Thông Diễn Học

Và Khoa Học Xã Hội Nhân Văn

Gs. Trần Văn Ðoàn

Ðại Học Quốc Gia Ðài Loan

Prepared for Internet by Vietnamese Missionaries in Asia


 

Chương II

Phương Pháp Thông Diễn

(Hermeneutical Methods)

 

2. Phương Pháp hay Nghệ Thuật Giải Nghĩa (Ars Explicandi)

Ðiểm rất quan trọng mà những nhà phân tích, đặc biệt phân tích ngữ học, thường quên, hay cố tình giả bộ không để ý, đó là chúng ta có thể cắt một sự kiện ra thành nhiều bộ phận, hay thành những đơn vị cực nhỏ hay vi mô (nguyên tử), nhưng chúng ta chưa hẳn hiểu nó. Tương tự, ta có thể phân chia một câu nói (sentence) ra thành nhiều từ, ngữ, nhưng chúng ta chưa hẳn thấu được câu nói đó. Một điểm khác mà ai cũng biết, đó là cùng một câu nói, mỗi người nghe, rất có thể sẽ hiểu khác nhau. Cùng một cảnh cáo thì "người có tật giật mình", trong khi người ngoại cuộc thì như "người điếc nghe súng" (làm sao mà sợ được), và người đã quen, không sợ, thì đúng là "nước đổ đầu vịt." Nói cách khác, nơi đây ta thấy, cái ý nghĩa của câu nói, cái hàm ý của sự kiện, vân vân, không thể biết được một cách trọn vẹn nếu ta chỉ dựa vào phân tích mà thôi. [37] Và điều quan trọng nhất mà chúng ta thường vấp phạm, đó là sau khi đã phân cách, chúng ta thường quên không lắp lại được, hoặc nếu có lắp lại, thì đa số đều sa vào cái tật thích bóp méo sự kiện, kiểu "râu ông cắm cằm bà." Ðây có lẽ là một trong những căn nguyên của sự hỗn độn trong các lối giải thích văn chương, và cả sử học.

Trong phần này, chúng tôi muốn bàn thêm về những điều kiện giúp chúng ta hiểu được ý nghĩa của câu nói, nội dung của một sự kiện, và hàm ý của một hiện tượng, qua những điểm sau: (1) Vai trò cuả cơ cấu và quy luật kết cấu các hiện tượng, dữ kiện. (2) Lịch sử và quy luật lịch sử. (3) Quá trình biến đổi, cũng như những yếu tố bất ngờ trong lịch sử.

2.1. Nắm Vững Quy Luật Kết Cấu, Cơ Cấu và Hệ Thống của Thế Sinh

Lẽ dĩ nhiên là phân tích, mổ sẻ giúp chúng ta "biết" được tất cả những bộ phận của sự vật, nhưng không thể bảo đảm được là chúng ta "hiểu" được sự vật. Tương tự, ta có thể bẻ gẫy một câu văn, hay một văn bản thành từng chữ, thành câu, hay thành những những đơn vị nguyên tử của ngữ âm, hay biểu tượng, nhưng chúng ta vẫn chưa hiểu nổi câu nói, hay đoạn văn mà chúng ta đọc hay nghe. Nếu nói theo Roman Jakobson, hiểu ngôn ngữ không phải là nhìn thấy mỗi từ, mỗi ngữ, hay nghe âm thanh nhưng là hiểu được cái ý nghĩa của từ, của âm và của dấu (ký) hiệu. Nhưng để hiểu dấu hiệu ta lại cần phải nhờ đến những dấu hiệu khác. Nói cách khác, cái ý nghĩa của ngôn ngữ là do một hệ thống liên quan giữa các biểu thị (dấu hiệu, ký hiệu) mà không cần nại đến chính sự vật mà ngôn ngữ muốn biểu tả. [38] Vậy nên theo Jakobson, hiểu ngôn ngữ tức hiểu được sự tương quan giữa các dấu hiệu, và nhất là nắm vững được cái quy luật của dấu hiệu. Nhưng nói như vậy vẫn chưa đủ, bởi vì dấu hiệu (sign) trước hết là một ký hiệu (signified), và là một tín hiệu (signifiant) [39] đương phát sinh ra những thông tin (nếu ta theo nền ngữ học của Ferdinand de Saussure (1857-1913) mà các nhà thông diễn học Pháp như Paul Ricoeur (1913-), Jacques Lacan (1908-1981), Jacques Derrida (1930), vân vân, từng theo và áp dụng). [40] Chính vì vậy mà luật của dấu hiệu không phải tự nhiên nhưng được cấu tạo trong một thế giới sống nào đó và chỉ mang ý nghĩa cho những người có một cuộc sống tương tự như thế. Thí dụ, hình chim bồ câu trong các cơ sở Liên Hiệp Quốc là biểu hiệu quốc tế mang nghĩa hòa bình (cho những người khao khát hòa bình, chống bạo lực); trong các giáo đường, con chim bồ câu là biểu tượng (tôn giáo) của Thánh Linh (cho những người tín hữu Thiên Chúa giáo), trong khi trong một quán ăn Tầu hay Việt là biểu hiệu trong thực đơn chỉ một món ăn (món chim bồ câu, mà những khách hàng sành điệu hiểu ngay), vân vân. Biểu hiệu, biểu tượng, ký hiệu mà chúng ta thấy nơi đây, tất cả là ký hiệu (signified). Chúng biến thành tín hiệu (significant) chỉ cho những người tin hay chấp nhận chúng, bởi vì chỉ đối với họ và trong một thế giới của những người cùng niềm tin mà một ký hiệu mới phát sinh ra ý nghĩa (tín hiệu). Nói cách khác, sự biến đổi không ngừng giữa ký hiệu và tín hiệu là một tính chất đặc thù của ngôn ngữ con người. Chính sự biến đổi của ký hiệu và tín hiệu này tạo ra ý nghĩa mới của ngôn ngữ: chim bồ câu là biểu hiệu hòa bình, là biểu tượng Thánh Linh, là biểu hiệu (dấu hiệu) của một món ăn. [41] Thế nên luật của ngôn ngữ không phải là những quy luật giữa các dấu hiệu đã có sẵn, hay đã được quy ước (trong trường hợp này, biểu hiệu, biểu tượng là những ký hiệu) mà thôi. Luật của ngôn ngữ phản ánh cái quy luật của cuộc sống con người, của mối giao tiếp giữa con người với nhau, giữa con người với vạn vật, vân vân. Thế nên, dấu hiệu có thể cùng một lúc là ký hiệu và tín hiệu, cùng một lúc là một biểu hiệu (hay biểu tượng, hay ấn hiệu (icon), ấn tín (stamp), ấn vật) và là dấu hiệu. Bởi lẽ, cho tới cùng, mỗi ngôn, mỗi ngữ, mỗi từ, mỗi tự, hay mỗi dấu hiệu đều chỉ ra một hành động, một thái độ, một tâm tình hay một cách sống nào đó. Nói tóm lại, để hiểu được câu văn, ta phải nắm vững được thế giới sống của câu nói đó, và để biết được cái thế giới sống đó, ta chỉ có thể dựa vào những cơ cấu, kiến cấu... mà ta thấy trong ngữ học, trong huyền hoại, trong lối tổ chức, trong cách thế suy tư (logic), trong các bộ môn khoa học, đặc biệt trong toán học, hình học, vân vân. [42]

