các Thư lớn của T. Phao-lô đến thế? Thư ấy viết cho ai và trong dịp nào? Có thật là bức Thư hay không?

Cần nghiên cứu cẩn thận mấy vấn đề trên đây, trước khi phác họa nội dung phong phú của văn thư thật say mê này.

 

Tranh luận về nguồn gốc

Trong bốn thế kỷ đầu, vị trí của Thư Hi-bá đã trải qua nhiều cảnh thăng trầm. Nhưng về điểm này phải ghi nhận sự khác nhau đáng kể giữa các Giáo đoàn bên Ðông và các Giáo đoàn bên Tây.

Các Giáo đoàn bên Ðông vẫn coi Thư Hi-bá là của T. Phao-lô. Tuy nhiên tập truyền rất vững này không ngăn trở cổ nhân nhận ra những dị biệt giữa Thư Hi-bá với những Thư khác của T. Phao-lô.

Muốn nêu những nét riêng biệt này, ông Cơ-lê-men A-léc-xan-đi coi đó là bản thích nghi sang tiếng hi-lạp một bản văn do T. Phao-lô biên soạn bằng tiếng hi-bá (x. Êu-xê-bơ Lịch sử Giáo Hội VI, 14,2). Ông tưởng là nhận ra trong đó lời văn của T. Lu-ca. Sau đó ít lâu, ông O-ri-giên còn phân biệt rõ ràng hơn nữa. Ông nói là tư tưởng của T. Tông đồ, nhưng hiển nhiên không phải do ngài biên soạn. Thư Hi-bá là tác phẩm của một môn đồ T. Phao-lô, diễn tả trung thành, nhưng theo cách thế riêng, giáo huấn của thầy mình. Môn đồ ấy là ai? Ông O-ri-giên thú nhận là không biết (sđd VI 25, 11-13). Tuy không biết tác giả là ai, nhưng lòng tin của ông đối với bản Kinh Thánh ấy vẫn còn nguyên ven. Các nhà chú giải khác bên Ðông, ít lưu tâm tới vấn đề văn chương, nên chỉ theo lời quả quyết là của T. Phao-lô, vì có tập truyền các Giáo đoàn mình bảo đảm.

Bên Tây, thì tình cảnh khác. Người ta biết Thư Hi-bá ngay từ cuối thế kỷ đầu, vì Thư T. Cơ-lê-men Rô-ma gởi Giáo đoàn Co-rin-tô có trích rõ ràng. Nhưng người ta lại không hoàn toàn chấp nhận. Vì không chắc là của T. Phao-lô, nên người ta nghi ngờ về giá trị linh hứng. Vì có một số bè phái sử dụng, nên sự nghi ngờ càng tăng thêm nữa. Người ta dùng ch. 7 để bênh những thuyết kỳ dị về ông Men-ki-xê-đéc. Phải nghiêm ngặt thì căn cứ trên Hi-bá 6,4-6 và 10,26, để từ chối không tha tội cho các người đã chối đạo trong cơn bắt bớ. Bè A-ri-ô lấy luận chứng ở 3,2 để chủ trương Ðạo Ngôn là tạo vật. Theo lời ông Phi-lát-trơ Bơ-rê-si-a làm chứng (Migne PL 12, cột 1199), thì bấy nhiêu sự ấy làm cho mãi tới cuối thế kỷ thứ 4, người ta không đọc Thư Hi-bá trong các Giáo đoàn. Riêng T. Giê-rôm ký nhận là người Rô-ma không gán Thư Hi-bá cho T. Phao-lô (De viris ill. 59). Chính ngài coi vấn đề tác giả chỉ có tầm quan trọng tùy tòng. (Ep 129 ad Dard. PL 22, cột 1103). Tập truyền các Giáo đoàn hi-lạp xưa nay vốn làm chứng Thư này thuộc bộ Thánh Kinh linh hứng; T. Giê-rôm coi điều ấy là bảo đảm quyết định. Ðó cũng là ý kiến T. Âu-gút-tinh (Depecc. mer. 1,50). Những bảng "qui điển Thánh Kinh" thiết lập vào cuối thế kỷ thứ 4 đã chấm dứt tình trạng nghi ngờ, vì có nhắc rõ ràng đến Thư Hi-bá. Nhưng vì xếp Thư này vào số các Thư của T. Phao-lô, nên kết quả hiển nhiên là ủng hộ khuynh hướng quả quyết Thư này chính tông là của T. Tông đồ. Ðến thời Trung cổ, sách Gloss ordinaria theo lập trường gần giống như ông Cơ-lê-men A-léc-xan-đi: Thư Hi-bá là của T. Phaolô, do Lu-ca trung thành phiên dịch sau khi T. Tông đồ đã qua đời.

