Thông Diễn Học

Và Khoa Học Xã Hội Nhân Văn

Gs. Trần Văn Ðoàn

Ðại Học Quốc Gia Ðài Loan

Prepared for Internet by Vietnamese Missionaries in Asia


 

Chương V

Những Trường Phái Thông Diễn Học

Thông Diễn Học Hữu Sinh Tính

của Martin Heidegger

(Ontological Hermeneutics)

 

2. Nhận Biết và Thông Hiểu (Knowing and Understanding)

Trong nền triết học tân đại (hay hiện đại), các triết gia thường đồng nghĩa nhận biết (knowing, Wissen) với thông hiểu (understanding, Verstehen). Trong nền triết học của Locke, Kant, ta thấy quan tâm chính của triết học chính là một tri thức chính xác (hay một tri thức rõ ràng và phân biệt theo Descartes). Và họ đi tới một kết luận, sự hiểu biết đồøng nghĩa với chính trí thức đó. [11] Vậy thì, điểm mà các triết gia đi tìm kiếm, chính là đi tìm những phương pháp để có thể có và bảo đảm một nền tri thức chính xác, hay để thực chứng (verify) những nền tri thức như vậy. Ngay cả Husserl cũng không thể thoát khỏi lối suy tư chủ chốt này. Trong hiện tượng học của ông, Husserl vẫn chủ trương là phương pháp reduction của ông giúp tìm ra những bản chất của hiện tượng, cũng như sự tương quan của các bản chất ấy. Nhưng như chúng ta thấy, bản chất mà Husserl hiểu theo truyền thống triết học, vẫn phải mang hai đặc tính phổ quát và tất yếu, và như vậy, nó không thể biến đổi, tuy có thể biến hóa thành những mô hình, kết cấu (noema) khác nhau. Tuy quan niệm bản chất của ông đã vượt khỏi quan niệm bản thể của nền triết học trước ông, ta vẫn thấy là, chủ trương coi bản chất như cái gì trung thực nhất bắt buộc ta phải coi reduction như là một phương thế giảm trừ, hay giản lược. Và như vậy, reduction vẫn còn nằm trong cái nôi của phương pháp nghi hoặc (doute méthodique) từng được Descartes coi như là một phương pháp thiết yếu căn bản nhất để truy cứu chân lý. Ðây là lý do mà theo Heidegger, Husserl đã không đi xa hơn Descartes là bao, bởi lẽ công năng thứ ba của reduction là truy nguyên vẫn chưa được Husserl phát triển cặn kẽ cho tới tận kỳ lý. [12] Hiện tượng học của Heidgger bắt đầu ở chỗ mà Husserl dừng lại. Trong Hữu Sinh và Thời Gian, ông hiểu hiện tượng học như là một sự cởi mở, khai triển. Như vậy thì, công năng chính của reduction phải là việc nhận ra cái động lực hay cái hạt nhân (noesis) khiến bản chất xuất hiện trong một thể thức (noema) nào đó. Mỗi một lần xuất hiện, nó mang những dạng hình, tức những hiện thể khác nhau, nhưng vẫn không đánh mất những bản chất gắn liền với chính Hữu sinh. Nói cách khác, các hiện thể chỉ là những lối xuất hiện khác nhau của Hữu sinh, và mỗi hữu thể (cái thể của Hữu sinh) đương nói lên cái bản chất của hiện tượng, đó chính là sự khai mở. [13]

Từ đây, ta nhận ra sự khác biệt căn bản giữa Heidegger và Husserl:

(1) Nếu Husserl hiểu hiện tượng học như là phương thế khiến ta có thể tự thức, tức phương thế khám phá ra chính cái chủ thể tính mang tính chất tiên nghiệm (transcendental subjectivity), thì Heidegger coi hiện tượng học như là chính cái môi sinh (vital medium) của con người đương hiện hữu nhận ra mình trong cái thế giới sống của mình. Nói cách khác, nếu hiện tượng học là chính sự việc làm Hữu sinh đương tự khai mở, thì hiện tượng học không chỉ là một phương pháp giảm trừ, hay giản lược mà thôi, mà hơn thế nữa, còn phải là phương pháp tự tạo, tự sinh. [14] Sự truy nguyên - reductio - nơi đây theo nguyên ngữ epoch (epoche) không còn là một giảm lược (reduction) hay giảm trừ (theo triết học duy nghiệm của Locke và Hume), hay theo nghĩa nghi hoặc - dubio - của Descartes, mà là sự truy cứu cực đoan cho tới tận cùng kỳ tới cái nguyên lý tối hậu.

(2) Sự khác biệt về chính bản chất của hiện tượng học khiến Heidegger không thể chấp nhận coi hiện tượng học là một nền "khoa học nghiêm túc" - strenge Wissenschaft - như Husserl từng xác tín. [15] Bởi nếu hiểu khoa học theo phạm trù nghiêm túc, tức, có thể chứng minh được, có thể lập lại được, thì đối với Heidegger, một nền hiện tượng học như vậy chỉ là một chủ thuyết duy nghiệm ở cấp cao hơn (higher empiricism) mà thôi. Heidegger có lý nơi đây, vì nếu hiện tượng học gắn liền với cuộc sống, mà thế giới sống đòi buộc mình phải vượt khỏi cái mục đích hạn hẹp của khoa học (tự nhiên), thì khi tự cho mình là một nền khoa học nghiêm túc, hiện tượng học đã tự bó chân bó tay giam mình trong cái "cũi sắt" của khoa học - nói theo lối diễn tả "iron cage" của Max Weber, một bác học người Ðức từng có ảnh hưởng sâu rộng tới luật học, kinh tế, khoa học xã hội nhân văn.

