Thượng Ðế Sẽ Hỏi

(Những Chia Sẻ Mục Vụ và Những Câu Chuyện Gợi Ý

Suy Tư Và Cầu Nguyện hằng ngày)

 

Prepared for Internet by Vietnamese Missionaries in Asia


- 060 -

Tôn Trọng

 

Tôn Trọng

Nt. Anh Thư

(RVA News 14-01-2022) - Trước một cửa hàng bán bánh sinh nhật, một người ăn xin rách rưới quần áo bốc mùi đến mua bánh. Những người đứng bên cạnh đều nhăn mũi tỏ vẻ khinh miệt. Nhân viên bán hàng trông thấy liền quát:

- "Ði chỗ khác cho tôi bán hàng".

Người ăn xin lấy ra mấy đồng tiền lẻ rồi nói:

- "Tôi cần mua bánh sinh nhật, cái nhỏ nhất ấy".

Chủ cửa hàng từ bên trong trông thấy liền chạy ra tủ lấy chiếc bánh sinh nhật nhỏ đẹp nhất đưa cho người ăn xin, rồi ông cúi mình nói:

- "Hoan nghênh quý khách đã tới!".

Người ăn xin rất ngạc nhiên, cả đời ông chưa bao giờ được người ta tôn trọng như vậy. Thấy thế, cô nhân viên liền hỏi:

- "Thưa ông, sao ông lại nhiệt tình với người ăn xin như vậy?"

Ông chủ giải thích:

- "Dù là ăn xin, nhưng họ cũng là khách hàng. Vì muốn ăn bánh của chúng ta mà họ không tiếc tiêu đi những đồng tiền đã phải vất vả xin được, ta không được phụ lòng yêu mến của họ".

Cô lại hỏi:

- "Nếu đã vậy thì sao ông còn lấy tiền của họ?"

Ông chủ đáp:

- "Người ăn xin tới không phải để xin tiền, ông là khách hàng, nên chúng ta phải tôn trọng họ. Không lấy tiền của họ, chẳng phải là ta coi thường họ sao? Phải nhớ rằng, chính khách hàng mới là người làm nên thương hiệu của chúng ta".

Ông chủ tiệm bánh sinh nhật đó chính là ông nội của Y oshiaki Tsutsumi, một doanh nhân có tiếng điều hành tập đoàn bất động sản lớn ở Nhật Bản.

Quý vị và các bạn thân mến,

Ai trong chúng ta cũng mong muốn được người khác tôn trọng và thừa nhận giá trị của bản thân mình. Muốn vậy, trước tiên chúng ta phải biết tôn trọng người khác, vì họ được tạo dựng giống hình ảnh của Thiên Chúa. Khi đi rao giảng Tin Mừng, Chúa Giêsu đón tiếp hết mọi người, nhất là người nghèo, người tội lỗi. Người đã đến kêu gọi ông Matthêu là dân thu thuế làm môn đệ, đã trò chuyện với người phụ nữ trắc nết bị xã hội lên án. Chúa Giêsu không đánh giá người khác qua nghề nghiệp, qua địa vị xã hội nhưng nhìn sâu vào tâm hồn để thấu cảm và tôn trọng phẩm giá con người. Thái độ của Chúa Giêsu mang đầy tính nhân văn cao đẹp, Người khẳng định rõ về sứ mạng của mình "Tôi không đến để kêu gọi người công chính, mà để kêu gọi người tội lỗi" (Mt 9,13).

Chúa Giêsu không chỉ tôn trọng con người mà còn nâng niu chăm sóc hết mọi loài thụ tạo. Sau khi tạo dựng muôn vật muôn loài, Thiên Chúa đã trao cho con người nhiệm vụ chăm sóc và cai quản thế giới. Thế nhưng, vì tham lam ích kỷ, con người đã khai thác, bào mòn và hủy hoại sự sống của các loài thụ tạo. Trong Thông điệp Laudato si', thông điệp về 'Việc chăm sóc ngôi nhà chung của chúng ta', Ðức Thánh Cha Phanxicô có một cái nhìn mới về sự sống, ngài nói "Các loài thụ tạo trên thế giới này không còn xuất hiện trước mắt chúng ta dưới dáng vẻ thuần túy tự nhiên nữa, vì Ðấng Phục Sinh sẽ bao phủ chúng cách nhiệm mầu và hướng chúng đến sự viên mãn tận cùng. Những bông hoa ngoài đồng và những cánh chim trời mà Ngài đã chiêm ngắm giờ đây được mặc lấy sự hiện diện đầy vẻ uy linh của Ngài" (LS 100).

Mỗi người chúng ta đều đang mang một 'món nợ môi sinh'. Một mặt chúng ta có quyền được sử dụng thiên nhiên, mặt khác chúng ta cũng phải có trách nhiệm chăm sóc và bảo vệ chúng như một hữu thể sống. Chúng ta phải quan tâm chăm sóc con người, nhất là những người đau yếu, nghèo hèn bé nhỏ. Theo sự hiểu biết Kitô giáo về thế giới, định mệnh của tất cả mọi loài thụ tạo được tháp nhập với mầu nhiệm Ðức Kitô ngay từ thuở ban đầu, vì trong Người, muôn vật được tạo thành và Người mong muốn làm cho tất cả sự hiện diện viên mãn ở nơi Người (x. LS 99).

Cuộc sống của chúng ta đang thiếu đi sự tôn trọng và công bằng. Người ta xây những tòa nhà cao rộng, xử dụng những phương tiện khoa học kỹ thuật với tốc độ cao hơn nhưng lòng người lại chật hẹp nhỏ nhen hơn. Khoa học càng phát triển tiến bộ, càng có nhiều người nghèo bị đẩy ra bên lề xã hội. Bên cạnh đó, cảnh chiến tranh, bạo lực khiến thế giới này như đang tan ra từng mảnh. Ðâu đó, các Kitô hữu bị bách hại, các cơ sở tôn giáo bị đốt phá. Chúng ta "không thể vượt qua tình trạng này nếu không kháng cự nó bằng một điều lớn hơn: đó là bằng tình yêu, bằng lòng từ nhân. Ðiều lớn hơn này đến từ Thiên Chúa". Chính lời dạy của Tin Mừng hãy yêu thương kẻ thù (x. Lc 6,27) được coi như "Ðại hiến chương về sự bất bạo động Kitô giáo" (ÐTC Phanxicô - Thông Ðiệp Hòa bình thế giới 1.1.2017).

Lạy Chúa, Chúa đã khiêm tốn cúi xuống thân phận phàm nhân hèn yếu để nâng chúng con lên làm con cái Chúa, Chúa đã xóa bỏ mọi khoảng cách để làm bạn với những người nghèo yếu, xin cho chúng con biết biết mở rộng tâm hồn để tôn trọng và yêu thương hết mọi người. Amen.

Nt. Anh Thư

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page