Thượng Ðế Sẽ Hỏi

(Những Chia Sẻ Mục Vụ và Những Câu Chuyện Gợi Ý

Suy Tư Và Cầu Nguyện hằng ngày)

 

Prepared for Internet by Vietnamese Missionaries in Asia


- 070 -

Thánh Lêô Cả (390-461) Giáo hoàng - Tiến sĩ Hội thánh

Người trẻ hiệp hành với Giáo hội

 

Thánh Lêô Cả (390-461) Giáo hoàng - Tiến sĩ Hội thánh - Người trẻ hiệp hành với Giáo hội.

Nt. Maria Thérèse Bùi Thị Minh Thùy, O.P.


Thánh Lêô Cả (390-461) Giáo hoàng - Tiến sĩ Hội thánh.


(RVA News 25-01-2022) - Hiệp hành với Giáo hội trong tiến trình của Thượng Hội đồng Giám mục Thế giới, lời của Ðức Thánh Giáo hoàng Lêô Cả gợi mở cho chúng ta: Hội thánh phổ quát của Thiên Chúa được tổ chức theo những cấp bậc khác nhau, sao cho các chi thể khác nhau duy trì được sự toàn vẹn của thân thể thánh. Tuy nhiên, như thánh Phaolô tông đồ nói: Tất cả chúng ta chỉ là một trong Ðức Kitô. Và cũng chẳng ai vì chức vụ của người khác mà bị tách ra, đến nỗi một phần chi thể tầm thường nào đó không còn liên kết với đầu nữa. Vậy anh em thân mến, hiệp nhất trong đức tin và trong Phép Rửa, chúng ta làm thành một xã hội không phân biệt giai cấp, và chúng ta có chung một phẩm giá.[1]

Ðể sống được điều này, chúng ta cùng chiêm ngắm và theo gương Ðức Thánh Giáo hoàng Lêô Cả để cùng Hiệp hành với Giáo hội một cách sâu sắc và thánh thiện hơn.

[2]Thánh Lêô Cả là người Rôma, sống vào cuối thế kỷ thứ IV đến nửa đầu thế kỷ thứ V. Sau khi Ðức Giáo hòang Sixtô qua đời, thánh Lêô được chọn lên kế vị trong bối cảnh Giáo hội đang gặp rất nhiều khó khăn từ nhiều góc độ. Bên ngoài Giáo hội quân Mandi đang tấn công các Kitô hữu tại nhiều nơi; bên trong Giáo hội, một số người cũng rao truyền những học thuyết sai lạc.

Thánh Lêô đã thể hiện sự nhiệt tình phục vụ Giáo hội, ngài can đảm mạnh mẽ phi thường. Ngài đã lo lắng bảo vệ giáo lý chính truyền khỏi sai lạc bằng cách: giải thích đức tin qua các bài viết nổi tiếng của ngài; ngài can đảm lên án các giáo thuyết sai lầm của phái Manikê, phái Pêlagiô, và phái Nestôriô, chống lại phái Priscilla, lật tẩy được lạc thuyết của Julien. Ngài hòa giải xung đột giữa các tướng lãnh của Rôma lúc bấy giờ. Ngài cũng can thiệp vào lãnh vực kỷ luật trong Giáo hội.

Ngoài việc đẩy lui lạc thuyết ngài còn quan tâm tới việc bảo vệ tín lý về Nhập Thể. Ngài triệu tập công đồng Cacêđônia, là Công đồng Chung thứ IV. Tại công đồng này đã hình thành tín điều liên quan tới Chúa Giêsu Kitô: "Chúng tôi tuyên xưng chỉ có một Ðức Giêsu Kitô duy nhất... Sự kết hợp không xoá bỏ các bản tính, mà trái lại các thuộc tính của mỗi bản tính được duy trì và thống nhất nơi một ngôi vị duy nhất." Công đồng phê chuẩn bằng lời ca ngợi giáo huấn của Ðức Lêô trong Thư gửi cho Ðức Flavien đã được đọc cho hội nghị: "Ðây đúng là đức tin của các Tông đồ. Thực vậy, đúng là thánh Phêrô đã nói qua miệng Ðức Lêô."