(3) Tiếp theo, đó là nếu mục đích của một nền hiện tượng học không chỉ bị hạn hẹp trong công việc tìm ra một nền tri thức chắc chắn, hay đi xây dựng chủ thể tính mang tính chất tiên nghiệm, vậy thì hiện tượng học tự nó phải là một nền thông diễn học. Nói cách khác, hiện tượng học theo Heidegger phải là một sự khai mở, và như vậy triết học phải mang tính chất lịch sử, một sự tái tạo qúa khứ một cách sáng tạo, một hình thức của thông diễn. [16]

Nói tóm lại, Heidegger đã vượt khỏi hiện tượng học của Husserl bằng cách đặt sự hiểu biết, hay thông hiểu chứ không phải tri thức như là trọng tâm triết học. Mà thông hiểu là một bản chất tất yếu, đồng thời cũng là sinh hoạt sáng tạo của chủ thể trong cái thế giới sống, và hướng về tương lai bất tận của con người.

 

Chú Thích:

[11] John Locke, An Essay Concerning Human Understanding, Peter H. Nidditch chb. và giới thiệu (Oxford: Oxford University Press, 1975). Trong Tập 1, chương 1 phần Dẫn nhập, Locke tuyên bố: "Since it is the Understanding that sets Man above the rest of sensible Beings, and gives him all the Advantage and Dominion, which he has over them; it is certainly a Subject, even for its Nobleness, worth our Labour to enquire into." (B ook 1, chap. I,1) (Bởi vì, chính Thông hiểu đã làm con người vượt lên trên vạn vật hữu cảm, cho hắn tất cả Lợi thế và sự Thống trị, nhờ đó hắn hơn hẳn chúng; hiển nhiên đó là một Ðề tài, ngay cả đặc tính Cao qúy của nó cũng đáng để chúng ta ra sức nghiên cứu).

[12] Ðây có lẽ là một trong những lý do chính yếu mà Husserl được (hay bị) gán cho là người chủ trương chủ thuyết "tân Descartes" (Neo-Cartesianism), đặc biệt bởi giới triết học Pháp.

[13] Trong Sein und Zeit, tr. 28, Heidegger giải thích hiện tượng học như sau: "Chính vì vậy mà fainomenon có nghĩa là cái gì tự chỉ ra mình, cái gì đương tỏ ra mình, cái đương tự khai mở." (das, was sich zeigt, das Sichzeigende, das Offenbare). fainesqai tự nó là một mô thức trung dung, đến từ faino - đem lại nhật quang, hay đưa sự vật ra trước ánh sáng (tức là làm sáng tỏ)... Chính vì vậy mà chúng ta phải nhớ rằng lối diễn tả "phenomenon" có nghĩa là điều gì đương tự chỉ ra chính mình, điều gì đương khai triển." Lời Dẫn Nhập, A. Quan Niệm Hiện Tượng.

[14] Habermas, trong tập Tri Thức và Ý Thích (Erkenntnis und Interesse, 1966-7), đã phát triển quan niệm tự tạo, tự sinh của con người xã hội qua hai quan niệm philo-genesis (vật thể sinh) và onto-genesis (hữu thể sinh). Quan niệm sau hiển nhiên là do ảnh hưởng của Heidegger.

[15] Edmund Husserl, "Erinnerungen an Franz Brentano" trong Oskar Kraus, Franz Brentano, tr. 154; Spiegelberg, tr. 72 và 149. Chú ý là trong Ðức ngữ, streng không chỉ có nghĩa nghiêm túc (rigorous), mà còn chỉ ra cái sức mạnh (rigor, strong). Nên theo đúng ý của Husserl, nền khoa học mà ông đeo đuổi không chỉ nghiêm túc, chính xác (như thấy trong toán học), mà còn phải có đủ sức mạnh để giải quyết các vấn nạn tri thức, và vấn nạn nhân sinh. Xin tkh. Ed. Husserl, Die Krisis der europaeischen Wissenschaften und die transszendentale Phaenomenologie (1936), sđd. Cũng thấy trong luận văn "Philosophie als strenge Wissenschaft" xuất bản năm 1910 của Husserl.

[16] Trong lá thư gửi linh mục W. J. Richardson (04.1962), in trong Lời Nói Ðầu tập sách của Richardson, Martin Heidegger: Through Phenomenology to Thought (The Hague: Nijhoff, 1964), Heidegger nhận định nền hiện tượng học của Husserl thực ra chỉ phát triển "con đường từng được Descartes, Kant và Fichte khai quang", và ông kết luận, tr. xv: "Lịch sử tính của tư duy hoàn toàn xa lạ với những chủ trương như thế." Palmer, tr. 127.

 

Trần Văn Ðoàn

Khoa Triết Học, ÐH Quốc Gia Hà Nội, 2004

 

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page