Chú Giải Tân Ước Theo TOB

Theo bản dịch của Linh Mục An Sơn Vị

 

Prepared for internet by Vietnamese Missionaries in Taiwan


 

Tiểu Dẫn Thư Gửi Tín Hữu Phi-líp

Ðức Ki-tô Tử Nạn Phục Sinh

 

Sáng lập Giáo đoàn Phi-líp

Ngày nay đổ nát, nhưng thời cổ, thành Phi-líp rất là thịnh vượng. Ở trên vùng đất thấp dưới chân núi Pan-giê, cách biển chừng mười hai cây số ngàn, thành ấy xưa kia trổi vượt trên cánh đồng bằng vừa được canh tác hẳn hoi, vừa giàu mỏ vàng mỏ bạc. Khi sáp nhập miền này với xứ Ma-kê-đoan, vua Phi-líp thân phụ vua A-léc-xan, đã tái thiết thành và củng cố thêm, rồi lấy tên mình đặt cho thành ấy (trước kia gọi là Kê-ni-đô vì có nhiều suối nhỏ). Tới năm 31 trước Công nguyên vua Âu-gút-tô cho thành nhiều đặc ân và biến thành thuộc địa rô-ma có nhiều lính già lập cư tại đấy.

T. Phao-lô tới đó trong cuộc hành trình truyền giáo thứ hai, vào năm 49 hay 50. Ði theo Ngài có ông Si-la, ông Ti-mô-thêu, hẳn là cả ông Lu-ca nữa, vì chính ở nơi đây, bản tường thuật bắt đầu dùng ngôi thứ nhất số nhiều (Cv 16,10). Ðó là nơi, lần đầu tiên, T. Phao-lô rao giảng Tin Mừng ở Châu Âu. Người Do-thái ở đấy thật là thưa thớt, họ không có Hội đường, và quen hội họp nhau ngoài cửa thành, nơi bờ suối hoặc có thể là bờ sông Gan-gi-tê (2 cây số ngàn mạn Tây). Trong số họ, T. Phao-lô đã thanh tẩy mấy người, với một bà tân tòng chuyên bán vải điều, tên là Ly-đi-a. Bà ấy đã cho ngài ở trọ. Tuy nhiên có những nỗi khó khăn xuất hiện. T. Phao-lô bị ngược đãi và bị giam, rồi phải lìa xa thành ấy, để lại đó một cộng đoàn nhỏ, cốt yếu thành bởi các người gốc dân ngoại (x. Cv 16,11-40; 1Th 2,2).

 

Gởi Thư

Ngoài tình thân thiết ngài bày tỏ trong Thư (v.d.x. 1,3-8; 4,1), ta còn nhận ra T. Phao-lô tự cảm thấy đặc biệt liên kết với Giáo đoàn này. Ngài hằng giữ mối tương quan với họ. Ðây là Cộng đồng duy nhất, ngài đã nhiều lần chấp nhận của họ dâng (4,15; 2C 11,8-9). Ngài vốn giữ qui tắc là loan báo Tin Mừng "cách nhưng không" (2C 11,7; x. 1Th 2,9; 2Th 3,7-9; 1C 4,12; 9,15; 2C 11,9). Sở dĩ ngài đã xử với họ theo cách khác hẳn là vì thái độ phi thường huynh đệ của người Phi-líp. Họ đã giúp ngài lần thứ nhất khi ngài từ Ma-kê-đoan trẩy sang Hi-lạp. Về sau, nghe tin ngài lại bị tù và thiếu thốn, họ đã thu thập của dâng, rồi ủy cho ông Ê-pa-pho-đích đem tới cho ngài và ở lại giúp đỡ ngài luôn. Nhưng ông Ê-pa-pho-đích ngã bệnh và ước ao về nhà. T. Phao-lô gửi ông về và giao cho lá Thư, trong đó ngài cám ơn các bạn thân thiết, đưa tin tức về ngài và chia sẻ các điều ngài dự tính, thêm nhiều lời khuyến khích và căn dặn cho cộng đồng tiến hành êm xuôi. Trong các Thư ngài, trừ lá Thư Phi-lê-môn, thì không có bức nào chứa chan tình thân mật chí thiết cho bằng.

 

T. Phao-lô bị tù

Khi viết Thư này, T. Phao-lô đang bị tù, không chắc chi về việc xử án đang chờ ngài. Vì thế, người ta quen kể Thư này vào sổ các "Thư viết khi bị tù". Theo sách Công vụ, ngoài lần bị giam ở chính thành Phi-líp, ta chỉ biết có lần bị tù tại Xê-sa-rê rồi kéo dài thêm tại Rô-ma. Trong Thư lại nhắc đến "trấn đường" (1,13) với "nhà Hoàng đế" (4,22). Vì thế người ta dễ bị cám dỗ coi lá Thư này đã biên soạn ở Rô-ma (Cv 28,16.30-31). Một khi nhận giả thuyết này, người ta sẽ đưa tuổi già của T. Tông đồ ra để giải thích tình âu yếm, lượng khoan dung (1,15) và lòng siêu thoát trước nguy nan và cái chết (1,21).

