Thánh Lễ Bế Mạc Khóa Họp
Thượng Hội Ðồng Giám Mục Mỹ Châu
(12/12/1997)

Prepared for internet by Msgr. Peter Nguyen Van Tai
Radio Veritas Asia, Philippines

Kết thúc khóa họp Thượng Hội Ðồng Giám Mục về Châu Mỹ (12.12.97).

Chiều thứ năm vừa qua, ÐTC Gioan Phaolô II tham dự buổi họp chung cuối cùng của Thượng Hội Ðồng Giám Mục Mỹ Châu. Buổi họp nầy là như một cuộc gặp gỡ thân mật để các nghị phụ trao đổi lời chào biệt và cám ơn.

Trước hết nhân danh tất cả các Nghị phụ và mọi người tham dự Khóa họp này, ÐHY Mahony, một trong ba vị chủ tịch đặc ủy, đã cảm ơn ÐTC. Sau đó ÐTC nói những lời kết thúc và nhắc lại tất cả công việc đã làm trong những tuần vừa qua. Ngài vui mừng vì đã được tham dự hầu hết các buổi họp chung và ngài bày tỏ sự hài lòng về các công việc đã làm. Trong buổi họp kết thúc này, còn có những lúc hào hứng, gây an vui cho mọi người, nhất là lúc ÐHY Jan Schotte, Tổng thư ký Tổng Hội Ðồng Giám Mục thế giới, hỏi các Nghị phụ: Ai trong các ngài đã tham dự tất cả các khóa họp của Công Ðồng Chung Vatican 2. Lập tức ÐTC giơ tay. Mọi người vỗ tay hoan hô. Rồi câu hỏi thứ hai: Ai trong các ngài đã tham dự 16 Khóa họp của Thượng hội Ðồng Giám Mục đã được cử hành từ khi thành lập Thượng Hội Ðồng Giám Mục cho đến lúc này. Và ÐTC lại giơ tay một lần nữa. Tất cả đều đứng lên vỗ tay rất lâu để chào mừng ÐTC chiếm giải vô địch tham dự các cuộc họp.

Sáng thứ sáu 12/12, Ngày Lễ Kính Ðức Bà GUADALUPE, quan thầy của Châu mỹ, Khóa họp đặc biệt của Thượg Hội Ðồng Giám Mục về Châu Mỹ đã kết thúc với thánh lễ đồng tế trọng thể do ÐTC chủ sự, lúc 10g30, trong Ðền thờ Thánh Phêrô.

Cùng đồng tế với ÐTC có 41 Hồng Y, 81 Tổng Giám Mục , 98 Giám Mục và 76 Linh Mục. Trong khi ÐTC và các vị đồng tế tiến đến Bàn thờ, Ca đoàn hát bài "Salve Mater Misericordiae" (Kính chào Mẹ của lòng thương xót). Trước Phép lành kết thúc Thánh lễ, Ca đoàn và mọi người tham dự thánh lễ hát kinh Magnificat để cảm tạ Thiên Chúa, trong lúc đó 8 em nhỏ nam nữ thuộc các nước: Ecuador, Argentina, Chile, Perù, Hoa kỳ, Mehico, Canada, đại diện cho 34 quốc gia của Châu Mỹ dâng hoa trước ảnh Ðức Mẹ Guadalupe được đặt bên cạnh bàn thờ.

Giảng trong Thánh lễ, ÐTC gợi lại lịch sử 500 năm rao giảng Tin Mừng tại Tân thế giới. Từ đó tới nay, Giáo hội lữ hành tại miền đất mới được khám phá và đi vào nền văn hóa của các dân tộc, như Bức ảnh Ðức Mẹ Guadalupe nói lên cho chúng ta biết điều nầy một cách hùng hồn. Ðức Mẹ hiện ra với người dân thổ cư ngay từ đầu việc rao giảng Tin mừng và hiện ra với hình ảnh, mầu da của một người phụ nữ địa phương.

Giải thích bài Phúc Âm lễ Kính Ðức Bà Guadalupe, ÐTC nói: Ngày nay, Cộng đồng Giáo hội tại Châu Mỹ, theo gương Ðức Maria đến viếng thăm bà Elisabetta, cũng lên đường để thực hiện cuộc tái rao giảng Tin Mừng tại Châu này, theo ánh áng và sự thúc đẩy của Chúa Thánh Thần, đã lãnh nhận được trong Khóa họp của Thượng Hội Ðồng Giám Mục này. ÐTC khuyên các vị chủ chăn đừng bao giờ mỏi mệt trong việc rao giảng cho một thế giới đang đói khát Chân lý, tức Chúa Kitô, sự cứu rỗi duy nhất của nhân loại.

