Thông Diễn Học

Và Khoa Học Xã Hội Nhân Văn

Gs. Trần Văn Ðoàn

Ðại Học Quốc Gia Ðài Loan

Prepared for Internet by Vietnamese Missionaries in Asia


 

Chương II

Phương Pháp Thông Diễn

(Hermeneutical Methods)

 

3. Phương Pháp hay Nghệ Thuật Chuyển Nghĩa (Ars interpretandi)

Sau khi đã trình bày về hai giai đoạn Giải thích và Giải nghĩa của Thông Diễn Học (TDH), trong phần này chúng tôi muốn đi sâu thêm vào nền khoa học thông diễn, bắt đầu với công việc chuyển ý, chuyển nghĩa. Ðó là công việc đưa một cảm giác này vào một cảm giác giác nhắm tạo ra một cảm giác chung, hay một cảm giác mới. Ðó cũng là một công việc gán ý và nghĩa cũ vào một đối tượng mới, vào một thế giới mới, và biến thế giới đó thành một thế giới của riêng mình, hay một thế giới cho một nhóm người, vào một thời đại nào đó. Và đó càng là một sinh hoạt của con người đương tạo ra những ý nghĩa mới. Nói cách khác, chuyển nghĩa bao gồm nhiều công năng và mục đích, trong đó có (1) tạo ra cảm giác chung, tạo ra cảm giác mới; (2) tìm ra ý nghĩa chung cũng như thêm vào ý nghĩa mới; và (3) làm giầu cái thế sinh hiện tại bằng cách đưa những yếu tính của một thế sinh khác (hay thế sinh đã qua) hội nhập vào thế giới đương sống (hic et nunc) của chúng ta. Nói theo ngôn ngữ của Walter Benjamin, một triết gia có ảnh hưởng sâu đậm tới nghệ thuật phê bình văn học, cái hiện thời (Jetzzeit hay nunc-time) không phải chỉ hiện diện trong một thời gian nhất định, nhưng nó đương nói lên cái ý thức của một sự chuyển nghĩa không ngừng trong cuộc sống, tức một sự tổng hợp của các ý nghĩa, của các thời gian một cách rất biện chứng. [56]

Ðể độc giả hiểu thêm về những công năng của sự chuyển nghĩa, và của hành vi chuyển nghĩa, đoạn sau đây sẽ trình bày một cách ngắn gọn những công năng trên.

3.1. Nguyên Lý Chuyển Nghĩa

Như độc giả đã nhận ra một cách dễ dàng, nếu thế giới của chúng ta chỉ bao gồm thế giới tự nhiên, tức một thế giới ngoại tại và (xem ra) bất biến, thì việc chúng ta chỉ áp dụng giải thích và giải nghĩa để hiểu nó, xem ra có thể được coi là tạm đủ, và những người chủ trương tính chất khách quan khoa học của TDH như Dilthey, và Betti có lẽ có lý. Nhưng nếu thế giới mà chúng ta đương sống không chỉ là một thế giới tự nhiên, mà là một thế giới con người mang tính chất rất phức tạp, đa tạp, thiên biến vạn hóa; và nếu đối tượng của TDH chính là một sự hiểu biết về con người, một con người lịch sử, văn hóa, tôn giáo, tình cảm, xã hội, vân vân; và nếu sự hiểu biết đó lại do chính con người hiện thế - hiện thế theo nghĩa hiện thể (Da-sein), tức sự biểu hiện của hữu thể qua một thể nào đó trong không gian (hic) và trong thời gian hiện tại (nunc) -, thì hành động giải thích và giải nghĩa khó có thể đầy đủ giúp ta hiểu một thế giới sinh động con người. Chúng càng không thể giúp ta hiểu chính cái con người (chủ thể) đương đi tìm hiểu thế giới như vậy. Bởi lẽ, sự hiểu biết không đồng nghĩa với tri thức, và một sự thông hiểu lại càng không phải chỉ là một mớ kiến thức cộng lại. Một sự thông hiểu thật sự do đó không chỉ bao gồm tri thức, nhận thức hay kiến thức, mà hơn thế nữa phải là một giác ngộ, một sự thấu hiểu đến cùng tận... Mà một sự thông hiểu như vậy đòi hỏi: (1) sự tự thức của mỗi chủ thể (Hegel, Husserl), (2) sự nhận thức của chủ thể qua nhận thức những chủ thể khác (lý thuyết của Husserl, Ricoeur), (3) sự nhận thức của chủ thể trong thế giới sống (Heidegger), (4) trong lịch sử (Dilthey), (5) sự nhận thức qua tự giác, phê bình và nhất ra ý thức được hiện trạng dị hóa (alienation) của chủ thể (Habermas), (4) ý thức được sự hình thảnh của chính ý thức trong cả một quá trình lịch sử, tức trong truyền thống văn hóa, ngôn ngữ, tình cảm (Gadamer)..., và (7) nhất là, thông hiểu chính là một hành động đương tham dự một cách đầy ý thức vào chính cuộc sống, vào cái thế giới đương sống.

