Thượng Ðế Sẽ Hỏi

(Những Chia Sẻ Mục Vụ và Những Câu Chuyện Gợi Ý

Suy Tư Và Cầu Nguyện hằng ngày)

 

Prepared for Internet by Vietnamese Missionaries in Asia


- 193 -

Thánh Bênađô, Tiến sĩ Hội thánh

Người trẻ xây dựng sự hiệp nhất trong Giáo hội

 

Thánh Bênađô, Tiến sĩ Hội thánh - Người trẻ xây dựng sự hiệp nhất trong Giáo hội

Nt. Maria Thérèse Bùi Thị Minh Thùy, O.P.

(RVA News 28-06-2022) - Chúng ta đang cùng mọi thành phần của Giáo hội trong tiến trình của Thượng Hội đồng Giám mục Thế giới lần thứ XVI, chúng ta đang cùng nhau trong một Giáo hội hiệp hành: hiệp thông - tham gia - sứ vụ. Thiết nghĩ, chúng ta cùng nhau chiêm ngắm thánh Bênađô một mẫu gương không ngại cất bước khắp châu Âu để xây dựng sự hiệp nhất trong Giáo hội và cùng với ngài cầu nguyện để Thượng Hội đồng đem lại nhiều kết quả tốt đẹp, bảo vệ sự hiệp nhất toàn vẹn của Giáo hội như Chúa mong muốn.

Thánh Bênađô sinh năm 1090 tại thành Ðigiông, miền Ðông Bắc nước Pháp, trong một gia đình lãnh chúa quyền quý, có đông anh em và được giáo dục tốt. Năm lên mười bảy tuổi, thân mẫu của ngài qua đời. Năm hai mươi tuổi, được Chúa Thánh Thần hướng dẫn, cậu từ giã thế gian để vào sống trong dòng khổ tu Xitô. Bênađô vào tu và thuyết phục được các anh em ruột và một số người thân cùng vào tu trong đan viện.

Bênađô rất thông minh lại là một tu sĩ rất mực đạo hạnh, nên được Viện Phụ gởi đi lập đan viện mới. Tại đây, Bênađô chú tâm hướng dẫn các thành viên của đan viện đến tầm quan trọng của tinh thần khổ chế trong việc ăn uống, phục sức; ngài củng cố cơ cấu của đan viện; đồng thời khuyến khích các tu sĩ sống yêu thương giúp đỡ người nghèo. Suốt thời làm viện trưởng, thánh Bênađô chỉ chuyên trách về toàn dòng Xitô và đã thành lập sáu mươi tám đan viện mới. Năm 1153 khi thánh nhân qua đời, đã có tới ba trăm bốn mươi ba nhà. Người ta gọi ngài là vị sáng lập thứ hai của Dòng Xitô không chỉ bởi vì ngài lập nhiều đan viện mà còn bởi vì ngài đã có công canh tân nếp sống đan tu.

Dù Bênađô ham thích đời sống làm việc và cầu nguyện bên trong đan viện, nhưng đồng thời Bênađô cũng chuyên tâm giảng thuyết và hoạt động, bươn chải khắp các nẻo đường nước Pháp, nước Ðức và nước Ý, giảng rao về Chúa và tham gia kiến tạo hòa bình bằng việc gặp gỡ các nguyên thủ quốc gia và là cố vấn cho các Ðức Giáo hoàng.

Giáo hội chân nhận ngài là thánh Giáo phụ cuối cùng vừa xét theo tính lịch sử, vừa căn cứ vào nền tảng giáo lý của Ngài phù hợp với Thánh kinh phụng vụ và truyền thống Giáo hội. Ngài cũng viết các tác phẩm mời gọi người Kitô hữu tham dự mật thiết và tích cực vào mầu nhiệm tình yêu Thiên Chúa trong Ðức Kitô. Các tác phẩm có sức thu hút nhiều tâm hồn về cùng Chúa. Ngoài các tác phẩm thần học và các bài giảng, thánh Bênađô cũng để lại nhiều lá thư viết cho bạn hữu và nhiều người đương thời, trong đó thánh nhân bảo vệ giáo lý của Giáo hội và chống lại chủ nghĩa bài Do Thái mới phát sinh, chống lại lạc giáo Cathars... Trong các cuộc tranh luận giữa trường phái Duy Danh và Duy Thực, thánh Bênađô không ngừng lặp lại rằng, chỉ có một danh tính duy nhất đáng quan tâm, đó là danh Giêsu Nazaret. (1) Ánh sáng của thánh tiến sĩ Bênađô rạng rỡ một cách đặc biệt do các tác phẩm thần học và tu đức của ngài.

Thánh Bênađô còn có lòng sùng kính Mẹ Maria rất đặc biệt. Ngài có một mối tương giao rất thân thiện với Mẹ Thiên Chúa. Ngài về trời năm sáu mươi ba tuổi (1153). Hai mươi mốt năm sau (1174), Ðức Thánh cha Alêxanđơ III đã phong ngài lên bậc hiển thánh. Ðức Thánh cha Piô VIII đã tôn nhận thánh Bênađô làm Tiến sĩ Hội thánh năm 1830.

Chiêm ngắm thánh Bênađô, chúng ta thấy rằng để thật sự hiểu biết về đức tin, cần phải sống thân mật với Chúa, cần cảm nghiệm một cách sâu xa về Chúa Giêsu. Ðể làm được điều này, ắt hẳn mỗi người cũng cần dành một chỗ ưu việt cho Mẹ Maria - Thánh Mẫu của Người. Và một khi đã có sự liên kết mật thiết với Chúa Giêsu là đầu, mỗi người chúng ta ắt hẳn sẽ gắn bó sâu xa với thân mình của Người là Giáo hội. Chúng ta sẽ hết lòng xây dựng sự hiệp nhất của Giáo hội. Vì, chỉ khi nào chúng ta gắn bó chặt chẽ với Thiên Chúa hơn, chúng ta mới có thể dễ dàng thắt chặt tình huynh đệ với nhau hơn.

Ước gì cuộc đời của thánh Bênađô cũng khơi dậy ước muốn xây dựng một Giáo hội hiệp hành: hiệp thông - tham gia - sứ vụ trong lòng mỗi người trẻ hôm nay.

Lạy Chúa, Chúa đã cho thánh Bênađô ơn hiểu biết các mầu nhiệm trong đạo thánh Chúa, Chúa cũng cho ngài biết dùng tài trí, đức độ và nhiệt tâm xây dựng sự hiệp nhất và canh tân Giáo hội. Vì lời thánh nhân chuyển cầu, xin Chúa ban cho mỗi người trẻ chúng con biết quan tâm đến sự hiệp nhất trong Giáo hội, yêu mến và gìn giữ nền tảng đức tin trong Giáo hội để Giáo hội ngày càng vững mạnh và phát triển hơn. Amen.

Nt. Maria Thérèse Bùi Thị Minh Thùy, O.P.

- - - - - - - - - -

(1) Ðức Giáo Hoàng Bênêdictô XVI, 36 thánh Tiến sĩ, Hv Ða Minh, Nxb Phương Ðông, 2017, trong 239-248.

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page