Mỗi Ngày Một Tin Vui

Những Bài Suy Niệm Lời Chúa Hằng Ngày

của Ðài Phát Thanh Chân Lý Á Châu

 

Prepared for Internet by Vietnamese Missionaries in Asia


Chúa Nhật 3 Mùa Chay Năm B

Nhà Ta Là Nhà Cầu Nguyện

(Xh 20:1-17; 1Cr 1: 22-25; Ga 2:13-25)

 

Phúc Âm: Ga 2, 13-25

"Các ngươi cứ phá huỷ đền thờ này, nội trong ba ngày Ta sẽ dựng lại".

Lễ Vượt Qua của dân Do-thái gần đến, Chúa Giêsu lên Giêru-salem. Người thấy ở trong Ðền thờ có những người bán bò, chiên, chim câu và cả những người ngồi đổi tiền bạc, người chắp dây thừng làm roi, đánh đuổi tất cả bọn cùng với chiên bò ra khỏi đền thờ. Người hất tung tiền của những người đổi bạc, xô đổ bàn ghế của họ và bảo những người bán chim câu rằng: "Hãy đem những thứ này đi khỏi đây, và đừng làm nhà Cha Ta thành nơi buôn bán". Môn đệ liền nhớ lại câu Kinh Thánh: "Sự nhiệt thành vì nhà Chúa sẽ thiêu đốt tôi".

Bầy giờ người Do-thái bảo Người rằng: "Ông hãy tỏ cho chúng tôi thấy dấu gì là ông có quyền làm như vậy". Chúa Giêsu trả lời: "Các ông cứ phá huỷ đền thờ này đi, nội trong ba ngày Ta sẽ dựng lại". Người Do-thái đáp lại: "Phải bốn mươi sáu năm mới xây được đền thờ này, mà Ông, Ông sẽ dựng lại trong ba ngày ư?" Nhưng Người, Người có ý nói đền thờ là thân thể Người. Vì thế, khi Chúa Giêsu từ cõi chết sống lại, các môn đệ mới nhớ lời đó, nên đã tin Kinh Thánh và tin lời Người đã nói.

Trong thời gian Người ở lại Giêrusalem mừng lễ Vượt qua, nhiều kẻ tin danh Người, vì mục kích những phép lạ Người làm. Nhưng chính Chúa Giêsu không tin tưởng họ, vì Người biết tất cả mọi người, và không cần ai làm chứng về người nào; Người biết rõ mọi điều trong lòng người ta.

 

Suy Niệm:

Nhà Ta Là Nhà Cầu Nguyện 1

Xh 20:1-17; 1Cr 1: 22-25; Ga 2:13-25

Vào dịp lễ Vượt qua của người Do thái, Ðức Giêsu lên Giêrusalem, thấy người ta đổi tiền và mua bán súc vật ở sân ngoài của Ðền thờ, Người liền lấy giây làm roi mà xua đuổi tất cả chiên cũng như bò ra khỏi Ðền thờ; còn tiền của những người đổi bạc, Người đổ tung ra và lật nhào bàn ghế của họ (Ga 3:15). Luật Do thái cấm chỉ việc mua bán trong khu vực Ðền thờ. Tuy nhiên hàng tư tế quản trị Ðền thờ lại dung thứ cho dịch vụ này. Việc dung thứ có thể hiểu được vì những người từ xa đến khó có thể mang theo súc vật để hiến dâng, cho nên việc mua bán súc vật trong khu vực Ðền thờ là tiện lợi. Tiện lợi chứ không hẳn là cần thiết vì việc mua bán vẫn có thể thực hiện bên ngoài các cổng của ngoại tường Ðền thờ. Vậy nếu việc mua bán súc vật và đổi tiền được coi là tiện lợi cho những người từ xa tới, thì tại sao Ðức Giêsu lại tỏ ra khó chịu, lên tiếng cảnh giác những người buôn bán súc vật và đổi tiền quanh Ðền thờ?

Thưa rằng dịch vụ đổi tiền để trả thuế Ðền thờ và mua bán súc vật để hiến dâng đã trở thành một việc chỉ nhắm mục đích thương mại. Người bán thì coi đó như là cách thế làm tiền, còn người mua thì phải mua một cách bất đắc dĩ cho việc dâng hiến. Rồi súc vật hiến dâng phải chịu sự khám xét của nhân viên đền thờ để được chứng nhận con vật không có vết tì ố. Thực tế thì viên chức đền thờ muốn có độc quyền cho người đấu thầu bán súc vật trong khu vực đền thờ cho nên người dân nghĩ rằng họ phải mua súc vật bên trong thì mới được bảo đảm là con vật có đủ tiêu chuẩn cho việc hiến dâng. Rồi họ còn phải trả tiền khám xét súc vật nữa. Do đó người nghèo cũng phải mua súc vật của họ với giá cắt cổ thay vì mua ở ngoài theo giá thị trường.