 

Thời kỳ Cải lương

Ðến thời kỳ Cải lương thì lại bắt đầu tranh luận. Ta gặp thấy tiếng vang trong cuốn ông Lu-tê-rô chú giải Thư này năm 1517-1518, chính năm ông ra truyền cáo Vít-ten-béc. Ông giải thích bản văn như là của T. Tông đồ, thậm chí ông còn gặp thấy trong đó luận đề căn bản của giáo lý T. Phao-lô: "Trong Thư này T. Phao-lô tán dương ân sủng chống lại lòng kiêu căng của sự công chính loài người chiếu theo Lề Luật." Dầu thế ông cũng nêu một câu như Hi 2,3, trong đó tác giả coi mình vào sổ các người đã tiếp thu Tin Mừng nhờ qua các môn đồ, cho câu ấy là một "luận chứng rất mạnh" để chứng minh Thư này không phải của T. Phao-lô. Vì trong Thư Ga-lát, T. Phao-lô nói khác hẳn. Ở câu 13,19 thì trái lại, ông Lu-tê-rô cho là một luận chứng để bênh Thư này chính tông là của T. Phao-lô, vì câu ấy gợi nhớ cảnh tù đày.

Mấy năm sau, khi giới thiệu bản dịch Tân Ước của mình, ông Lu-tê-rô đã xác định lập trường của ông: Thư này không phải là tác phẩm của T. Phao-lô hay của tông đồ nào hết. Dầu thế ông cũng thán phục tài tác giả vô danh khéo sử dụng Thánh Kinh. Nhưng theo ý kiến ông, có mấy đoạn gây nên khó dễ. Ðó là mấy câu chủ trương các người đã chịu thanh tẩy mà còn sa phạm tội, thì không thể nào ăn năn trở lại được nữa (6,4-6; 10,26; 12,17). Bấy giờ ông nêu ý kiến Thư Hi-bá là một tác phẩm hỗn hợp.

Ông Can-vanh thì không giấu giếm gì. Ông tuyên bố Thư Hi-bá chắc chắn thuộc bộ Thánh Kinh và ông cho là tại mưu đồ của Sa-tan mà người ta đã tấn công uy tín của Thư này. Nhưng không vì thế mà ông coi là tác phẩm của T. Phao-lô.

Sau đó các nhà chú giải trong giáo phái Thệ phản có nhiều ý kiến khác nhau. Tới thế kỷ 17 thì gần như mọi người đồng thanh công nhận Thư này chính tông là của T. Phao-lô. Rồi ý kiến ngược lại lại thắng thế.

Quyền Giáo huấn Công giáo bám vào bằng chứng của tập truyền, nên lo bênh vực ý kiến cho Thư này là của T. Phao-lô. Tuy nhiên phải ký nhận là Công Ðồng Tri-đen-ti-nô không chịu tuyên bố rõ ràng về vấn đề chính tông, nên có nhà chú giải công giáo (như Ét-ti-ô) chủ trương tác giả là một môn đồ của T. Phao-lô viết một tác phẩm bản sắc. Trong những cuộc tranh luận đầu thế kỷ 20, Ủy ban Kinh Thánh Rô-ma cấm người Công giáo phủ nhận Thư này là của T. Phao-lô, nhưng chấp nhận cho nói là không do chính T. Phaolô biên soạn. Các nhà chú giải công giáo gần đây hiểu nguồn gốc bởi T. Phao-lô theo nghĩa rộng; một trong những nhà thông minh bậc nhất đã cho là Thư đã do ông A-po-lô viết sau khi T. Phao-lô tử đạo (C. Spicq, Thư Hi-bá q. I, tr. 260-261).

 

Vấn đề chính tông

Thực ra có nhiều luận chứng chống lại chủ trương nhận Thư này chính tông là của T. Phao-lô. Dáng vẻ chung của Thư Hi-bá không tương ứng chút nào với bản chất T. Tông đồ. Lời văn quá êm đềm, cách biên soạn quá đều đặn, cá tính tác giả quá bị xoá nhòa (x. 2,3). Ta có thể ghi nhiều dị biệt về ngữ vựng, kiểu nói và cả lối quan niệm về Huyền nhiệm Ðức Ki-tô.

Người ta không sao tìm thấy trong Thư Hi-bá Danh hiệu "Ki-tô Giê-su" hay kiểu nói "trong Ðức Ki-tô" mà T. Phao-lô rất năng dùng. Không bao giờ trích Cựu Ước như lời Thánh Kinh ("có chép rằng", "Kinh Thánh nói"). Nhưng luôn luôn như là "lời" ("Ngài nói"). tác giả năng nhắc tới việc đăng quang của Ðức Ki-tô trên trời, nhưng chỉ có một lần đề cập tới việc Ngài phục sinh từ trong kẻ chết (13,20) và cả lần ấy cũng không dùng kiểu nói thông thường. Cách trình bày chức Thượng tế của Ðức Ki-tô thật là độc nhất vô song trong toàn bộ Tân Ước. Tắt là ta đứng trước một cá tính khác xa với T. Phao-lô.