Từ đây, ta thấy nghệ thuật chuyển nghĩa bao gồm ba giai đoạn: con người thu nhận (qua tự thức, ý thức về lịch sử, truyền thống, giá trị... của mình), con người tự thích ứng (tiêu hóa những giá trị của thế giới đã sống và đương sống) và con người tìm cách thế diễn tả tất cả những nền giá trị của những thế giới đã sống theo cách sống hiện tại của họ.

Mỗi giai đoạn đều bắt đầu với ý thức về chính mình, ý thức về con người trong thế giới (vấn nạn, giải quyết vấn nạn), trong xã hội, về những phương thế biến đổi thế giới, con người để có thể thích ứng, hay giải quyết vấn nạn, và lẽ dĩ nhiên, biết cách diễn tả mình. Giai đoạn sẽ hướng về thế giới hiện tại qua hành vi tự thức về vai trò, ý nghĩa cũng như giá trị của mình trong cái thế giới đương sống.

3.2. Giai Ðoạn Thu Nhận

Trong giai đoạn thu nhận, chúng ta không thu nhận tất cả những gì xẩy ra chung quanh chúng ta, mà chỉ thu nhận những gì liên quan tới chúng ta. Sự thu nhận này bắt đầu với tác động chú ý, tức sự kiện giác quan của chúng ta tự động hướng về một đối tượng (người, sự vật, âm thanh, màu sắc, vân vân) nào đó. Ta chỉ nhìn thấy, nghe thấy, ngửi thấy và cảm thấy những gì liên quan tới chúng ta, một cách rất tự nhiên, và xem ra một cách rất "vô thức." Thực, nói là tự nhiên, hay tự động, hay vô thức không hoàn toàn đúng. Khi phản tư về một cảm giác như vậy, và thấy rằng, hành vi chú ý tự nó đã qua cả một qúa trình rất phức tạp. Ta chỉ chú ý đến cái gì mà chúng ta thích, mà chúng ta cảm thấy (hay biết) liên quan trực tiếp tới chúng ta, mà chúng ta (qua phản tỉnh mới) biết nó gắn liền với cuộc sống, hay với thế giới sống (tiền thế giới, thế giới hiện thời và thế giới dự phóng), mà chúng ta chọn lựa (một cách ý thức, hay vô thức). Thí dụ, hiện tượng "tiếng sét ái tình" không phải mù quáng như chúng ta ngây thơ nhận định. Nó chẳng mù quáng tí nào cả, và nếu có mù quáng thì phải như là con dơi vào ban đêm, nghĩa là rất sáng suốt. Tốc độ chớp nhoáng của tình yêu không có nhanh như điện chớp, mà là kết qủa tích lũy của cả một thế giới sống, của cả một lịch sử của người "bị cú sét ái tình". Theo lý thuyết của Freud, và qủa thật Freud có lý, cái cảm giác chỉ là sự xuất hiện của một cảm tình từng được hình thành trong cả một lịch sử của người đó. Người bị cú sét ái tình, thực ra nhận ra trong người anh (cô) ta yêu, cái hình ảnh (tổng hợp) của cả cái thế giới qúa khứ, hiện đại và cái dự phóng của mình.