Wittgenstein là một trong những triết gia nhận ra sự liên hệ mật thiết giữa ngôn ngữ và cuộc sống, giữa luận lý (logic) và ngôn ngữ. Thế nên, ông dám cả quyết là bất cứ sự hiểu biết nào cũng nói lên hành vi theo luật, giữ luật; và bất cứ ngôn từ nào cũng chỉ có thể hiểu được trong cái mạch nguồn của một cuộc chơi ngôn ngữ; mà cuộc chơi nào cũng phải có quy luật. Nói cách khác, hiểu ngôn ngữ tức hiểu quy luật (văn phạm), và thông thạo ngôn ngữ tức biết áp dụng văn phạm ngôn ngữ đó một cách thông thạo. [43] Nếu như thế thì hiểu biết cũng đồng nghĩa với nắm vững được quy luật ngôn ngữ (văn phạm), quy luật sống (pháp luật, đạo đức, phong tục, tập quán), và nhất là quy luật của thế giới sống. Nhưng để nắm được quy luật của thế giới sống (thế sinh), ta phải thấu đáo cái cơ cấu (organ, tự nhiên), kết cấu (structure, do chúng ta tạo ra), hệ thống (system, do tổ chức hay xếp đặt) của cái thế giới mà ta đương sống, mà tổ tiên chúng ta đã sống, mà chúng ta mong đợi (expect) trong tương lai. [44] Từ đây, ta hiểu được giải nghĩa không chỉ đồng nghĩa với giải thích tức (1) giãi bày (ex-planation) cái gì vốn có sẵn (cơ cấu, kết cấu, hệ thống), mà còn phải (2) nắm vững được quy luật xác định, tạo ra, cũng như bảo tồn cơ cấu (luật tự nhiên), kết cấu (luật xã hội), hay hệ thống (luật logic) những hiện tượng, hay những dữ kiện, hay những sinh hoạt lịch sử; và (3) dự đoán được những điều gì phải xẩy ra trong cái thế giới sống của chúng ta. Nói tóm lại, giải nghĩa đòi hỏi một cái nhìn, hay một lối hiểu biết mang tính chất toàn diện hơn là giải thích.

Trong đoạn sau, chúng tôi bàn thêm về sự kiện là việc hiểu biết của con người không thể tách rời khỏi bối cảnh (background), hiện cảnh (situation), văn cảnh (context) tức những môi trường sinh sống bao quanh chúng ta (medium, milieu, environment) mà con người đương sống trong đó, từng được nuôi dưỡng bởi đó, và nhất là cả một ý hướng (hay dự phóng, projection) của họ cũng bắt nguồn từ đó, và mục đích của họ chỉ có thể có nếu ta hiểu được xã hội, văn hóa, những vấn nạn của họ, vân vân. Tất cả những điều kiện đó cấu tạo thành cái lịch sử tính (Geschichlichkeit) của con người. Lịch sử tính nói lên không những lịch sử của chủ thể, mà còn cả cái lịch sử của xã hội, của con người trong xã hội. Nói cách khác, lịch sử của con người, văn hoá của họ, ngôn ngữ của mỗi sắc tộc, rồi phong tục, tập quán của mỗi nhóm, mỗi giai cấp, rồi tôn giáo của họ, vân vân, tất cả cấu tạo thành một cái mà ta gọi là lịch sử tính của con người (historicity, hay Geschichtlichkeit, nói theo ngôn ngữ của Heidegger và nhà thần học Rudolph Karl Bultmann (1884-1976). [45]

2.2. Nắm Vững Bối Cảnh (Lịch Sử) và Luật của Lịch Sử

Ðiểm mà chúng ta cần phải nhấn mạnh, đó là nắm vững được quy luật của ngôn ngữ, chưa hẳn đã là nắm vững được thế sinh (tức cái thế giới mà chúng ta đương sống, life-world), và nắm vững được thế sinh hôm nay chưa hẳn bảo đảm là chúng ta hiểu được cái thế giới đã qua, cái thế giới sẽ tới, và những thế giới của người khác. Như đã nói rất thoáng qua nơi trên, chúng tôi đồng ý với chủ trương cho rằng hiểu biết tức nắm vững được cơ cấu, kết cấu, và hệ thống của thế giới. Nhưng chúng tôi cũng nhận định, một chủ trương như vậy rất có thể gây ra nhiều ngộ nhận, và phạm vào cái lỗi của những nhà kết cấu học như Claude Lévi-Strauss (1908-), [46] và ngay cả Ferdinand de Saussure nữa. Thế nên, nơi đây chúng tôi xin được phép bổ túc thêm về chủ trương mà chúng tôi đã lướt qua ở phần trên.

Chúng tôi nhận định làø kết cấu, hệ thống, và ngay cả cơ cấu không có bất biến như những nhà kết cấu học, hay những siêu hình học gia của trường phái Plato và Descartes, và cả những nhà khoa học xã hội như Max Weber, hay Vilfredo Pareto từng tin tưởng. Trước hết, ta thấy ngay cả cơ cấu và bản tính của sự vật (nhất là sinh vật) đều biến đổi, khi nhanh (như trường hợp côn trùng), khi chậm (như trường hợp các động vật và nhất là con người), có khi vô cùng chậm đến nỗi chúng ta khó mà nhận ra được. Sự không nhận ra, hay chưa nhận ra là do, hoặc vì sự bất túc của trí thức, hoặc vì sự hạn chế của ngũ quan, hoặc vì bị những lề thói cũ, hay những quan niệm cũ trói buộc. Ðiển hình là trường hợp của vật thể (thí dụ, hòn đá) mà chúng ta nhầm lẫn cho là bất động vật, hay trường hợp vi trùng, vi khuẩn và nhất là DNA mà những đôi mắt thường không thể nhận ra. Chỉ có thể nhận ra chúng được nhờ những phát minh tân tiến như kính hiển vi, ánh sáng laser, vân vân. Nói cách khác, cơ cấu của bất cứ một vật chất nào cũng đều biến đổi, chỉ có chậm hay nhanh, dễ dàng hay khó mà nhận ra được mà thôi. Nếu áp dụng vào xã hội con người, ta thấy cơ cấu của chính con người (physical body), rồi cơ cấu của xã hội (social organ)... cũng đương biến đổi. Và cùng với cơ cấu, các kết cấu cũng biến đổi, lại có vẻ nhanh hơn, và táo bạo. Thí dụ, kết cấu gia đình người Việt ngày nay đã không nhất thiết giống y hệt kết cấu gia đình của ta vào đầu thế kỷ thứ 20; kết cấu gia đình của Việt kiều Mỹ không hẳn giống kết cấu gia đình của người Việt tại Nhật hay tại Trung Hoa. Tương tự, kết cấu (tổ chức) chính trị ngày nay cũng khác với kết cấu chính trị trước thời Ðổi Mới; và hẳn là không giống với nền chính trị trước năm đất nước thống nhất (1975), hay 100 năm sau. Về hệ thống, chúng ta thấy sự đổi thay còn nhanh hơn nữa, và đa dạng hơn nhiều. Hệ thống pháp luật vào thời toàn cầu hóa chắc hẳn khác với hệ thống pháp luật của một xã hội đóng kín; hệ thống tư duy trong triết học không thể đồng nhất với hệ thống của nghệ thuật (mà nghệ thuật chưa hẳn đã có hệ thống, nhất là vào lúc phôi thai).