Một người còn đi tới chỗ phủ nhận mọi mối tương quan giữa nội dung Thư này và tư tưởng T. Phao-lô nữa. Như vậy rõ ràng là đi quá trớn. Vì ta có thể ghi nhận sự tương đồng rất rõ rệt giữa Thư Hi-bá và giáo lý T. Phao-lô về nhiều điểm tối quan trọng: (1) trình bày sự Thương khó Ðức Ki-tô theo khía cạnh tự ý vâng lời ở Hi 5,8 và 10,9, cũng như ở Ph 2,8 và Rm 5,19; (2) quả quyết tính vô hiệu lực và việc bãi bỏ Lề luật cũ ở Hi 7,11-19 và 10,1-10 cách mạnh mẽ không kém gì các bản văn Ga 3,21-25 hoặc Rm 4,15; 5,20; trong Tân Ước không thấy nơi nào dùng kiểu nói rõ ràng đến thế để diễn tả đề tài này của T. Phao-lô; (3) ngược lại, chính trong các Thư T. Phao-lô (1C 5,7; Rm 3,25 và nhất là Ep 5,2) là nơi đề tài căn bản của Thư Hi-bá có được căn cứ vững vàng hơn hết. Cứ so sánh Ga 2,20 với Ep 5,2.25, là thấy rõ khía cạnh hiến tế và tư tế của Công trình Cứu Chuộc đã dần dần sáng tỏ thêm trong các môi trường T. Phao-lô; (4) sau hết có thể nêu nhiều điểm tương đồng trong giáo lý về Ðức Ki-tô giữa Thư Hi-bá và các Thư viết khi bị tù, như Chúa Con là hình ảnh Thiên Chúa được siêu tôn vượt trên các thiên thần. Danh hiệu Ngài tiếp thụ sau khi dâng mình hiến tế. Bấy nhiêu ghi nhận cốt yếu không cho phép ta từ khước mọi giá trị của tập truyền bên Ðông coi Thư này là của T. Phao-lô. Ta có căn cứ để tin là Thư Hi-bá đã do một bạn đồng nghiệp của T. Phao-lô biên soạn.

Còn việc xác định rõ hơn tác giả là gì, thì ta không thể hi vọng được. Vì ngay tập truyền thời cổ đã phân vân giữa nhiều giả thuyết như T. Lu-ca, T. Cơ-lê-men Rô-ma hoặc T. Ba-na-bê. Nhưng không giả thuyết nào có đủ bằng chứng. Vì thế các người thời nay đi tìm giả thuyết mới. Giả thuyết có thể tán thành hơn hết hẳn là nhờ ông Lu-tê-rô giới thiệu và gán Thư Hi-bá cho ông A-po-lô. Gốc Do-thái, được giáo dục theo Hi-lạp tại A-léc-xan-đi, thông thạo Thánh Kinh và nổi tiếng có tài lợi khẩu (Cv 18,24-28; 1C 3,6): đó là những nét hoàn toàn thích hợp với tác giả Thư Hi-bá, vì ngôn ngữ Thư này có nhiều liên hệ với ngôn ngữ ông Phi-lông A-léc-xan-đi. Nhưng vì không có bằng chứng cổ về vấn đề này và không thể so sánh với tác phẩm nào khác ta biết chắc là của ông A-po-lô, nên việc gán Thư Hi-bá cho ông đứng vào hàng giả thuyết không thể nào kiểm chứng được. Chung qui ta đành chịu không biết tên tác giả là ai.

 

Loại văn: Thư hay bài giảng

Chính loại văn của tác phẩm này cũng gây tranh luận. Người ta quá quen gọi là Thư, nhưng không thấy bắt đầu theo kiểu bức thư, và không thể nói là phần mở Thư này bị mất. Thực ra câu thứ nhất (1,1-4) đúng là câu mở đầu rất khéo, nhưng không phải cho một bức thư, mà cho một bài giảng. Toàn bản văn cũng có đặc tính hùng biện như thế. Tác giả không bao giờ nói là ông viết, nhưng luôn luôn nhắc là ông nói (2,5; 5,11; 6,9; 8,1; 9,5; 11,32). Phần thân không bao hàm yếu tố đặc biệt nào của lối viết thư. Phải đợi tới mấy câu sau cùng mới thấy đổi giọng: 13,22-25 là một đoạn kết thư. Ta gặp mấy chữ đưa tin gởi cho các người ở nơi khác, rồi tới mấy lời chào thường quen và một lời cầu chúc. Nhưng trước phần kết mà giọng điệu không tương ứng chút nào với phần mở đó, ta nhận thấy một câu long trọng (13,20-21), làm thành câu kết thật. vậy ta cần phân biệt trong bản văn hiện thời, một bài giảng dành để đọc (1,1-13,21) và một cái vé đã thêm vào về sau (13,22-25). Có thể nghĩ là thực sự người ta đã đọc bài giảng này ở trước mặt các tín đồ hội họp ở một hay nhiều nơi khác. Rồi lại viết gởi cho ki-tô hữu và nhân dịp kèm thêm mấy chữ đưa tin và chào hỏi. Rất có thể là bài giảng và tấm vé không phải do cũng một người viết. Tuy lời văn bài giảng không thể gán cho T. Phao-lô, nhưng đối với tấm vé, thì không thể nói như vậy được.