ÐTC Gioan Phaolô II cảm ơn các nhà truyền giáo trong 5 thế kỷ qua của lịch sử, đã dấn thân trong việc rao giảng Tin Mừng cho Lục địa này: từ đó phát sinh một truyền thống phong phú với một gia tài ý nghĩa của các dân tộc miền Nam, miền Trung và Miền Bắc Mỹ. Trong các dân tộc này có những khác biệt ngay từ đầu của việc rao giảng Tin Mừng. Nhưng Thượng Hội Ðồng Giám Mục đã đề cao một cách hết sức rõ ràng rằng Phúc âm đã hòa hợp được các dân tộc như thế nào, và các vị tham dự Thượng Hội Ðồng Giám Mục cũng đã cảm nghiệm sự hiệp nhất này, nguồn mạch của tình liên đới huynh đệ. ÐTC không quên nhắc lại những đề tài đã được thảo luận trong Khóa họp và những viễn tượng của việc tái rao giảng Tin Mừng tại Châu Mỹ. Ðối việc tái rao giảng Tin Mừng, sự cộng tác cụ thể giữa các thành phần của Dân Chúa chiếm một sự quan trọng nền tảng.

Trong phần bài giảng bằng tiếng Bồ Ðào Nha, ÐTC nói với các Nghị phụ như sau:

"Từ giã Roma để trở về các giáo phận khác nhau của Châu Mỹ, các Ðức Cha hãy đem theo Phép lành của tôi và chuyển đến các tín hữu, cách riêng các linh mục, các vị cộng tác của các Ðức cha, các Nam, Nữ tu sĩ, các người giáo dân dấn thân làm tông đồ, các thanh thiếu niên, các bệnh nhân và các người già cả. Hãy bảo đảm với tất cả lời cầu nguyện và tình yêu mến của tôi. Xin Chúa Thánh Thần, trong năm dâng kính Người cách riêng này, giúp đỡ chúng ta tiến đến hiệp nhất với nhau nhân danh Chúa".

Nhấn mạnh đến việc kết thúc Khóa họp của Thượng Hội Ðồng về Châu Mỹ trùng hợp với Ngày Lễ Ðức Bà Guadalupe, ÐTC nhắc lại rằng: mấy ngày trước đây các Nghị phụ đã bày tỏ sự ước muốn ngài trở lại hành hương Ðền Thánh của Mẹ Guadalupe tại Mehico, để công bố Văn Kiện Hậu Thượng Hội Ðồng Giám Mục. Nhưng ngay từ lúc này đây, ÐTC xin phú thác cho Mẹ mọi chương trình, mọi ước mong và ngài nói rằng từ lúc này ngài hành hương cách thiêng liêng đến dưới chân Mẹ Guadalupe, như ngài đã thực hiện lần thứ nhất tại đó vào năm 1979, trong chuyến viếng thăm Mehico lần đầu tiên.

Trong phần kết thúc bài giảng, bằng tiếng Tây ban nha, ÐTC dâng lên Mẹ Maria lời cầu nguyện cảm động sau đây: "Lạy Nữ vương hòa bình! Xin hãy cứu vớt các quốc gia và các dân tộc của tất cả Lục địa Mỹ Châu này đang tin cậy rất nhiều nơi Mẹ; xin Mẹ hãy cứu vớt họ khỏi chiến tranh, khỏi thù ghét và khỏi các cuộc khuynh đảo. Xin Mẹ hãy làm cho tất cả, người cầm quyền cũng như người dân, học biết sống trong hòa bình, biết giáo dục mình về hòa bình, và biết làm tất cả những gì mà sự công bình và việc tôn trọng các quyền của mỗi một người đòi hỏi, để hòa bình được củng cố. Lạy Mẹ Maria Nữ Vương, Lạy Mẹ của Niềm Hy vọng, Lạy Mẹ Guadalupe, xin hãy nghe lời chúng con!"

Thánh lễ kết thúc vào lúc 12g30. Sau Thánh lễ, tại Cư xá Thánh Matta, trong Nội Thành Vatican, ÐTC dùng cơm trưa với các Nghị phụ và tất cả các vị đã tham dự Khóa họp THÐ. Trong cuộc gặp gỡ thân mật này, ÐTC tặng mỗi Nghị phụ một chiếc nhẫn giám mục bằng bạc, tác phẩm của nghệ sĩ Floriano Bodini, người miền Varese thuộc Bắc Ý. Chiếc nhẫn mang hình Chúa Chiên Lành, bên trong Huy Hiệu Giáo Hoàng của ÐTC. Nghệ sĩ Bodini là người nổi tiếng quốc tế, và trong nhiều năm, đã là bạn thân của Ðức Phaolô VI. Chính Ðức Phaolô VI đã xin ông thực hiện nhiều tác phẩm. Và Một số tác phẩm nghệ thuật của Ông hiện còn giữ trong Bảo Tàng Viện Vatican.

