Thông Diễn Học

Và Khoa Học Xã Hội Nhân Văn

Gs. Trần Văn Ðoàn

Ðại Học Quốc Gia Ðài Loan

Prepared for Internet by Vietnamese Missionaries in Asia


 

Chương IV

Hiện Tượng Học tại Việt Nam

(Phenomenology in Vietnam)

 

2. Hiện Tượng Học và Chủ Thuyết Mác-Xít

Lẽ dĩ nhiên, theo cái kết luận tất yếu của lối lý luận (logic) tức quy luật của lịch sử duy vật, thì nền tư tưởng tư sản sẽ tự đào thải. Marx từng chủ trương, thế giới tư bản sẽ băng rã vì bản chất tự mâu thuẫn của nó. Với một lý luận như vậy, ta không lấy làm lạ thấy Giáo sư Trần Ðức Thảo đi tới kết luận tương tự: hiện tượng học đã bị chủ thuyết duy vật biện chứng vượt qua (dépassée); [10] nó đã lỗi thời, và chỉ có chủ nghĩa Mác-Xít mới giúp nó nhìn ra cái thế giới bị khống trị của mình. [11] Kết luận như vậy hoàn toàn đúng theo cái luận lý (logic) của Marx. Ðiều mà chính những nhà Mác-xít nhận ra và đặt câu hỏi là, có phải định luật của thế giới, của lịch sử chỉ có đi một chiều, hướng về một hướng duy nhất, và theo một quy luật cố định hay không? Ðiều mà ngay từ đầu thập niên 1950s, khi mà bộ máy sắt của con người thép Stalin đương bắt đầu han rỉ, thì Nikita Krutchev với chủ trương xét lại (revisionism) đã từng đặt nghi vấn, đó là tư bản có đồng nhất với tư sản, và tư sản đồng nhất với đế quốc thực dân hay không?

Ðây là những câu hỏi then chốt. Những lối giải đáp khác nhau thực ra đã làm giầu cho chủ thuyết của Marx. Gyorgy Lukác, nhà lý luận Hung Gia Lợi, từng chủ trương là chỉ có phương pháp biện chứng mới là cái tinh hoa của chủ thuyết Mác-xít. [12] Tuy vậy, phương pháp biện chứng mà ông chủ trương lại gần Hegel hơn là Marx. Dù theo Hegel hay theo Marx, một biện chứng như vậy đòi hỏi lịch sử luôn trong một qúa trình tiến bộ không ngừng, và không thể có một cái gọi là điểm cuối cùng trong lịch sử. Khi chối bỏ cái Tinh thần tuyệt đối (absolute Geist) khoác một bộ mặt hay một tổ chức tuyệt đối, Lukács chỉ chấp nhận cái Ý niệm tuyệt đối làm động lực cho lịch sử. Những người theo Lukács không phải là ít (ông ảnh hưởng sâu xa tới chủ thuyết Tân Mác-xít (Neo-Marxism), và cả Mác-xít Tây Âu (Western Marxism). [13] Theo thiển kiến của tôi, những nhà Mác-xít Pháp như Roger Garaudy, Louis Althusser (và cả những người đồng thời với Giáo sư Thảo như Merleau-Ponty, Jean Hyppolite, Jean Paul Sartre...) không ít thì nhiều đi theo chiều hướng này. [14] Và nếu nhìn từ quan điểm phương pháp biện chứng, tập sách của Giáo sư Thảo có lẽ gần với đường lối của Lenin (và theo một số phê bình, đúng hơn với lối nhìn của Stalin) hơn là của chính Marx.

Một điểm khác mà ngay lý thuyết gia Mác-Xít như Roger Garaudy (mà Giáo sư Thảo từng dịch một tập sách của ông) đã từng phải xét lại, đó là ta thường không phân biệt cái thế giới ta đương sống, và tư tưởng. Theo lý thuyết của Marx, hạ tầng kiến trúc (basic structure, hay infra-structure, tức nền căn bản kinh tế của xã hội) làm điều kiện cho sự hiện hữu và là hình thức của quốc gia cũng như "ý thức xã hội," mà Marx và Engels gọi là thượng tầng kiến trúc (super-structure). Trong phần thứ nhất tập Ý Thức Hệ Ðức (Deutsche Ideologie), ta thấy một câu viết: "những tổ chức xã hội liên quan trực tiếp với sự sản xuất và hoạt động thương mãi, mà ở vào mọi thời đã cấu thành nền tảng của quốc gia và của (tất cả) phần còn lại trong (của) thượng tầng kiến trúc duy ý." Ðoạn này đã được giải thích như là thượng tầng kiến trúc chỉ là quan niệm phản ánh một cách trung thực hạ tầng kiến trúc mà thôi. Thực ra, ta biết khái niệm thượng tầng kiến trúc được Marx và Engels không chỉ áp dụng để chỉ ra hai cấp bậc xã hội tương quan (tức quốc gia và ý thức xã hội). Ta cũng còn thấy Marx hiểu thượng tầng kiến trúc như thể là ý thức của một giai cấp về cái thế giới sống của họ. Marx viết trong 18th Brumaire III: "Dựa trên những hình thái khác biệt của tư hữu, dựa trên những điều kiện xã hội của sự sống (hiện hữu), một thượng tầng kiến trúc toàn diện xuất hiện, bao gồm những cảm tình, những ảo tưởng, những phương cách suy tư và những lối nhìn về cuộc sống được cấu tạo một cách khác biệt và đặc thù. Toàn giai cấp tạo ra chúng, và đưa cho chúng những hình thái từ những sự tương quan xã hội tương xứng." [15]