 

Người nhận thư

Bản văn không ghi rõ chi tiết về các người nhận Thư. Nhan đề "gởi người Hi-bá" không thuộc chính văn. Tuy có từ thời cổ, nhưng rất có thể là đã chọn nhan đề ấy lúc xen bản văn vào tuyển tập gồm nhiều bức Thư. Ý nghĩa nhan đề ấy không rõ ràng. Nhiều nhà chú giải cổ thời nhân đó kết luận người nhận Thư gốc Do-thái, ở tại xứ Pa-lê-tin và nói tiếng Hi-bá. Lối nhìn đó, bây giờ không ai theo nữa, vì ai nấy đều công nhận văn hi-lạp trong Thư không phải là văn dịch.

Có những tác giả gần đây chủ trương Thư này viết cho người Do-thái ngoài Ki-tô giáo và chính xác hơn là cho các phần tử thuộc phái Qum-rân: giả thuyết này không đúng, vì Thư không kêu mời ăn năn trở lại, nhưng khuyên nhủ kiên trì và tiến tới trong đức tin (3,6; 5,12; 6,9-12; v.v.). Ðàng khác, tuy có những mối liên quan không chối cãi được với các văn thư đã tìm thấy gần Biển Chết tại Qum-rân, nhưng cũng có nhiều liên hệ rất rõ ràng với Do-thái giáo trong giới hi-lạp và người ta còn tưởng là gặp thấy trong đó ảnh hưởng giáo lý của phái ngộ đạo nữa. Các điểm so sánh khác biệt trên đây cho ta thấy Thư này đã được nuôi dưỡng trong mãnh đất rất là phì nhiêu. Mội trường biên soạn bản văn vốn nhạy cảm đối với nhiều ảnh hưởng. Thư viết cho những cộng đoàn ki-tô hữu không phải là mới lập (5,12; 13,7), nhưng không vì vậy mà đã có mãi từ buổi sơ khai Giáo Hội, tại xứ Pa-lê-tin (x. 2,3). Lòng quảng đại lúc đầu (6,10; 12,32-34) đã nhường chỗ phần nào cho mệt mỏi (5,11; 10,25; 12,3). Viễn ảnh những khó khăn mới khiến cho bị cám dỗ nản lòng (10,35-36; 12,4.7). Hẳn là còn thêm mối nguy sai lạc về giáo lý và hướng đi do-thái hóa ít nhiều (13,9). Dù sao, ảnh hưởng ki-tô hữu gốc do-thái dường như in dấu sâu xa vào các cộng đoàn ấy.

 

Hoàn cảnh và ngày tháng biên soạn

Phần cuối Thư gợi những hoàn cảnh, tuy cụ thể, nhưng một cách bí ẩn, khiến ta không biết đặt chúng vào khi nào, chỗ nào. Ông Ti-mo-thêu được giải thoát ở đâu, khi nào? Ông được giải thoát khỏi cái chi? Ta không biết. Sự nhắc tới "anh em Ý" cũng không đem lại tia sáng nào, vì ta không biết các người ấy ở đâu, khi biên soạn Thư này, và sự kiện các người nhận Thư có quen biết một ít tín đồ gốc Ý hiển nhiên là không đủ cho ta biết được họ là ai.

Ngày tháng biên soạn cũng có thể ước lượng rất khác nhau. Có nhà chú giải quan tâm tới một số câu dáng vẻ cổ kính, chủ trương là đã viết Thư này rất sớm, trước các Thư lớn của T. Phao-lô. Người khác lui ngày tháng biên soạn lại cho tới cuối thế kỷ đầu, thậm chí còn xa hơn nữa. Việc T. Cơ-lê-men Rô-ma sử dụng Thư Hi-bá, khoảng năm 95, loại trừ việc định ngày tháng trễ hơn. Ðàng khác những tương đồng trong giáo lý về Ðức Ki-tô của Thư này với các Thư viết khi bị tù gợi cho ta một ngày tháng gần với lúc T. phao-lô tử đạo. Ta có thể nghĩ tới những năm trước khi phá hủy Ðền thờ Giê-ru-sa-lem, xảy ra vào năm 70. Vì tác giả qui chiếu vào phụng tự Ðền thờ, như một thực tại còn đang hiện hữu (10,1-3).