Và sau đây, để kết thúc bài tường thuật nầy về THÐGM MỸ Châu đã kết thúc sáng thứ sáu vừa qua 12/12, chúng tôi xin trưng lại hai chứng tá do đặc phái viên của Ðài Vatican thu lượm từ nơi các vị tham dự Khóa họp THÐGM này.

Trước hết là chứng tá của Mẹ Giuseppina Fragrasso, Chủ tịch Hiệp hội quốc tế các Bề trên Tổng quyền nữ; bà là phụ nữ duy nhất người Ý hiện diện trong Khóa họp này. Bà nói:

"Ðây là một kinh nghiệm hiệp thông và đối thoại liên lỉ. Ðây là một sự nhìn xa thấy rộng của ÐTC Gioan Phaolô về Thượng Hội Ðồng của Một Châu Mỹ, chớ không phải của các Châu Mỹ. Tôi tin rằng kinh nghiệm này gia tăng chính trong những giao tiếp giữa các giám mục và giáo dân, các vị dự thính nam nữ hiện diện trong Khóa họp. Trong mọi lúc làm việc hoặc nghỉ giải khát, luôn luôn có sự trao đổi liên lỉ, và sự đón nhận nồng hậu các thực tại cho dù rất khác nhau, từ Alaska đến miền Ðất lửa, chóp điểm cuối cùng ỏ miền Nam Argentina, như ÐTC vẫn thường nói. Trong bầu khí hiệp thông này, cho dù Thượng Hội Ðồng Giám Mục là của các Giám mục, nhưng cũng đã có sự đại diện tham dự của các Giáo Hội khác, cũng có cả phong trào đại kết nữa, nghĩa là một sự chú ý đến một thực tại mà Giáo Hội Công Giáo luôn luôn dấn thân thực hiện, trước thềm của Ngàn Năm thứ ba. Có sự hiện diện của cả phụ nữ - dĩ nhiên như các vị dự thính - rồi mấy bà mẹ gia đình nữa, đến từ các thực tại khác nhau của Châu Mỹ, từ Bắc tới Nam; có cả một phụ nữ, đã làm bà rồi, vì có cháu, thuộc Trung tâm Công Giáo Washington, lo về các người Mỹ gốc Phi châu; có cả một phụ nữ giáo dân, một cô làm chưởng ấn của Giáo phận Ðảo Antilles - rồi một nữ ký giả người Bolivia, vừa là bà mẹ vừa là bà vì có cháu rồi. Tất cả các thực tại, các ơn gọi khác nhau này, được hiệp nhất với nhau, trong một thực tại duy nhất: Thượng Hội Ðồng, đề cao rõ ràng Khoa Giáo Hội Học về hiệp thông mỗi ngày mỗi gia tăng, trong khi Giáo Hội dấn thân đối thoại trên mọi cấp bậc".

Chứng từ thứ hai là của một vị giám mục tham dự Thượng Hội Ðồng Giám Mục. Ðó là Ðức Cha Angel Garachana Perez, giám mục San Pedro Sula, bên Honduras. Ðức Cha đã cho biết như sau:

"Cảm giác đầu tiên của tôi là cảm giác không phải về một giáo hội địa phương. mà về Giáo hội hoàn cầu và công giáo (universale e cattolica). Tôi mới làm giám mục từ hai năm nay và đây là cơ hội tốt để tôi quen biết các giám mục khác. Từ Thượng Hội Ðồng này, tôi trở về với một tinh thần hiệp thông giữa tất cả các giám mục; và đây là kinh nghiệm đầu tiên của tôi về sự hiệp thông thực sự. Trở về các giáo phận chúng tôi phải thực hành những giáo huấn của Thượng Hội Ðồng Giám Mục, trong những gặp gỡ và cộng tác huynh đệ".

Ðược hỏi về các vấn đề đã được tranh luận trong Thượng Hội Ðồng, Ðức Cha Garachana Perez trả lời:

"Tôi nghĩ rằng Thượng Hội Ðồng Giám Mục đã đối phó với đề tài rao giảng Tin Mừng một cách thành công và cách riêng về tất cả những người sống xa Giáo Hội, nghĩa là những người có tên là Công Giáo, nhưng không sống đầy đủ cái gọi là người Công Giáo của họ. Thượng Hội Ðồng Giám Mục đã bàn đến vấn đề nghèo khổ, nhất là đến những thực tại của NAM Châu Mỹ và cũng cứu xét cả những căn cớ gây nên tình trạng như vậy. Thượng Hội Ðồng Giám Mục đã nói đến phong trào đại kết, đến nền văn hóa, đến cuộc chung sống hòa bình giữa các nền văn hóa khác nhau và việc phải rao giảng Tin Mừng như thế nào qua các nền văn hóa. Tôi nghĩ rằng tất cả các vấn đế chính đã dược nêu lên và đã được bàn thảo trong Thượng Hội Ðồng Giám Mục này."


Back to Radio Veritas Asia Home Page