Nếu chúng ta hiểu hiện tượng chú ý theo nghĩa này, thì ta cũng có thể nói, cảm giác càng mạnh, thì sự liên quan càng mật thiết. Cảm giác càng nhanh, thì sự thiết yếu càng khẩn trương. Vậy thì, điểm mà chúng ta muốn nói, đó là ta hành vi thu nhận, tiếp nhận hay từ chối luôn liên hệ chặt chẽ tới những gì liên quan, hay không liên quan tới cuộc sống của chúng ta. Càng mật thiết, càng dễ tiếp nhận. Càng thiết yếu, sự tiếp nhận càng khẩn trương. Càng căn bản, sự tiếp nhận càng lâu dài. Ngược lại, càng xa cách, càng mơ hồ, và không có ấn tượng.Tác động thu nhận do đó không có mù quáng, nhưng mang tính chất chọn lưa theo quy luật của cảm giác, của mục đích, tức của lý trí. Như vậy, chúng ta có thể quả quyết là kinh nghiệm không phải từ những sự kiện hay dữ kiện không liên quan, mà từ chính những gì xảy ra với chúng ta và ảnh hưởng tới cuộc sống của chúng ta. Vậy thì, ta có thể nói, kinh nghiệm kiểu của Locke khó có thể có, bởi lẽ một kinh nghiệm đích thực phải là kinh nghiệm đã sống (Lebenserfahrung, hay Erlebniss). Trong ngay những kinh nghiệm này, ta đã thấy được ý nghĩa của cuộc sống, hay những phán đoán giá trị, đạo đức của chúng ta: kinh nghiệm yêu, kinh nghiệm đau khổ, kinh nghiệm sai lầm, vân vân. Từ một phân tích về cách thế cũng như lý do, và hình ảnh lưu lại tạo thành kinh nghiệm sống, chúng ta có thể nói, chính kinh nghiệm sống đã phản ánh cả một qúa trình chuyển biến ý nghĩa của những gì chúng ta đã thu nhận.

3.3. Giai Ðoạn Thích Ứng

Nếu ngay trong qúa trình thu nhận, chúng ta đã nhận ra được một sự chuyển biến, và sự cấu tạo một ý nghĩa mới, thì ở giai đoạn thích ứng, chúng ta càng thấy một cách rõ ràng hơn, sự biến đổi của ý nghĩa này. Cùng một kinh nghiệm, ta thấy ý nghĩa của nó luôn biến đổi, một cách sâu hơn, rộng hơn, chín chắn hơn. Trong tình cảm, chúng ta cho là "thấm thía" hơn. Một người thất tình sẽ cảm thấy cái đau "thấm thía" hơn là những người chỉ biết về thất tình qua kinh nghiệm người khác. Tương tự, cùng một sự kiện, ta nhìn thấy được nhiều khía cạnh hơn, hay toàn diện hơn, tăng thêm với thời gian, kinh nghiệm, và nhất là kinh nghiệm sống của chính mình. Nói một cách chung, qua chính kinh nghiệm sống, qua chính cuộc sống, chúng ta biết được nhiều hơn, thấy rộng hơn, nhìn xa hơn. Và từ đây, ta nhậy cảm hơn, dể dàng nhận biết hơn. Nói theo Popper, thích ứng nói lên sự kiện là chúng ta luôn ở trong một qúa trình học hỏi những cái mới, từ chính kinh nghiệm cũ, nhất là những kinh nghiệm về cuộc sống, những kinh nghiệm về thất bại. Con người học đưọc từ những thất bại của mình.[57] Chỉ trong giai đoạn thích ứng này mà chúng ta mới hiểu được câu nói "thất bại là mẹ của thành công." Và cũng chỉ trong giai đoạn thích ứng này mà ta mới hiểu được những câu phê bình như "ngộ chữ" dành cho những người "biết rộng" nhưng thiếu hay không có khả năng thích ứng. Quan niệm "tri hành hiệp nhất" của Nho gia (đặc biệt của Vương Dương Minh), một quan niệm ảnh hưởng sâu rộng tới nho gia Việt như Nguyễn Trãi, Nguyễn Công Trứ, Nguyễn Trường Tộ, thực ra nói lên tầm quan trọng của giai đoạn thích ứng trong sự hiểu biết của con người.