Vậy thì điểm quan trọng là cơ cấu, kết cấu và hệ thống biến đổi như thế nào? Theo hướng gì? Ðộng lực gì làm chúng biến đổi? Và ta có rất nhiều những câu hỏi tương tự như thế. Những nhà kết cấu học như Ferdinand de Saussure hay trường phái ngữ học của thành phố Prague sẽ nghĩ là ngôn ngữ (và có lẽ cả vũ trụ, theo Lévi-Strauss) biến đổi theo quy luật hoặc đồng hợp (hay ngữ học đồng đại, synchronique), hoặc biến cấu, tức biến đổi và cấu tạo (hay ngữ học lịch đại, diachronique). Dù theo quy luật nào đi nữa, kết cấu ngôn ngữ luôn phải tuân theo luật cân bằng (loi d'equilibre). [47] Khác với Saussure, các nhà ngữ học khác như Noahm Chomsky (1928-), phần bị ảnh hưởng của Descartes, phần của Marx, nhận định rằng kết cấu ngôn ngữ, giống như kết cấu của xã hội con người. Nó bao gồm (1) phần cố định, mang tính chất tiên thiên bẩm sinh (theo Descartes), và (2) phần lịch sử cấu thành (tức hậu thiên). Nếu thế thì, mặc dù ngôn ngữ có những yếu tố cố định bất biến, nhưng không có một ngôn ngữ nào mà không bị ảnh hưởng của lịch sử, của bối cảnh, và bởi chính cuộc sống.

2.3. Nắm Vững Quá Trình Phát Sinh, Phát Triển

Như chúng ta nhắc nhiều trong các phần trên, Schleiermacher là nhà thần học đầu tiên đã hệ thống hóa thông diễn. Chúng tôi sẽ bàn riêng về nền Thông Diễn Học (TDH) của Schleiermacher trong chương tới, nên nơi đây chỉ cần nhắc qua một cách tổng quát về sự đóng góp của Schleiermacher vào TDH. Tuy không hẳn theo sát tất cả những phương thức trên, Schleiermacher đã nhấn mạnh và áp dụng những quan niệm, cũng như phát triển kỹ thuật giải thích tới một mức độ khá hệ thống, và chính vì vậy ông đã xây dựng nền tảng cho TDH:

Thứ nhất Schleiermacher nhận ra tầm quan trọng của cả ngữ học, đặc biệt tu từ học (philology) với sự diễn giải văn phạm, cũng như sự giải thích theo tâm lý (psychological interpretation). Trong việc diễn giải văn phạm, ông đưa ra tất cả 44 quy luật (canons), trong khi bàn về sự giải thích theo tâm lý, ông chủ trương: (1) Tư tưởng vốn gắn liền với tất cả cuộc sống. Thế nên trọng tâm của bất cứ sự lý giải nào cũng phải hướng về và phát nguồn từ chính cuộc sống của tác giả, cũng như của độc giả (thính giả). (2) Theo Fichte, ông nhận định là linh hồn con người (hay tinh thần con người) vốn có khả năng trực giác một cách ý thức hay vô thức. Nói cách khác, muốn hiểu biết con người, ta không thể bỏ qua vấn đề tâm linh của họ. Ông viết trong tập sách Thông Diễn Học (1838) về phương pháp thông diễn mà ông gọi là phương pháp thần linh (dvinatory) như sau: "Phương pháp thần linh này là một phương thế mà nhờ nó ta tự biến đổi mình để đi vào trong tha nhân, với mục đích thấu hiểu người đó ngay lập tức." [48]

Thứ hai, Schleiermacher không vất bỏ phương pháp giải thích cũ, nhưng hệ thống hóa, và rồi phát triển nó. Ðồng thời, như đã nói, ông dung hợp phương thế giải thích theo văn phạm với lối giải thích theo tâm lý (mà đôi khi ông còn gọi là lối giải thích thần linh). Như vậy, TDH được coi như là một nghệ thuật cũng như là một nền khoa học nhắm tái dựng cái mà nó vốn phải là (how it really was). Richard R. Niebuhr, một nhà thần học của ÐH Harvard, từng nhận xét khá đúng về nền TDH của Schleiermacher như sau: "Ðối với Schleiermacher, tác động chuyển nghĩa tự nó đã là một cái chi mang cá tính, và sáng tạo cũng như khoa học. Nó là một sự tái kiến tạo cái tự ngã của người nói hay người viết có tính cách đầy hình ảnh (imaginative). Một cố gắng tự linh cảm (empathy) phải vượt xa khỏi những nguyên lý của nền khoa học tu từ học và đi vào cái lãnh vực của nghệ thuật." [49]

Thứ ba, Schleiermacher không chỉ dừng lại nơi các văn bản. Ông đòi hỏi người giải thích phải nắm vững tất cả quá trình diễn biến cũng như khả thể, và giới hạn của sự hiểu biết của chúng ta. Như chúng tôi đâ nhấn mạnh đến bối cảnh, lịch sử của cuộc sống, nơi đây chỉ cần bàn thêm về "khả thể cũng như giới hạn" của sự hiểu biết của con người. Ta biết, theo Kant, điểm quan trọng nhất trong sự hiểu biết chính là cái khả năng nhận thức của con người (faculty of knowing). Chính vì thế mà nhà triết học này muốn khám phá ra cái khả thể, cũng như những hạn chế của trí năng trong tập sách kinh điển Phê Phán về Lý Trí Thuần Túy của ông. Bị ảnh hưởng của Kant, Schleiermacher cũng có những đòi hỏi tương tự, và ông quả quyết là ta không thể hiểu nổi những đoạn văn vượt khỏi khả năng của chúng ta. Một thí dụ cụ thể, một em bé cấp tiểu học không thể hiểu nổi nguyên lý tương đối của Albert Einstein (bởi vì em chưa có đủ khả năng), y hệt như một người Việt chưa từng học Nga ngữ không thể đọc, đừng nói hiểu nổi những tác phẩm viết bằng Nga ngữ của các đại văn hào như Leo Tolstoi, Andre Chesnov, Boris Pasternak, vân vân.

