Thông Diễn Học

Và Khoa Học Xã Hội Nhân Văn

Gs. Trần Văn Ðoàn

Ðại Học Quốc Gia Ðài Loan

Prepared for Internet by Vietnamese Missionaries in Asia


 

Chương V

Những Trường Phái Thông Diễn Học

Thông Diễn Học Hữu Sinh Tính

của Martin Heidegger

(Ontological Hermeneutics)

 

4. Hữu Sinh Học (Ontology), Hiện Tượng Học và Thông Diễn Học

Nếu hiểu lịch sử tính như vậy, ta nhận ra được rằng, hiện tượng học phải là một nền thông diễn học, tức là môn học về tất cả qúa trình Hữu sinh tự khai mở, tự phát triển. [24] Và chỉ trong văn cảnh như thế, Heidegger mới định nghĩa hiện tượng học trong nguồn mạch của hữu sinh học và thông diễn học như sau:

"Cái ý nghĩa theo phương pháp của việc diễn tả hiện tượng, chính là dãi bày ra (Auslegen), tức thông diễn. Cái luật (cái hồn, logos) của nền hiện tượng học về hiện thể (Dasein) mang tính chất của hermeneuein (thông diễn, chuyển nghĩa), mà nhờ vào đó hiện thể nhận ra được cái cấu trúc của chính mình, và hiểu được cái ý nghĩa chân thực của mình qua chính sự thông hiểu về hữu thể. Hiện tượng học về hiện thể tức là sự thông diễn, theo cái nghĩa nguyên thủy của thuật ngữ, chỉ định một tác động chuyển nghĩa." [25]

Sự tự khai mở của Hữu sinh, không phải chỉ được nhận ra trong quá trình lịch sử. Ngược lại, chính sự khai mở này tạo ra lịch sử. Lịch sử của một xã hội là cả cái qúa trình mà xã hội đó đương tự tạo, đương sống động, đương phát triển, và đương cải biến cái thế giới của nó. Tương tự, lịch sử của một cá nhân chính là việc cá nhân đó tạo ra những thành qủa. Nói theo ngôn ngữ của Heidegger, đó chính là việc cá nhân đó đã và đương tự tỏ mình ra cho chúng ta.

Nhưng nếu nói như vậy, thì mỗi người, mỗi xã hội, trong tự do tính của mình, sẽ tự tỏ mình khác nhau. Quả như thế, làm sao mà chúng ta có thể hiểu được người khác, thế giới khác? Nơi đây ta thấy cái khó khăn của lối thông diễn học hữu sinh, và điều mà những người áp dụng môn học này phải giải quyết đó là, làm thế nào để Hữu sinh tự tỏ mình, và làm thế nào để chúng ta thông hiểu được nền tảng căn bản của sự tự tỏ mình, tại sao lại như thế này, như thế nọ. Từ đây ta thấy họ vẫn còn gắn bó với hiện tượng học, theo nghĩa là họ phải tìm cho được cái bản chất chung (hay cái thể chung). Cùng một thể, cùng một bản chất, vật thể sẽ xuất hiện theo phương cách của những vật thể có cùng bản chất, và mang cùng bản thể. Con dao với bản chất công cụ, không thể xuất hiện như một chiếc bánh, bởi lẽ chiếc bánh mang bản chất lương thực chứ không phải công cụ. Và như con dao, nó mang cái thể của con dao, tức cái hình thức giúp nó đạt tới mục đích của chính nó (bản chất). Tương tự chiếc bánh có một bản thể giúp nó thực thi được chính cái mục đích hiện hữu của nó, tức làm lương thực. Nói cách chung, nếu nền tảng như nhau, sự tự tỏ mình, cách thế tỏ mình có thễ cũng giống nhau. Nếu mục đích giống nhau, nếu chất liệu giống nhau (bản chất), vân vân, ta có thể nói, chúng mang những thể giống nhau. Cái bản thể này giúp ta thông hiểu được vật thể là loại gì, có mục đích gì, dùng để làm gì, và xuất hiện vào trong thời điểm nào, trong không gian nào. Con dao (khi xuất hiện) trong bếp khác với con dao (khi thấy) trong cuộc chiến; chiếc bánh trong bữa cơm khác chiếc bánh trong phòng thí nghiệm. [26] Như vậy, theo Heidegger, tự do tính không có nghĩa là vô trật tự, vô định hay bất định. Tự do tính được biểu hiện qua sự kiện Hữu sinh xuất hiện hợp với bản tính của nó, tức không phản lại chính bản chất của nó. [27] Nói cách khác, tự do tính không có nghĩa là không bị giới hạn, hay bên ngoài trật tự, hay khác với bản tính, bản chất như lối hiểu thông thường. Ngược lại, tự do tính là bản tính của Hữu sinh khiến nó phải xuất hiện như bản chất của nó.

Tóm lại, nếu Schleiermacher từng đi kiếm một nền tảng thông diễn bằng cách đặt ra những điều kiện căn bản cho cuộc đối thoại, nếu Dilthey phát hiện cái cội nguồn của sự thông hiểu chính là cuộc sống, và tương thông diễn tả sự sống của ta gặp sự sống của người khác, thì tương tự, Heidegger muốn đào bới tìm ra cái nền tảng căn bản nhất của Hữu sinh, mà dựa trên nền tảng này, Hữu sinh mới có thể tự khai mở chính mình, mà mỗi sự sống (hay Hữu sinh) mới có một điểm chung, mà tùy theo điều kiện của thời gian và không gian mà Hữu sinh mới mang lấy một thể nhất định, mà hiện thể phải xuất hiện như thế này, thế nọ.

 

Chú Thích:

[24] Palmer, sđd., tr. 129, nhận định khá đúng như sau: "Ontology must become phenomenology. Ontology must turn to the process of understanding and interpretation through which things appear; it must lay open the mood and direction of human existence; it must render visible the invisible structure of being-in-the-world."

[25] Sein und Zeit, tr. 37.

[26] Ngay từ thời Aristotle, ta đã thấy một lối phân loại vật thể theo những phạm trù đồng loại, đồng tính, đồng thể, đồng cách... Những phạm trù của Aristotle như quando, ubi, situs, habitus, vân vân, được hiểu và xếp đặt theo những đặc tính trên. Tới thời tân đại, Kant đi xa hơn, phân loại mọi sự vật theo những phạm trù trừu tượng như lượng (quanty), chất (quality), dạng, hay hình thái (modes), và tương quan (relation) (Kritik der reinen Vernunft, B. 106).

[27] Sein und Zeit, đoạn 40, 41: "Das Dasein ist die Moeglichkeit des Freiseins fuer das eigenste Seinkoennen." (Hiện thể là khả thể của con người tự do như thấy theo cái khả năng hữu sinh của mình).

 

Trần Văn Ðoàn

Khoa Triết Học, ÐH Quốc Gia Hà Nội, 2004

 

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page