3.4. Giai Ðoạn Tự Diễn Tả Chính Mình

Trong triết học Ðông phương, chúng ta thường hay nghe tới khái niệm "minh triết". Theo nhiều học giả như Kim Ðịnh, Cao Xuân Huy, và phần đông các đạo gia, thì minh triết vượt khỏi triết học. Tôi không nghĩ là họ sai, nhưng tôi cho rằng họ đương lẫn lộn một số phạm trù khác nhau. [58] Theo thiển kiến của chúng tôi, triết học nói chung là một hệ thống, hay một môn học mang tính chất khách quan về các luồng tư tưởng, các hệ triết học, các phương pháp triết học, và lẽ dĩ nhiên bao gồm cả tư tưởng lẫn thực hành. Một nền triết học nào đó, thí dụ triết học Descartes, luôn nhắm tới việc giải quyết một vấn nạn nào đó (thí dụ vấn nạn nhận thức, như thấy nơi Descartes), và để có thể giải quyết vấn nạn này, hay để thuyết phục những người khác, triết gia thường phải khám phá ra một phương pháp hiệu qủa, và đưa ra những luận chứng đủ để thuyết phục những người nghi ngờ. Tuy nhiên, một hệ thống triết học không hẳn có thể giúp chúng ta thấu hiểu được chính mình, càng khó có thể là một viên tiên đan (thuốc tiên) vạn năng có thể chữa trị tất cả những vấn nạn cụ thể, hay những căn bệnh của thời đại, đặc biệt là vấn nạn hiện thực của mỗi con người. Nhiều nền triết học tự hạn hẹp mình trong cái công năng khoa học "làm cho thế giới xuất hiện như chính nó đương xuất hiện". Khác với triết học, vai trò của minh triết có lẽ (tôi đoán thế) có thể được hiểu theo khía cạnh con người ý thức được tầm quan trọng của nó đương ảnh hưởng một cách quyết định tới cuộc sống riêng tư của họ, hay cuộc sống của một dân tộc. Những người "minh triết" là những người đương tự diễn tả chính họ cũng như thế giới sống của họ theo nguyên lý minh triết. Chính vì vậy, ít khi thấy có ai bắt buộc mọi người, hay cả thế giới phải theo quy luật, hay sống theo cái nhãn quan của họ. Như vậy minh triết không hẳn chú trọng tới một sự hiểu biết theo nghĩa "minh bạch, sáng sủa" (Descartes), hay tới một phương pháp khoa học cố định. Minh triết Ðông phương có lẽ khác với các trường phái triết học Tây phương ở điểm này.

Trong phạm vi TDH, chúng tôi muốn nói là, giai đoạn tự diễn tả chính mình không nhất thiết theo nguyên lý khách quan hay khoa học của các nền triết học duy lý. Ngược lại, rất có thể là nó theo chính cái lối sống cá biệt (hay logic cá biệt) của cuộc sống của mình. Nó được chính cái mục đích sống của mình hướng dẫn. Như thế, giai đoạn tự diễn tả này gần với minh triết hơn là nền triết học phân tích, hay luận lý hình thức, hay lối mổ sẻ của triết học Tây phương. TDH, theo đúng nghĩa, là một sự thông hiểu, một sự thông hiểu bắt đầu với tự thức, rối tới ý thức về chính mình trong thế giới tương quan (kiến thức), và sau nữa mới tới một ý thức về vạn vật (tri thức). Như vậy, TDH không được phép ngừng lại với lối giải thích máy móc (thuần túy tri thức), hay lối giải nghĩa theo những quy luật khoa học, hay theo một văn phạm, hay theo kinh nghiệm (kiến thức). Nó phải vượt xa hơn nhắm tới một sự thông hiểu về chính mình, tức tìm ra chính mình trong tiềm thức, [59] hay trong tiền thức, [60] hay bên sau cái bức màn bao phủ của xã hội, ý hệ, tập tục, vân vân. [61] Sự tự diễn tả mình một cách trung thực chỉ có thể nếu chủ thể thức tỉnh, không còn bị các nhân tố, yếu tố hay thành tố bao bọc, tức khi chủ thể tìm lại được tự thức (self-consciousness).