Nói tóm lại, để có thể giải thích một đoạn văn, một biến cố lịch sử, một lối hiểu hay suy tư của con người, chúng ta cần phải hội đủ những điều kiện như thấu suốt bối cảnh lịch sử, nắm vững quy luật kết cấu (văn phạm), nhận ra tất cả quá trình phát sinh và diễn biến, và lẽ tất nhiên ta phải nhìn ra được tất cả những bộ phận của toàn thể, quy luật cấu kết của chúng. Một sự phân tích (hay mổ sẻ) kỹ càng không thể bỏ sót bất cứ điều kiện nào như đã nói trên. Ðiểm thiếu sót trong những lý thuyết trước TDH, đó là mỗi lý thuyết chỉ nhìn ra một khía cạnh, hay chỉ phát hiện một số quy luật, nhưng chưa nhìn ra được cái toàn thể, quy luật cấu tạo (kết cấu) khiến các bộ phận tự cấu thành toàn thể. Nhưng có phải là chính quy luật tạo ra ý nghĩa? Có phải là chính văn phạm xác định ý nghĩa của câu nói? Ngay từ thời Locke, người ta đã hiểu như vậy: sự hiểu biết là nhìn ra sự vật hay sự kiện theo một quy luật, hay trật tự nhất định. Chính Wittgenstein cũng nghĩ như thế khi ông đồng nghĩa hiểu biết với tuân theo quy luật. Ta hiểu toán học là vì ta nắm được những quy luật cuả nó. Ta hiểu cờ tướng không phải là ta chỉ nhận ra được những ký hiệu (tiếng Tầu) in trên mỗi con cờ (thí dụ như tốt, mã, pháo, xe, tượng, sĩ, vương...), mà còn nắm vững được quy luật chơi cờ. Thực ra, nếu giải thích hiểu biết qua việc nắm vững được quy luật (hay văn phạm), thì một sự hiểu biết như vậy vẫn chưa đủ. Một người có thể là một kiện tướng trong làng cờ tướng, nhưng chưa chắc ông đã hiểu được mục đích của ván cờ; và chắc hẳn ông không thể bảo đảm nắm vững được cái cảm giác của người đương đánh cờ. Nói một cách khác, cái ý nghĩa của ván cờ tướng không phải bị (và không thể bị) hạn hẹp trong sự hiểu biết quy luật của trò chơi, mà còn trong cả thế giới sống của những người tham dự vào ván cờ. Tại Việt Bắc, vào mùa xuân, mùa hội, chúng ta có những ván cờ người. Ý nghĩa của ván cờ người chỉ có thể hiểu được trong chính cách sống, cũng như trong bầu khí của ngày hội, và nhất là hiểu được cái lịch sử của một cuộc chơi như vậy.

2.4. Ý và Nghĩa

Thực vậy, nếu ý nghĩa hạn hẹp trong sự hiểu biết quy luật, trật tự, thì đó chưa phải là thấu hiểu. Ta mới chỉ hiểu nghĩa, chưa phải là hiểu ý, đừøng nói đến hiểu được ý nghĩa của câu nói, hay của cuộc chơi. Như chúng tôi đã phân biệt hai từ giải thích và giải nghĩa, nơi đây chúng tôi xin được phép bàn thêm về từ ý và nghĩa trong ngữ học, đặc biệt trong ngôn ngữ Viễn Ðông. Như chúng ta thường hay dùng ý nghĩa đẽ diễn tả nội dung của một từ, một ngữ, hay một câu nói, một hành động. Thực ra ý nghĩa bao gồm hai yếu tính: ý và nghĩa. Chúng tôi tạm giải thích ý nghĩa từ hai phương pháp phân tích của ngữ học và phương pháp giản quy (reduction) của hiện tượng học. [50]

Theo ngữ học, nếu lấy từ ngữ tương tự trong ngoại ngữ, ta thấy chữ  ý tương đương với sense và nghĩa với meaning. Ý nói lên chính nội dung của sự vật mà chúng ta không thay đổi hay thêm thắt chi vào được. Thí dụ con chó là con chó, con mèo là con mèo. Trong khi nghĩa, là cái nội dung mà ta thêm vào, hay biến đổi cho phù hợp với cuộc sống, cảm giác của chúng ta. Như vậy ta mới hiểu được lối diễn tả bình dân "con cóc là cậu ông Trời", hay chú chó, cô mèo, bác trâu, vân vân. Từ lối nhìn hiện tượng học, ý chỉ cái ý hướng vốn sẵn có trong chủ thể, hay cái ý hướng mà chủ thể đương hướng tới (intention, intentionality). Thành thử, ý luôn liên hệ với mục đích, mục tiêu mà từ ngữ hay câu nói, hay tác phẩm này muốn diễn đạt. Trong Hán ngữ, chữ ý bao gồm chữ âm (thanh) và chữ tâm, muốn nói lên cái tâm tư. Tương tự khi giải thích chữ nghĩa, chúng ta cũng có thể nhìn từ khía cạnh ngữ học hay hiện tượng học. Theo ngữ học, chữ nghĩa nói ra một sự diễn biến của ý. Ý chỉ có thể nhận ra được khi được người nói (chủ thể) diễn tả trong một nguồn, mạch, hay văn bản, hay văn hóa nào đó. Trong Hán ngữ, chữ nghĩa bao gồm ba tự, nhưng quan trọng nhất là chữ tôi (ngã) và hành vi liên kết (chữ vương bao gồm hành vi liên kết trời, đất và con người). Trong hiện tượng học, chính hành vi của người nói, chính ý hướng của ông, chính lối sống, và thế giới sống của ông, đã tạo ra cái nghĩa. Và như vậy, hành động (hay tác động) cũng như ngôn ngữ ông đương nói chỉ có nghĩa trong những nguồn mạch trên. Một ví dụ về câu nói xem ra rất ngược ngạo: "Có con rồi mới có cha. Có cháu giữ nhà rồi mới có ông". Câu nói này theo ngữ cấu là một câu nói vô nghĩa, nhưng theo hiện tượng học, cái nghĩa của câu nói không nằm trong mạch văn, nhưng trong cái mạch của xã hội nông thôn, và duy nam tính trọng nam khinh nữ. Giá trị của người bố, của người ông, chính là việc họ có "con đàn cháu đống" để nối dõi tông đường.