Nếu nhìn như vậy thì thượng tầng kiến trúc xã hội không thể phản ánh một cách trung thực hạ tầng kiến trúc, kiểu ta nhìn thấy chính chúng ta trong tấm gương khi soi mặt. Thượng tầng kiến trúc là một tổng hợp từ chính thế giới sống, từ những tương quan, từ những khát vọng, vân vân, của con người. Như vậy, nó phức tạp chứ không có đơn giản kiểu hình ảnh trong gương; đôi khi mâu thuẫn chứ không thẳng tuột hay đơn thuần (thí dụ như thấy trong tôn giáo với đầy những mâu thuẫn); và thường thì nó mang ý nghĩa phong phú hơn chính cuộc sống. Nói rõ hơn, tư tưởng phát xuất từ chính thế giới ta sống, nhưng nó đi qua một qúa trình cấu tạo, kiến cấu theo lối sống, theo điều kiện xã hội, theo những tương quan xã hội của chúng ta. Mà những điều kiện này, những tương quan này không hẳn đồng dạng, đồng nghĩa và đồng cách thế với chính những tác độnc kinh tế của xã hội. Nói cách khác, vì phong phú hơn, vì nó bao gồm cả thế giới cũ, lẫn dự phóng tương lai, thượng tầng kiến trúc khó có thể tương xứng với thế giới sống, và tư tưởng. Như là một dự phóng, nó có thể vượt lên trên, và đi xa hơn chính cái thế giới đó. Như là một ảo tưởng, nó có thể trốn tránh thực tại, nhưng nó cũng có thể là một động lực sống, một kiểu giải thoát (giống như những giấc mơ trong lý thuyết của Sigmund Freud, 1856-1939). Nói tóm lại, nó không chỉ là tấm gương phản ánh cái thế giới sống mà thôi. Ðiểm quan trọng là nó chính là cái động lực có thể làm thay đổi chính thế giới ta đương sống. Ðây không phải là luận thuyết duy tâm, mà là sự thực chứng của điều mà Socrates từng tin tưởng, và được Francis Bacon tuyên bố thẳng thừng: Tri thức là sức mạnh (hay quyền lực) (Knowledge is power - le savoir c'est le pouvoir) [16] có thể làm thay đổi thế giới. Thời Phục Hưng, thời Cải Cách, thời Hiện Ðại hay Tân Ðại (Modern Age), tư tưởng của Rousseau, tư tưởng của Marx... đã thay đổi bộ mặt của thế giới, của xã hội một cách rõ ràng không ai có thể chối được. [17]

Cùng theo lý luận của những nhà Mác-xít như Garaudy và cả Louis Althusser (1918-1990), không có gì có thể ngăn chặn giai cấp tư sản trở thành người cộng sản. Giáo sư Thảo sinh ra trong một gia đình tiểu tư sản, rồi được đào tạo trong một thế giới tư bản, nhưng vẫn có thể trở thành người cộng sản; y hệt như Marx, Lenin đều thuộc thế giới tư sản và là con đẻ của giai cấp tư sản, nhưng đã là những nhân vật quan trọng nhất trong công cuộc phát triển chủ nghĩa xã hội và cộng sản. Vậy thì, chính tư tưởng của Marx đã góp công vào việc làm biến đổi thế giới. Chính cái nhiệt huyết muốn tạo ra một xã hội công bằng đã khiến Marx và Engels nhận lời mời của đảng Cộng Sản soạn thảo một bản Tuyên Ngôn cho họ. Chính quan niệm công bằng, con người chân thật, tức nội dung chính yếu của bản Tuyên Ngôn của Ðảng Cộng Sản (1848) đã gây ra một tác dụng vô song thúc đẩy giới vô sản đoàn kết tạo thành một mặt trận tranh đấu cho những mục đích trên. Chính cái thao thức xây dựng một thế giới công bằng, đầy tình người, không còn bất công bóc lột đã thúc đẩy một Lenin nhân bản làm cách mạng, chứ không phải, ngược lại, cuộc cách mạng Bolshevik đầy máu và nước mắt có thể đẻ ra ý thức công bằng, huynh đệ. [18] Chỉ như vậy ta mới hiểu được sự hiện hữu của tôn giáo, của đạo đức, văn hóa và những tổ chức từ thiện.

Ðiểm chính liên quan tới hiện tượng học mà chúng tôi muốn nhấn mạnh. Ðó là, Giáo sư Trần Ðức Thảo chưa phát triển phương pháp quan sát hiện tượng cho tới tận cùng khi ông ít để ý tới sự khác biệt giữa cuộc sống và thế giới sống, cuộc sống và chủ thuyết sống... Phương pháp quan sát hiện tượng đòi ta không chỉ nhìn ra những điểm tương đồng (tức bản chất chung, general essences), mà còn phải nhận ra những tính chất cá biệt (particular essences), cũng như sự tương quan của chúng. Qua sự khác biệt này, ta nhận ra cuộc sống (và chủ nghĩa duy sinh) không đồng nhất với tri thức (hay chủ thuyết duy trí) về sự sống, và chủ thuyết càng không đồng nhất với phương pháp. Hiện tượng học là một chủ thuyết chủ trương tri thức chân thực, trong khi phương pháp hiện tượng nhắm tìm ra được tính chất chân thực này. Do đó, chủ thuyết hiện tượng học khác với chủ nghĩa hiện sinh của Sartre (chủ trương một lối sống), hay chủ nghĩa cộng sản (chủ trương xây dựng một thế giới lý tưởng); nó càng không thể bị đồng nhất với phương pháp hiện tượng học. [19]

Phương pháp hiện tượng học, như bất cứ phương pháp khoa học khác, không thuộc chủ thuyết nào cả, bởi lẽ chúng chỉ là những công cụ, phương tiện mà thôi. Cho dù theo chủ nghĩa nào đi nữa, thí dụ chủ nghĩa cộng sản chẳng hạn, thì cũng phải dùng toán học, phân tích, vân vân, trong khi tư duy, và áp dụng chúng vào trong cuộc sống. Chúng ta không thể nói, chính vì toán học phát xuất từ giới tư sản nên nó phi khoa học hay phản khoa học, hay đã bị "vượt qua." Y hệt, ta cũng thấy những người trí thức thuộc giới tư sản đã áp dụng biện chứng pháp, và cả biện chứng duy vật một cách rất nghiêm chỉnh. Thử hỏi, chỉ vì thuộc xã hội chủ nghĩa, nên ta không được phép xử dụng những phương pháp khoa học do những nhà khoa học tư bản khám phá ra chăng? Hoặc tương tự, chỉ vì là Phật tử mà chúng ta từ chối những phát minh của những nhà khoa học Công giáo chăng? Chỉ vì là một tín hữu Hồi giáo mà ta phải gạt bỏ lý thuyết từ bi hỉ xả của Phật giáo? Một lối nhìn như vậy đẩy chúng ta vào con đường cực đoan, giáo điều; điều mà Marx đã cực lực phản đối .