 

Cơ cấu

Việc ta không biết về các hoàn cảnh biên soạn Thư Hi-bá không gây bất lợi gì to tát, vì loại văn của tác phẩm này bảo đảm cho nó biệt lập khá nhiều đối với những biến cố riêng. Ðiều quan trọng hơn nhiều là phân biệt những nét chính trong Thư.

Lối cổ thời chia ra hai phần, một phần giáo lý (1,1-10,18), một phần luân lý (10,19-13,25) không tương ứng với chủ tâm tác giả, vì ngay từ đầu ông đã xen giáo lý với lời khuyên nhủ (x. 2,1-4; 3,7-4,16; 5,11-6,12), bởi ông chủ ý liệu cho đức tin liên hiệp mật thiết với đời sống ki-tô hữu.

Lối chia ra ba phần: (1) Lời Thiên Chúa (1,1-4,13); (2) chức Thượng tế Ðức Ki-tô (4,14-10,18); (3) đời sống ki-tô hữu (10,19 cuối), tuy có thể căn cứ vào một số ghi nhận chính xác, nhưng không trung thành nêu lên toàn thể các sự kiện.

Nghiên cứu chính xác hơn thì sẽ thấy nổi bật lên kỹ thuật biên soạn rất là vũng chắc với những phương thức ("đóng khung", "chữ móc", đặt câu đối xứng) liên kết với tập truyền văn chương Kinh Thánh. Như vậy, ngoài phần mở và phần kết, ta có thể nhận ra cấu trúc năm phần mà tác giả sẽ lần lượt loan báo trước (x. các chú giải ở 1,4; 2,17; 5,10; 10,36.39; 12,12-13).

I. Trong phần một (1,5-2,18) tác giả lo định nghĩa Danh hiệu Ðức Ki-tô, tức là xác định vị trí đối với Thiên Chúa (1,5-14) và đối với loài người (2,5-18). Muốn được thế, ông so sánh với vị trí các thiên thần. Phần quảng diễn này đưa tới lời quả quyết về chức Thượng tế của Ðức Ki-tô (2,17).

II. Rồi phần hai (3,1-5,10) chứng tỏ việc thể hiện nơi Ðức Ki-tô, hai nét chính của bất luận chức tư tế nào: Ðức Ki-tô được ủy nhiệm đối với Thiên Chúa (3,1-6) và Người liên đới với loài người (4,15-5,10). Vị trí Người vì được với vị trí ông Môi-sen (3,2) và ông A-a-ron (5,4). Giữa hai câu sánh ví này, tác giả xen vào một đoạn dài khuyên nhủ trung thành với Ki-tô giáo (3,7-4,14).

III. Phần ba (5,11-10,39) trình bày giáo lý cho hoàn toàn viên mãn, vì nêu rõ mấy đặc biệt của chức Thượng tế Ðức Ki-tô: Ðức Ki-tô là Thượng tế thuộc loại hoàn toàn mới (7,1-28); hiến tế bản thân Người khác xa những nghi thức đạo cũ và đã mở lối đi vào cung thánh thật (8,1-9,28); Người đã thực sự xin được ơn tha thứ tội ta (10,1-18). Vậy hiến tế này chấm dứt chức tư tế cũ, lề luật cũ, Giao ước cũ. Vì quan trọng hơn những phần kia, phần này có thêm đoạn dẫn vào (5,11-6,20) và đoạn kết (10,19-39).

IV. Muốn kéo lôi ki-tô hữu trên đường do Hiến tế Ðức Ki-tô đã mở ra, phần bốn (11,1-12,13) nhấn mạnh vào hai khía cạnh nền tảng trong đời sống linh thiêng: là lòng tin theo gương mẫu người xưa (11,1-40) và sự kiên trì cần thiết (12,1-13).

V. Sau hết phần cuối cùng (12,14-13,18) phác họa bức tranh đời sống ki-tô hữu, kêu mời tín hữu quyết chí dấn thân trên đường ngay đưa tới thánh thiện và bình an.

 

Chức Thượng tế Ðức Ki-tô

Ta dễ nhận ra phần đóng góp về giáo lý của Thư Hi-bá trước hết là trình bày chức Thượng tế trong Huyền nhiệm Ðức Ki-tô. Vì trong Tân Ước, chỉ có Thư Hi-bá áp dụng cho Ðức Ki-tô tước hiệu Tư tế và Thượng tế. Ðây là sự kiện có tầm quan trọng lớn. Như thế là đã diễn tả mối tương quan giữa niềm tin ki-tô hữu và một trong các trào lưu chính của tập truyền Thánh Kinh, liên hệ với phụng tự: lễ nghi và hiến tế, chức tư tế, cung thánh Thiên Chúa I-ra-en.