Khi phân biệt ý ra khỏi nghĩa, và khi chủ trương, một câu nói chỉ có thể hoàn toàn hiểu được nếu cà ý lẫn nghĩa đều hiểu được, chúng tôi muốn nhấn mạnh đến sự bất toàn của mỗi bộ môn khoa học tách biệt, hay học khoa. Thông diễn học nhắm tới một sự hiểu biết cả ý lẫn nghĩa, nên đòi hỏi một sự nhận thức toàn diện. Và như vậy, TDH đòi hỏi cả giải thích lẫn giải nghĩa. Nếu giải nghĩa dựa theo cái ý, thì giải thích dựa theo cái nghĩa. Và như vậy, giải nghĩa không hoàn toàn đồng nhất với giải thích. [51] Ðể bạn đọc nhận ra một cách rõ ràng sự khác biệt này, chúng tôi xin được giải nghĩa lý do tại sao chúng tôi nhấn mạnh đến sự khác biệt giữa ý và nghĩa, và giữa giải thích và giải nghĩa. Trong phần này, chúng tôi dùng chữ ý nghĩa theo thói quen của người Việt, tuy rằng trên thực tế đó là cái nghĩa chứ không phải là cái ý.

Thứ nhất, ý nghĩa của cùng một từ ngữ, một ngôn ngữ, hay một văn tự không nhất thiết đồng nhất. Thí dụ, khi ta nói "bố mày", thì ngôn từ này khác với ngôn tự, tức chữ viết ra "bố mày", và khi ta đổi giọng, thì nó mang nghĩa hoặc chửi tục (giọng cao, mạnh), hoặc lời ca thán (giọng ai oán).

Thứ hai, cùng một từ ngữ, khi dịch sang ngoại ngữ, nó sẽ hoặc mất nghĩa, hoặc đổi nghĩa, hoặc vô nghĩa. Câu chửi "mẹ mày" nếu dịch sang một ngoại ngữ khác với thế giới sống của người Việt sẽ biến thành vô nghĩa. Người Mỹ sẽ không hiểu gì khi nghe ta nói "Thy mother !", nhưng người Tầu lại rất có thể hiểu được, đó là câu chửi tục, bởi lẽ cái thế giới sống của họ rất gần với người Việt. Họ cũng chửi tục gần giống như lối chửi của người Việt (mà người Tầu đùa dỡn gọi là "Tam Tự Kinh" (tức câu chửi tục mang dạng 3 chữ, thí dụ "cái mẹ mày!").

Thứ ba, ý nghĩa của câu nói, hay một từ ngữ không nhất thiết đồng nhất với nhau (như những người chủ trương ngôn ngữ thực chứng, positivist language, nhận định). Ýù nghĩa câu nói có thể nằm ở bên ngoài, trong mạch văn xã hội, văn hóa. Thí dụ chữ "Chúa tôi" mang nghĩa Thiên Chúa đi với người theo đạo Thiên Chúa, nhưng lại có nghĩa một vị quyền uy trong một hệ thống chính trị (Vua Lê, Chúa Trịnh), hay chỉ mang nghĩa "ông chủ" như trong chế độ phong kiến, hay chỉ là một lời ca thán, một biểu tả kinh ngạc. [52] Cùng một chữ Chúa như vậy, nhiều khi chẳng có nghĩa gì (như trường hợp chửi tục, hay những thói quen thốt lời ca thán, kinh ngạc, buồn phiền khi gặp những chuyện bất thường).

Thứ tư, ý nghĩa do đó có thể là tự nhiên (natural), có thể là do ta gán ghép vào, tức nhân tạo (artificial). Ý nghĩa cũng có thể được cấu tạo theo quy luật duy lý, nhưng cũng rất có thể tùy tiện (arbitrary, random). Như chúng ta thường thấy,ï đa số ký hiệu, mật hiệu, tín hiệu là do chúng ta cấu tạo, tức gán ghép một ý nghĩa nào đó cho một sự vật, một động vật, hay một con dấu, một hình ảnh, vân vân. Ta gán ý nghĩa hòa bình cho con chim bồ câu, trái tim cho tình yêu, búa liềm cho đảng Cộng Sản (búa biểu hiệu giai cấp công nhân, trong khi liềm giai cấp nông dân), vân vân. Tất cả những biểu tượng (như lá cờ) đều là do sự cấu tạo từ hình (tượng hình, tức image), từ ý (tượng ý, meaning), từ thanh (tượng thanh, sound) và từ sự tổng hợp của các ý khác nhau vào một ý mới (hội ý). Chú ý, đây cũng là nguyên tắc chung mà các nhà ngữ học Hoa áp dụng để kết cấu những chữ (tự) mới. [53]

Thứ năm, ý nghĩa của tín hiệu, hay của ngôn ngữ sẽ hoặc biến mất (khi áp dụng vào trong một xã hội khác, một trò chơi khác, hay do người khác nhau sử dụng), hoặc biến đổi, hoặc thay đổi phần nào. Ðó có nghĩa là, ý nghĩa của hiệu sẽ biến mất, hay biến nghĩa, hay thêm nghĩa, giảm nghĩa tùy thuộc vào sự chấp nhận của cộng đồng, vào cách sống, và vào sự thiết yếu cho cuộc sống của cộng đồng này.

Hiểu ý nghĩa như vậy, ta thấy rằng cái ý nghĩa của một câu nói, một vần thơ, một áng văn, một câu truyện, hay một huyền thoại... phải tùy thuộc những điều kiện, đại khái, như sau:

- Ngôn ngữ đó phải phản ánh cái thế giới sống (công cộng) hay cái thế giới của một chủ thể, tức tính chất riêng tư (private) của ngôn ngữ. Nói cách khác, ta phải nhận ra được cái tính chất riêng tư hay tính chất công cộng của ngôn ngữ.

- Ý nghĩa của ngôn ngữ cũng thay đổi, tùy thuộc mỗi loại ngôn ngữ. Thường ta phân ngôn ngữ ra các loại như ngôn tự (written language), ngôn từ (speech) và ngôn thoại, hay tác động nói (speech act). Ngôn ngữ thông thường mang tính chất tĩnh (như chữ viết, ký hiệu, dấu hiệu, biểu hiệu, tức văn bản). Và đây là một ngôn ngữ thường thấy trong các văn bản, tài liệu, hay nghệ thuật. Tính chất tĩnh nói lên sự bất động của nó trong hình thức, và nội dung của nó không phải tự nó, nhưng do người sử dụng, hay người đọc hay nghe, gán cho nó. Cùng một chữ khi viết ra (tự), và khi nói ra (từ) rất có thể mang ý nghĩa khác nhau. Ý nghĩa của ngôn tự thường nằm ngay trong văn bản, trong khi ý nghĩa của từ ngữ, tức khi được "nói ra" (ngôn từ), thường gắn liền với điều kiện không gian và thời gian hiện hữu (hic et nunc), với tâm lý của người nói và người nghe. Ta có thể nói mà không sợ sai, đó là sự kiện nghe một giáo sư thuyết giảng trong giảng đường đại học, khác với nghe ông thuyết trình trên đài phát thanh, và càng khác với những đoạn văn ông trình bày trong giáo trình. [54] Ngôn từ thường sống động hơn. Tất cả những tác động liên quan tới ngôn từ ta gọi là ngôn ngữ tác động, tức nói ra, nói lên. Ý nghĩa của nó thường linh động nhưng không có chiều sâu, dễ hiểu nhưng dễ quên.