Thứ đến việc đổi tiền để nộp thuế cho Ðền thờ cũng có gì không chỉnh. Theo luật Do thái, mỗi người nam công dân Do thái phải đóng thuế đền thờ, tương đương với hai ngày công. Ðức Giêsu cũng đóng thuế đền thờ (Mt 17:27). Thuế đóng cho Ðền thờ mỗi năm một lần bằng tiền Do thái vì tiền Rôma có hình vua ngoại đạo là Xêdarê, không được lưu hành trong Ðền thờ. Ðổi từ tiền Rôma hay những loại tiền ngoại quốc khác sang tiền Do thái phải trả tiền huê hồng đáng kể cho quầy đổi tiền.

Ðền thờ Giêrusalem đồ sộ, nguy nga và lộng lẫy vừa được xây cất lần thứ ba là qùa tặng của vua Hêrôđê, có lẽ nhắm mục đích chính trị hầu làm vừa lòng dân chúng hơn là sùng đạo. Như vậy không có vấn đề dân chúng phải trả nợ. Do đó dịch vụ buôn bán súc vật và đổi tiền chỉ còn đem tiền lời chồng chất lên ngân khố đền thờ. Còn nhóm người đổi tiền và buôn bán súc vật cũng đã phải trở nên giầu có và hàng đại tư tế cho đấu thầu hai dịch vụ này cũng phải có món tiền bỏ túi riêng. Vì thế mà Ðức Giêsu lên tiếng cảnh giác họ: Ðừng biến nhà Cha tôi thành nơi buôn bán (Ga 2:16). Ðó là lời quở trách những nhà lãnh đạo tôn giáo thời bấy giờ đã đồng loã trong việc thương mại hoá và phàm tục hoá Ðền thờ. Phúc âm thánh Mát-thêu, Mác-cô, và Luca còn ghi lại lời Ðức Giêsu trích dẫn sách ngôn sứ Isaia ghi lại lời Chúa: Nhà Ta sẽ được gọi là nhà cầu nguyện (Is 56:7), rồi dùng lời ngôn sứ Giêrêmia (Gr 7:11) để khiển trách họ vì họ biến nơi thờ phượng thành sào huyệt của bọn cướp (Mt 21:14; Mk 11:17; Lk 19:46).

Khi người Do thái hỏi xem Ðức Giêsu lấy dấu lạ nào mà tỏ uy quyền làm như vậy, thì Chúa dùng cơ hội này tiên báo về việc phục sinh của Người: Các ông cứ phá huỷ Ðền thờ này đi nội trong ba ngày, tôi sẽ xây dựng lại (Ga 2:19). Ở đây Chúa muốn nói đến đền thờ là thân thể phục sinh của Người sau khi đã nằm trong mộ ba ngày, mà họ không hiểu. Ngay cả các môn đệ cũng chưa hiểu nổi. Khi có mấy môn đệ trầm trồ khen ngợi Ðền thờ, thưa với Chúa: Thầy xem kìa: đá lớn thật! Công trình kiến trúc vĩ đai thay (Mk 13:1) thì Chúa trả lời: Tại đây, sẽ không còn tảng đá nào trên tảng đá nào; tất cả đều sẽ bị phá đổ (Mc 13:2). Năm 70, tướng Titô của đế quốc Rôma cho đem quân đội đến phá huỷ Ðền thờ, chỉ để chừa lại một phần của bức tường đền thờ đế chứng minh cho hậu thế biết rằng quân đội La mã hùng mạnh thế nào.

Phúc âm hôm nay nhắc đến việc các môn đệ nhớ lại lời Thánh kinh: Vì nhiệt tâm lo việc nhà Chúa làm hao mòn thân tôi (Tv 69:10). Luật Chúa ban cho Mosê dậy dân Người phải giữ ngày Sabát (Xh 20:8-10) là ngày thứ Bảy, ngày thánh, ngày lễ nghỉ. Khi Ðức Giêsu sống lại vào ngày thứ Nhất trong tuần, Giáo hội mới chuyển sang ngày Chúa nhật để thờ phượng và nghỉ ngơi. Do lòng nhiệt thành lo việc nhà Chúa mà Giáo hội hoàn vũ cũng như giáo phận địa phương còn đưa ra những luật lệ nơi thánh đường và trong khuôn viên nhà thờ trong giờ thờ phượng công cộng để bảo đảm cho giáo dân khỏi bị chia trí trong khi thờ phượng. Vậy thì lòng nhiệt thành với việc nhà Chúa phải nhắc nhở cho ta biết tỏ ra tôn kính nhà Chúa, khi đến nhà thờ làm việc thờ phượng và cầu nguyện. Khi đến nhà thờ ngày Chúa nhật để thờ phương cách công cộng, người công giáo phải ăn bận thế nào, tỏ ra những cử chỉ ra sao để giúp khơi dậy tâm tình đạo đức thích hợp. Lòng nhiệt thành cho nhà Chúa phải nhắc nhở ta dạy cho con cháu biết phân biệt đâu là nơi thờ phượng để nhắc cho con cháu tránh những cử chỉ và hành động gây chia trí cho người khác.