Tuy nhiên, ngày nay đa số các nhà chú giải nghĩ là Thư đã viết tại Ê-phê-sô, vào cũng một thời kỳ đã viết hai Thư Co-rin-tô. Sách Công vụ chỉ ghi lại một số tích truyện đặc sắc trong đời sống T. Phao-lô, có ý mô tả đà tiến của Tin Mừng. Ta hầu như không biết gì về thời hạn hơn hai năm T. Phao-lô lưu trú tại Ê-phê-sô (Cv 19,8-10). Vậy theo các Thư Co-rin-tô, không những T. Phao-lô nhiều lần bị giam (2C 11,23) ngay trước khi bị tù tại Xê-sa-rê, ngài lại còn gặp nhiều gian nguy nặng nề tại Ê-phê-sô nữa (1C 15,32; 2C 1,8: x. 2C 4,8-10; 6,9). Thư nói tới nhiều lần đi lại. Người Phi-líp đã sai ông Ê-pa-pho-đích, T. Phao-lô gửi ông về. Ông Ti-mô-thêu phải đi theo ông ấy và sẽ đem các tin tức về. Chính T. Phao-lô, nếu được thả về, ngài sẽ đi thành Phi-líp. Mặc cho người ta nói đường giao thông dễ dàng giữa Rô-ma và Ma-kê-đoan (Via Egnatia), nhưng sẽ giải thích ổn thỏa hơn những cuộc trao đổi năng xảy ra như thế, nếu là khoảng cách như từ Phi-líp tới Ê-phê-sô. Ðàng khác, những điều T. Phao-lô dự tính về ông Ti-mô-thêu tương ứng với các sự ngài trình bày ở 1Co-rin-tô: ngài đã sai ông Ti-mô-thêu đi Co-rin-tô trên đường qua Ma-kê-đoan, lại báo tin chính ngài sẽ đến (1C 4,17-19; 16,5-10). Ðó là điều đúng với sách Công vụ. Ngài định đi theo cùng một con đường (Cv 19,21), rồi ngài hoàn tất cuộc hành trình ấy (Cv 20,1-2). Về sau, ngài xét là nhiệm vụ ngài đã hoàn tất trong các miền này và chỉ còn mong mỏi đi Rô-ma, rồi sang Tây-ban-nha (Rm 15,19-20.22-28).

Việc nhắc đến trấn đường không làm chứng là đã viết Thư ở Rô-ma. Vì thời T. Phao-lô, danh từ ấy còn chỉ nơi trụ sở quan tổng trấn với các bàn giấy, toà án, nhà tù liên hệ: đó là trường hợp thành Ê-phê-sô. Còn "các người nhà Hoàng đế" không nhất thiết là bà con với Hoàng đế, mà cũng có thể là các nô lệ và phóng nô của ngài. Và hạng người này có đông tại Ê-phê-sô. Rất có thể nhiều người trong số ấy đã ăn năn trở lại và tự nhiên là họ còn giữ liên lạc với T. Phao-lô.

Nếu ta có thêm những dấu chỉ khác làm chứng cho một thời kỳ bị tù tại Ê-phê-sô, thì sẽ gần hiển nhiên là đã viết Thư Phi-líp tại thành này, một ít lâu trước hai Thư Co-rin-tô. Theo các tài liệu ta có hiện thời, không thể quyết định nơi lại kéo theo cả việc định ngày tháng ít nữa là cách phỏng chừng. Nếu viết tại Ê-phê-sô, thì ngày tháng sẽ là năm 56 hay 57. Trong trường hợp này sẽ không phải là ta nghe một T. Phao-lô già cả nói trong Thư, nhưng một người đang thời chiến đấu. Ta cũng hiểu đúng hơn vì sao Thư này có nhiều nét nội dung tương đồng chặt chẽ với các Thư lớn và cả với Thư 1 và 2 Thê-sa-lo-ních hơn là với các "Thư viết khi bị tù".