- Ý nghĩa của ngôn ngữ bị xác định bởi chính cái thời tính của nó, và nhất là bởi cái vai trò, công năng khi ta sử dụng. Do vậy ta có thể tùy theo các giai đoạn (thời tính) cũng như công năng màø hiểu được ý nghĩa của ngôn ngữ. Trong lối phân tích của ngôn ngữ Tây phương, ta thấy có các giai đoạn sau: giai đoạn tu từ (philological moment), tức giai đoạn cấu tạo ngôn ngữ, đi tìm ngôn ngữ, vân vân. Giai đoạn thứ tới là giai đoạn phê phán (critical moment), tức giai đoạn chọn lựa những từ ngữ sát với nội dung, phản ánh thực thể một cách trung thực. Giai đoạn thứ ba là một giai đoạn tâm lý (psychological moment). Trong giai đoạn này, ngôn ngữ phản ánh cái tâm trạng, tình cảm, cũng như những yếu tố ảnh hưởng tới tình cảm. Chúng ta bắt đầu kiến cấu những ký hiệu để biểu tả tâm lý. Những lối biểu tả qua ký hiệu về tình trạng cảm tính này thường là tán thán tự, tĩnh tự, hay vấn tự như "!", "?", vân vân. Tĩnh tự (adjectives) theo đúng nghĩa của nó, tức thêm thắt vào. Một ngôn ngữ càng súc tích, càng đẹp, làm chúng ta dễ cảm động là ngôn ngữ biết dùng những hình ảnh sinh động, đánh động tâm lý con người. Một ngôn ngữ như vậy thường là một ngôn ngữ tinh vi biết áp dụng tĩnh từ, động từ, tán thán tự, nghi vấn tự một cách khéo léo vào đúng chỗ, đúng thời, và đúng người. Giai đoạn cuối là một giai đoạn kỹ thuật và hình thái (technical-morphological moment): ta phải dúng loại hình thái (morphe, tiếng Hy lạp có nghĩa là hình thức, hình thái) nào, và phải dùng kỹ thuật nào mới có thể tạo ra được kết qủa mong muốn.

- Ý nghĩa của câu nói không cố định, nhưng luôn biến chuyển qua một quá trình được kiến cấu, phê bình hay phản tỉnh, và tái nhận thức, qua sự tái duyệt lại. Thế nên, mỗi câu nói, để có thể hiểu tận ngọn ngành, cần phải qua một quá trình rất phức tạp, và được cấu tạo trong cả một lịch sử lâu dài. Khi chúng ta nghe và hiểu ý nghĩa của câu nói, xem ra chớp nhoáng trong trí phán đoán, nhưng thực ra đó là kết qủa của cả một quá trình, lịch sử, bối cảnh... mà chúng tôi vừa diễn tả trên, tức qua các giai đoạn kiến cấu, phê bình, và tái nhận thức. Chính vì thế mà, để hiểu được ý nghĩa, ta cần một lối hiểu biết như trên, mà ta có thể gọi là một lối hiểu biết tái nhận thức chính mình (recognitive - understanding for its own sake)

- Ý nghĩa của câu nói chỉ hoàn toàn nắm được nếu nó được người nói truyền thông cho người nghe, mà người nghe cũng hiểu được cùng một ý nghĩa như vậy. Thế nên, ta có thể nói, một câu nói có ý nghĩa (to make sense) nếu nó truyền được cái ý của người nói cho thính giả, hay khiến thính giả tự nhận thức ra được cái ý nghĩa đó. Nói cách khác, mỗi người nghe tự mình đã và đương làm một công việc tái chuyển nghĩa (reproductive interpretation) bằng lấy chính cái kinh nghiệm sống của mình thông tin cho người khác, và lấy kinh nghiệm của người khác để hiểu mình (communicating some experience).

- Hiểu biết ngôn ngữ cho đến nơi đến chốn, không phải chỉ trên lý thuyết. Một y sinh có thể biết rất nhiều căn bệnh, nhưng khi khám bệnh nhân, không tìm ra cũng không chữa được bệnh, khó có thể được coi như là một y sĩ hiểu biết nghề mình. Nói theo ngôn ngữ triết học đông phương, một sự hiểu biết đích thực luôn đòi hỏi "tri hành hợp nhất". Tri luôn có mục đích áp dụng, hay giúp ta hành động (normative application - guidance for action). Và chỉ như thế, tri mới có thể được gọi là tri thức. [55]

 

Chú Thích:

[37] Thí dụ, khi giải thích (giải nghĩa) những áng thơ của Hồ Xuân Hương, hay ngay cả của Nguyễn Du, ta thường thấy mỗi câu thơ đều có hàm ý súc tích, khiến người nghe có những ý nghĩ không hẳn giống ý nghĩ của thi nhân. Trong thơ văn, một xúc động như thế được ta gọi là "cảm hứng". Trong âm nhạc ta cũng thấy có nhiếu tuyệt tác phát xuất từ những cảm hứng như vậy. Những bản Vũ Khúc Hung Gia Lợi (Hungarian Dances) của Brahms, bản thánh ca Lạy Mẹ Maria (Ave Maria) của Gounot, bản Hoà Tấu Hoàn Tưởng (Symphonie phantastique) của Hector Berlioz, vân vân, đều được viết ra từø những cảm hứng khi những đại nhạc sĩ trên nghe những bài ca khúc khác của dân gian, tấu khúc của Bach, hay bản kinh Cầu Hồn (Requiem) của thời Trung Cổ...

[38] Roman Jakobson, Six Lectures on Sound and Meaning. Bản dịch Anh ngữ của John Mepham (Cambridge: MIT Press, 1978). Cũng xin tkh. cùng tác giả: Essais de linguistique générale (Paris: Minuit). Tập sách này được Giáo sư Trần Ðức Thảo rất trân trọng trong tác phẩm về ngôn ngữ và ý thức của ông. Xtkh. Trần Ðức Thảo, Recherches sur l'origine du langage et de la conscience (Paris: Editions sociales, 1977), ctr. 61 và tiếp theo (vtth). Bản dịch Việt ngữ của Ðoàn Văn Chúc (theo ấn bản năm 1973): Tìm Cội Nguồn của Ngôn Ngữ và Ý Thức (Hà Nội: Nxb Văn Hóa Thông Tin, 1996). Ðây là một bản dịch rất công phu, nhưng vẫn còn vướng vào nhiều sai lầm về những thuật ngữ, và nhất là có nhiều đoạn quá tối tăm, khó hiểu.