Thoạt nhìn, không thấy bản thân và sự nghiệp Ðức Giê-su liên quan gì tới phương thức diễn tả tông giáo đó. Ðức Giê-su không thuộc về hàng tư tế và không bao giờ muốn thi hành chức vụ tư tế. Còn biến cố Núi Ðầu lâu thì bên ngoài không có chi là lễ nghi. Cái chết của Ðức Giê-su trên đó xuất hiện là hình phạt, tức hành vi pháp lý ô nhục tách rời khỏi dân Thiên Chúa, trong khi hiến tế là hành vi nghi lễ để tôn vinh và kết hiệp cùng Thiên Chúa.

Muốn thấy mặc khải hoàn toàn về tính hiến tế của cuộc Tử nạn Phục sinh Ðức Ki-tô, cần vượt quá hai điều: một là phải làm nổ tung tính hẹp hòi của những quan niệm cổ truyền ràng buộc với việc cử hành các lễ nghi. Hai là phải vượt quá dáng vẻ bên ngoài để nhận ra ý nghĩa sâu xa của biến cố. Cảm hứng theo các bản văn ngôn sứ (Is 53, 10) và các lời Ðức Giê-su (1C 11,25), lại nhớ một số hoàn cảnh như ngày giờ Tử nạn trùng với lễ Vượt qua, ki-tô hữu suy tư, rồi mở tâm hồn đón nhận tia sáng đó (x. 1C 5,7; Rm 3,25; Ep 5,2; 1P 1,19). Cùng với Thư Hi-bá, lời quả quyết đạt tới độ hết sức rõ ràng. Không thể đi tới thành tựu ấy, nếu không cẩn thận so sánh với các lễ nghi đạo cũ và các hiến tế loài vật. Chúng tôi đã nói là việc gợi nhớ này có thể làm cho độc giả kim thời ngạc nhiên. Nhưng cần thấy rõ là tác giả không ngừng lại ở giai đoạn ấy, nhưng chỉ đề cập tới để lôi kéo tín đồ vượt xa hơn.

Chính trong Ðức Ki-tô Vinh hiển sau khi Tử nạn là nơi tác giả nhận ra chức tư tế đã hoàn tất viên toàn: là Con Thiên Chúa, là Anh loài người, Ðức Ki-tô Vinh hiển bảo đảm cho loài người được tới cùng Chúa Cha, vì thế Người thật là Thượng tế. Chức tư tế của Người thừa kế chức tư tế của ông A-a-ron (5,4-5), nhưng bằng cách vượt xa hơn: lời Tv 110 làm chứng là Thiên Chúa muốn cho xuất hiện một tư tế loại mới "theo kiểu Men-ki-xê-đéc" (7,1-28). Cái chết và sự tôn vinh Ðức Ki-tô làm thành một hiến tế thật. Hơn nữa phải nói rằng: đó là hiến tế thật duy nhất, đến thay thế cho mọi hiến tế đạo cũ. Vì các hiến tế này giới hạn vào bình diện trần ai; là cử chỉ ước lệ, nên không có sức tinh luyện tâm hồn (9,9; 10,1-4) hay là đem con người lên cùng Thiên Chúa. Cái chết của Ðức Ki-tô thì trái lại, là việc dâng hiến bản thân, hoàn toàn (9,14), chiếm lấy toàn thể con người và bắt nó hoàn toàn vâng theo ý Thiên Chúa (5,8; 10,9-10). Ðồng thời lại đổi mới con người toàn diện và cho sống thân mật cùng Thiên Chúa. Nhờ chịu chết, Ðức Ki-tô đã thành vị tư tế thiên cung (9,24), đã hoàn thành việc thanh tẩy tội lỗi và thiết lập Giao Ước mới muôn đời (9,15; 13,20). Máu Ngài bảo đảm cho ta được tự do đến cùng Thiên Chúa (10,19). Tất cả bấy nhiêu đều là công trình Thiên Chúa, là hồng ân Thiên Chúa ban cho loài người, vì chính Thiên Chúa đã thể hiện nơi Con của Ngài sự biến hóa triệt để con người như thế (2,10).

 

Ðịa vị ki-tô hữu

Cái xác định địa vị ki-tô hữu trước tiên là việc đặt vào tương quan tư tế này đối với Thiên Chúa. Ðiều mà nghi lễ Ðền tội trong Ðạo cũ (Lv 16) chỉ tiên trưng bằng những cố gắng bất lực (Hi 9,9; 10,1), thì nay đã trở nên thực tại viên toàn trong Hiến tế duy nhất của Ðức Ki-tô. "Chúng ta có Vị Thượng Tế" (8,1; x. 4,14-15; 10,21), Vị Thượng Tế hoàn toàn đã dứt khoát một lần thấu vào trong Cung thánh thật (9,12) và từ nay đại diện ra trước tòa Thiên Chúa (7,25; 9,24). Người đã mở đường cho ta; ta được kêu mời đem hết lòng tín nhiệm theo chân Người đến gần Thiên Chúa (4,16; 7,19; 10,22). Tội lỗi bị diệt (9,26; 10,12); kẻ thù đã bị thua (2,14): ta đã được giải phóng hoàn toàn, dứt khoát (2,15; 9,12). Ngay bây giờ, ki-tô hữu được dự phần các của lành đời sau (6,4-5); được chiếm hữu Nước không hề lay chuyển (12,28). Ðối với họ, kỷ nguyên mới đã bắt đầu (1,2; 9,26).