3.5. Thông Dịch và Thông Ngôn

Qua ba giai đoạn trên, ta thấy trong mỗi giai đoạn đều có một sự chuyển nghĩa lịch sử (historical interpretation), một sự chuyển nghĩa cả hình thái và kỹ thuật (technical-morphological interpretation), và nhất là một sự tái chuyển nghĩa qua chính cuộc sống (reproductive interpretation) cũng như sự kiến cấu biểu tượīng, giai thoại, bao gồm nhân thoại, thần thoại, vân vân (epics, symbol, myth). Sự tái chuyển nghĩa cũng có thể được gọi là thông dịch, tức biến đổi từ một ngôn ngữ này sang một ngôn ngữ khác, nhưng vẫn có thể làm cho người nghe thông hiểu cái ý vốn có của bản văn, của câu nói.

Một cách chung, sự thành công trong thông dịch phải là một nghệ thuật chuyển được cái ý nghĩa vốn có sang một ngôn ngữ khác, vào một thế giới khác, trong một thời đại khác. Sự thông dịch này thường qua các giai đoạn, hay dưới những hình thức (1) chuyển âm và chuyển ngôn, (2) chuyển ý, (3) chuyển vị (từ nhân vật này tới nhân vật khác, từ vị trí này tới vị trí khác, như thấy trong văn phạm), (4) chuyển thể từ thể cách này tới thể cách nọ như ta thường thấy nơi vai trò cuả nghệ sĩ diễn xuất, hay sự biến đổi của kịch nghệ, âm nhạc, mầu sắc (thí dụ kịch nghệ (theater), bi kịch (drama), hài kịch (comedy), phim ảnh (cinema), ca kịch (opera), vũ kịch (ballet), vân vân), và nhất là (5) chuyển thế từ thế giới này sang thế giới khác, từ thế giới đã qua sang thế giới sống. Chuyển thế rõ ràng trong trong nghệ thuật sáng tác, tạo ra một thế giới mới từ chính cái thế giới cũ, hay thế giới đương sống, trong thông dịch, và trong sự thích ứng.

Nhưng để chuyễn ngữ, chuyển ngôn cho trung thực, để chuyển vị một cách linh động, và có thể phát sinh ra những ý nghĩa mới, ta cần một phương pháp thông diễn siêu đẳng. Phương pháp này bắt buộc phải có những hiệu năng sau đây: (1) Thứ nhất, nó phải giúp ta nhận ra được cái gọi là bản chất thiết yếu nhất cấu tạo một sự vật, hay một sự kiện, hay một sự tích lịch sử... Nói một cách đơn giản hơn, bản chất là những yếu tính, mà thiếu chúng, hay một trong những yếu tính của chúng, thì ta không thể hiểu được sự vật, sự kiện, hay sự tích đó. Thí dụ, nếu nhìn một người mà không có thân xác, thì đó không phải là người. Thân xác là một trong những yếu tính, tức bản chất, quan trọng cấu tạo con người. Không nhìn qua thân xác, chúng ta không thể nhận ra, đừng nói là có thể hiểu được con người. (2) Thứ tới, phương pháp này giúp chúng ta có thể nhận ra sự liên quan giữa các yếu tính, và nhất là thấy được quy luật nối kết chúng với nhau, tạo thành sự vật, sự kiện hay sự tích. Thí dụ, con người gồm nhiều bản chất (tức yếu tính) như thân xác, tâm linh, cảm giác, trí tuệ... Chúng ta chỉ có thể hiểu được con người nếu nắm được mối liên kết hay quy luật liên kết những yếu tính trên. Thứ ba, thông dịch không phải là tìm ra những âm thanh khác nhau, nhưng tìm ra sự tương xứng giữa các bản chất của hai thế giới mà ngôn ngữ vốn là biểu tượng của chúng. Nói cách khác, thông dịch đòi buộc phải tìm ra sự tương xứng giữa văn phạm, kiến cấu, cũng như ý hướng, đối tượng của hai ngôn ngữ khác nhau. Một bản dịch Thánh Kinh thật hay, không phải chỉ là sự chuyển ngữ hay từ, thí dụ từ tiếng Hi Bá Lai (hay Hy Lạp) sang Việt ngữ, mà quan trọng hơn, đó chính là việc tìm ra sự tương xứng giữa hai thế giới sống, giữa thế giới của 3 ngàn năm trước (Cựu Ước) hay hai ngàn năm trước (Tân Ước) với thế giới của người Việt hiện nay, giữa những lối suy tư của Do Thái và của Việt Nam, giữa những cách biểu tả của hai ngôn ngữ, vân vân. Tương tự, một bản dịch thành công của Tứ Thư không phải chỉ là phiên âm từ Hán tự sang Hán Việt, mà bắt buộc phải là sự chuyển thế giới của thời Xuân Thu vào trong thế giới hiện đại của chúng ta. Làm sao mà con em của chúng ta hiểu được những câu chuyện trong Hiếu Kinh, nếu bản dịch chỉ là chuyển âm, và nếu những chú giải chỉ là những lối phân tích chữ (triết tự). Trong một thời đại trọng lý tính và khoa học, những câu chuyện trong Thánh Kinh hay trong Hiếu Kinh, hay trong các sách truyện về Phật pháp sẽ mang tính chất hoặc huyền bí, hoặc phi lí, hoặc ngộ ngĩnh tức cười, nếu chúng ta không nắm được cái thế giới sống của hai ngàn năm trước, của người Hoa, người Do Thái, người Ấn Ðộ, vân vân. [62]