[39] Theo Giáo sư Cao Xuân Hạo, signifié (signified) cũng có thể dịch là trong khi signifiant (signifying) là.

[40] Ferdinand de Saussure, Cours de linguistique générale. Do C. Bally và A. Séchehaye xuất bản (Genève, 1916).

[41] Trong bất cứ ngôn ngữ nào, chúng ta cũng thấy chúng biến đổi theo một quy luật tương tự. Trâu bò là biểu hiệu của đức tính chăm chỉ, nhẫn nại (được lấy làm biểu tượng cho SEA Games (2003); nhưng cũng là một ám hiệu chỉ sự ngu độn (ngu như bò); hay là dấu chỉ của sự lạc hậu (cho đến nay mà vẫn chưa canh tân nông nghiệp...), vân vân.

[42] Xtkh. Noel Mouloud, Les Structures - La Recherche et le savoir (Paris: Payot, 1968), p. 9: "Nous donnerons au terme de "structure" le contenu objectif, logique qui correspond à l'usage des sciences, et nous partirons de cette base objective pour introduire dans ce terme une compréhension philosophique ou phénoménologique: ce qui sera relier les caratéristiques structurales aux visées et aux épreuves de la pensé rationelle, et finalement les rapporter au projet fondemental de la connaissance qui transporte les thèmes de toute expérience au niveau des déterminations objectivables et des formes thématisées."

[43] Ludwig Wittgenstein, Philosophical Investigations. Bản dịch Anh ngữ của G. R. M. Anscombe (London: Basil Blackwell, 1958), 37: I, 237. Về sự đồng nhất giữa hiểu biết và giữ luật, xin xem thêm: Peter Winch, The Idea of a Social Science and Its Relation to Philosophy (London: Routledge & Kegan Paul, 1958), ctr.24 vtth. Bản dịch Việt ngữ của Trần Văn Ðoàn, Ý Niệm về Một Nền Khoa Học Xã Hội và Tương Quan của Nó với Triết Học (đương sửa soạn xuất bản).

[44] Ðể tránh những tranh luận mất giờ về ý nghĩa của các thuật ngữ kết cấu, cơ cấu, hệ thống, chúng tôi xin được giải nghĩa lý do tại sao chúng tôi chọn lựa các thuật ngữ trên như sau. Cơ cấu được dịch từ chữ organ. Chữ organ (La ngữ: organum) chỉ cơ thể, hay một bộ máy hoàn toàn độc lập, tự phát động. Tổ chức theo hệ thống của cơ thể tức là cơ cấu. Thế nên chúng ta có organization (tổ chức giống như cơ thể, nên gọi là cơ quan), organ (đại phong cầm, một loại nhạc khí đầy đủ nhất, bao gồm mọi nhạc khí khác), vân vân. Cơ cấu do đó tác động giống như cơ thể (organic thấy trong lý thuyết của d'Holbach) hay giống như một bộ máy (mechanical) mà ta còn gọi là cơ khí (thấy trong lý thuyết của Newton). Tiếng Organon (Cơ Cấu) đã từng được Aristotle xử dụng (tên một bộ sách) và vào thời Cận Ðại, triết gia người Anh, Francis Bacon lại sử dụng với bộ sách dưới tựa đề Novum Organon. Kết cấu dịch từ chữ structure.

Trong giới chuyên gia ngữ học tại Việt Nam (như Gs Cao Xuân Hạo) từng bị ảnh hưởng của Ferdinand de Saussure, từ structure cũng được dịch là cấu trúc. Tuy cấu trúc sát nghĩa hơn là cơ cấu (từ dịch của một số Giáo sư tại ÐH Sài Gòn trước 1975, đặc biệt của Gs Nguyễn Văn Hảo và Gs Trần Thái Ðỉnh), nhưng từ cấu trúc chỉ nói lên được tính chất tĩnh, mà chưa biểu tả được một cách hoàn toàn tính chất động của ngôn ngữ, và nhất là sinh hoạt kết nối con người.

Theo Ferdinand de Saussure, ngôn ngữ bao gồm cả hai tính chất: động hay biến động (diachronique, còn gọi là ngữ học lịch đại) và tĩnh mang tính chất đồng hợp (synchronique, còn gọi là ngữ học đồng đại). Ta biết, một kết cấu có thể tự nhiên, không do ta thao tác. Tuy vậy, đa số kết cấu là do con người tạo ra, thí dụ như trong nền kiến trúc, hay ngay cả trong sáng tác luận văn. Nhưng ngay cả một kết cấu tự nhiên tự nó cũng chưa đủ. Nó phải được nối kết với những kết cấu khác để tạo ra một kết cấu mới đầy đủ, vững chãi và bền bỉ hơn. Thí dụ kết cấu của đại học là một kết cấu (tổ chức) lớn bao gồm các kết cấu (tổ chức, sinh hoạt) nhỏ như (1) cộng đồng (kết cấu) tri thức (academic structure), (2) cộng đồng đạo đức (Students Affaires, tôn ti, trật tự, thầy trò), và ngày nay (3) tổ chức kinh doanh (financial structure hay general affairs), vân vân. Hệ thống dịch từ từ system. Một hệ thống có thể là tự nhiên, có thể do nhân tạo. Một hệ thống có thể do một nguyên lý nào đó ràng buộc và hướng dẫn. Nhưng đã là hệ thống, nó phải (1) nhất quán (consistent), (2) bổ xung (reciprocal), (3) tạo ra một kết cấu cố định (mà ta gọi là hệ thống), và quy luật (hay logic) ràng buộc tất cả mọi thành phần trong hệ thống. Thí dụ chúng ta có hệ thống triết học của Hegel, của Marx, cùa Aristotle, vân vân.

[45] Theo Heidegger và Bultmann, lịch sử (history) ghi lại những sự kiện đã xẩy ra, trong khi sử (Geschichte) ghi lại cái thế giới ý nghĩa cho con người. Geschichte (sử) luôn gắn liền với định mệnh con người, tức Geschick. Thế nên, lịch sử tính nói lên chính cái ý nghĩa của sự hiện hữu của con người. Áp dụng vào trong Thánh Kinh, Bultmann chủ trương nghiên cứu Ðức Giêsu gồm hai loại khác nhau: Giêsu lịch sử (historische Jesus), tức một con người có thật trong lịch sử, và Giêsu của đức tin cứu độ (kerygma), tức Ðức Kitô trong cái sử tính của mỗi người. Ông nghiêng về lối nhìn sau.