Không có ý nói là họ đã đạt mục tiêu. Ơn kêu gọi trên trời của họ (3,1) chưa thể hiện viên toàn. Ðời sống họ còn tiếp diễn ở trần gian, nơi họ không có thành trì bền vững, và đời sống ấy còn hướng về thành tương lai (13,14). Họ đợi chờ Ðấng Cứu độ mình xuất hiện lần thứ hai (9,28). Họ cảm thấy Ngay ấy đã gần (10,25.37), nhưng chưa được hưởng hoàn toàn ánh sáng ngày ấy.

Mối tương quan giữa họ và Thiên Chúa nhờ Ðức Ki-tô là cái có thật, và chặt chẽ, nhưng thể hiện trong đức tin. Chỉ nhờ đức tin họ mới được vào, ngay tự bây giờ, trong sự nghỉ yên Thiên Chúa (4,3). Nếu họ để cho sự không tin thấu vào lòng, họ liền bị tách rời xa Ðức Ki-tô (3,14) và xa Thiên Chúa (3,12; 10,38) mà bị hư đi (10,39). Trong cách nói về đức tin, tác giả liên kết hai quan điểm khá dị biệt, một có tính thuần trí hơn, xác định nội dung đức tin (11,1.3.6), một có tính hiện sinh hơn, tỏ ra tính động đích của đức tin và làm cho đức tin gần với đức cậy (11,1.8-10; v.v.). Thế là não trạng hi-lạp và não trạng do-thái xuất hiện bên cạnh nhau.

Ðàng khác đó cũng là điều ta có thể ký nhận nơi các phần quảng diễn khác. Ví dụ việc phụng thờ trong đạo cũ được xác định bằng hai mối tương quan: tác giả coi đó vừa là phản ảnh thực tại bất di bất dịch trên trời (8,5; 9,24), vừa là hình bóng cho một biến cố "về sau" tức là Hiến tế của Ðức Ki-tô, là cái có giá trị cánh chung (9,7-12). Như vậy tính tượng trưng của Thư này phiền phức, nhưng thật là phong phú. Ta cũng nhận thấy cách tác giả khéo dung hòa mối bận tâm liên lỉ muốn đạt tới các giá trị vĩnh cửu với sự cương quyết nhấn mạnh vào hiệu năng quyết liệt của sự kiện lịch sử, đã xảy ra chỉ một lần (9,26.28), "dứt khoát một lần mà thôi" (7,27; 9,12; 10,10). Sự liên kết một cách nghịch thuờng cả hai viễn ảnh ta có thể nghĩ là không thể dung hòa này, quyết nhiên là cách tỏ ra trí khôn sâu sắc, mà nhất là đức tin thâm trầm nơi tác giả.

Bỏ qua tính đối lập T. Phao-lô nêu lên giữa đức tin và các việc làm, mà Thư Hi-bá không nơi nào đề cập đến, điều tác giả ưa thích hơn là chứng tỏ đức tin phong phú nơi các việc làm và tất cả những gì có giá trị đã thể hiện trong Cựu Ước, đều có đức tin làm căn bản. Ðàng khác, ông còn nhấn mạnh là trong tình trạng thử thách ta còn phải sống, đức tin chúng ta phải kèm thêm sự kiên tâm trì chí (6,12; 10,36; 12,1-13). Sở dĩ Ðức Ki-tô đã gánh lấy đau khổ và cái chết nhân loại mà biến nó nên con đường vinh quang cho Người (2,9) và cứu độ cho ta (5,8-9), không phải là để chuẩn cho chính mình ta khỏi đương đầu với chúng, nhưng là để giúp ta đương đầu một cách đầy tràn hi vọng (12,2-3).