Ai cũng biết, với trí óc hơn người, Trần Ðức Thảo không qúa đơn sơ để không nhận ra những vấn nạn trên. Nhưng, để phù hợp với chủ nghĩa Stalin, Giáo sư Thảo mới xác tín là, chỉ có phép biện chứng duy vật mới là một phương pháp khoa học lịch sử, mang tính chất ưu việt, vượt xa hiện tượng học. [20] Phải nói là, một chủ trương như vậy là một chủ trương chung vào thời ông (và nếu chúng ta sống vào thời đó, trong một hoàn cảnh tương tự, có lẽ cũng sẽ có lối nhìn như thế). Nếu còn sống vào ngày nay, Giáo sư Thảo có lẽ sẽ nhận ra một chủ trương như vậy mang tính chất giáo điều nhiều hơn khoa học, và phản biện chứng hơn là hợp với biện chứng. [21] Ðây có lẽ là điểm mà Giáo sư Nguyễn Văn Trung có lẽ không hẳn sai (tuy có qúa đáng) khi "nhìn ra" con người Trần Ðức Thảo đầy "mâu thuẫn", "con người viết tiếng Pháp khác với con người viết tiếng Việt." [22] Thực ra, Trần Ðức Thảo chỉ là một con người, một con người muốn đi tới tận cùng (đúng như hiện tượng học chủ trương) nhưng "thời thế, thế thời phải thế!" Ngay vào thời ông, một số triết gia theo Marx như Giáo sư Althusser và Giáo sư Garaudy, và người bạn thân của ông, Tiến sỹ Jean-Francois Revel, [23] những người chủ trương lịch sử luôn không ngừng biến đổi theo quy luật biện chứng, đã cảm thấy không an tâm với lối giải thích biện chứng lịch sử theo lăng kính của chủ nghĩa Stalin (hay chủ nghĩa khoác cái vỏ và mang cái tên rất kêu là chủ nghĩa Mác-Lênin (Marxism-Leninism). [24] Ðối với họ, hiện tượng học nhắm tới thông hiểu, trong khi chủ nghĩa duy vật biện chứng nhắm tới thay đổi thế giới. Chủ trương hiện tượng học cho rằng thực tại luôn trong qúa trình xuất hiện, và luôn gắn liền với thế giới và lịch sử (như thấy trong triết học của Merleau-Ponty) không có khác với chủ trương của Marx là thế giới, lịch sử luôn trong qúa trình được kiến cấu không ngừng. Nói chung, cả hai có thể bổ túc cho nhau: Phương pháp hiện tượng giúp chủ thuyết Mác-xít nhận ra được thực tại, trong khi chủ thuyết Mác-xít hoàn tất dự phóng của hiện tượng học. [25] Jean-Paul Sartre viết trong trang giấy đầu tiên của tác phẩm Critique de la raison dialectique (1963) như sau: "Tôi xác nhận chủ nghĩa Mác-xít là một nền triết học không thể vượt qua được trong thời đại chúng ta, bởi lẽ tôi coi cái ý thức hệ về hiện sinh và phương pháp hiểu biết (của nó) là một hồi (giai đoạn) nằm trong chính chủ nghĩa Mác-xít. Chủ nghĩa này cùng một lúc sinh ra (chủ nghĩa hiện sinh) và chối bỏ nó." [26]

Tương tự, hiện tượng học cũng có thể bổ túc cho nền triết học Kitô giáo -- trường hợp Gabriel Marcel (1889-1976), Karl Jaspers (1883-1969), Paul Ricoeur (1913-), Emmanuel Lévinas (1906-) và Mikel Dufrenne (1910-), [27] -- hay ngay cả nền triết học hiện sinh vô thần (trường hợp Sartre). [28] Mà quả thế, trừ Soren Kiekegaard (1813-1855), Friedrich Nietzsche (1844-1900), và trước đó Thánh Âu Cơ Tinh (St. Augustine, 354-430), hầu như phong trào triết học hiện sinh, dù vô thần hay hữu thần, đều áp dụng phương pháp diễn tả hay phân tích hiện tượng. [29] Lý do họ chọn hiện tượng học, vì trên thực chất, nó chỉ là một chủ trương tri thức, chứ chưa phải là một chủ thuyết, càng không phải là một chủ nghĩa. Phương pháp hiện tượng học trên thực tế cũng chỉ là một loại phân tích chiều sâu, có tham vọng biến thành một phương pháp khoa học nhân văn, bổ túc hay sửa đổi các phương pháp duy nghiệm, thực nghiệm và duy tâm. Việc hiện tượng học phê phán các chủ thuyết duy tâm lý (psychologism), duy khoa học (scientism), duy ý thuần nhất (pure idealism) nói lên mục đích của nó không phải là tự phong mình thành một chủ thuyết hay xa hơn, một chủ nghĩa mà muốn chỉ là một phương pháp khoa học nghiêm túc. Chính vì vậy mà hiện tượng học không phục vụ bất cứ chủ nghĩa hay chủ thuyết nào.

Ðúng hay sai, đây không phải là điểm mà chúng tôi muốn tranh luận, và nó cũng không thuộc phạm vi bài viết này. Chỉ cần nhắc lại một điểm mà Giáo sư Thảo có lẽ cũng đã nhận ra, đó là ông đã hy sinh chính cái chủ trương ban đầu của ông, từng coi hiện tượng học như là một cố gắng đi tìm tính chất nguyên thủy, tinh sơ, chưa bị bóp méo... của sự vật (sự kiện). Ðây là một điểm mà giới học giả Pháp nhận ra và tiếc cho cái tài năng của con người Việt họ Trần. Họ phải công nhận là vào thời đó, ít có người (trừ Merleau-Ponty) có đủ tài để nắm vững và diễn tả hiện tượng học một cách rõ ràng minh bạch như người thanh niên họ Trần tên Thảo. Thực vậy, Giáo sư Thảo đã diễn tả rất chính xác về bản chất của hiện tượng học như sau: "Hiện tượng học khởi đầu bằng một nền hữu thể học. Vượt khỏi lối giải thích tâm lý biến đổi thực thể thành một sự liên kết những trạng thái của ý thức, hiện tượng học trở lại với chính sự vật tự thân và tìm lại được cái ý nghĩa của hữu thể." [30]

Nhưng khác với giới triết học Pháp, khi nhận ra rằng, hiện tượng học là một lối suy tư của giới tư sản hay của những người đồng học thuộc giới tư sản Pháp của ông [31] - hay đúng hơn, sự kiện hiện tượng học đã bị một số trí thức tư sản áp dụng - Giáo sư Thảo, để chứng minh tính chất vô sản của mình, đã ngừng lại không tiếp tục đào sâu nó. Và đây chính là cái đáng tiếc của ông. Bởi lẽ, nếu nghiên cứu sâu hơn, rất có thể ông sẽ tìm ra những điểm chung giữa nền triết học của Marx thời thanh niên (trong tác phẩm Pariser Manuscripts hay Bản Thảo Kinh Tế và Chính Trị, 1844), [32] tức tìm ra điều mà hiện tượng học đeo đuổi (trở về tình trạng nguyên sơ, chưa bị bóp méo) cũng chẳng khác gì sự tìm kiếm cái tình trạng chưa bị dị hóa (hay tha hóa, hay vong thân) của con người. [33] Vì không tìm ra được cái chung giữa hiện tượng học và chủ thuyết duy vật biện chứng, ông đã gượng gạo xếp hiện tượng học vào giai đoạn của tiền đề trong qúa trình biện chứng, tức lối suy tư của giai cấp trưởng gỉa, mà ta cần phải vượt qua (phản đề), mà chủ thuyết duy vật biện chứng đã thực sự vượt qua.

