Toát Yếu Giáo Lý

của Hội Thánh Công Giáo

Bản dịch Việt Ngữ của Ủy Ban Giáo Lý Ðức Tin Hội Ðồng Giám Mục Việt Nam 2006

Prepared for Internet by Vietnamese Missionaries in Asia


 

Dẫn Nhập

 

1. Ngày 11 tháng 10 năm 1992, Ðức Giáo hoàng Gioan-Phaolô II trao cho các tín hữu trên toàn thế giới sách Giáo lý của Hội thánh Công giáo, như một "bản văn qui chiếu" [1] cho Giáo lý được canh tân từ nguồn gốc sống động của đức tin. Ba mươi năm sau ngày khai mạc Công đồng Vaticanô II (1962-1965) một ước mơ đã trở thành hiện thực, ước mơ này đã được Thượng Hội đồng bất thường của các Giám mục vào năm 1985 đạo đạt lên, đó là ước muốn có một sách Giáo lý của Hội thánh Công giáo trình bày tất cả đức tin cũng như luân lý.

Năm năm sau, ngày 15 tháng 08 năm 1997, khi công bố Ấn bản mẫu của sách Giáo lý của Hội thánh Công giáo, Ðức Giáo hoàng xác nhận mục đích cơ bản của tác phẩm này: "Ðây là một trình bày đầy đủ và trọn vẹn giáo lý công giáo, cho phép mỗi người nhận ra điều Hội thánh tuyên xưng, cử hành, sống và cầu nguyện trong cuộc sống hằng ngày của mình" [2].

 

2. Ðể làm nổi bật giá trị giáo lý và để đáp lại một yêu cầu do Ðại hội Quốc tế về Giáo lý đạo đạt vào năm 2002, Ðức Giáo hoàng Gioan Phaolô II đã thành lập một Ủy ban đặc biệt vào năm 2003, đứng đầu là Ðức Hồng y Joseph Ratzinger, Bộ trưởng Bộ Giáo lý Ðức tin, ủy thác cho ngài công tác viết một bản Toát yếu sách Giáo lý của Hội thánh Công giáo, trong đó các nội dung đức tin được trình bày một cách tổng hợp hơn. Sau hai năm làm việc, Ủy ban viết được bản Dự thảo bản toát yếu; bản này được trao cho các Hồng y và Chủ tịch các Hội đồng Giám mục để xin ý kiến. Một số đông các phúc đáp đều đánh giá cao bản dự thảo này. Vì thế Ủy ban bắt đầu cho duyệt lại bản dự thảo dựa theo các đề nghị chỉnh sửa để chuẩn bị cho bản văn cuối cùng.

 

3. Bản Toát yếu này có ba đặc điểm chính như sau: lệ thuộc chặt chẽ vào sách Giáo lý của Hội thánh Công giáo; hình thức hỏi thưa; và việc sử dụng các hình ảnh nghệ thuật vào trong Giáo lý.

Trước hết, bản Toát yếu này không phải là một tác phẩm hoàn toàn độc lập và cũng không phải để thay thế cho sách Giáo lý của Hội thánh Công giáo; ngược lại luôn qui hướng về sách Giáo lý, bằng cách ghi những số liên hệ và theo sát cấu trúc, cách trình bày và nội dung của sách Giáo lý. Ngoài ra bản Toát yếu muốn khơi dậy mối quan tâm và lòng nhiệt thành đối với sách Giáo lý, sách vẫn luôn là bản văn nền tảng cho giáo lý của Hội thánh ngày nay bởi cách trình bày khôn ngoan và chiều sâu thiêng liêng của nó.

Như sách Giáo lý, bản Toát yếu cũng chia ra làm bốn phần tương ứng với những lề luật căn bản cho đời sống trong Ðức Kitô.

Phần đầu tiên - có tựa đề "Tuyên xưng đức tin" - gồm một tổng hợp cơ bản về Lex credendi, có nghĩa là Luật đức tin được Hội thánh Công giáo tuyên xưng, một tổng hợp rút ra từ Kinh Tin Kính của các thánh Tông đồ, được bổ túc bằng bản Kinh Tin Kính của hai Công đồng Nicea và Constantinopoli, mà việc công bố liên tục trong những buổi họp mặt giúp người Kitô hữu luôn nhớ các chân lý nền tảng của đức tin.

Phần thứ hai - có tựa đề "Cử hành mầu nhiệm Kitô giáo" - trình bày các yếu tố căn bản của Lex celebrandi. Việc rao giảng Tin Mừng tìm được câu trả lời thích ứng trong đời sống Bí tích. Trong đời sống này, các tín hữu có kinh nghiệm và làm chứng trong mỗi giây phút cuộc đời mình hiệu năng cứu độ của mầu nhiệm Vượt qua, trong đó Ðức Kitô hoàn tất công trình cứu độ chúng ta.