[46] Trong các tác phẩm quan trọng như Les Structures élémentaires de la parenté (Paris: Presses Universitaires de France, 1949), Tristes tropiques (Paris: Plon, 1955), La Pensée sauvage (Paris: Plon, 1962), Le cru et le cuit (Paris: Plon, 1964), và nhất là trong tác phẩm đại biểu Antrhopologie structurale (Paris: Plon, 1964), Lévi-Strauss chủ trương kết cấu xã hội (dân học) giống như kết cấu toán học (bởi vì chúng cùng theo quy luật như nhau, 4 quy luật, tr. 306), thế nên những hình mẫu của chúng thường là hoặc cơ khí, hoặc thống kê (ctr. 311 vtth.) Sự thiếu sót của Lévi-Strauss từng được chính ông công nhận sau này, đó chính là sự việc ông vẫn chưa thoát ly khỏi lối nhìn của Galileo, chủ trương cho rằng cấu kết của thế giới mang tính chất và hình thái toán học (mathesis universalis).

[47] Trên thực tế, Ferdinand de Saussure chủ trương ngôn ngữ kết cấu theo phương hướng đồng hợp (synchronique). Chú ý là de Saussure không có dùng tới từ kết cấu (structure). Theo de Saussure, ngôn ngữ luôn cấu kết theo quy luật cân bằng. Luật này phát huy trên các yếu tố (éléments), và vào một giai đoạn lịch sử nào đó, phát sinh ra hệ thống đồng hợp (système synchronique). Bởi lẽ trong ngôn ngữ có sự tương quan giữa dấu hiệu (signe) và ý nghĩa (signification), và bởi lẽ các ý nghĩa luôn tương quan với nhau, nên hệ thống ngữ học là một hệ thống của những đối nghịch và khác biệt. Ông gọi hệ thống là đồng hợp bởi lẽ những tương quan các ý nghĩa luôn gắn bó với nhau: "Ngôn ngữ đồng hợp chú trọng tới những quan hệ luận lý và tâm lý khiến những cụm ngữ gắn liền với nhau, và tạo thành một hệ thống trong tâm trí chung của người nói." Cours de linguistique générale, sđd., tr. 99.

[48] Friedrich Schleiermacher, Hermeneutik, do Heinz Kimmerle chb. (Heidelberg: Carl Winter Universitaetsverlag, 1959), tr. 109.

[49] Richard Reinhold Niebuhr, Schleiermacher on Christ and Religion : A New Introduction (New York: Scibner’s, 1964), tr. 82.

[50] Phương pháp giản quy (epoche, reduction) bao gồm ba giai đoạn: giai đoạn phân cách, giai đoạn giản lươc, và giai đoạn quy tụ về một điểm (hay nhiều điểm) chính mà ta gọi là bản chất (Wesen, essence). Chúng tôi tạm dịch là giản quy (giản lược và quy tụ). Trong nhiều đoạn, reduction (ngược với deduction) được dịch là giảm lược, hay giảm trừ (ngược với induction, quy nạp).

[51] Ðể tránh ngộ nhận, chúng tôi cũng cần phải nói thêm là chữ nghĩa nơi đây không mang cái ý nghĩa của "nghĩa" trong đạo đức (thí dụ nghĩa vụ, tình nghĩa, nhân nghĩa, đạo nghĩa), mặc dù viết giống nhau. Hán ngữ  "ý nghĩa" (yì yì) thường dùng để dịch từ meaning, và như vậy chỉ có mộït nghĩa. Ðây là cái lấn cấn của các nhà ngữ học Trung Hoa hiện đại khi họ không phân biệt được sense (ý) khỏi meaning (nghĩa). Có thể là do họ bị ảnh hưởng của chủ thuyết ngữ học nguyên tử (linguistic atomism), hay thực chứng luận lý (logical positivism) nên đồng nhất sense với meaning (như thấy trong trường hợp của Wittgenstein trong tác phẩm Tractatus logico-philosophicus.

[52] Từ thời Minh, Thanh những gia bộc thường gọi mỗi ông hoàng mà họ phục vụ là "Chủ" (hay là Chúa, hai chữ viết giống nhau), và tự hạ mình xuống là "nô tài". Chính vì phong tục này, khi xưng hô Chúa Trời, người Tầu thêm vào chữ Thiên, tức Thiên Chúa (do vua Khang Hy chấp nhận và đặt tên cho ngôi giáo đường đầu tiên tại Bắc Kinh tại cửa Bắc Thành là Thiên Chúa đường).

[53] Trong Hán (Hoa) ngữ, chữ viết (tự) được cấu tạo theo những cách thế sau: (1) tượng hình tức bắt chước hình tượng (văn), hay góp hình và tiếng (tự), (2) tượng sự hay chỉ sự tức theo cách thế xuất hiện của sự vật như các chữ thượng, hạ, trung..., (3) tượng ý hay hội ý tức tổng hợp các ý thành một ý mới, thí dụ chữ cổ bao gồm chữ khẩu (tức nói ra) và chữ thập (tức mười). Nói ra 10 lần (nhiều lần) thì đã là cũ kỹ rồi), (4) tượng thanh hay hình thanh, thí dụ chữ giang gồm chữ thủy và chữ công, tức làm nước chảy (5) chuyển chú tức thay đổi hình dạng chữ có sẵn như chữ lão (già) ra chữ khảo (sống lâu) và (6) giả tá, tức dùng cùng một tự (chữ) nhưng nói ra ý nghĩa khác, hay tương tự (từ ngữ), như chữ trường (dài) cũng hiểu được là chữ trưởng.

[54] Như chúng ta biết, những văn bản của Kant rất khó hiểu. Nhưng những lớp học của triết gia lại rất sống động vì bài giảng dễ hiểu. Tương tự như vậy ta cũng thấy nơi Heidegger. Trong triết học Ðông phương ta cũng thấy sự khác biệt giữa văn tự và văn ngôn. Hồ Thích là một trong những nhà cải cách ngôn ngữ đầu tiên của Trung Hoa, khi ông chủ trương văn ngôn thay thế văn tự cũ.

[55] Khổng Tử nhận định, một nền tri thức chân thật phải đạt tới chí, trung và hòa. Trong Ðại Học, ngài nói: "Vật cách nhi hậu tri chí. Tri chí nhi hậu ý thành. Ý thành nhi hậu tâm chính. Tâm chính nhi hậu thân tu. Thân tu nhi hậu gia tề. Gia tề nhi hậu quốc trị. Quốc trị nhi hậu thiên hạ bình."

 

Trần Văn Ðoàn

Khoa Triết Học, ÐH Quốc Gia Hà Nội, 2004

 

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page