Lối lý giải này chứng tỏ tính chất sáng tạo của người thanh niên họ Trần, và đã gây được một tiếng vang không nhỏ. Song le, lối giải thích như trên không tránh khỏi cái bản chất "bạo lực" của lối thông diễn học mà Giáo sư Thảo đã ý thức được sau này. Nơi đây, chúng tôi hiểu "bạo lực" theo nghĩa, người chú giải, hay người trình bày tư tưởng thường uốn nắn lý thuyết họ đương trình bày, hay đương lí giải theo quan điểm, hay ý hệ, hay niềm tin, dự phóng của họ, để phù hợp với hay phục vụ mục đích của mình. Một lối thông diễõn như vậy (từng thấy nơi Heidegger, và có lẽ nơi những triết gia đầy sáng tạo như Hegel, Nietzsche), đi ngược lại với chủ trương của hiện tượng học, tức làm cho sự vật xuất hiện một cách trung thực như chính nó phải xuất hiện. [34] Nhưng cũng rất có thể, nó giúp ta tìm ra những tia sáng mới mà một sự diễn tả trung thực không thể làm được. [35] Ðối với chúng tôi, ngay cả một lối giải thích một chiều như vậy tự nó cũng là một lối thông diễn mang tính cách sáng tạo nhiều hơn là một sự diễn tả trung thực thuần túy (pure description). Ðây là lý do tập sách Phénoménologie et matérialisme dialectique được nhiều người nhắc tới, nhưng chỉ một cách qua loa sơ sài. Nó rất ít được sử dụng, và không được trọng dụng, [36] đặc biệt trong các nghiên cứu về hiện tượng học. Dù sao đi nữa, chúng tôi vẫn trân trọng tác phẩm của Giáo sư Thảo, một phần vì ông là một triết gia Việt (đầu tiên) được thế giới chú ý (qua chính môn hiện tượng học mà ông cho là lỗi thời), nhưng một phần khác, bản chất của ông chính là bản chất một nhà hiện tượng, ngay khi ông tự chối bỏ nó. [37]

Trở lại phương pháp hiện tượng tại Việt Nam. Chúng ta biết, tại miền Bắc Việt Nam, ngoại trừ Giáo sư Trần Ðức Thảo, ta còn thấy một khuôn mặt rất đặc biệt: Giáo sư Cao Xuân Huy (1900-1983) của Ðại Học Hà Nội. Cụ Cao cũng từng bị ảnh hưởng của Husserl một phần nào đó (qua việc thảo luận và đọc tập sách Phénoménologie et matérialisme dialectique của Giáo sư Thảo). Cái đặc biệt của cụ Cao, đó là cụ muốn tìm ra một tổng hợp giữa hiện tượng học và nền tư tưởng phương đông. Trong tập Tư Tưởng Phương Ðông Gợi Những Ðiểm Nhìn Tham Chiếu, cụ đã đưa ra quan điểm chủ toàn, [38] một lối nhìn mà cụ cho là thuần túy đông phương như thấy trong Chu Dịch, Lão Tử, Trang Tử, vân vân. [39] Thực ra, tuy quan niệm chủ toàn là một đặc tính của triết Ðông (nhưng cũng là một đặc tính của nhiều nền triết học khác, gồm cả Hy lạp với quan niệm holism tức chủ toàn, [40] nhưng chúng tôi thiết nghĩ, chính qua ánh sáng của hiện tượng học, chủ trương một lối nhìn trọn vẹn, toàn thể, nguyên sơ mà Cao tiên sinh mới có thể tìm lại được cái đặc tính này trong triết Ðông, hay khiến lối nhìn phương Ðông dễ được chấp nhận hơn. Về điểm này, tuy Cao tiên sinh không viết trên "giấy trắng mực đen" nhưng hiển nhiên khó có thể chối bỏ.

Ðiểm đáng lưu ý khác, đó là tuy hoàn toàn dựa theo Giáo sư Thảo [41] (vì ông không có những tài liệu nào khác. Những tác phẩm của Husserl ông cũng chỉ biết qua tác phẩm của Giáo sư Thảo), nhưng Giáo sư Huy đã áp dụng hiện tượng học một cách rất linh động để thông diễn triết học Ðông phương. Thí dụ khi bàn về Thái cực, cụ Huy đã áp dụng quan niệm bản thể, và về ngộ đạo, cụ hiểu theo tri giác (percevoir). Cụ viết:

"Thái cực còn chứa đựng trong mình nó những mâu thuẫn xem ra không thể điều hòa được như: Nó là chí nhất mà đồng thời lại là chí đa...

Vì bản thể là cái gì rất phổ biến, rất rõ rệt mà đồng thời lại là cái gì rất cô quạnh, rất sâu thẳm, rất bí mật, cho nên nó là đối tượng nghiên cứu đầu tiên mà cũng là đối tượng nghiên cứu cơ bản của triết học chủ toàn. Chu dịch, Lão Tử, Trang Tử, Mã-minh, Long-thụ... đều tư tưởng trong qũy đạo của bản thể (Thái cực, Ðạo, Chân như)... Họ cống hiến tinh lực cả một đời để nhận thức và tri giác (percevoir) cái Bản thể và để làm cho người học "đạo" thể nghiệm được, xúc mô được, mó xát được cái bản thể." [42]

Ngoài hai Giáo sư Thảo và Huy, theo sự hiểu biết rất hạn hẹp của chúng tôi, tuyệt đại đa số giới triết học miền Bắc không để ý lắm đến hiện tượng học. Có lẽ bởi vì họ nghĩ, hiện tượng học chỉ là một chủ thuyết vô giá trị của giới trí thức tư sản trong xã hội tư bản, còn mang đầy những tính chất phong kiến, phản động. [43] Và nhất là, phần bị ảnh hưởng của Giáo sư Thảo, họ đồng hóa hiện tượng học với chủ nghĩa hiện sinh của Sartre, mà rồi họ đi xa hơn, phán quyết cho là đồi trụy, hoặc, nguy hiểm hơn, là một công cụ của đế quốc Mỹ. [44]

 

Chú Thích:

[10] Trần Ðức Thảo, Préface, tr. 19: "Cependant nous avons cru utile de donner dans la première partie de cette ouvrage des études purement phénoménologiques et largement dépassées..."