Tuy tác giả nhấn mạnh nhiều đến hiệu năng hoàn toàn của hiến tế duy nhất là Hiến tế của Ðức Ki-tô, nhưng ông không ngần ngại trình bày đời sống ki-tô hữu như việc tiến dâng các hiến tế (ở số nhiều: 13,16). Ông khuyên tín hữu, nhờ Ðức Ki-tô, để dâng lên Chúa Cha "một hiến tế liên lỉ tán dương" (13,15) và đàng khác lại quả quyết giá trị hiến tế của đời sống phục vụ anh em và bác ái (13,16). Theo gương hiến tế của Ðức Ki-tô và kết hiệp với Người, ki-tô hữu không đặt phụng tự ở bên cạnh đời sống, nhưng kết hiệp cùng Thiên Chúa bằng đời sống thực tế của mình. Ðiều ấy không có nghĩa là chìm hẳn vào thế giới trần ai (x. 13,12-14) hay là đánh tan hết mọi cộng đoàn ki-tô hữu. Trái lại, tác giả nhắc cho ta nhớ đoàn kết giữa ki-tô hữu: lo lắng cho nhau (3,12; 4,1.11; 10,24; 12,15), chăm chỉ dự các phiên họp ki-tô hữu (10,25), vâng lời các vị hướng dẫn (13,17). Nhiều lần tác giả làm cho hiểu tất cả tầm quan trọng của lời giảng thuyết (2,1.3; 4,2; 5,11; 13,7) và của phụng tự ki-tô giáo (6,4; 10,19-22.29; 13,10). Vì muốn đi đến cùng Thiên Chúa mà không kết hiệp với Ðức Ki-tô và các anh em mình, thì đó chính là ảo tưởng. Ta thấy Thư Hi-bá trình bày một hình ảnh rất rõ ràng và tuyệt vời quân bình về đời sống ki-tô hữu.

 

Biện chứng hai Giao Ước

Một khía cạnh sau cùng của giáo lý trong Thư Hi-bá đáng ta lưu ý cách riêng. Có lẽ không một cuốn nào trong Tân Ước chứng minh rõ rệt bằng Thư Hi-bá về cách thế Cựu Ước nên hoàn tất trong Ðức Ki-tô và tỏ cho ta thấy toàn bộ mối tương quan xác định việc hoàn tất trong Ðức Ki-tô như vậy. Ðây là toàn bộ phiền phức và có tính nghịch thường nữa kia, vì liên kết khẳng định và phủ định với nhau để đi tới sự vượt quá không ngờ. Ví dụ tiêu biểu hơn hết là hiến tế của Ðức Ki-tô. Xét một đàng, cái chết của Ðức Ki-tô trên Thập giá chính là chối bỏ phụng tự đạo cũ, xem ra không có liên quan gì với phụng tự ấy, lại còn đối lập theo nhiều điểm nữa. Tuy nhiên, nếu nhìn cẩn thận, thì sẽ khám phá ra tính liên tục sâu xa: cả hai đàng đều là dâng lễ vật lên Thiên Chúa, đi tới đổ máu ra và có ý xin ơn tha tội. Nhưng trường hợp Ðức Ki-tô trổi vượt muôn trùng! Thay vì sát tế những loài vật theo nghi thức, thì đây là việc dâng hiến bản thân đi tới cùng tận, trong sự hoàn toàn vâng phục Chúa Cha và liên đới toàn diện với loài người. Vì thế mục tiêu mà phụng tự đạo cũ theo đuổi, nay đã đạt tới dứt khoát một lần, và đồng thời mọi lễ nghi đạo cũ lại trở nên lỗi thời và hết giá trị.

Không phải là chỉ có ví dụ ấy mà thôi. Từ đầu đến cuối tác phẩm này, tác giả luôn luôn đối chiếu các lời hứa với việc thể hiện chúng, các hình bóng trong Cựu Ước với việc chúng nên ứng nghiệm và luôn luôn nêu bật các mối tương quan trong việc khai triển chương trình Thiên Chúa. Ông hiểu sâu sắc về tính liên tục của chương trình ấy, tức là cái làm cho hai Giao Ước là một, nhưng cũng tỏ ra không kém phần ý thức về tính mới mẻ và cánh chung của Mạc Khải do Ðức Ki-tô đem lại cho ta.

 

Kết luận

Tuy cần phải cố gắng phần nào để đọc Thư Hi-bá, nhưng cố gắng này sẽ mau được thưởng công dồi dào. Ta cảm thấy trong bản văn Tân Ước này một niềm khát khao mãnh liệt muốn vào hiệp thông cùng Thiên Chúa, ta khám phá ra trong đó một giáo lý tuyệt vời thực tế về những khó khăn trong đời sống ki-tô hữu. Vì thế, ta sẽ đọc đi đọc lại những trang súc tích này mà không hề thấy mệt. Hẳn là phần đóng góp của những trang này, đối với thời ta, thật quí báu hơn bao giờ hết. Vì Thư Hi-bá nói với những ki-tô hữu đang bị mất hướng và bị cám dỗ ngã lòng. Thư ấy chỉ cho ta phương thuốc thật điều trị chứng bệnh này: không phải những lời khuyên luân lý bông lông, nhưng một cố gắng nghiêm chỉnh đào sâu niềm tin vào Ðức Ki-tô.

 


Back to Home Page