Mỗi Ngày Một Tin Vui

Những Bài Suy Niệm Lời Chúa Hằng Ngày

của Ðài Phát Thanh Chân Lý Á Châu

 

Prepared for Internet by Vietnamese Missionaries in Asia


Thứ Bảy sau Chúa Nhật 22 Mùa Thường Niên

Ý Nghĩa Của Lề Luật

(Lc 6,1-5)

 

Phúc Âm: Lc 6, 1-5

"Tại sao các ông làm điều không được phép làm trong ngày Sabbat?"

Trong một ngày Sabbat, khi Chúa Giêsu đi qua đồng lúa, thì các môn đệ bứt bông lúa miến, vò xát trong tay, rồi ăn. Có mấy người biệt phái nói với các ông rằng: "Tại sao các ông làm điều không được phép làm trong ngày Sabbat?" Chúa Giêsu trả lời họ rằng: "Các ông chưa đọc điều Ðavit đã làm khi ông và các người tuỳ tùng bị đói sao? Ngài đã vào đền thờ Thiên Chúa, lấy bánh dâng hiến mà ăn và cho các người bạn tuỳ tùng ăn, bánh đó họ không được phép ăn, nhưng chỉ dành cho các trưởng tế mà thôi". Và Người bảo họ rằng: "Con Người làm chủ cả ngày Sabbat".

 

Suy Niệm:

Ý Nghĩa Của Lề Luật

Về triết gia Ðavít Hume của Anh vào thế kỷ 18, người ta kể một giai thoại như sau: Một hôm, có một quận công hỏi ông:

- Theo ông thì đối tượng của luật pháp là gì?

Ðavít Hume trả lời:

- Ðó là để phục vụ cho lợi ích lớn nhất của số lớn nhất.

Quận công hỏi lại:

- Thế thì theo ông số lớn nhất là gì?

Triết gia đáp:

- Số lớn nhất là số một.

Ðây là thực tế thường xảy ra trong luật pháp của nhiều quốc gia: số lớn nhất thường chỉ là một thiểu số. Luật pháp được làm ra không phải là để phục vụ mọi người, mà chỉ nhắm đến quyền lợi của thiểu số mà thôi.

Vào thời Chúa Giêsu, không thiếu những người nhân danh luật pháp để triệt hạ và chối bỏ người khác. Truyện được ghi trong Tin Mừng hôm nay là một điển hình cho biết bao trường hợp nhân danh pháp luật để đè bẹp con người. Chúa Giêsu đã thách thức cho đến cùng thái độ như thế. Thật ra, Chúa Giêsu không phải là một con người sống ngoài luật pháp, Ngài đến để kiện toàn lề luật. Nhưng sở dĩ Chúa Giêsu chống lại luật pháp là bởi vì luật pháp đó phi nhân hoặc chối bỏ con người. Các môn đệ vì đói nên bứt bông lúa mà ăn, thật ra không phải là vi phạm ngày Hưu lễ. Không có khoản luật nào trong các sách luật xem một hành động như thế là vi phạm ngày Hưu lễ; nếu có thì chỉ là vi phạm một trong 39 hành động mà các nhà chú giải Do thái đã thêm vào qui định của ngày Hưu lễ mà thôi. Hơn nữa, Chúa Giêsu đã dẫn chứng hành động của Vua Ðavít và Ngài khẳng định: hành động của các môn đệ không hề vi phạm ngày Hưu lễ. Lề luật vì con người, chứ không phải con người vì lề luật. Ðó là ý nghĩa của luật pháp mà Chúa Giêsu nêu bật trong cuộc tranh luận với những Biệt phái. Khi luật pháp chống lại con người, nghĩa là chối bỏ phẩm giá và quyền lợi cơ bản của con người, thì luật pháp đánh mất ý nghĩa và không còn lý do để hiện hữu nữa; trong trường hợp đó, dĩ nhiên không tuân hành luật pháp là một thái độ thích đáng.

Thật ra, khi luật pháp chối bỏ hoặc chà đạp những quyền cơ bản của con người, thì luật pháp đó cũng xúc phạm đến chính Thiên Chúa. Thánh Phêrô và thánh Gioan đã hành động một cách cương quyết khi dõng dạc tuyên bố trước Công nghị Do thái: "Thà vâng lời Thiên Chúa hơn vâng lời loài người". Chẳng hạn, khi luật pháp một quốc gia cho phép phá thai, nghĩa là tước đoạt quyền sống của con người, thì chống lại luật pháp đó là một nghĩa vụ. "Thà vâng lời Thiên Chúa hơn vâng lời loài người". đó là nguyên tắc nền tảng hướng dẫn người Kitô hữu trong các quan hệ xã hội của họ. Chúa Giêsu luôn đòi hỏi các môn đệ của Ngài một thái độ dứt khoát tận căn: không thể vừa vâng lời Thiên Chúa, vừa chạy theo những gì chống lại Thiên Chúa.

Nguyện xin Chúa cho chúng ta ơn can đảm để luôn biết nói không với những gì loại trừ con người và xúc phạm đến Thiên Chúa. Xin Chúa gìn giữ chúng ta trong niềm xác tín và vâng phục cho đến cùng, để trong mọi sự, chúng ta chỉ tìm thánh ý Chúa và xây dựng những giá trị Nước Trời.

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page