[11] Bắt chước ngôn ngữ và cách diễn tả một cách châm biếm của Karl Marx (trong Die Heilige Familie) Trần Ðức Thảo viết, tr. 19: "Dans le marxisme la philosophie bourgeoise trouve la forme de sa suppression: mais la suppression enveloppe le mouvement même de ce dont elle est supression, en tant qu'elle le réalise en le supprimant." (Chính trong chủ thuyết Mác-Xít mà nền triết học tư sản mới nhận ra cái hình dạng của sự tự áp bức: tuy nhiên sự áp bức (này) bao gồm qúa trình sinh hoạt, ngay cả của chính cái qúa trình mà sự áp bức thuộc về chính nó, (và như vậy nó) tự tạo ra mình bằng cách đàn áp mình). (Bản dịch của chúng tôi)

[12] Georg Lukács, Geschichte und Klassenbewusstsein (1922). Bản Anh ngữ của Livingstone: History and Class-Consciousness (Cambridge: MIT Press, 1971), phần 2 "What is Orthodox Marxism?".

[13] Xin tkh. Leslek Kolakowski, The Main Currents of Marxism (Oxford: Oxford University Press, 1978), Tập 3, chương 7, ctr. 253 vtth. Ảnh hưởng của Lukács trên trường phái Frankfurt và những triết gia như Ernst Bloch, vân vân. Các chương sau, đặc biệt chương thứ năm.

[14] Ta biết, lối giải thích Marx theo hệ thống của Hegel, hay ngược lại, từng là một trào lưu bắt nguồn từ nhà triết học Pháp-Nga Alexandre Kojève (Kojeninov) (1902-1968) với những bài giảng về Hegel tại Học Viện Cao Ðẳng (École des Hautes Études) vào những năm 1933-1939. Xin tkh. Alexandre Kojève, Introduction à la Lecture de Hégel (Paris: Gallimard, 1947). Bản dịch Anh ngữ của James H. Nichols, Jr.: Introduction to the Reading of Hegel (New York: Cornell University Press, 1980). Kojève là người đầu tiên đã đọc Hegel theo lối nhìn của Heidegger, cũng như đọc Marx theo lối nhìn của Hegel. Ông gây được một ảnh hưởng sâu rộng trên những người chủ trương hai tập san nghiên cứu Les Temps modernes (Merleau-Ponty, Sartre, Trần Ðức Thảo), và L'Esprit (Emmanuel Mounier, Maurice Nédoncelle, và cả Paul Ricoeur). Trần Ðức Thảo, theo lời yêu cầu của Merleau-Ponty, đã viết một bài điểm sách của Kojève đăng trên Les temps modernes (1948). Với bài này, theo lời tự thuật của mình (1983),Trần Ðức Thảo đã nhìn ra sự thiếu sót của hiện tượng học, và định cho ông chiều hướng theo Marx.

[15] Hai câu dẫn trên trích lại từ Tập Tự Ðiển Phê Phán về Chủ Nghĩa Mác Xít (Kritisches Woerterbuch des Marxismus, chb. bản Ðức ngữ: Wolfgang Fritz Haug, Berlin: Argument Verlag, 1986), thuật ngữ "Thượng Tầng Kiến Trúc," Tập 4.

[16] Jean-Francois Lyotard, một nhà hiện tượng học và phần nào bị ảnh hưởng của chủ nghĩa Mác-xít, đã nhận ra điều này trong Postmodernisme - Un rapport du savoir (Paris, 1978).

[17] Cuộc tranh luận về vai trò của trí thức trong đảng Cộng Sản vào đầu thế kỷ thứ 20 tại Ðức đã khiến đảng Cộng Sản Ðức phân lìa... Xin tkh. Kolakowski, sđd.; và Predrag Vranicki, Geschichte des Marxismus, 2 Tập (Frankfurt a. M.: Suhrkamp, 1972 / 1974), ctr. 251-276. Bản dịch của Stanislava Rummel và Vjekoslava Wiedmann từ tiếng Nam Tư Historija marksizma (Zagreb 1961 / 1971).

[18] Trong lịch sử chủ nghĩa Cộng Sản, cuộc tranh luận về vai trò của giới trí thức đã từng xẩy ra ở Ðức (chú thích trên), Pháp và Hung Gia Lợi. Kết qủa là những người chủ trương vai trò của giới trí thức đã từng hoặc bị ám sát (Rosa Luxemburg), hoặc bi trục xuất khỏi đảng (Karl Kautsky, Roger Garaudy, Gyory Lukács, vân vân). Tại Ðông Âu vào thập niên 1960s, đa số bị trục xuất khỏi Ðảng như Leslev Kolakowski, Predrag Vranicki, Adam Schaff, Pedro Gazovic, vân vân.

[19] Trớ trêu thay, với (vụ án) Nhân Văn Giai Phẩm, Giáo sư Thảo lai bị cáo buộc vào chính cái tội mà ông từng đả phá trong tập Hiện Tượng Học và Chủ Thuyết Duy Vật Biện Chứng này. Khắc Thành (tức Lê Khắc Thành, một cán bộ trong Tổ Triết Học) từng đả kích Trần Ðức Thảo trong Tạp chí Học Tập (Hà Nội, 6.1958) tựa đề "Quét sạch những nọc độc của Trần Ðức Thảo trong việc giảng dậy triết học". Tác giả viết, tr. 5: "Trái lại, Trần-Ðức-Thảo muốn một cách "thiết tha" và y đã cùng bè lũ phá hoại Nhân văn-Giai phẩm "say mê" hành động bắt buộc Ðảng ta phải "cải tạo" chuyên chính vô sản và thừa nhận nền dân chủ tư sản, phải "điều chỉnh" cái gọi là "quan hệ sản xuất" (!) để mở đường cho cái gọi là "sức sản xuất dân tộc" (!) tự do phát triển theo hướng tư bản chủ nghĩa, phải "giữ lại và phát triển" mọi "giá trị tinh thần" của giai cấp tư sản, không được "thủ tiêu" văn hóa tư tưởng tư sản, phải "trả chuyên môn cho ngành chuyên môn", "trả văn nghệ lại cho văn nghệ sĩ"; tóm lại, Trần-Ðức-Thảo buộc chúng ta phải "cải tạo" chế độ miền Bắc! Lối lập luận nhập nhằng của y khi giảng dạy chính là nhằm đưa sinh viên đến những kết luận ấy." Trích lại từ Mạng Lộ (Website) Talawas www.talawas.org (01.06.2004).

