Mỗi Ngày Một Tin Vui

Những Bài Suy Niệm Lời Chúa Hằng Ngày

của Ðài Phát Thanh Chân Lý Á Châu

 

Prepared for Internet by Vietnamese Missionaries in Asia


Thứ Sáu sau Chúa Nhật 15 Mùa Thường Niên

Ngày Hưu Lễ

(Mt 12,1-8)

 

Phúc Âm: Mt 12,1-8

"Con Người cũng là chủ ngày sabbat".

Khi ấy, vào ngày Sabbat, Chúa Giêsu đi ngang cánh đồng lúa. Các môn đệ của Người đói, liền bứt bông lúa mà ăn. Thấy vậy, các người biệt phái thưa với Người rằng: "Kìa, các môn đệ của Ngài làm điều không được phép làm trong ngày Sabbat". Người nói với các ông rằng: "Các ông không đọc thấy Ðavít và những người đi với ông đã làm gì khi đói lả sao? Các ông cũng không đọc thấy Ðavít vào đền thờ Chúa ăn bánh trưng hiến, bánh mà ông và các kẻ theo ông không được phép ăn, chỉ trừ các tư tế được ăn mà thôi sao? Hay các ông không đọc thấy trong luật rằng: Ngày Sabbat, các tư tế trong đền thờ vi phạm ngày Sabbat mà không mắc tội đó sao? Tôi bảo cho các ông biết, đây có Ðấng còn trọng hơn đền thờ nữa. Vì nếu các ông biết được điều này là, "Ta muốn lòng nhân từ, chứ không muốn hy lễ", chắc các ông không bao giờ lên án những người vô tội, vì chưng Con Người cũng là chủ ngày Sabbat".

 

Suy Niệm:

Ngày Hưu Lễ

Chương 12 Tin Mừng Mátthêu qui tụ những tranh luận giữa Chúa Giêsu và các vị lãnh đạo Do thái giáo thời Chúa Giêsu về những đặc tính của nếp sống tôn giáo. Cuộc tranh luận hôm nay liên quan đến việc thực hành đạo đức căn bản của người Do thái, đó là việc giữ ngày Hưu lễ. Ðây là một thực hành quan trọng đến độ người Biệt Phái đã dùng việc Chúa Giêsu không tuân giữ luật Hưu lễ để lý luận và nói với dân chúng rằng Chúa Giêsu không phải là Ðấng đến từ Thiên Chúa, không phải là Ðấng Mêsia.

Việc dành riêng một ngày nghỉ cho Thiên Chúa đã bị lạm dụng đến mức việc tuân giữ ngày Hưu lễ không còn là do tình yêu mến tôn thờ đối với Thiên Chúa, nhưng là một hình thức ràng buộc con người. Qua cuộc tranh luận với những người Biệt Phái về việc giữ ngày Hưu lễ, Chúa Giêsu mở rộng cho chúng ta thấy giá trị tôn giáo đích thực của ngày Hưu lễ, và do đó phải sống tinh thần ngày Hưu lễ đó như thế nào?

Cuộc tranh luận của Chúa Giêsu đều được trình thuật đầy đủ trong các Tin Mừng Nhất Lãm, nhưng nơi Tin Mừng Mátthêu, tác giả lưu ý hai điểm: thứ nhất, quyền hành của Chúa Giêsu trên các việc thực hành đạo đức; thứ hai, lòng nhân từ có ưu tiên trên việc thực hành đạo đức. Trả lời cho thắc mắc của những người Biệt Phái tại sao các môn đệ Ngài không giữ luật Hưu lễ, Chúa Giêsu nhắc lại việc xẩy ra trong Cựu Ước liên quan đến Ðavít và những người tùy tùng khi đói, tức khi khẩn thiết, đã làm điều không được phép làm, hoặc việc các tư tế trong Ðền thờ không nghỉ ngày Hưu lễ mà cũng không mắc tội. Rồi Chúa kết luận: "Nếu các ông hiểu được ý nghĩa của câu này: "Ta muốn lòng nhân từ, chứ đâu cần lễ tế, ắt các ông sẽ chẳng lên án kẻ vô tội". Lòng nhân từ phải là căn bản cho những phán đoán của chúng ta đối với anh em; cần phải hành xử theo lòng nhân từ này hơn là chỉ xét đoán anh em theo những việc bên ngoài.

Vả lại, những việc đạo đức và việc nghỉ ngày Hưu lễ, là để con người đến gần Thiên Chúa, thế mà Chúa Giêsu, Con Thiên Chúa đã hiện diện giữa họ, thì lòng đạo đức không còn là một cái gì tuyệt đối phải thi hành nữa. Các tư tế làm việc trong Ðền thờ ngày Hưu lễ mà không lỗi luật, thì các môn đệ Chúa Giêsu lỗi luật thế nào được, vì đã có Chúa Giêsu bên cạnh họ. Ngài là Con Thiên Chúa cao trọng hơn Ðền thờ. Chúa Giêsu muốn nhân dịp này để mạc khải chính Ngài là Ðấng Mêsia cao trọng hơn Ðền thờ và làm chủ cả ngày Hưu lễ; nhưng các người Biệt Phái không nhìn nhận điều này.

Xin Chúa giúp chúng ta vượt qua tinh thần vụ hình thức trong đời sống đức tin. Xin cho chúng ta tâm hồn nhân từ như Chúa để biết đối xử với người khác mỗi ngày một tốt đẹp hơn.

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page