Về thông dịch thì đã phải như vậy, nhưng về thông ngôn, ta cần phải hơn thế nữa. Thông ngôn không phải chỉ là một sự chuyển âm, hay chuyển ngôn đơn thuần, mà còn là một sự chuyển dịch mang tính chất toàn diện. Thông ngôn đòi ta phải chuyển ý, chuyển nghĩa, chuyển thái độ, chuyển tình cảm, và làm cho người nghe không chỉ thấu hiễu ý nghĩa, mà còn phải "rung động", tức cảm động. Nói cách khác, thông ngôn nhắm vào một sự hiểu biết nhưng với một tác dụng cụ thể và sống động hơn. Người nghe cảm thấy như đã tìm ra chính mình qua ngôn ngữ của người khác.

Ðây chính là lý do tại sao TDH nguyên thủy rất chú trọng đến vai trò, công năng của tác động "nói" (to say). [63] Mà qủa thế, truyền thống TDH là một truyền thống phát xuất từ vai trò của những người thông ngôn. Công năng của thần Hermes tức là công việc chuyển ngôn, chuyển cái ý mà Zeus muốn nói cho người con của Odysseus. Công việc của các tư tế tại đền thờ Delphi bao gồm "diễn tả" (hay giải thích, to explain), biểu tả (to express), công bố (to announce), và xác quyết (to assert) những thần linh đã phán, truyền lại cho thần dân. Tương tự, công việc của các nhà truyền giáo (đạo) không chỉ nằm trong việc diễn giải Thánh Kinh, mà còn phải công bố, xác quyết, làm cho người nghe cảm động, cảm thông, và chấp nhận. [64] Nơi đây ta thấy vai trò của các vị tư tế, của các nhà truyền giáo, hay của các cán bộ "tuyên truyền" là một vai trò "thông ngôn", theo nghĩa là qua ngôn ngữ người thông ngôn đứng giữa (go-between) hai người nghe và nói, hai thế hệ, hai thế giơi, hai truyền thống, hai văn hóa, vân vân. Ðứng giữa ở đây có nghĩa là một chiếc cầu nối kết giữa hai bờ, có nghĩa chính là cái môi sinh (milieu) mà chỉ qua đó thần linh mới gặp được con người, con người mới đến được với thần linh. Chỉ trong ý nghĩa này ta mới thấy được tầm quan trọng của ngôn ngữ. [65]

Tạm Kết

Chương thứ hai này đã bàn một cách khái quát về phương pháp hay nghệ thuật thông diễn. Như độc giả đã nhận ra, phương pháp thông diễn không phải chỉ là môn giải thích học, hay giải nghĩa học, hay chú thích học mà thôi. TDH là môn nghiên cứu về chính sự hiểu biết (understanding), về ngộ tính hay về khả năng hiểu biết của con người, về tương thông (communication) giữa con người trong những thế giới khác nhau, trong những lịch sử khác biệt, trong những sinh hoạt phức tạp, và qua những truyền thống, ý hệ mà chúng ta không thể gạt bỏ được. Nói một cách khác, TDH đòi hỏi một sự hiểu biết tương đối toàn thể, một sự dấn thân vào trong chính thế giới mà họ đương đi vào (như trong trường hợp thông dịch), một thái độ luôn mở rộng. Ðây chính là lý do tại sao chúng tôi chủ trương TDH bao gồm ba khía cạnh, hay ba sinh hoạt của con người: giải thích (lý giải theo quy luật khoa học), giải nghĩa (lý giải theo quy luật của khoa học xã hội), và chuyển nghĩa (lý giải theo chính cuộc sống).