[20] Trần Ðức Thảo, Sđd. Hiện Tượng Học và Chủ Thuyết Duy Vật Biện Chứng, Phần thứ nhất. Bản Việt ngữ, tr. 179: "Cho nên toàn bộ công trình cấu tạo thế giới (Weltkonstitution) sụp đổ trong sự nhận thấy một sự ngẫu nhiên triệt để... Cùng với nó truyền thống vĩ đại của chủ nghĩa duy tâm đã kết thúc, vì nó tự xóa bỏ mình trong khi thực hiện chính mình." Cũng xin tkh. chú thích số 5 ở trên.

[21] Theo một số bạn hữu của Giáo sư Thảo tại Paris như Tiến sỹ Ngô Mạnh Lan, Tiến sỹ Jean-Francois Revel (Mémoires - Le voleur dans la maison vide. Paris: Plon, 1997, tr. 124), Giáo sư Thảo vào những năm cuối đời đã "trở lại với hiện tượng học và chủ thuyết nhân bản thấy trong (tác phẩm) Krisis, và vội vã phát triển quan niệm về cái Hiện tại sống động của Husserl." (Lá thư của Ngô Mạnh Lan gửi Revel: "It était revenu à la phénoménologie et à l'humanisme de la Krisis et travaillait d'arrache-pied à développer le concept husserlien de Présent vivant.") Chú thích, trước khi qua đời, Gs Thảo đã gửi cho ông Vincent von Wroblewsky 3 chương đầu của tập sách ông đang soạn dở dang La Logique du présent vivant (viết vào năm 1993 tại Paris). Xtkh. Les temps modernes, số 568 (11.1993), bài của Michel Kail. Bản dịch của Cao Việt Dũng: "Tưởng niệm Trần Ðức Thảo," trong Talawas www.talawas.org (24.04.2004).

[22] Nguyễn Văn Trung, trong Ðối Thoại, (Houston, 1996). Tựa đề bài viết tôi không nhớ chính xác.

[23] Trong tập hồi ký Mémoires - Le Voleur dans la maison vide, sđd. tr. 124, Revel viết: "Bị ép phải mang trên đôi vai cái gánh nặng của chủ nghĩa duy vật biện chứng, Thảo biến thành một người (mâu thuẫn), cùng lúc vừa có giá trị nhưng lại nhạt phèo, vừa phức tạp nhưng lại vưa qúa mộc mạc, vừa nặng ký mà lại vừa phật phờ, vừa rất chi tiết nhưng lại vừa không chính xác." (Constraint de charger sur ses épaules le poids accablant du matérialisme dialectique, Thao était devenu à la fois précieux et flat, compliqué et simpliste, pesant et superficiel, pointilleux et inexact).

[24] Chủ nghĩa Mác-Lênin do Joseph Stalin "khai sinh" vào năm 1927, khi ông đã hoàn toàn nắm vững quyền hành như là người kế vị Lenin (qua đời năm 1924). Theo chủ nghĩa Mác-Lênin này, giới vô sản là một giai cấp cách mạng mang tính chất sinh động và bản chất thực hành (Praxis), có mục đích chiếm quyền và xây dựng một xã hội dân xã (socialist society), và đảng Cộng sản như là một vũ khí của họ giúp đạt tới mục đích trên. Trên thực tế, Stalin coi chủ nghĩa Mác-Lênin như là "lý thuyết và chiến lược đặc biệt cho vô sản chuyên chế" (trong Foundations of Leninism), và biến thành một ý thức hệ để hợp pháp hóa vai trò của giới vô sản, dưới sự lãnh đạo của Liên Sô. Dưới bàn tay khắc nghiệt của con người thép Stalin, chủ nghĩa Mác-Lênin đã biến thành một lý thuyết khống trị đảng Cộng sản của các nước khác, nhắm phục vụ lợi ích cho đảng Cộng sản Liên Sô. Ðây là lý do chính tại sao Josif Tito (Nam Tư) và Mao Trạch Ðông (Trung Quốc) tuy trung thành với chủ thuyết Mác-Lênin, nhưng lại chống lại sự độc tôn của đảng Cộng sản Liên Sô. Xin tkh. J. Stalin, "Foundations of Leninism" (1934), và "Problems of Leninism", trong B. Franklin, ed. The Essential Stalin; D. Lane, Leninism: A Sociological Interpretation (1981).

[25] Ðây là chủ trương của những triết gia như Merleau-Ponty. Spiegelberg nhận xét rất đúng về thái độ của Merleau-Ponty: "'Dialectical' formulations may help to keep us from premature decisions but they cannot save us from facing the phenomena directly..." (Những phương thức biện chứng có thể giúp chúng ta tránh được những xác quyết chưa chín chắn, nhưng không thể làm ta tránh được việc phải trực diện với hiện tượng) (Spiegelberg, ctr. 573-74). Jean-Paul Sartre trong tác phẩm Critique de la raison dialectique (Paris: Gallimard, bản 1969) đã áp dụng hiện tượng học để tìm lại nền tảng cho chủ thuyết Mác-Xít. Kết qủa một phân tích hiện tượng như vậy khiến Sartre kết luận là chỉ có một chủ nghĩa Mác-Xít chân thật của Marx chứ không thể có chủ nghĩa duy vật biện chứng (như thấy trong Friedrich Engels và những người theo ông ấy).

[26] Jean-Paul Sartre, Critique de la raison dialectique, sđd., Lời nói đầu, tr. i

[27] Xin tkh. Emmanuel Mounier, Introduction à l'Existentialisme (Paris: PUF, 1947)

[28] Ðặc biệt với các tác phẩm của Heidegger (Sein und Zeit, 1927), của Sartre (L'être et le néant, 1943). Ðối với Sartre, thì thuật từ "chủ nghĩa hiện sinh" (existentialism) có nghĩa là một sự hoà hợp giữa Hiện tượng học và chủ thuyết hiện sinh mà ông còn gọi là "một nền hữu thể hiện tượng" (essai d'une ontologie phénoménologique).