Giáo hội còn đưa ra những nguyên tắc về phụng vụ, về thánh nhạc, về kiến trúc thánh và nghệ thuật thánh và mở những lớp huấn luyện nhằm cải tiến những bộ môn trên. Không cần phải đào sâu, mà chỉ cần nghiên cứu cho đủ dùng, người ta cũng thấy thánh nhạc, dụng cụ nhạc khí dùng trong nhà thờ, kiến trúc thánh, nghệ thuật thánh gồm mầu sắc, âm thanh, ánh sáng, vật liệu và phẩm chất của vật liệu xử dụng phải khác biệt. Người hiểu biết về nghệ thuật, kiến trúc và hội họa thánh khi đến thánh đường mà thấy không có sự khác biệt, khiến họ có thể chia trí, khó chịu. Những xứ đạo lớn ở tỉnh thành có nhân lực, vật lực và nhân tài có thể gửi người đi học để được huấn luyện về những nguyên tắc phụng vụ và thánh nhạc và nhạc khí để rồi cho áp dụng. Việc kiến thiết và tu bổ nơi thờ phượng công cộng nhất là trên cung thánh tại những xứ đạo có những điều kiện và phương tiện trên, phải nhờ đến kiến trúc sư có khả năng và được huấn luyện về kiến trúc và nghệ thuật thánh chứ không phải là việc vá víu của thợ cây nhà lá vườn. Nếu công trình kiến trúc lớn và phức tạp, kiến trúc sư còn phải nhờ đến giới chuyên môn khác như kĩ sư điện, kĩ sư máy móc, kĩ sư đo độ co dãn của vật liệu tuỳ theo thời tiết... Bức họa hình thánh để tôn kính cũng phải được nghiên cứu và theo dõi việc thực hiện của hoạ sĩ chứ không phải như cho vẽ tấm phông cho buỗi trình diễn văn nghệ.

Nơi thờ phượng được coi là riêng tư ở miền quê mà kiến trúc to lớn và sang trọng là xa vời với thực tế. Vào thập niên cuối của thế kỉ 20, tại một quốc gia bên Phi châu nghèo đói kia, người ta cho xây cất một thánh đường đồ sộ, nguy nga ở nơi đồng không mông quạnh. Nhận ra là không thực tế, tổng thống quốc gia đó muốn dâng cho Toà Thánh La mã mà Toà Thánh trả lời không biết xử dụng vào việc gì? 2.

Nghệ thuật và kiến trúc thánh gồm biểu hiệu bàn đến ở đây là kiến trúc và nghệ thuật Kitô giáo. Do đó muốn! hội nhập văn hoá mà đem nét văn hoá bản xứ vào mà không chọn lọc và thích ứng, có thể trở thành lạc lõng, méo mó. Và khi đem một nét văn hoá hay phong tục không phải là Kitô giáo vào đạo Kitô, thì giống như việc cắt râu ông nọ cắm cằm bà kia, nếu không cho rửa tội cho sàn phẩm văn hoá và phong tục đó.

Tóm lại về phương diện tiêu cực tại nơi thờ phượng công cộng, phải giữ những kỉ luật nào đó để khỏi gây chia trí và than phiền nơi người đến thờ phượng. Còn về phương diện tích cực, thì tuỳ khả năng và phương tiện của mỗi địa phương, cần đạt tới mức độ tương xứng trong nghệ thuật thánh, kiến trúc thánh và việc cử hành phụng vụ để giúp người đến thờ phượng có tầm hiểu biết khá về các bộ môn trên đánh giá được vẻ đẹp được diễn tả qua các bộ môn liên hệ và giúp người chưa hiểu biết, để với thời gian, họ cũng thưởng thức được vẻ đẹp của kiến trúc, nghệ thuật và thánh nhạc mà ca tụng Ðấng sáng tạo.

 

Lời cầu nguyện xin cho được biết tôn kính nhà Chúa:

Lạy Chúa, Ðấng sáng tạo và quan phòng muôn loài.

Chúa hiện diện khắp mọi nơi, trên toàn cõi địa cầu.

Ðặc biệt Chúa diện diện trong nhà thờ

nơi có Mình Thánh Chúa Kitô ngự trị.

Xin dậy con biết tỏ ra tôn kính và yêu mến nhà Chúa,

cho con được tìm thấy nơi nhà Chúa

nguồn sức mạnh, niềm an ủi và sự cậy trông

của đời con. Amen.

 

Lm Trần Bình Trọng

 

(1) Bài này đã được đăng trong Nguyệt san Dân Chúa Mỹ Châu và in trong Vietcatholic.

Với thời gian, nay được sửa chữa và thêm bớt để lại được chia sẻ với độc giả.

(2) Tác giả muốn biết hiện trạng của nhà thờ trên bên Phi châu, có thể nhắn qua địa chỉ:

trongtb@yahoo.com. Xin đa tạ.

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page