Lẽ tất nhiên, tất cả ba phuơng pháp (nghệ thuật) giải thích, giải nghĩa cũng như chuyển nghĩa đã được trình bày một cách ngắn gọn, nhưng chưa đầy đủ, và càng không hẳn có thể hiểu được một cách dễ dàng. Chúng tôi ý thức được tính chất phức tạp và quảng đại của TDH liên quan đến nhiều môn khoa học hiện đại, đặc biệt ngữ học, tâm lý học, tôn giáo học, cũng như nhiều phương pháp khoa học như phân tâm, phê phán và đặc biệt hiện tượng học. Ðể giúp độc giả đi sâu hơn vào thông diễn, chúng tôi đã bàn sơ qua về ngữ học. Riêng trong chương sau, chúng tôi sẽ bàn kỹ hơn về phương pháp hiện tượng học. Lý do là TDH hiện đại, hay nói đúng hơn nền triết học thông diễn xuất phát trực tiếp từ hiện tượng học. Những người chủ trương thông diễn thường là những triết gia chuyên về hiện tượng học, thí dụ Heidegger, Gadamer, Merleau-Ponty, Ricoeur, Lévinas, và nhiều vị khác. Riêng trong chương thứ năm và thứ sáu giới thiệu các trường phái thông diễn, chúng tôi sẽ bàn thêm về những phương pháp khác liên quan với hay bổ túc cho TDH, thí dụ phương pháp phê phán của Habermas, phương pháp kiến cấu của Foucault, phương pháp "vạch trần" thần thoại của Ricoeur, phương pháp phân tâm của Lacan, vân vân...

 

Chú Thích:

[56] Walter Benjamin, Illuminations

[57] Karl Popper, Conjectures and Refutations, sđd., Preface, tr. vii,: "...we can learn from our mistakes."

[58] Xin tkh. Trần Văn Ðoàn, "Vài Suy Tư Về Việc Biên Soạn Bộ Lịch Sử Tư Tưởng Triết Học Việt Nam", trong Tư Tưởng, số 23 & 24 (Australia, 9. 2003), ctr. 1-8.

[59] Lối hiểu biết này tạo ra một nền TDH theo chiều sâu (Depth Hermeneutics), như thấy trong nền thông diễn của Paul Riceour, và của Jacques Lacan. Các triết gia này chủ trương, chỉ khi đào bới lên được cái ý thức bị chôn vùi trong tiềm thức (do bị đèn ép, hay cố tình tự quên lãng), ta mới hiểu đuợc chính mình. Ta thấy, đây là một nền TDH dựa phần nào vào lý thuyết phân tâm của Sigmund Freud.

[60] Gadamer đã phần nào nhận ra vai trò quan trọng của tiền thức (và tiên kiến, prejudices) trong qúa trình hiểu biết. Ông chủ trương, ta không thể tách rời khỏi những tiên kiến, và ta càng không thể không bị ảnh hưởng của tiền thức. Lối TDH này cũng thấy nơi nhà triết học Pháp, Giáo sư Emmanuel Lévinas, và cả Ricoeur.

[61] Lý thuyết TD phê phán (Critical Hermeneutics) của Habermas và những người theo trường phái Frankfurt. Theo họ, để hiểu được chính mình, trước hết phải phá bỏ những điều kiện hay những trở ngại khiến ta không thể nhận ra được chính mình. Do đó, theo Karl Marx, họ chủ trương phê phán xã hội, ý hệ, ngay cả lối suy tư tư sản (bourgeois) như là điều kiện tiên quyết để có thể có được một sự thông hiểu chân thật.