[29] Xin tkh. Trần Thái Ðỉnh, Triết Học Hiện Sinh (Sài Gòn, 1967). Ðây là một tập sách giới thiệu và phê bình nền triết học hiện sinh khá nghiêm túc, có tinh chất khoa học, khách quan và tương đối đầy đủ. Khác với các tác phẩm của Giáo sư Nguyễn Văn Trung, sặc mùi hiện sinh của Sartre, sách của Giáo sư Trần Thái Ðỉnh thuần túy hàn lâm, không có mùi vị tuyên truyền như nhiều người (vì không đọc) lầm tưởng. Trong tập sách này, tác giả đặc biệt trình bày tư tưởng của Soren Aabye Kierkegaard (1813-1855, đại biểu cho nền triết học hiện sinh hữu thần), Friedrich Nietzsche (1844-1900, đại biểu cho nền triết học hiện sinh vô thần) và những người bị ảnh hưởng của hai ông, như Heidegger, Karl Jaspers (Ðức, 1883-1969), Sartre, Gabriel Marcel (Pháp, 1889-1973), vân vân.

[30] Trần Ðức Thảo, Phénoménologie et matérialisme dialectique, tr. 23. (Bản dịch của chúng tôi).

[31] Sartre từng cao hãnhï gắn liền chủ nghĩa hiện sinh của mình với hiện tượng học, mặc dù người bạn cũ ông, Giáo sư Raymond Aron, một nhà xã hội học thời danh của Pháp, đã từng tiết lộ là Sartre chẳng hiểu hiện tượng học là gì, và cái mà Sartre tự xưng là hiện tượng học, thực ra là hiện tượng học theo kiểu của Sartre (Xem Raymond Aron, History and The Dialectic of Violence - An Analysis of Sartre's Critique de la Raison Dialectique, bản dịch Anh ngữ của Barry Cooper, New York: Harper & Row, 1976, Preface, tr. xii: "What remains true is that Sartre, who in my view is the most Germanic of French philosophers, owes his experiences and his vision of the world only to himself"). Khoảng giữa cuối thập niên 1940s và đầu thập niên 1950s ta thấy có một sự thù nghịch giữa chủ nghĩa cộng sản và chủ nghĩa hiện sinh. Giới trí thức cộng sản trẻ tuổi coi hiện sinh như là một hình thức của chủ thuyết duy tâm (subjective idealisme, duy ý chủ quan) và là tột điểm của sự tha hóa tư sản (décadence bourgoise). Giáo sư Thảo được coi như là một trong những người chủ trương lối nhìn của những nhà trí thức cộng sản trẻ tuổi tại Pháp. Cũng xin tkh. Herman L. Van Breda, "Merleau-Ponty et Louvain" trong Revue de métaphysique et de morale, số LVII (1962), ctr. 422 vtth.

[32] Trong Fruehe Schriften, Tập. 1 (Stuttgart, 1962). Ba bản dịch Anh ngữ khác nhau của T.B. Bottomore, Economic and Philosophic Manuscrips of 1844 (New York, 1963), của Martin Milligan (Moscow, 1959), và của Ria Stone (1949). Về nền triết học của "Marx trẻ" xin tham khảo: Trần Văn Toàn, Triết Học Karl Marx (Sài Gòn: Nam Sơn, 1965). Ðây là một tập sách về Marx rất nghiêm túc xuất bản tại miền Nam trước năm 1975.

[33] Ðối với những nhà Mác-xít hiện tượng học như Maurice Merleau-Ponty, Roger Garaudy, và cả Jean-Francois Lyotard và có lẽ, một phần nào đó Louis Althusser, thì nhà triết học Marx khác với người cộng sản Marx của Tuyên Ngôn của Ðảng Cộng Sản và của Tư Bản Luận. Riêng Althusser coi Marx như là nhà khoa học trong tác phẩm Tư Bản Luận. Nói chung, những triết gia trên chủ trương, cái tinh hoa của Marx nằm trong những tác phẩm của người thanh niên Marx, mà trong đó Marx chủ trương là "con người là nguồn gốc của tất cả mọi sự" (man is the root of everything). Giáo sư Spiegelberg nhận xét, tr. 445: "Chính cái loại chủ thuyết nhân bản Mác-xít này làm họ phát hiện một lối thông diễn, và sát hợp hiện sinh với Mác-Xít, như đặc biệt thấy trong các tác phẩm đầu tay của Merleau-Ponty. Nó giúp ta nhận ra một tình huống lịch sử hiện sinh của con người trong cuộc đấu tranh giai cấp."

[34] Trung hực hơn, Giáo sư Trần Thái Ðỉnh (trong tập Hiện Tượng Học Là Gì?, Sài Gòn: Hướng Mới, 1968) viết về Hiện tượng học như sau, tr. 16: "Hiện tượng học là khoa nghiên cứu về những bản chất, và đối với khoa học này thì tất cả mọi vấn đề đều quy về việc xác định những bản chất..."; tr. 19: "Vậy mục đích của Hiện tượng học là đạt được những bản chất cụ thể, tức hình ảnh trung thực của những kinh nghiệm sống"; tr. 22: "Ðiều can hệ là: Hiện tượng học đề cao ý thức chưa phản tỉnh, coi đó là sự gặp gỡ đầu tiên giữa ta và thế giới."

[35] Lối thông diễn sáng tạo này, như Heidegger chủ trương, nhắm tìm ra điều mà tác giả đã nghĩ mà không diễn tả được, hay chưa nghĩ tới, nhưng giúp độc giả nghĩ ra.

[36] Xin tham khảo Phần Giới Thiệu của chúng tôi cho Tập Hiện Tương Học và Chủ Nghĩa Duy Vật Biện Chứng của Trần Ðức Thảo, đương sửa soạn cho bản tái bản.

[37] Jean-Francois Revel, Mémoires - Le Voleur dans la maison vide, tr. 121.

[38] Cao Xuân Huy, sđd., Thiên VII: "Do Lai của Ý Thức", ctr. 147-174.

[39] Một số học giả hoàn toàn nhầm lẫn khi gán cho cụ Huy cái vinh dự là tác giả của lý thuyết chủ toàn, và có cái nhìn sáng suốt nhận ra sự sai lầm của chủ biệt trong nền triết học Tây Phương. Tiến sỹ Nguyễn Hùng Hậu viết: "Nhiều nhà khoa học cho rằng có lẽ ở Việt Nam trong vài thập kỷ lại đây chưa có một tác phẩm nào về triết học hay, lý thú, phong phú như tác phẩm này..." và "Nói đến tư tưởng Cao Xuân Huy, người ta không thể không đề cập đến tư tưởng chủ toàn và chủ biệt của ông." Trích từ Nguyễn Hùng Hậu, "Chủ Toàn và Chủ Biệt trong Tư Tưởng Cao Xuân Huy" trong Giáo Sư Cao Xuân Huy - Người Thầy - Nhà Tư Tưởng (Hà Nội: Nxb Văn Hóa Thông Tin, 2001), ctr. 184, 185. Tương tự, ta cũng thấy trong bài của Giáo sư Nguyễn Huệ Chi, "Cao Xuân Huy trong Thế Giới Người Hiền," sđd trên, ctr. 267-170, và trong Tư Tưởng Phương Ðông Gợi Những Ðiểm Nhìn Tham Chiếu, sđd, ctr. 31-35. Các nhà nghiên cứu trên quên đi rằng, trong lịch sử triết học Tây phương vào thời nào đi nữa vẫn có nhiều trường phái, hoặc chủ trương chủ toàn, hoặc chủ trương chủ biệt.