 

Tính chính tông và toàn vẹn

Không ai nêu được lý do nghiêm nghị nào phản đối tính chính tông của Thư Phi-líp, nhưng một ít người cho là nó không nhất trí. Họ nghĩ rằng đây là do một hay nhiều lá thơ trước kia biệt lập đúc lại với nhau, dù tất cả đều do T. Phao-lô gởi cho người Phi-líp. Có kẻ phân biệt nhất là lá thơ cám ơn (1,1-3,1; 4,10-23) và lá thơ dạy coi chừng nhóm do-thái hóa (3,1-4,9). Ðúng là 3,1 cắt đứt với 3,2 quá đột ngột, nhưng có thể giải thích điều ấy, nếu T. Phao-lô đọc các Thư ngài cho thơ ký viết và đọc như thế nhiều lần. Người khác đề nghị chia cắt thành những khúc vắn hơn. Không một giả thuyết nào xem ra đủ lý do thuyết phục hoàn toàn. Ta có thể ký nhận đề tài vui mừng được nhắc đi nhắc lại trong cả lá Thư và nhiều dấu chỉ khác làm chứng sự nhất trí sâu xa, khiến ta có thể coi bốn chương này không phải là cái gì chắp vá giả tạo.

 

Tiến trình tư tưởng

Thư này không phải là thiên khảo luận có lược đồ ăn khớp với nhau theo lý luận, nhưng ta có thể tóm qua tiến trình tư tưởng theo như các tiểu đề cắm mốc trong bản dịch.

Tuy xa cách, mà T. Phao-lô tự cảm thấy rất gần với các bạn ngài. Ðầu Thư, ngài đề cập tới một trong các đề tài sẽ còn hiện diện trong suốt cả lá Thư, đó là sự hiệp thông huynh đệ trong Ðức Ki-tô là nguồn sự vui mừng. Bị tù, ngài không biết số phận mình sẽ ra sao. Nhưng dù kết cuộc lần bị giam này có làm sao đi nữa, chắc chắn là nhờ đấy Tin Mừng sẽ được củng cố thêm và ngài đã xem thấy những dấu chỉ cuộc toàn thắng của Ðức Ki-tô rồi. Ngài ước mong thi hành lại trách vụ truyền giáo và kêu mời các bạn hữu ngài cứ việc chiến đấu trung kiên can đảm. Họ phải làm việc ấy mà đồng thời phải lo bảo toàn sự nhất trí với lòng khiêm tốn và tinh thần phục vụ. Muốn khuyên nhủ họ, T. Phao-lô trích dẫn một bản văn đặc biệt quan trọng: đó là bài ca tụng Ðức Ki-tô Vị Tôi Tớ đau khổ được Chúa Cha đặt làm Chủ Tể thế gian (2,6-11). Cộng đồng phải hiệp thông với Ðức Ki-tô toàn thắng, để làm chứng cho mạnh mẽ và trung thành. Rồi T. Phao-lô gợi đến các dự tính về ông Ti-mô-thêu và Ê-pa-pho-đích.

Ở ch. 3, T. Phao-lô đột ngột xin các độc giả ngài coi chừng nhóm do-thái hóa hay gây xáo trộn. Chắc chắn đây cũng chính là điều lầm lạc ngài đã tấn công trong Thư Ga-lát. Phải chăng người Phi-líp đã bị họ tuyên truyền? Không chắc, vì T. Phao-lô không đá động gì ở đầu Thư. Có lẽ đúng hơn là ngài muốn cho người Phi-líp phải coi chừng, vì ngài đã nhận thấy những tai họa của khuynh hướng ấy nơi nhiều Giáo đoàn khác. Phải chăng chỉ là quay về với các điều buộc giữ trong Luật Môi-sen? Hình như còn có cả khuynh hướng sống buông tuồng nữa. T. Phao-lô nhắc lại việc ngài đã gặp Chúa Phục Sinh, khiến ngài là người biệt phái không ai trách được gì, mà đã quyết tâm từ bỏ mọi thứ cao sang, để cho Ðức Ki-tô bắt lấy ngài, rồi theo chân Ðức Ki-tô và nhờ Ðức Ki-tô cảm hứng mà đảm đương cuộc chiến đấu đức tin thật là cam go vất vả. Ngài xin các bạn hữu ngài cũng như thế. Họ là công dân của tân thế giới, do Thiên Chúa đang chuẩn bị và sẽ hoàn thành trên nơi vinh hiển muôn đời.

Sau mấy lời tuyên ngôn ấy, T. Phao-lô lại khuyên phải đồng tâm nhất trí với nhau, phải sống bình an vui mừng. Ngài dùng lời lẽ tế nhị cám ơn các bạn đã giúp đỡ ngài, khuyên đừng lo lắng về số phận ngài làm chi.

Ðó là lời kết thúc Thư này, một trong các Thư T. Phao-lô, cùng với Thư Phi-lê-môn, có giọng điệu và tiến trình thích hợp hơn cả với một "lá thơ". Từ đầu đến cuối những lời tâm sự và nhắn nhủ thân tình xen lộn vào lời nhắc nhở các đề tài quan trọng hơn hết trong tư tưởng T. Tông đồ. 

 


Back to Home Page