[62] Nhiều nhà phê bình tôn giáo đã bỏ qua sự khác biệt này. Chính vì vậy những phê bình của họ mang tính cách một chiều, và "giáo điều." Lý do chính khiến chúng ta không thể phê bình tôn giáo, hay những thế giới thần thoại được, đó là sự khác biệt qúa sâu, qúa rộng giữa thế giới của chúng ta và thế giới của tôn giáo, thần thoại. Làm sao ta có thể phê bình được khi chưa thấu hiểu, thông hiểu điều (hay người) mà chúng ta phê bình. Làm sao mà ta phê bình được khi ngay cả ngôn ngữ hiện đại, đừng nói đến cổ điển của họ, chúng ta vẫn chưa nắm được. Làm sao mà chúng ta có thể chê bai họ được, khi tất cả diễn biến lịch sử của họ, và của nhân loại vẫn còn mông lung trong đầu óc chúng ta? Một phần lớn các "học giả" Việt thường hay phạm vào cái lỗi lầm này khi phê phán những điều họ chưa thấu hiểu. Tôi từng đọc những câu phê bình Thiên Chúa Giáo rất "nóng", rất "giật gân" của một nhóm người tự xưng là "trí thức" Phật tử, và cảm thấy thật tiếc cho tài năng của họ. Xin tkh. Nhóm Giao Ðiểm, Ðối Thoại với Giáo Hoàng John-Paul II (California: 1996). Tôi thấy là lạ khi qúy vị theo quan điểm duy lý, duy khoa học (ở thời hiện đại) để chế nhạo tín lý của Thiên Chúa Giáo như "Thiên Chúa Ba Ngôi", "Tội Nguyên Tổ", vân vân, cho chúng là "phi lý", "buồn cười", vân vân. Nhưng rồi qúy vị vui vẻ chấp nhậīn những điều tương tự (cũng không thể chứng minh được) trong Phật giáo như "luân hồi", "niết bàn", coi đó là "khoa học", "hữu lý"... Thay vì hoành dương Phật pháp, họ đã khiến những người "ngoại giáo" (không phải là Phật tử) mất cả hứng để tìm hiểu thêm về Phật pháp. Mà nói cho đúng, họ cũng chỉ lập lại cái sai lầm của những người Tây học từng phê bình chống Ðông phương. Các học giả Tây phương nửa vời, và các học giả Việt từng bị cái học của Tây phương làm mù quáng cũng đã từng vung vít chửi bới triết Ðông, tôn giáo Ðông phương, cho chúng là nhảm nhí, dị đoan, man ri mọi rợ.

Thực ra, chúng ta quên đi sự khác biệt giữa các thế giới sống, giữa các thời đại, giữa các nền văn hóa. "Thiên Chúa Ba Ngôi" chỉ có thể hiểu được trong nền văn hóa Hi Bá Lai. Tương tự, chỉ có một nền văn hóa cổ xưa Ấn Ðộ mới có thể phát sinh ra quan niệm "luân hồi."

[63] Palmer, tr. 14: "Caí chiều hướng căn bản nhất trong ý nghĩa của từ hermeneuein đó là "diễn tả, hay biểu tả" (to express), "xác quyết" (to assert), hay là "nói" (to say). Ðiều này liên quan tới công năng "công bố" (announcing) của thần Hermes."

[64] Xin tkh. James M. Robinson, A New Quest of the Historical Jesus (London: SCM Press, 1959), tr. 128 vtth.; Palmer, 14.

[65] Trong nền thần học Thiên Chúa Giáo, vai trò của homiletics (nghệ thuật rao giảng) rất quan trọng. Thánh Phaolô Tông đồ (St. Paul the Apostle), rồi nhà cải cách tôn giáo, Linh mục Luther, từng rất chú ý đến nghệ thuật nói, hay rao giảng: "chỉ qua rao giảng mới có cứu rỗi." Các thư của Thánh Phaolô thường được lớn giọng đọc trong các hội đường. Thánh Augustine từng nhấn mạnh là "nền thần học Kitô giáo" phải là "một nền thần học của Thánh Ngôn", mà "thánh Ngôn" nơi đây không phải là ngôn tự, mà là ngôn thoại, tức ngôn ngữ qua âm thanh, âm điệu và âm hưởng, tức ngôn từ ta đương nói ra. Ðối với nhà thần học Bultmann, Thánh Kinh phải là kerygma, tức loan báo sứ điệp. Trong ngữ học hiện đại, John Austin đã đặc biệt phân biệt ngôn thoại (speech) và hành vi nói , hay hoạt thoại (speech act) khỏi ngôn ngữ (language).

 

Trần Văn Ðoàn

Khoa Triết Học, ÐH Quốc Gia Hà Nội, 2004

 

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page