Phần thứ ba - có tựa đề "Ðời sống trong Ðức Kitô" - nhắc nhớ lại Lex vivendi, có nghĩa là sự dấn thân mà các tín hữu biểu lộ trong thái độ và sự chọn lựa đạo đức của mình, sự trung thành với đức tin đã được tuyên xưng và được cử hành. Chúa Giêsu mời gọi các tín hữu thực hiện những hành động phù hợp với phẩm giá là con của Chúa Cha trong tình yêu của Chúa Thánh Thần.

Phần thứ tư - có tựa đề "Kinh nguyện Kitô giáo" - trình bày một tổng hợp về Lex Orandi, có nghĩa là về đời sống cầu nguyện. Theo gương Chúa Giêsu, mẫu mực tuyệt vời cho kẻ cầu nguyện, người Kitô hữu được mời gọi đối thoại với Thiên Chúa trong kinh nguyện, mà một trong những cách diễn tả ưu thế nhất là Kinh Lạy Cha, đó là kinh do chính Chúa Giêsu dạy chúng ta.

 

4. Ðặc điểm thứ hai của bản toát yếu này là hình thức đối thoại, lấy lại hình thức cổ xưa của sách giáo lý, gồm các câu hỏi và câu thưa. Ðây là cách đối thoại giữa thầy và trò qua một loạt câu hỏi gây chú ý cho người đọc, mời gọi họ khám phá những phương diện luôn luôn mới của chân lý đức tin của mình. Hình thức hỏi thưa thu ngắn bản văn, đúc kết vào điểm chính yếu, tiện cho việc học thuộc lòng nội dung.

 

5. Ðặc điểm thứ ba là có nhiều hình ảnh làm nổi bật cách phân chia bản toát yếu. Các tranh ảnh này được rút từ gia sản phong phú của nghệ thuật tranh ảnh thánh của Kitô giáo. Từ truyền thống cả nghìn năm của các Công đồng, chúng ta học biết rằng tranh ảnh cũng là một cách rao giảng Tin Mừng. Các nghệ nhân của mọi thời đại trình bày cho các tín hữu chiêm ngắm và kinh ngạc trước những sự kiện nổi bật của mầu nhiệm cứu độ với sự huy hoàng của màu sắc và vẻ đẹp tuyệt vời. Ðó là một dấu chỉ cho thấy tranh ảnh thánh, trong văn hóa hình ảnh ngày nay, có thể diễn tả nhiều hơn là ngôn từ, vì trong sự sinh động của nó, sứ điệp Tin Mừng sẽ có nhiều hiệu quả hơn khi được diễn tả bằng ngôn từ và được tiếp tục truyền đạt.

 

6. Bốn mươi năm sau ngày kết thúc Công đồng Vaticanô II và trong năm Thánh Thể, bản Toát yếu có thể xem như là một công cụ mới để thỏa mãn khát vọng tìm kiếm chân lý của các tín hữu thuộc mọi lứa tuổi và trong mọi hoàn cảnh, cũng như ước muốn của những ai, dù chưa phải là tín hữu, đang khao khát chân lý và công bằng. Việc công bố bản Toát yếu này được diễn ra trong ngày Ðại lễ hai thánh Tông đồ Phêrô và Phaolô, cột trụ của Hội thánh toàn cầu và là những người rao giảng gương mẫu Tin Mừng cho thế giới trong thời đại của các ngài. Các vị Tông đồ này biết rõ điều các ngài rao giảng và chứng minh cho chân lý Ðức Kitô đến hy sinh mạng sống. Chúng ta hãy bắt chước các ngài trong sự dấn thân truyền giáo và cầu xin Chúa cho Hội thánh luôn dõi theo giáo huấn của các Tông đồ, nhờ các ngài mà Hội thánh đã lãnh nhận trước tiên lời tuyên xưng vinh phúc của đức tin.

 

Lễ Lá, ngày 20 tháng 03 năm 2005

 

Hồng Y Joseph Ratzinger

Chủ tịch Ủy Ban đặc biệt

 

Chú thích:

[1] ÐGH Gioan Phaolô II, Tông huấn Fidei depositum, 11.10.1992, DC 91 (1993) trang 1.

[2] ÐGH Gioan Phaolô II, Tông thư Laetamur magnopere, 1508, 1997, DC 94 (1997) trang 851.

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page