Có lẽ vì qúa ái mộ thầy Huy, mà Nguyễn Huệ Chi và nhiều học giả đã gán cho cụ Huy những điều mà ông vốn không có. Thí dụ, ctr. 20-21 (Tư Tưởng Phương Ðông Gợi Những Ðiểm Nhìn Tham Chiếu), ctr. 258-259 (Giáo Sư Cao Xuân Huy), Nguyễn Huệ Chi viết là vào năm 1925 (chữ nghiêng của chúng tôi), cụ Huy ra trường, về dậy ở trường Quốc Học Huế và bắt đầu nghiên cứu Phật giáo. Năm 1927 ông bị bắt và đày đi Lao Bảo. Trong thời gian (2 năm, 1925-27) này ông đã đọc rất nhiều sách của Przyluski, Maspéro, Coulet, Giran, Lương Khải Siêu, Hồ Thích, Thang Dụng Hình... Nhưng ta biết tập Le Bhoudisme của Przyluski xuất bản năm 1932 tại Paris, tập Cultes et Religions de l'Indochine Annamite xuất bản năm 1929 tại Sài Gòn, tập sách Hán Ngụy Lưỡng Tấn Nam Bắc Triều Phật Giáo Sử của Thang Dụng Hình xuất bản năm 1938 tại Thượng Hải, và nhiều sách tương tự trong hai trang sau. Thử hỏi, cụ Huy vào thời gian 1925-7 làm sao đọc được những sách chưa xuất bản hay xuất bản cả chục năm sau?!

[40] Chú ý, thuật ngữ holism từ olo và olo-kleros, có nghĩa là toàn thể, toàn phần, hoàn mỹ.

[41] Chú ý là có lẽ vì không muốn bị cáo tội liên quan với nhóm Nhân Văn Giai Phẩm (mà Giáo sư Thảo vốn là một thành viên quan trọng), trong tất cả tập sách, và các chương về hiện tượng học học, cụ Huy không hề nhắc tới tên, hay tác phẩm của Giáo sư Thảo. Chú thích số 10 trong Thiên VII, tr. 173-4, nói về việc cụ Huy bàn về hiện tượng học từ tập sách Phénoménologie et matérialisme dialectique là của người chủ biên, Giáo sư Nguyễn Huệ Chi. Thực tâm mà nói, Giáo sư Chi đã giúp cụ Huy rất lớn. Bởi lẽ, một lối sao chép như vậy của cụ Huy rất có thể bị cáo tội đạo văn, một điều ô nhục trong giới trí thức mà cụ Huy chắc chắn không bao giờ làm. Một điểm khác là, tuy theo Giáo sư Thảo, nhưng cụ Huy không hoàn toàn nắm vững được hiện tượng học, nên có những lối giải thích rất sai lầm, thí dụ về những quan niệm như réduction (mà cụ hiểu là thoái hóa), hay về cả lịch sử triết học Tây phương mà cụ cáo tội là "chủ biệt." Những chú thích của Giáo sư Nguyễn Huệ Chi còn sai lầm nhiều hơn nữa. Ông giải thích nhiều quan niệm triết học gần như ngược lại với cái ý nghĩa vốn có của chúng, thí dụ các thuật ngữ réduction = dẫn thoái (đúng ra là giản hóa, giản lược, truy nguyên), hậu nghiệm = a posteriori (đúng ra là hậu thiên), tiên nghiệm = a priori (đúng ra là tiên thiên), nội chấp = intentionnel (đúng ra là ý hướng), tĩnh nọa = lười biếng, bất động (đúng ra là trạng thái tĩnh, inertia), vân vân.

[42] Cao Xuân Huy, ctr. 102-103.

[43] Xin tkh. Nguyễn Hào Hải, "Tình Hình Nghiên Cứu Triết Học Ngoài Mácxít (Triết Học Tư Sản Phương Tây Hiện Ðại) ở Việt Nam 55 Năm Qua" trong Nguyễn Trọng Chuẩn, chb., Nửa Thế Kỷ Nghiên Cứu và Giảng Dậy Triết Học ở Việt Nam (Hà Nội: Viện Triết Học, 2001), ctr. 566-583. Chuyên gia về Triết Học Tây Phương Nguyễn Hào Hải tóm lại lối nhìn của nhà nước đối với nền triết học tư sản Tây phương hiện đại như sau (tr. 575): "Riêng về triết học tư sản phương Tây hiện đại, ngay từ đầu đã được coi là kẻ thù của chủ nghĩa Mác-Lênin, nên nhiệm vụ được đặt ra là cần phải phê phán và quét sạch những tàn dư, những ảnh hưởng của các thứ triết học đó ở Việt Nam."

[44] Xin tkh.: Phong Hiền, Chủ Nghĩa Thực Dân Mới kiểu Mỹ ở Miền Nam Việt Nam - Khía Cạnh Tư Tưởng và Văn Hóa 1954-1975 (1984); Trần Trọng Ðăng Ðàn, Văn Hóa Văn Nghệ Phục Vụ Chủ Nghĩa Thực Dân Mới của Mỹ tại Miền Nam Việt Nam 1954-1975 (Long An: Nxb Thông Tin, 1990). Ngay Giáo sư Nguyễn Văn Trung, người được công nhận là tương đối "cấp tiến" (Tiến sỹ Vũ Ðình Trác từng nhận định về Giáo sư Trung trong Công Giáo Việt Nam với Văn Hóa Dân Tộc, Garden Grove: Thời Ðiểm, 1996), cũng đã phải viết một bản "tự giác" nhận tội đã dùng chủ nghĩa hiện sinh phục vụ đế quốc Mỹ. Ông cũng đổ tội cho một số đồng nghiệp như các Giáo sư Lê Tôn Nghiêm, Trần Thái Ðỉnh, Thân Văn Tường, vân vân (những người hoàn toàn vộ tội), đã dùng chủ nghĩa hiện sinh làm chuyện tương tự.

 

Trần Văn Ðoàn

Ðại Học Oxford, Anh Quốc

Dịp Hội Nghị Quốc Tế về Hiện Tượng Học 07.2004

 

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page