Ðức Thánh Giáo hoàng Lêô Cả đã để lại nhiều văn bản về các Bí tích, 96 khảo luận và bài giảng, 173 lá thư. Quả thật, Ðức Giáo hoàng Lêô Cả ý thức vai trò kế vị thánh Phêrô của mình nên đã có những hành động quyết định đối với vận mệnh của Hội thánh. Ðức Giáo hoàng Lêô Cả phục vụ trong vai trò người kế vị thánh Phêrô suốt 21 năm. Ngài về trời ngày mùng 10 tháng 11 năm 461. Ngài thật xứng đáng nhận tước hiệu Ðức Lêô Cả.

Những sai lầm, những lạc thuyết làm lung lay đức tin và chia cắt thâm mình Chúa Kitô. Thánh Giáo hoàng Lêô Cả đã cảm nhận điều này qua trách vụ của ngài. Ngài hiểu Chúa muốn trái tim của mọi thành phần dân Chúa cùng đập nhịp đập yêu thương và hòa giải. Chúa muốn mọi thành phần dân Chúa hiểu về Ngài và thông truyền giáo lý chân chính của Ngài. Dấn thân học hiểu, canh tân hòa giải, truy tìm chân lý và hết lòng xây dựng Hội thánh là con đường Ðức Thánh Giáo hoàng Lêô Cả đã đi và nên gương sáng cho tất cả chúng ta.

Ðức Kitô đã trao ban ơn hiệp nhất cho Giáo hội của Người. Sự hiệp thông của mọi thành phần dân Chúa sẽ triển nở khi tất cả chúng ta chia sẻ những ân sủng lãnh nhận từ các truyền thống khác nhau và khi chúng ta nhận ra rằng, Chúa là suối nguồn ân sủng duy nhất của chúng ta. Hiểu được điều này, chúng ta sẽ sẵn sàng hiệp thông - tham gia - sứ vụ bằng sức mạnh liên kết của Chúa.

Lạy Chúa Giêsu, trước ngày chịu chết vì chúng con, Chúa đã nguyện cầu cho các Tông đồ và tất cả mọi người được liên kết với nhau nên một, như Con ở trong Cha và như Cha ở trong Con. Xin cho chúng con cảm thấy xót xa đau buồn về những thất tín, chia rẽ nơi chúng con. Xin cho chúng con biết thẳng thắn nhìn nhận, và có lòng cam đảm để khai trừ mọi lãnh đạm, lòng nghi ngờ và tính đố kỵ tiềm ẩn nơi chúng con. Xin cho chúng con được gặp nhau trong Chúa hầu cho tâm hồn và môi miệng chúng con luôn vang lên lời nguyện cầu hiệp nhất như lòng Chúa ước ao. Lạy Thiên Chúa Tình Yêu hoàn hảo, xin giúp chúng con tìm thấy nơi Chúa con đường dẫn đưa đến hiệp nhất trong đức vâng phục, đến yêu thương và sự thật. Amen.[3]

Nt. Maria Thérèse Bùi Thị Minh Thùy, O.P

- - - - - - - - - - - - - - - - - - -

[1] Bài đọc 2, Bài đọc Kinh Sách ngày 10/11 thánh Lêô Cả. Trích bài giảng của thánh Lêô Cả, "Việc phục vụ đặc biệt trong tác vụ của tôi."

[2] SUSAN HELEN WALLACE, FSP, Các Thánh dành cho bạn trẻ, ngày 10/11, thánh Lêô Cả.

[3] Kinh cầu cho Hiệp Nhất, Ðức Giáo Hoàng Phaolô VI biên soạn.

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page